Trang chủ Văn học Hiếu đạo qua thơ ca bình dân Việt Nam

Hiếu đạo qua thơ ca bình dân Việt Nam

63

Công cha như núi Thái sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con
.”

Lời cao dao đó mang tính chất đặc thù của xứ sở. Chính nó đã cho ta thưởng thức tình mẹ ngọt ngào khi còn nằm ngửa trong nôi. Qua mái tranh nghèo giữa cánh đồng cằn khô mùa gió nóng. Tiếng hát mang nặng sắc thái hiền hoà như để dỗ dành hài nhi, giáo dục lòng hiếu kính từ thửa ban sơ, để khi lớn lên con tim sẽ nhịp đều theo cung phách của bài hát tình thương. Tình yêu của cha mẹ đối với con bao la như đại hải. Họ ý thức được mắc xích của tình thương ông bà đối với con cái, cháu chắc. Nên những cảm giác nhạy bén được phô bày:

Lên non mới biết non cao
Nuôi con mới biết công lao mẫu từ
.”

Chưa đủ, chúng ta còn bắt gặp âm thanh ru hỡi, ru hời dỗ dành khi con khóc. trình tự đó được hình dung qua hiện cảnh bên ngoài như sông dài biển rộng, non cao:

Ru hời, ru hỡi, ru hời
Công cha như núi ngất trời
Nghĩa mẹ như nước ngời ngời biển đông
Núi cao biển rộng mênh mông
Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi
.”

Và tính so sánh hiện ra rõ ràng hơn:

Công cha nặng lắm ai ơi!
Nghĩa mẹ bằng trời chín tháng cưu mang

Hoặc những lúc thả hồn vào dĩ vãng để nghe lòng mình tái tê rã rời:

Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa
Miệng nhai cơm mớn lưỡi lừa cá xương

Nếp sống con người nếu không bị dục vọng cưởng chế, tất nhiên ai cũng thừa nhận có một tình thương thiêng liêng gồm có nguồn sống vĩnh cửu trong tâm hồn mình khi hình dung đến cha mẹ:

Đội ơn chín chữ cù lao
Sinh thành kể mấy công lao cho bằng
Trời ơi có thấu tình chăng
Bước sang mười sáu ông trăng đã già

Khi đã xem cha mẹ là nguồn sống thiêng liêng, người bình dân cho các tình thương khác chỉ là phụ thuộc. Ví dụ như tình vợ chồng, Tình yêu vợ chồng đã là cao cả nhưng khi đem so sánh với tình thương cha mẹ thì nó còn nhỏ bé hơn. Mọi sự so sánh đều khập khiễng, tuy nhiên người bình dân vẫn có cái lý của họ. Nên họ bảo:

Mất mẹ, mất cha thật là khó kiếm
Chứ điệu vợ chồng không hiếm gì nơi

Thế mới biết tình thương cha mẹ cao trọng biết chừng nào. Cho nên công thức tỷ sánh ấy càng vượt xa gấp bội:

Còn cha gót đỏ như son
Một mai cha mất gót con đen xì

Hoặc:

Còn cha còn mẹ thì hơn
Không cha không mẹ như đờn đứt dây
Đờn đứt dây còn thay nối lại
Cha mẹ mất rồi con phải mồ côi

Hoặc cụ thể và gần gủi hơn người bình dân ví von rằng:

Bạc bảy đổi còn sách được vàng mười
Mồ côi đâu sánh được người có cha
.”

Hay:

Mất cha con cũng u ơ
Mất mẹ con cũng bơ vơ một mình

Sự so sánh đã cao độ, kể cả vàng bạc là một thứ của cải quý giá nhất trên đời thế nhưng khi đứng trước sự quý giá của tình thương cha mẹ, những thứ ấy cũng không thể bì kịp. Trong kinh phật, Đức Thế Tôn cũng đưa ra dẫn chứng vô cùng cụ thể. Để cho hàng đệ tử ý thức rằng còn cha, còn mẹ còn là diễm phúc lớn, Ngài đã dạy rằng:

Phụ mẫu hiện tiền như Phật tại thế

Ngôi vị Phật là tối cao cả nhưng còn có cha, có mẹ cũng là điều rất quý. Vì thế còn cha còn mẹ cũng như còn phật tại thế. Lời dạy tuy ngắn ngủi mà thâm thuý này của Đức Phật đã ăn sâu vào trong cốt tuỷ của người Việt Nam.

Người bình dân Việt Nam quan niệm: “Tu là cõi phúc tình là dây oan”. Nên Lắm khi họ chán ngán cuộc đời ô trọc, ác thế này, họ muốn dứt bỏ tất cả để bước vào chốn thiền môn nhưng khi nhìn lại mẹ cha còn đó, họ lại ,không an lòng dứt áo ra đi. Chúng ta hãy lắng lòng nghe tấm lòng nặng trũi thở than của người bình dân:

Lên chùa thấy Phật muốn tu
về nhà thấy mẹ công phu sao đành

Với nhận thức: “Còn cha còn mẹ như còn Phật tại thế” nên họ tìm một con đường tu đơn giản hơn, và mang hơi thở của sự tự mãn, an ủi:

Tu đâu cho bằng tu nhà
Thờ cha kính mẹ ấy là chân tu.

Đi sâu vào rừng thi ca bình dân mới thấy được lòng hiếu để đẹp, và nhiều cung bậc, nhiều tiết tấu, nhiều màu sắc như trăm hoa đua nở với muôn vẻ muôn màu bao la bát ngát tình đời, tình người. Thế mới biết tinh thần nười Việt Nam qua chữ hiếu mang nặng sắc thái giáo dục và chịu ảnh hưởng sâu đậm tinh thần Phật Giáo. Chúng ta tự thấy hãnh diện khi có được kho tàng quý giá đó để thưởng thức.

Ở các nước văn  minh trên thế giới, người ta thoả thuận lấy ngày mồng 10 tháng 5 là ngày của mẹ. Tại Việt Nam ta từ thập niên 50 trở lại đây hàng phật tử nhân ngày lễ Vu Lan đã tổ chức lễ Bông Hồng Cài Áo. Những người con Phật được diễm phúc còn sống bên cạnh mẹ hiền sẽ được cài lên áo đoá hoa hồng đỏ thắm và đoá hoa màu trắng sẽ dành cho những ai mất mẹ. Đây là một cách để nhớ mẹ để tôn vinh mẹ còn tại thế và để xót xa nghĩ đến mẹ đã qua đời.