Trang chủ Thời đại Hoằng pháp Gian nan bố thí pháp ở nơi nhiều tà đạo, hủ tục

Gian nan bố thí pháp ở nơi nhiều tà đạo, hủ tục

121

Khó khăn lớn nhất là hủ tục, ngôn ngữ

Những nơi xa xôi, những vùng ấy dân cư thưa thớt, đời sống kinh tế vật chất khó khăn, kiến thức của người dân còn thấp.

Trao đổi với PV Kienthuc.net.vn, Sư cô Thích Diệu Thông – Ủy viên Ban trị sự Phật giáo tỉnh Cao Bằng chia sẻ: “Người dân ở vùng non cao chưa có điều kiện để tiếp xúc với những nền văn minh khoa học hay những tư tưởng giác ngộ giải thoát của những bậc vĩ nhân”.

Su11.jpg
Sư cô Thích Diệu Thông: “Khó khăn lớn nhất là hủ tục, ngôn ngữ”

Việc Hoằng pháp vùng sâu vùng xa là đem giáo pháp của Đức Phật phổ biến hay truyền bá đến những nơi không có Phật pháp hoặc những nơi Phật pháp chưa được phát triển. Tuy nhiên việc này hiện nay còn đang gặp rất nhiều khó khăn.

“Hoàn cảnh địa lý đặc biệt chưa được mở mang, đường xá đi lại gặp nhiều khó khăn bởi đồi núi nhiều. Mặt khác, đời sống vật chất và tinh thần còn thấp, còn yếu kém về mọi sinh hoạt” – Sư cô Diệu Thông cho biết.

Cũng theo Sư cô thì nếp sống cũ ở đây còn nhiều hủ tục vốn đã ăn sâu vào tiềm thức của bà con. Với bản chất thuần hậu, thật thà rất dễ bị tà đạo lợi dụng, việc đưa giáo lý thánh thiện của đạo Phật đến với bà con là cả một vấn đề lớn.

Phương tiện thù thắng nhất mà vị sứ giả của đức Như Lai là đừng ngại gian khổ, tài pháp nhị thí song hành. Đặc biệt là phải sống gần gũi với bà con, phải là tấm gương mẫu mực.

“Nhưng ngoài những khó khăn về địa lý, đời sống người dân thì vấn đề gây trở ngại nhất trong việc Hoằng pháp là về ngôn ngữ. Ở vùng núi, gần 100% là người dân tộc, không phải ai cũng hiểu và biết nói tiếng người Kinh. Do đó, việc người dân tiếp cận và quý Thầy giảng pháp gặp nhiều khó khăn” – Sư cô Diệu Thông nhấn mạnh.

Đó còn chưa kể đến nhiều người còn nhìn nhận Phật giáo là mê tín, dị đoan. Bà con miền núi còn theo phong tục tín ngưỡng bán con lên chùa để gửi Đức Chúa Ông, với mong muốn con cháu họ được che chở nơi cửa Phật.

Đưa Phật pháp về với non cao

“Tính Phật không phân chia miền xuôi hay miền ngược nhưng cái khó của người tu sĩ đi Hoằng pháp ở núi dốc rừng cao chính là phải hiểu phong tục tập quán của mỗi vùng miền và khéo vận dụng để làm cho Phật tâm bừng sáng” – Sư cô Diệu Thông cho hay.

Cũng theo Sư cô thì việc Hoằng pháp ở đây có thể là trực tiếp giảng dạy giáo pháp cho mọi người, để mọi người nghe, hiểu và áp dụng tu tập mang lại an lạc, giải thoát. Đây là phương pháp hữu hiệu nhất được áp dụng dưới thời đức Phật cũng như thời nay.

Theo giáo lý của đạo Phật thì “Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác”. Thời đại của văn minh của khoa học điện tử cũng là trọng tâm của Phật giáo. Vận dụng nó làm phương tiện cho sự nghiệp lưu truyền chính giáo.

Sư cô Diệu Thông tâm sự: “Hằng năm, Ban Hoằng pháp của tỉnh hội Phật giáo đã khuyến khích các chùa trên địa bàn làm Phật sự, giảng pháp tại các vùng có nhiều người dân tín đạo Phật. In tờ rơi giới thiệu sơ lược Phật giáo viết bằng tiếng dân tộc để cho người dân dễ sử dụng”.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn như địa bàn hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt, phương tiện thiếu thốn, có khi còn gặp sự hiểu lầm nhưng những người tu sĩ vẫn luôn giữ thái độ bình tĩnh, nhẫn nại, chịu đựng gian khổ để mang ánh sáng từ bi đến với trời người ở non cao.

“Chúng tôi hoàn toàn không nghĩ rằng mình làm Phật sự là đang tạo công đức, mong được thiện quả. Tất cả đều được hồi hướng công đức cho mọi người ở vùng cao, cho hết thảy chúng sinh đang đau khổ” – Sư cô Diệu Thông cười nói.

Tại đại hội Phật giáo tỉnh Cao Bằng, PV Kienthuc.net.vn có gặp gỡ cụ Hoàng Thị Thiếm (dân tộc Nùng, quê ở xã Hà Trung, TX Cao Bằng) chia sẻ: “Đối với các Phật tử cao tuổi ở vùng xa xôi, còn gì vui bằng khi được quy y Tam Bảo, được sinh hoạt có tổ chức theo đạo tràng. Đồng thời được quý Thầy hướng dẫn tụng Kinh, niệm Phật…”

Cũng theo cụ Thiếm thì nhờ có các buổi giảng giáo lý về, các khóa giảng dành riêng cho giới trẻ đã làm cho mọi người hiểu thêm về đạo Phật. Từ đó có cuộc sống an lạc và dần giảm bớt những hủ tục tín ngưỡng lạc hậu ở đây.

Bùi Hiền

Theo: Kienthuc.net.vn