Trang chủ Văn hóa Nghi lễ Hà Nội: Khai đàn chẩn tế tại Sóc Sơn, gần 1000 Tăng...

Hà Nội: Khai đàn chẩn tế tại Sóc Sơn, gần 1000 Tăng Ni, hơn 3000 Phật tử tham dự

159

5 giờ sáng,  tiết trời se se lạnh, trên núi Sóc bảng lảng đôi chút sương sớm. Trong khu di tích, khắp nơi đèn điện sáng chưng, trang hoang lộng lẫy, trang nghiêm. Các Ban thờ Phật, Toà Đại Phật tuyên dương, Ban thờ Thập điện Diêm vương, Ban thờ vong trên sân chùa Non Nước và Ban thờ Địa Tạng Vương dưới chân núi, trước cổng Tam quan Học viện Phật giáo Việt Nam, được trần thiết theo lề lối Phật giáo cổ truyền miền Bắc đã được trang hoàng thập phần mỹ hảo. Mọi sự chuẩn bị đã hoàn thành. Chư Tôn đức Tăng ni, khoảng gần 250 vị đang chuẩn bị Pháp phục, khoảng hơn 500 Phật tử ở lại từ hôm trước và đến sớm nay, đã tề tựu.


5 giờ 30 phút, Lễ Nghinh sư duyệt định được cử hành với nghi thức rước rất long trọng. Thượng tọa Thích Thanh Nhã – Chánh Thư ký Thành hội Phật giáo Hà nội, Viện chủ Tổ đình Trấn Quốc ở ngôi Sám chủ, dẫn đầu Tăng Ni chúng rời Tổ đường lên Đại điện. Thượng tọa Thích Quang Hà đến từ Nam Định ở ngôi dẫn lễ. Tiếng chuông, trống, mõ, thanh la, não bạt… qua tăng âm, rền vang núi rừng, lay động không trung.


Đúng 6 giờ, đoàn rước khởi giá xuống núi. Đi đầu là cảnh múa lân dẹp đường của đội múa lân xã An Khê, huyện Quỳnh Phụ – Thái Bình. Tiếp sau là đoàn Kim nhạc (nhạc kèn) đến từ huyện Vĩnh Bảo – Hải Phòng. Theo sau là đoàn vũ nhạc cổ dân tộc đến từ nhà hát tuồng Trung ương, v.v. Cả đoàn rước kéo dài hàng trăm mét. Càng đi càng đông, do Phật tử từ khắp nơi nườm nượp đổ về. Nhìn biển số xe thì thấy hầu khắp cả miền Bắc, kể cả nơi xa xôi như Yên Bái, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, v..v. Khi đoàn rước xuống đến chân núi, ước tính có tới hơn 2.000 người tham dự.


Đúng 9 giờ, Lễ Bạch Phật được cử hành tại Đại điện, trong khi cả khu chùa Non Nước đen đặc người. Hệ thống truyền thanh, truyền hình được mắc khắp nơi, tải mọi hoạt động từ  nơi hành lễ tới mọi người.


Tham dự đại lễ có sự hiện diện của: chư Tôn đức Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự, Tăng, Ni Văn phòng I Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Thành hội Phật giáo Hà Nội, Học viện Phật giáo Việt Nam, Đại diện chư Tăng chùa Non Nước: Hoà thượng Thích Thanh Chỉnh -Phó Chánh thư ký HĐCM, Trưởng Ban Trị sự Thành hội Phật giáo Hà nội, Viên chủ Tổ đình Bà Đá; Hoà thượng Thích Mật Trọng – Thành viên HĐCM, Viện chủ Tổ đình Ninh Hiệp – Chùa Nành; Hoà thượng Thiền sư Thích Nhất Hạnh – Sư ông Làng Mai; cùng chư vị Thượng tọa: Thích Gia Quang, Thích Bảo Nghiêm, Thích Thanh Nhã, Thích Thanh Đạt; chư Đại đức Thích Đức Thiện… và đông đảo Tăng Ni trong nước, trong đó có hơn 300 Tăng Ni sinh Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, Tăng thân Quốc tế Làng Mai, đại biểu các cấp hữu quan, báo giới trong và ngoài nước và  khoảng hơn 3.000 Phật tử gần xa.


Hoà thượng Thích Thanh Chỉnh chủ tọa Đại lễ Bạch Phật và ban Đạo từ. Trong đó, Ngài tán thán công đức của Lịch đại Tổ sư, đặc biệt là Tam Tổ Trúc Lâm Huyền Quang, đã khai sinh ra khoa cúng Chẩn tế giàu tinh thần nhân văn, lưu truyền cho tới ngày nay. Ngài ca ngợi Hoà thượng Thiền sư Nhất Hạnh đã có nhiều Phật sự trong và ngoài nước bồi đắp gốc rễ, khai thông suối nguồn, kế tục Tiên Tổ, đóng góp cho sự phát triển và hội nhập của Phật giáo Việt nam trong thời đại ngày nay.


Bên ngoài, trời u ám, lắc rắc mưa, rất gợi. Tuy là đi hội Trai đàn mùa Xuân mà tôi bỗng nhớ đến ngày Xá tội vong nhân mưa dầm tháng  Bảy. Lòng chợt thấy se lại, trỗi dậy từ trong lòng, những vần thơ đứt ruột:


Đàn Chẩn tế vâng lời Phật giáo,


Của có chi? Bát cháo nén hương,


Gọi là manh áo thoi vàng,


Giúp cho làm của ăn đường thăng thiên.


Ai đến đây, dưới trên ngồi lại,


Của làm duyên chớ ngại bao nhiêu,


Phép thiêng biến ít thành nhiều,


Trên nhờ Tôn giả chia đều chúng sinh.


Phật hữu tình Từ Bi phổ độ,


Chớ ngại rằng có có không không…


NamPhật, NamPháp, Nam vô Tăng,


Nam vô! Nhất thiết siêu thang thượng đài!


Lại thấy rất thâm trầm, Tâm Phật, ý Tổ để tổ chức trai đàn ở chùa Non trên Núi, đường đầy góc khúc, quang co, chập chùng, đứng chỗ nào cũng không thể nhìn thấy toàn cảnh Trai đàn. Đi đến chỗ nào, góc nào, cửa nào thì chỉ thấy chỗ đó, chỗ khác đã chỉ còn lại là ảnh tướng. Giống như xem tranh cuộn cổ điển vậy. Vừa mở xem lại vừa cuộn lại cất đi. Phải chăng cũng là ý chỉ Hiện pháp lạc trú của nhà Phật?


Lại giật mình thảng thốt, khi đoàn rước vừa tới Ban thờ Đức Địa Tạng Vương Bồ tát dưới Núi để rước Vong lên chùa, bỗng  một chiếc cốc nến đang cháy trên toà đột ngột rơi xuống vỡ tan, một con bướm đen chấm nhạt vật vờ bay ra chập choạng, vờn quanh Chủ lễ, cứ như muốn níu lấy cái gì đó ở chư Tăng. Hồi lâu rồi mới bay đi. Chả biết là làm sao, nhưng tự trong lòng thấy hơi lạnh…


Sau lễ Bạch Phật là Thời Pháp của Thiền sư cho Đại chúng tới 11 giờ cùng ngày.


Chương trình của Trai đàn sẽ tiếp diễn theo kế hoạch đã định.


PTVN xin gửi tới độc giả chùm ảnh về Trai đàn Chẩn tế tại Sóc Sơn.

























Đoàn rước khởi giá xuống núi




























Sám chủ, Thượng tọa Thích Thanh Nhã, Trưởng ban Nghi lễ Thành hội Phật giáo Hà Nội






Hòa thượng Thích Thanh Chỉnh, Phó Chánh thư ký Hội đồng Chứng minh, Trưởng Ban Trị sự Thành hội Phật giáo Hà Nội












Thời pháp thoại của Hòa thượng Nhất Hạnh


Tin thêm. Đêm trước lễ Khai đàn chẩn tế, Tăng ni sinh Học viện Phật giáo Việt Nam tại Sóc Sơn đã có buổi gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ, liên hoan văn nghệ Phật giáo với Tăng Ni trẻ của Đạo tràng mai thôn. Trong ánh lửa bập bùng ấm áp của tình huynh đệ đồng đạo, những lời ca tiếng hát, câu hò vang lên thật hồn nhiên tươi tắn mà vẫn chỉn trang ý nhị. Thêm hiểu và thêm thương là điều mà buổi sinh hoạt này mang đến cho mỗi người. Đống lửa đêm hội dần tàn mà tình đạo tình đời thì còn ấm mãi