Trang chủ Văn hóa Nghệ thuật GIAI ĐIỆU NHIỆM MẦU NGÀY PHẬT ĐẢN

GIAI ĐIỆU NHIỆM MẦU NGÀY PHẬT ĐẢN

513

 

 



Những giai điệu, bài ca, điệu múa đầy ắp triết lý  Phật giáo được các thế hệ nhạc sĩ, nghệ sĩ phát tâm cúng dàng, dệt nên bằng chính trái tim tràn đầy yêu thương và lòng thành kính dâng lên Tam Bảo thiêng liêng trong dịp Phật dản PL 2559 này. Đến bữa “dạ tiệc” của âm thanh và ánh sáng, những ai có thiện duyên được thưởng thức đều thấy đọng mãi trong tâm hồn cảm xúc linh thiêng, để rồi cơ hồ như được chính thức bước vào cõi nhân gian trong khoảnh khắc hy hữu đó.

Thượng tọa Thích Minh Hiền- Trưởng ban Văn hoá GHPGVN t.p Hà nội ,Giám đốc sản xuất Chương trình Hương sen màu nhiệm bày tỏ: “Mỗi độ sen nở, người đệ tử Phật không chỉ đơn thuần kỷ niệm ngày xuất thế của Đức Bản Sư mà còn là cơ hội để thực nghiệm nếp sống  tri ân và báo đáp Tứ trọng ân. Do vậy, kể từ năm 2010, chương trình ca múa nhạc Phật giáo Hương sen màu nhiệm ra mắt với sự tham gia của các đạo diễn, ca sĩ,hoạ sỹ …vv đều là những nghệ sĩ tên tuổi trong nền âm nhạc Việt Nam hiện đại. Đồng thời họ cũng là những người Phật tử, phát tâm theo con đường Giác ngộ vì chúng sinh an lạc, vì một thế giới thanh bình. Với tâm niệm thông qua âm nhạc Phật giáo để truyền tải nội dung tư tưởng của Đức Phật đến với công chúng bằng con đường âm nhạc nghệ thuật, nên “Hương sen màu nhiệm” là chương trình âm nhạc đặc sắc, không chỉ dành riêng cho Tăng ni, Phật tử mà còn dành cho hết thảy những ai yêu thích âm nhạc. Năm năm qua, biết bao khán giả, đặc biệt là giới thanh thiếu niên Phật tử đã đến với âm nhạc Phật giáo đương đại thông qua chương trình “Hương sen màu nhiệm”, rồi được học và tự tìm hiểu để biết về hành trạng của Đức Thế Tôn, Bậc Chính Giác thị hiện khai mở cho nhân loại chân trời trí tuệ. Tâm hồn thanh thiếu niên được khắc sâu hình ảnh cuộc đời Đức Phật, kể từ những bước chân đầu trên bẩy đóa sen tinh khiết, thánh thiện, vô nhiễm, đến một sự nghiệp cao cả cứu độ chúng sinh được an vui, giải thoát khổ đau giữa cõi đời ô trược”.

Chương trình nghệ thuật đặc sắc năm nay được khai mạc bởi dàn hợp xướng “ Hương sen màu nhiệm” do nhạc sĩ Phật tử Diệu Thiện sáng tác, phỏng thơ Sơn Nam, qua phần lĩnh xướng của ca sĩ Phật tử Tâm Đức – Thanh Quý cùng dàn hợp xướng Hương-Thiên. “Hoa sen sắc hương màu nhiệm/Ngàn xưa có từ thuở nào/ Dệt nên sắc màu bạch ngọc/ Đài kết ánh vàng trăng sao/Từ nơi nước đục bùn lầy/Mà hương sắc nghiêng mây trời/ Tuệ hương ngát trăm miền /Giải thoát hết ưu phiền/ Đài kết ánh đạo thuyền/Từ quang sáng đất trời…” Lấy ý tưởng từ Kinh Pháp hoa,những ca từ gần gũi,dễ hiểu, ngọt ngào đem hương sen huyền vi trải khắp khán phòng. Tiếp đến ca khúc Sen vàng gót ngọc, sáng tác nhạc sĩ Cù Lệ Duyên, biểu diễn Phật tử Thanh Quý. Nối sau là ca khúc Hoa ưu đàm tỏa sáng, sáng tác của nhạc sĩ Hằng Vang, do ca sĩ Phật tử Tân Nhàn –Tuấn Anh biểu diễn. “Hoàng hậu Ma-Da ứng mộng điềm lành/ Từ cung trời đâu xuất Voi trắng bay về/ hoàng thành Ca-Tỳ-La vệ/voi trắng sáu ngà toả sáu màu hiển linh… Hoàng hậu Ma – Da  ứng mộng điềm lành… Vịn cánh hoa Ưu Đàm, hoàng hậu Ma – Da dừng tại hai tháp hoa/ Người sinh thái tử hào hoang toả rạng…” Sự kiện đản sinh được tái hiện vô cùng linh thiêng và đầy sắc màu huyền nhiệm.

Kế đến tác phẩm Lạy Phật con về, sáng tác của Phạm Mạnh Cương với phần thể hiện của ca sĩ Phật tử Tâm Như –Tân Phương, đã đưa khán giả thiêm đắm vào nét giai điệu thuần chất đạo ca, mộc mạc mà sâu lắng như tiếng lòng khắc khoải da diết nhưng chân thành, là sự “bừng ngộ” của trí tuệ viên mãn về cuộc sống nhân gian dưới ánh sáng giác ngộ của Phật pháp. “Lạy Phật con xin sám hối, con đã quay về đài sen. Lạy Phật con xin sám hối, con đã thấm nhuần ánh dương”.  

“Chùa Một Cột tòa sen ngát ngàn phương, đường Cổ Ngư đây Trấn Quốc ,Bảo điện Kim Liên, từ ngày Quốc sư Vạn Hạnh –Người mở lối xây triều đại huy hoàng lưu danh ngàn năm. Trời Thăng Long sáng trong ngàn sao, từ tâm muôn phương hướng về đài sen…” Đó là những lời ngọt ngào của “Ngàn năm sen mãi nở hoa”, là một trong số ít những ca khúc về chủ đề Phật giáo của đất Kinh kỳ Thăng Long- Hà Nội. Đây cũng là một trong những sáng tác mới của nhạc sĩ Phật tử Diệu Thiện – Cù Lệ Duyên, khán giả được thưởng thức qua tiếng hát của nam ca sĩ Tuấn Anh.

Tiếp nối, hình ảnh người xuất gia từ bi và độ lượng, người không ngừng ngơi nghỉ trên bước đường cứu độ chúng sinh, ban pháp nhũ cho các Phật tử, giúp chúng con trong mọi suy tư, trăn trở. Người luôn bên chúng con trên mỗi bước đi trên con đường đời thênh thang nhưng với biết bao trở ngại gian khó. Hình ảnh Người với tấm áo cà sa luôn tỏa sáng ấm lòng chúng con được phác họa trong ca khúc “Áo cà sa” được nhạc sĩ Cù Lệ Duyên sáng tác với tấm lòng thành dâng lên Tăng bảo khả kính. Nhạc phẩm được trình diễn bởi NSƯT Quốc Hưng và vở múa Bình minh sen tỏa do biên đạo múa Kiều Vân và các nghệ sỹ thể hiện.

Âm vang thành kính không thể tắt, mà được nâng đỡ tiếp bởi một tác phẩm khác cũng mới được sáng tác của nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng mang tên “Sám hối mười phương”.  Khúc hát trữ tình được ca sĩ Lan Anh truyền tải qua giọng hát thính phòng châu Âu, hoà quyện với những âm luyến láy của âm nhạc cổ truyền Việt Nam đưa khán giả đến với những hình ảnh thật sinh động. Ta bâng khuâng khi được chạm vào tiếng khóc chào đời thơ ngây bé bỏng, rồi lại ngỡ ngàng khi ngay sau đó đến khúc biệt ly đã từng trải qua. Những lời ca ngắn ngủi của một kiếp người cùng biết bao mê lầm đã trôi quá nhanh trong bể khổ nhân gian. Và tiếng lòng xuyên suốt bài hát dường như muốn trả lại cho cuộc sống nhịp điệu của bình yên dẫn dắt những con người: “Từng giờ lạc lối/ Từng ngày giục than/ Ngập tràn u tối/ Ai ơi xám hối/ Tìm đường về mau/ Quỳ nghe kinh màu/ Đạo Phật từ bi/ Gột mọi lầm lỗi/ Người người thương nhau”.

Nghe Sám hối mười phương, bỗng lòng ta thấy vang lên tiếng nhắc nhở mau soi rọi lại bản tâm-tìm đường về chính mình, để hiểu biết và yêu thương nhau. “…Hương sen thơm ngát, một vầng hào quang, nhạc reo lưng trời. Phật đại từ bi, tọa thiền ngàn xa, nhẹ nhàng soi sáng. Nhân gian trăm lối, một lòng về đây, quỳ nghe kinh màu. Phật đạo từ bi, gột sạch tội lỗi, người người ơn sâu…”.

Chúng ta đã rất quen thuộc và yêu mến ca sĩ Phật tử Diệu Ngọc – Mỹ Linh, một Diva của làng nhạc nhẹ Việt Nam. Nhưng có lẽ không nhiều người biết rằng, Mỹ Linh và các thành viên trong gia đình chị còn là những Phật tử thuần thành, rất nhiệt tâm với những hoạt động nghệ thuật Phật giáo, góp phần xiển dương chính pháp, đưa đạo Phật đến gần hơn nữa với công chúng hiện nay. Tại đêm Hương sen màu nhiệm lần này, ca sĩ Mỹ Linh đã trình bày ca khúc chắp tay hoa của nhạc sĩ Phạm Duy, lời Phạm Thiên Thư. “Chắp tay lạy Người cho xin nụ cười/ Chắp tay lạy Trời cho đám mưa rơi/ Chắp tay lạy Đất cho mầm cây tươi/ Chắp tay lạy Nước cho mát cõi đời…”. Đạo mà cũng rất đời, bài hát với những tiết tấu ngắn, âm hưởng rộn ràng tươi tắn, kết hợp nhạc nền trì tụng xuyên suốt bài hát như tiếng mõ, giữ nhịp cho điệp từ chắp tay lạy, khiến người ta liên tưởng đến âm vang và nhịp điệu của cụm từ “Sắc tức thị không, không tức thị sắc”.  

Kết thúc chương trình, màu sắc âm nhạc dân gian Việt Nam hòa quyện với âm hưởng âm nhạc đương đại trong bản hợp xướng Thế Tôn Ca đã giúp khán giả chiêm ngưỡng vẻ tôn nghiêm, ngời sáng  hình ảnh Đức Như Lai.  Bên cạnh đó, cũng truyền tải những tâm tư, tình cảm, lòng kính ngưỡng của Phật tử và công chúng đương đại với Người: “Phật là ánh sáng bao dung muôn loài, là bậc chính giác thiêng liêng đời đời. Phật là yêu thương từ bi giải thoát, Phật là nắng ấm quê hương thanh bình, là ngày thế giới hoan ca đại đồng…” Lời ca vang vọng lòng yêu kính vô bờ bến với Đức Phật Thích Ca Mâu Ni – đấng vô thượng từ bi trí tuệ của nhân loại, Người đã vì một đại nghiệp lớn lao, từ bỏ mọi tiện nghi vật chất để cầu giải thoát. Và sau khi chứng được đại quả vô thượng bồ đề, Ngài đã hiến cả cuộc đời cho công cuộc hoằng hoá độ sinh. Tiết mục biểu diễn đã làm nên hiệu quả bất ngờ, đã truyền tải được vẻ tôn nghiêm, ngời sáng của hình ảnh Đức Thế Tôn, nhưng cũng chứa đựng những tâm tư tình cảm, lòng kính yêu vô bờ bến của Phật tử đối với Tam bảo.

Đêm nhạc mừng đại lễ Phật đản của Tăng-Ni Phật tử Thủ đô đã khép lại nhưng dư  âm thành kính ,ngọt ngào sâu lắng vẫn còn đọng mãi trong khán phòng của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt nam và công chúng Thủ đô Hà nội.

Bài của Quảng Tuệ.