Trang chủ Tin tức Hải Phòng: Hội thảo Nghi lễ Phật giáo toàn quốc với chủ...

Hải Phòng: Hội thảo Nghi lễ Phật giáo toàn quốc với chủ đề “Kế thừa, bảo tồn và phát huy truyền thống Nghi lễ Phật giáo Việt Nam trong thời kỳ hội nhập”

462

Sáng nay, ngày 02/7/2022 Hội thảo Nghi lễ Phật giáo toàn quốc với chủ đề “Kế thừa, bảo tồn và phát huy truyền thống Nghi lễ Phật giáo Việt Nam trong thời kỳ hội nhập” được tổ chức tại Trung tâm tổ chức sự kiện Draco- Thăng Long, số 2 Hoàng Văn Thụ, quận Hồng Bàng Tp. Hải Phòng.

Chứng minh tham dự Hội thảo có Trưởng lão HT. Thích Thanh Dục- UVTT HĐCM, Chứng minh Đạo sư BTS GHPGVN tỉnh Thái Bình; HT. Thích Thiện Nhơn- Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN; HT. Thích Thiện Pháp- Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS, Trưởng Ban Tăng sự TƯ GHPGVN; HT. TS. Thích Quảng Tùng- Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban TTXH TƯGHPGVN, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN TP. Hải Phòng; HT.TS Thích Bảo Nghiêm- Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Hoằng pháp TƯ GHPGVN, Đại biểu QH Nước CHXHCNVN Khóa XV; HT. Thích Quảng Hà- Phó Chủ tịch HĐTS, Phó Ban TT Ban Kiểm soát TƯ GHPGVN, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Nam Định; HT. Thích Khế Chơn- Phó Chủ tịch HĐTS, Phó TT Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế; HT. TS. Thích Thanh Đạt- UV Thư ký HĐTS, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Học viện Phật giáo Việt Nam; HT. Thích Thanh Giác- UVTT HĐTS, Phó Trưởng Ban TT Ban Nghi lễ TƯ, Phó Trưởng Ban TT Ban Trị sự GHPGVN TP. Hải Phòng; HT. Thích Huệ Minh- UVTT HĐTS, Trưởng Ban Nghi lễ Trung ương; TT. Thích Quang Thạnh- UV HĐTS, Phó Chánh VP2 TƯ cùng chư Tôn giáo phẩm HĐCM, HĐTS GHPGVN; Chư Tôn đức Tăng ni Ban Nghi lễ các Tỉnh, Thành về tham dự.

Dự Hội thảo  có sự hiện diện của ông Lê Minh Khánh- Vụ trưởng Vụ Phật giáo Ban Tôn giáo Chính phủ; ông Lê Khắc Nam- Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng; ông Trần Anh Cường- Phó Chủ tịch UBMTTQVN TP. Hải Phòng; ông Đào Duy Phương- Phó GĐ Sở Nội vụ TP. Hải Phòng; ông Dương Ngọc Anh- Trưởng Ban Tôn giáo TP. Hải Phòng; Thượng tá Phạm Văn Khánh- Trưởng phòng An ninh Nội địa Công an TP. Hải Phòng; cùng các Học giả, các nhà nghiên cứu về tham dự Hội thảo.


Hòa thượng Thích Huệ Minh  trưởng ban Nghi lễ TƯ GHPGVN – Trưởng ban tổ chức phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc, Hòa thượng Thích Huệ Minh cho biết kể từ sau Hội thảo Nghi lễ Phật giáo toàn quốc lần thứ 2 được tổ chức năm 2010 tại TP.Nha Trang (Khánh Hòa) đến nay đã tròn 12 năm. Một thời gian khá dài để Ban Nghi lễ triển khai các nội dung đã thông qua tại 2 lần hội thảo, với những thành tựu đã đạt được như chuẩn hóa về pháp phục, kinh nhật tụng, nghi thức tụng kinh Phật đản, cầu an quốc thái dân an đầu năm… đã đạt được những thành quả tốt đẹp.

Hội thảo lần này nhằm đẩy mạnh công tác của Ban Nghi lễ Trung ương và phát huy theo hướng “Kế thừa, bảo tồn và phát huy truyền thống Nghi lễ Phật giáo trong thời kỳ hội nhập”. Thông qua hội thảo, chư tôn đức Tăng Ni, Phật tử, các nhà nghiên cứu, các đại biểu sẽ có thêm tầm nhìn về những giá trị đạo đức trong sáng, những yếu tố tâm linh trong cuộc sống chính là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với tất cả chúng ta, Hòa thượng Trưởng ban Tổ chức nhấn mạnh.

Tiếp đó Ban tổ chức đón nhận những lẵng hoa chúc mừng tới hội thảo.


Hòa thượng Thích Thanh Giác   phát biểu chào mừng

Phát biểu chào mừng, Hòa thượng Thích Thanh Giác, Phó ban Thường trực GHPGVN TP.Hải Phòng đã điểm qua những địa danh và di tích lịch sử, cũng như những công trình văn hóa tâm linh và hành trạng chư vị Tổ sư ở thành phố cảng Hải Phòng. Theo Hòa thượng, nghi lễ Phật giáo luôn đồng hành cùng phong tục tập quán của dân tộc. Thế nhưng Phật giáo Việt Nam có nhiều hệ phái, nhiều vùng, miền, Hội thảo Nghi lễ Phật giáo toàn quốc lần thứ 3 này, là dịp phát huy những ưu điểm và khắc phục những tồn tại để hướng đến những thành tựu trong tương lai.


Đại đức Thích Hạnh văn đọc báo cáo

Đại đức Thích Hạnh Văn, Ủy viên Ban Nghi lễ Trung ương đã báo cáo công tác chuẩn bị cho hội thảo sau nhiều lần thỏa luận và trì hoãn do dịch. Hội thảo Nghi lễ lần thứ 3 được diễn ra trong bối cảnh xã hội Việt Nam đang bước vào giai đoạn bình thường mới. Bên cạnh đó, báo cáo cũng nêu bật những thành tựu của nghi lễ Phật giáo trong việc tổ chức các Đại giới đàn, lễ tưởng niệm các bậc tiền bối hữu công, các anh hùng liệt sĩ, các ngày vía quan trọng của Phật giáo và viếng lễ tang chư tôn giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội viên tịch.

Dịp này Trung ương Giáo Hội đã trao tặng Bằng tuyên dương công đức tới Ban trị sự GHPGVN TP. Hải Phòng và các đơn vị tài trợ cho Hội thảo

Ban Nghi lễ tặng quà tri ân đến Ban Trị sự GHPGVN TP.Hải Phòng.

Ban Nghi lễ trung ương tặng Quỹ Vì Biển Đảo Quê Hương 100 triệu đồng.

Hội thảo với chủ đề“Kế thừa, bảo tồn và phát huy truyền thống Nghi lễ Phật giáo Việt Nam trong thời kỳ hội nhập” nhằm chào mừng Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội vào tháng 11 năm 2022, đồng thời thiết thực hóa chương trình hoạt động chuyên ngành của Ban Nghi lễ trung ương. Để tiếp tục phát huy những thành quả đạt được và tìm giải pháp khắc phục các công tác Phật sự chưa đạt được, đồng thời để tiếp tục lắng nghe những ý kiến đóng góp thiết thực của chư Tôn đức và quý Đại biểu, quý học giả…thông qua Hội thảo lần này Ban Nghi lễ Trung ương sẽ nhận được nhiều ý kiến quý báu của chư Tôn giáo phẩm và quý Đại biểu trong việc thừa kế, bảo tồn và phát huy nền Văn hóa Phật giáo đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần vào sự nghiệp phát triển bền vững Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong Thế kỷ XXI và những Thế kỷ tiếp theo. Đối với Việt Nam từ thời đại các Vua Hùng đến nay, nhân dân Việt Nam luôn ý thức, mong muốn đất nước phần vinh, thịnh vượng. Để đạt được điều này thì trong cuộc sống phải có sự cân bằng hài hòa giữa hai yếu tố vật chất và tinh thần. Cho nên khi Đạo Phật truyền vào Việt Nam, trên cơ sở những tín ngưỡng bản địa, Nghi lễ Phật giáo đã dung hợp và tạo nên một đời sống tâm linh cho người dân ở mọi vùng miền trên đất nước mang đậm nét văn hóa dân tộc Việt. Nếu nghiên cứu Nghi lễ Phật giáo ở góc độ giải thoát , hay văn hóa tín ngưỡng thì nghi lễ Phật giáo là một trong những nhân tố cấu thành Văn hóa Dân tộc và Văn hóa Phật giáo. Với chủ đề“Kế thừa, bảo tồn và phát huy truyền thống Nghi lễ Phật giáo Việt Nam trong thời kỳ hội nhập” của buổi Hội thảo và có 9 chủ đề thảo luận. Kế thừa phát huy tính đặc thù Nghi lễ truyền thống Phật giáo Việt Nam và nghi lễ vùng, miền, Hệ phái. Nghi lễ Phật giáo trong đời sống Tâm linh của dân tộc Việt Nam. Ứng dụng Giáo dục Nghi lễ Phật giáo Việt Nam trong các trường Phật học. Thống nhất nghi lễ trong các Đại lễ của Phật giáo Việt Nam. Thống nhất nghi lễ Phật giáo đối với việc tổ chức Lễ tang cho hàng giáo phẩm, Tăng-ni trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Sử dụng pháp phục thống nhất theo truyền thống của Phật giáo Việt Nam trong các Đại lễ trong nước và nước ngoài. Sự tương quan giữa Nghi lễ Phật giáo với nhạc lễ Dân tộc. Sự hành trì tu tập theo truyền thống Nghi lễ Phật giáo Việt Nam. Ứng dụng Lễ nghi Phật giáo Việt Nam trong đời sống của người đệ tử Phật. Theo đó Ban Tổ chức Hội thảo nhận được 43 bài tham luận của chư Tôn đức thành viên Ban Nghi lễ Trung ương và Ban Nghi lễ các Tỉnh, Thành, các học giả và các nhà nghiên cứu.

Ông Lê Minh Khánh, Vụ trưởng Vụ Phật giáo – Ban Tôn giáo Chính phủ phát biểu chúc mừng hội thảo. Ông Lê Minh Khánh cho rằng, hội thảo được tổ chức lần này vô cùng quan trọng đối với việc bảo tồn, những giá trị văn hóa truyền thống Phật giáo cũng như dân tộc.

 Hòa thượng Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch Hội đồng trị sự TƯ GHPGVN Ban đạo từ

Phát biểu chỉ đạo hội thảo, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN tán thán những thành tựu mà Ban Nghi lễ Trung ương đạt được trong thời gian qua và nỗ lực để tổ chức kỳ hội thảo lần 3 này. Hòa thượng đề nghị toàn Ban Nghi lễ cần nỗ lực hơn nữa trong việc chọn lọc và đúc kết tinh hoa nghi lễ Phật giáo để vừa mang tính kế thừa vừa đáp ứng nhu cầu tâm linh của Tăng Ni, Phật tử.
Định hướng những nội dung cần thảo luận cho hội hội thảo, Hòa thượng chỉ đạo cần biên soạn nghi thức thống nhất trong các buổi lễ do Giáo hội tổ chức tại các đại lễ như: Đại lễ Phật đản, Đại giới đàn, nghi thức khai hạ, tự tứ, lễ tưởng niệm các tiền bối Tổ sư hữu công và các nghi thức quan trọng khác. Do tính đặc thù của từng vùng miền, Hệ phái Phật giáo Việt Nam, khi biên soạn nghi thức và chuyển ngữ Việt hóa hay thuần Việt làm sao cho phù hợp và thể hiện tính hài hòa, đáp ứng nhu cầu các nghi thức của Phật giáo đến từng vùng miền, Hệ phái trên tinh thần thống nhất trong đa dạng. Ban Nghi lễ kết hợp Ban Văn hóa sớm thực hiện thống nhất trong nghi thức về đề án ngôn ngữ dịch thuật, Việt hóa Kinh Nhật Tụng nên dựa trên các bản kinh mà các bậc tiền bối Tổ sư đã dịch và biên soạn để phù hợp vừa mang tính kế thừa vừa có sự kết hợp hài hòa giữa ngôn ngữ, nghi thức truyền thống và hiện đại, đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của Phật giáo Việt Nam.

Sau phiên khai mạc là phần Hội thảo khoa học.  Sau phần trình bày đề dẫn của Hòa thượng Thích Giác Liêm là phần  trình bày tham luận của các nhà nghiên cứu và học giả, trí thức. Hội thảo kết thúc vào chiều cùng ngày.

Một số hình ảnh ghi nhận được trong hội thảo.

Phúc Thịnh – Thiện Tâm