Trang chủ Nghiên cứu Triết học Giá trị tinh thần và vật chất: Đâu là nhân quả?

Giá trị tinh thần và vật chất: Đâu là nhân quả?

1336

Câu chuyện ngụ ngôn “Con hổ và con trâu với người trai cày” trong quyển Quốc văn giáo khoa thư – bậc Tiểu học, (Việt nam Tiểu học Tùng thư) từ những năm 40 của Thế kỷ XX, chắc chắn vẫn còn hằn sâu vào ký ức tuổi thơ ấu của lớp người, nay đã quá tuổi bảy mươi.

Chuyện rằng, Một con hổ to khỏe ngồi rình trên bờ ruộng… Nhưng nó chợt băn khoăn một điều kỳ lạ mà nó không thể hiểu nổi: Tại sao một con trâu mộng, với cặp sừng khỏe nhọn thế kia, mà phải cúi đầu lầm lũi trước một con người nhỏ bé như vậy? Nó quyết định lên tiếng hỏi trâu:

– Này trâu, sao mày to xác thế kia mà chịu để người hành hạ sai khiến vậy hả?

– Vì Người có Trí khôn! , trâu trả lời. Hổ quay sang hỏi anh trai cày:

– Này người kia! Trí khôn của mày đâu cho tao xem thử.

– Trí khôn tôi để ở nhà. Anh trai cày đáp.

– Mày về lấy đi!

– Tôi về để cho ông thịt mất trâu của tôi à?

– Không, tao thề là tao không ăn mất trâu của mày đâu!

– Tôi không tin! Anh trai cày lạnh lùng đáp.

– Vậy tao phải làm gì để mày tin?

– Ông thuận lòng để tôi trói ông vào gốc cây gạo kia một lúc vậy. Nhà tôi cũng gần đây thôi!

Hổ bằng lòng. Sau khi trói hổ vào gốc cây gạo xong, anh trai cày quay lại tháo lấy chiếc bắp cày, cứ nhè vào hổ mà bổ tới tấp: Trí khôn tao đây! Trí khôn tao đây!

Câu chuyện ngụ ngôn trên đây, nếu chỉ suy ngẫm từ góc độ triết lý dân gian, thì nó chứng tỏ rằng, từ xa xưa, tầng lớp bình dân cũng đã nhận thức được sức mạnh của lòng dũng cảm, một phương diện cụ thể của Tinh thần.

Dù tự xưng là Chúa tể muôn loài, con hổ kia vẫn cứ là ngốc nghếch khi đòi xem một thứ vô hình, mà theo bản năng, nó chỉ tin ở đôi mắt. Có lẽ triết lý hay nhất ở đây là hành vi của anh trai cày: Trước cái uy của hổ, anh bình thản đến lạnh lùng bằng cái tự chủ Ta vẫn là ta, nghĩa là trong anh, cái Tự do giản dị trọn vẹn và thanh khiết đang ngự trị. Chính vì thế, anh Sáng tạo một bài học cho hổ, mà cũng là cho “Đời”, rằng cái vô hình không tuyệt đối đồng nghĩa với cái hư vô trống rỗng.

“Trí khôn tao đây!” chứ không phải là “Tao giết chết mày!”, là một thông điệp nhân tính, chỉ đủ để cho hổ thốt lên: “Than ôi, thời oanh liệt nay còn đâu!” mà thôi, chứ không vì tham bộ xương quí và bộ da lông vàng tàu cau rực rỡ mà giết chết đời nó.

Nếu nhận dạng từ gương mặt Triết học của câu chuyện này, thi khái niệm Tinh thần là khái niệm trừu tượng, thuộc phạm trù Siêu hình, chỉ cảm nhận về mặt ngữ nghĩa chứ chẳng ai nhìn thấy hình thù nó ra sao cả. Vì thế, nếu không lý giải, thì không thể nhận thức một cách tức thời, sức mạnh cải tạo Thế giới, thúc đẩy Thế giới phát triển bằng chính ý chí tự do và sáng tạo của nó. Đó chính là cái mà người ta gọi là Giá trị Tinh thần, và được nhận thức như là nguyên nhân của Giá trị Vật chất.

Thật vậy, toàn bộ những giá trị vật chất, những thành quả lao động mà nhân loại thành tựu được, đều là những công trình của Tinh thần, những tượng đài và kiến trúc của tài năng nhân loại. Dù đó là một tháp chuông, một mái vòm của nhà thờ, những bản vẽ của đồ án máy bay, con tàu Vũ trụ, những bản giao hưởng của các thiên tài âm nhạc, thuyết Tương đối, các bích họa cổ điển, hoặc những ý tưởng cao cả thúc đẩy các dân tộc, thì mọi công trình của Tinh thần đều biểu lộ một ý chí sáng tạo vĩnh cửu. Cho dù Thời gian và Lịch sử tàn phá những niềm hy vọng ấy, thì Tinh thần sáng tạo ấy vẫn trường tồn cùng nhân loại. Tất cả đều là những giá trị tinh thần, được sản sinh từ một Thế giới huyền diệu: Thế giới Siêu hình!

Chúng ta thường đinh ninh rằng, Thế giới này, cuộc sống này, số phận của chúng ta đây, là do “Tạo hóa đã ra tay xếp đặt”, Tạo hóa là siêu phàm, là siêu việt. Ngài ở đâu đó trong Thế giới Siêu hình để dẫn dắt cuộc sống của muôn loài. Nhưng chúng ta không một chút đinh ninh rằng, cái Thế giới Siêu hình đó chính là Thế giới Tinh thần, là ý chí tự do, là khát vọng sáng tạo trong mỗi chúng ta. Vậy nên, cái phải được tôn vinh không phải là Tạo hóa, mà là chính con Người chúng ta.

Nhưng tại sao phát sinh xu hướng chối bỏ Tinh thần? và tại sao Khoa học ưu ái Vật chất? Chúng ta sẽ thấy những chứng cứ lịch sứ về điều đó từ Thế kỷ XVIII cho đến nhưng năm đầu Thế kỷ XX. Trong thời gian đó, Khoa học đã tạo điều kiện cho học thuyết Duy vật củng cố địa vị của mình, nhờ đó mà các gương mặt khác nhau của học thuyết Duy vật thắng thế. Bằng cách nào mà Khoa học đã tạo điều kiện hình thành ý niệm Vật chất ?

Thứ nhất, Khoa học là một công trình của Trí tuệ của thiên tài con người. Nền văn hóa khoa học là một trong những yếu tố chính của đời sống Tâm linh. Việc thực hiện Khoa học cũng giống như việc thực hiện Nghệ thuật là chiến thắng của Tinh thần con người.

Điều nghịch lý là, rõ ràng Khoa học là một sự tỏa sáng, là vinh quang của Tinh thần. Thế nhưng, cuối cùng thường xảy ra là nó chối bỏ Tinh thần. Thứ hai, chính bởi phương pháp tiến hành Khoa học, mà rốt cuộc, Khoa học bỏ quên Tinh thần. Vì sao? Vì nền tảng của Khoa học là tính khách quan. Tính khách quan ấy có hai hình thức: Một là tính khách quan của đói tương được nghiên cứu, hai là tính khách quan của nhà khoa học, cũng chính là tính khách quan của Chủ thể, của Tinh thần.

1. Với đối tượng được nghiên cứu, thì lịch sử của Khoa học là lột bỏ dần khỏi đối tượng những gì còn bị tính chủ thể trộn lẫn. Chẳng hạn, theo từng giai đoạn lịch sử: Bước đầu tiên là loại bỏ thuyết “Nhân hình” của tư tưởng tiền luân lý, kiểu như Thượng đế, Thần linh v. .v.. Khám phá Tự nhiên như đối tượng của Khoa học. Giai đoạn này được thực hiện từ sự thức tỉnh của Khoa học Hy lạp, từ Thế kỷ thứ V và thứ VI trước Công nguyên, mà tiêu biểu là trường phái Hippocrate. Bước thứ hai là thành lập khoa Luân lý hình thức, đó là công cụ nhận thức đối với Aristote. Tiếp theo, bước thứ ba là loại bỏ tính cứu cánh và “những hình thức thuộc bản thể”, đồng thời trao cho Tự nhiên những mục tiêu có tính ý hướng. Đó là công trình của Pascal và Descartes. Bước thứ tư là mở rộng tính cơ giới và thành lập thuyết tất định vào Thế kỷ XVIII và XIX v.v…

Tất cả những bước đi đó nhằm theo đuổi một cuộc thanh lọc đối tượng của Khoa học. Nghĩa là loại bỏ triệt để tính chủ quan và quan điểm nhân văn trong Khoa học.

2. Với Tính khách quan của Nhà khoa học, đó là sử dụng công cụ Toán học và phương tiện kỷ thuật để loại bỏ khỏi thực nghiệm sự can thiệp cá nhân của các Nhà khoa học. Thực nghiệm Khoa học có giá trị phổ quát và tất yếu. Tự do và nhân cách của Nhà khoa học không liên quan gì đến Thế giới của tính tất yếu Khoa học. Dù rằng, chính nhân cách, ý chí và tự do của Nhà khoa học thiết kế và tạo dựng nên mô hình thí nghiệm. Nhà khoa học suy tư về nó và thực hiện nó, nhưng lập tức ông ta biến mất khi quá trình thực nghiệm bắt đầu: Nhân cách và ý chí của ông ta, không bao giờ được thể hiện trong phương trình hay công thức sau cùng của cuộc thí nghiệm đó.

Mặt khác, Tinh thần luôn luôn hòa trộn trong Thế giới hiện thực. Cho nên khám phá Khoa học bao giờ cũng đương đầu với bất định, với ngẫu nhiên tự phát, đi cùng với cái tất yếu trong hiện thực đó. Vì vậy, Khoa học phải thực hiện một sự phân ly triệt để và thận trọng sự hòa trộn ấy. Hệ lụy đương nhiên là Nhà khoa học nhận lấy trách nhiệm về những gì liên quan đến ngẫu nhiên tự phát, chỉ còn để lại tính tất yếu thuần túy làm thành quả Khoa học mà thôi.

Kết luận:

Nếp gấp tư tưởng do sự phân ly triệt để khách quan và chủ quan trong phương pháp luận Khoa học cổ điển, đã và đang còn hằn sâu, ảnh hưởng không nhỏ đến nhận thức luận Thế giới hiện đại.

Việc lọc bỏ chủ quan một cách cứng nhắc trong thực hành Khoa học, cùng với thuyết Tất định, đã làm cho tự do và trách nhiệm của nhà khoa học biến mất khỏi phương trình của Thế giới. Vũ trụ không linh hồn, mà người ta xây dựng ra lúc bấy giờ, sẽ đè bẹp Nhân tính.

Vì lẽ đó, mà thiên tài của con người dường như gắn liền với sự tiêu vong. Từ giữa Thế kỷ XX, các nhà bác học, các Triết gia đã bắt đầu xúc động về điều đó, họ đã mạnh mẽ khước từ sự phi nhân bi thảm của thực tại: Cùng với tuyên bố của A. Einstein, G. Marcel đã cho công bố tác phẩm “Nhân loại chống tính Người” , gây một chấn động không nhỏ trong dư luận khoa học.

Tuy nhiên, ảnh hưởng ấy vẫn còn trói buộc tự do nhà khoa học ngay trong Thế kỷ XXI. Ví dụ như trong Ngành Điều khiển học: Nhà khoa học chế tạo ra một Người máy. Đó là sản phẩm của lao động sáng tạo, một suy tư nghệ thuật, một công nghệ và một Khoa học đẳng cấp cao.

Nó là kết quả của trí tưởng tượng tự do bay bổng, của thiên tài tính toán trùng khớp giữa trừu tượng với hành vi Người máy. Tóm lại, cái đáng kinh ngạc khi trình diễn Người máy, chính là tài năng của Nhà khoa học. Thế nhưng, tác giả trình bày thành tựu của mình chỉ như kết quả tương tác của các qui luật tự nhiên, của tính tất định Khoa học, nghĩa là ông ta rút lui khỏi công trình của mình.

Người máy của ông chỉ còn lại tính khách quan mang dấu ấn của tính tất yếu. Vì hành vi của Người máy rất giống hành vi con người, cho nên kéo theo một sự xác tín nguy hiểm rằng, mọi hành vi con người là hệ quả có cùng bản chất. Cho nên, thay vì tôn vinh Tinh thần của nhà sáng chế, người ta sẽ nói: Mọi hoạt động sinh học và mọi tư tưởng đều là những áp dụng khác nhau các qui luật điện tử!