Trang chủ PGVN Lịch sử PGVN Hoạt động của Phật giáo Bắc Bộ trong vùng tạm chiếm (tiếp...

Hoạt động của Phật giáo Bắc Bộ trong vùng tạm chiếm (tiếp theo)

88

Công tác hoằng dương Phật pháp


Công tác hoằng dương Phật pháp trong thời kỳ này khá phong phú về hình thức như: tổ chức giảng diễn tại chùa Hội quán Trung ương và các chùa Hội quán địa phương, hay Trung ương Hội cử người xuống các chi hội Phật giáo địa phương dự lễ khánh thành kết hợp thuyết pháp, có những buổi đông tới hàng vạn người như ở Bùi Chu (Nam Định) hay chùa Vẻn, Đền nghè (Hải Phòng).


Các phương tiện thông tin đại chúng cũng được Hội quan tâm.


1. Báo Phương Tiện, Tin tức Phật giáo


Để tuyên truyền giáo lý đạo Phật tới các tín hữu Phật giáo, Hội quyết định ra tờ bán nguyệt san Phương Tiện. Báo Phương Tiện mỗi tháng ra hai kỳ vào ngày mồng một và rằm do Thượng toạ Tố Liên, Hội trưởng Hội Tăng Ni Bắc Việt làm Chủ nhiệm và sư cụ Tâm Nguyệt, giảng sư Hội Phật giáo Việt Nam tại chùa Quán Sứ làm Chủ bút; Quản lý là Thượng toạ Trần Trí Định (Tháng 8/1950, Thượng toạ Nguyễn Ngọc Bảo thay). Trụ sở tờ báo đặt tại chùa Quán Sứ, Hà Nội.


Bán nguyệt san Phương Tiện, ngoài phần viết về giáo lý đạo Phật còn có tin tức hoạt động Phật giáo (tới khi tờ Tin Tức Phật giáo phát hành tháng 10/1951 thì Phương Tiện bỏ mục này).


Ngoài các tác giả quen thuộc như Tố Liên, Trí Hải… đã xuất hiện một số cây bút trẻ như Thanh Kiểm, Trí Quang, Tâm Giác, Tâm Châu, Quảng Độ, Khánh Vân, Thanh Hương v.v… ,báo cũng đăng lại bài đã đăng trên Đuốc Tuệ của các cư sĩ Bùi Kỷ, Nguyễn Trọng Thuật, Thiều Chửu, Dương Bá Trạc… nhưng ký tắt là BK, NTT, ĐNT, TC, DBT…


Phương Tiện cũng giới thiệu nhiều bài của các nhà sư Trung Quốc nổi tiếng như Thái Hư Đại sư, Đế Nhàn, cư sĩ Đường Đại Viên…


Phương Tiện đình bản tháng 6 năm 1954 (?).


Ngày 05/10/1951, Tin tức Phật giáo (phụ trương của báo Phương Tiện) xuất bản hàng tuần ra số đầu tiên để kính tặng thập phương giáo hữu cho ai nấy đều biết rõ tình hình Phật giáo hiện tại ở trong nước cũng như ngoài nước.


Tin Tức Phật giáo ra được 66 số thì đình bản (ngày 03/01/1953) do nhu cầu thì tăng mà nguồn kinh phí đảm bảo lại giảm.


Tin tức Phật giáo đưa tin các phong phú: từ các chuyến đi giảng diễn thuyết pháp, dự lễ khánh thành các Chi hội Phật giáo địa phương đến tin tức Phật giáo quốc tế.


Báo tường thuật chi tiết về đại hội Phật giáo thế giới lần thứ hai tổ chức tại Tokyo, Nhật Bản và hoạt động của đoàn đại biểu Phật giáo Việt Nam do Thượng toạ Tố Liên làm trưởng đoàn tại đại hội, Lễ cung nghinh xá lợi đức Phật ở Campuchia v.v… giúp cho tăng ni, Phật tử Việt Nam hiểu rõ hơn về tình hình Phật giáo thế giới.


Báo cũng giới thiệu các cuốn sách viết về Phật giáo nổi tiếng như: Thế nào là Phật và Phật pháp, Giải thích truyện Quan âm Thị Kinh, Con đường học Phật ở thế kỷ thứ XX của cư sĩ Thiều Chửu, cuốn Tăng già Việt Nam của Pháp sư Trí Quang, ánh đạo vàng của Võ Đình Cường…


Để tiếp tục nhiệm vụ truyền bá và thông tin về Phật giáo, Hội Việt Nam Phật giáo cho ra tờ tuần báo vẫn lấy tên là Tin Tức Phật giáo nhưng nhiều trang hơn với một toà soạn và trị sự riêng chứ không phải là phụ trương của báo Đuốc Tuệ nữa.


Số 1 tuần báo Tin Tức Phật giáo ra ngày thứ bảy 10/01/1953, Hội trưởng Hội Việt Nam Phật giáo Bùi Thiện Cơ làm chủ nhiệm kiêm chủ bút, ông Trần Văn Quý làm thư ký.


2. Nguyệt san Bồ Đề Tân Thanh


Hội Phật tử Việt Nam được thành lập tại chùa Chân Tiên (phố Bà Triệu quận Hai Bà Trưng Hà Nội) do một số cư sĩ mến mộ đạo Phật như các ông: Văn Quang Thuỳ, Nguyễn Văn Chế, Lê Văn Lâm, Trương Đình Vy, Lê Văn Giáp và Bùi Hưng Gia góp sức.


Hội thường tổ chức diễn thuyết tại chùa Chân Tiên. Hội cũng thiết lập một Ban Hoằng kinh để xuất bản các kinh sách Phật giáo, đặt trụ sở tại số 56 phố Hàng Trống, Hà Nội.


Ngày 22/9, bán nguyệt san Bồ Đề Tân Thanh của Hội Phật tử Việt Nam ra số đầu tiên. Báo do cư sĩ Tuệ Nhuận Văn Quang Thuỳ làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút, trụ sở đặt tại số 108 đường Boret (số 26 phố Trần Xuân Soạn?) Hà Nội. Những cây bút chính là Văn Quang Thuỳ, Hồng Liên, Lê Văn Giáp, Nguyễn Xuân Chữ, Nguyễn Đại, Cát Thành Lan, Bồ Đề Tân Thanh đình bản vào tháng 5/1954.


3. Tái thành lập nhà in Đuốc Tuệ


Năm 1949, Hội mua một máy in và phụ tùng con chữ của nhà in Đông Phương về tái lập nhà in Đuốc Tuệ đặt tại chùa Quán Sứ, tiếp tục in kinh sách truyền bá Phật pháp.


Bán nguyệt san Phương Tiện, tuấn báo Tin Tức Phật giáo của Giáo hội Tăng già Bắc Việt sau đó là tuần báo Tin Tức Phật giáo của Hội Việt Nam Phật giáo cũng được in tại đây. Nhà in do ông Nguyễn Đình Dương làm quản lý.


Đuốc Tuệ cũng ấn hành khá nhiều đầu sách bao gồm kinh và khoá lễ toàn tiếng Việt, kinh có chữ Hán Việt đối chiếu, kinh toàn Hán văn, Phật học thường thức và luận đàn, nhưng chủ yếu là tái bản sách của các tác giả thời kỳ chấn hưng như Nguyễn Văn Ngọc, Nguyễn Trọng Thuật, Trần Trọng Kim, Thiểu Chửu … một số tên tuổi mới xuất hiện như Thanh Hương (Chữ Tâm của đạo Phật, Cái hại dị đoan), Tố Liên (Tấm gương Tam quy, Ký sự của phái đoàn Phật giáo Việt Nam đi Ấn Độ), Trí Hải (Phật hoá tiểu thuyết, Nhân gian Phật giáo đại cương, Đồng nữ La hán…), Tâm Châu (Tấm gương hỷ xả)… và sách của một số tác giả ở miền Trung và miền Nam như Thích Mật Thể, Võ Đình Cường, Mai Thọ Truyền… Ngoài ra Đuốc Tuệ còn in tranh Phật, bản nhạc, sớ… phục vụ Phật tử.


Nhà in Đuốc Tuệ giải thể sau ngày hoà bình lập lại ít lâu.


Ngoài báo chí, bắt đầu từ 1/7 âm lịch năm 1952 đài phát thanh Hà Nội có hai buổi phát thanh về Phật giáo vào hồi 21 giờ – 22 giờ ngày mùng 1 và rằm hàng tháng trên làn sóng điện 19 thước.


4. Tái lập thư viện và thỉnh Đại tạng kinh


Giữa năm 1950, sau khi ổn định tổ chức, các sinh hoạt của Hội dần đi vào nề nếp, Hội cho tái lập Thư viện chùa Quán Sứ để phục vụ thiện tín thập phương. Nhờ sự quan tâm của Hội và sự ủng hộ của Phật tử các nơi, chỉ một thời gian ngắn sau tái lập, thư viện đã có một số lượng lớn sách kinh Phật cũng như báo chí kể cả sách báo của Phật giáo miền Nam và miền Trung gửi ra.


Cuối năm 1949 đầu năm 1950, Thượng toạ Trí Hải từ Hà Nam trở về Hà Nội. Ông đã tích cực vận động và quan hệ với nhiều nơi giúp tiền cho Hội, gửi sang Nhật Bản thỉnh được bộ “Tân tu Đại Chính đại tạng kinh” toàn tạng đóng thành 100 tập nội dung có 2.920 bộ kinh sách khác nhau. Bộ ít nhất là 1 quyển, bộ nhiều nhất là 600 quyển cộng là hơn 2 vạn quyển đầy đủ tất cả các kinh, luật, luận, phí tổn đưa bằng tàu thuỷ về tới chùa Quán Sứ hết hơn 2 vạn đồng Đông Dương, thoả lòng mong ước của Hội bấy lâu nay.


Thương gia cư sĩ Bùi Hưng Gia, một người rất có tâm với đạo Phật cũng mua một bộ Đại Tạng Kinh mang từ Nhật Bản về Hà Nội.


Công tác đào tạo tăng tài


Tại các vùng hồi cư, điều kiện đã có đủ cho sự tạo dựng lại cơ sở Phật giáo. Khắp nơi tăng sĩ và cư sĩ tìm về với nhau để tổ chức lại sự tu học.


Việc đào tạo tăng tài lúc này lại càng cần thiết.


1. Trường Khuông Việt


Ngày 23/9 (2.8 âm lịch), Trường Tăng học bậc tiểu học dạy theo chương trình của Bộ Quốc gia Giáo dục mang tên Khuông Việt được thành lập theo quyết nghị của Uỷ ban chấp hành Hội Tăng Ni Bắc Việt đặt tại chùa Quán Sứ (trên gác) do ông Nguyễn Ngọc Quỳnh là một vị hội viên làm Hiệu trưởng. Hoà thượng Tuệ Tạng – Tâm Thi (tổ Cồn) làm Đốc giáo đã làm lễ khai giảng.


Nhờ sự vận động tích cực của Thượng toạ Tố Liên, năm 1949 trường Ni học đặt tại chùa Vân Hồ (nay thuộc phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã được thành lập và bước vào năm học mới sau trường Khuông Việt 4 ngày. (27/9 tức 4/8 âm lịch)


Ni sư Đàm Đậu, Phó uỷ viên Giáo dục Ni học đọc diễn văn khai trường. Thương toạ Tố Liên, Hội trưởng Hội Tăng Ni Bắc Việt cùng nhị bộ thanh chúng đã về dự. Trường do Ni sư Đàm Soạn làm Giám học và Quản chúng (năm 1951 bà mời Ni sư Đàm Đậu thay mình để bà chuyên lo việc giảng dạy).


Hoà thượng Tuệ Tạng và các Thượng toạ Tố Liên, Trí Hải đã được mời làm giảng sư của trường, ngoài ra trường còn mời một số Ni sư  trong Huế ra dạy. Chương trình học ngoài nội điển còn có tiếng Hán, khoa học phổ thông và tiểu công nghệ.


Nhờ có thầy tốt, trò được chọn lựa nên kết quả học tập của học sinh khá tốt, đơn cử Trường Khuông Việt: Niên học 1949-1950 có 25 học sinh dự thi, đỗ 251 Niên học 1950- 1951 có 41 học sinh dự thi đỗ cả 41; Niên học 1951 -1952 có 48 học sinh dự thi đỗ 44 em, trong 25 em của trường Bảo trợ giáo dục Nhi đồng có 21 em trúng tuyển.


Để nâng cao trình độ Hán văn cho các tăng ni từ tháng 8 năm 1952, Chùa Quán Sứ mở hai lớp học chữ Hán: Một lớp (sơ đẳng) học 8 – 9 giờ tối; một lớp (trung đẳng) 9 – 10 giờ tối do cụ Tú Bình dạy theo phương pháp mới.


Đối tượng là các sư chú, sư bác, tối học không phải trả học phí nhưng các học sinh ở xa phải tự tìm lấy chỗ trọ ở một ngôi chùa nào gần cho tiện vì ở chùa Quán Sứ hiện thời rất chật không có đủ chỗ nghỉ.


Khó khăn lớn nhất để duy trì các trường học là bảo đảm kinh phí. Số tiền niên liễm của các vị tăng ni có chùa riêng, nhiều lắm chỉ duy trì cho trường Phật học được hơn một tháng. Để giải quyết việc này, hội thành lập cơ quan bảo trợ Phật học để mời thập phương giúp đỡ.


Sau đó Uỷ ban chấp hành yêu cầu tất cả các vị tăng ni nên khuyến hoá các thiện tín lui tới chùa cảnh để gia nhập vào cơ quan Bảo trợ Phật học…


2. Trường Vạn Hạnh


Chùa Hàm Long là nơi danh lam cổ tích của Hà Nội. Trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, chùa bị thiêu huỷ mãi tới năm 1953 vẫn chưa xây dựng lại. Thành phố và một số người định lấy khu đất đó.


Hội kiên quyết giữ đất và thành lập Ban Hưng công (Thượng toạ Trí Hải làm trưởng ban) để kiến thiết lại toàn bộ khu vực chùa và trường trung, tiểu học dành riêng cho Ni chúng và nữ giới để làm nơi tu học và phụng sự.


Lúc bấy giờ trường học ở Hà Nội rất thiếu niên Hội quyết định xây dựng trường trước. Sau 6 tháng đã làm được hai nhà hai tầng; mỗi nhà có 4 phòng học (Mỗi phòng có diện tích 6×8 m), một ngôi nhà làm văn phòng cùng các nhà phụ. Tổng chi phí xây dựng và mua sắm dụng cụ là trên 1 triệu đồng.


Bắt đầu kỳ nghỉ hè 1954, trường được hoàn thành và khai giảng ngay lập hè lấy tên là Vạn Hạnh. Một trong hai ngôi nhà hai tầng này là do Ban Ưu bà Di học Phật phát tâm cúng góp. Phải nói rằng, việc xây dựng trường Vạn Hạnh là một cố gắng lớn và đóng góp kịp thời giải quyết nạn thiếu trường học lúc bấy giờ của Hội.


3. Giảng đường và học hiệu Phật giáo Hải Phòng


Việc làm giảng đường và trường học của chi hội Phật giáo Hải Phòng đề xướng từ năm 1952, dự trù làm một ngôi chùa trong thờ Phật và đủ để giảng diễn lễ bái và cơ sở làm việc Hội, ngoài ra còn có trường học theo chương trình nhà nước. Số dự chi khoảng 2 triệu đồng Đông Dương.


Ngày 3/1/1953 Hội đồng ban Quản trị Hội Việt Nam Phật giáo họp thành lập ban Hưng công chính thức xây dựng giảng đường và học hiệu Hải Phòng:


Trưởng ban: Bùi Thiện Cơ;
Phó trưởng ban: HT Hà Thông Tuệ, Tăng trưởng Giáo hội Tăng gì miền Duyên Hải, Hải Phòng và đạo hữu Thanh Phương chi hội trưởng Phật giáo Hải Phòng;
Thư ký: đạo hữu Trần văn Quý, trưởng ban Văn Mỹ Nghệ Hội Việt Nam Phật giáo và đạo hữu Bùi Tiến Quế, thành viên Ban Trị sự Phật giáo Hải Phòng,
Ban Tài chính: Hoà thượng Hà Thông Tuệ.
Ban Công tác: đạo hữu Thanh Phương.


Công việc còn đương ở thời kỳ chuẩn bị thì ông Thanh Phương mất, chi hội Hải Phòng bầu ông Tô Văn Lượng lên làm Hội trưởng để tiến hành công việc. Mãi tới năm 1953 vẫn chưa làm.


Khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, Hải Phòng nằm trong khu vực tập kết 300 ngày kẻ ở người đi sinh bối rối. Chi hội phải thỉnh Thượng toạ Trí Hải ở Ban Trị sự Trung ương xuống giúp.


Mãi tới ngày mồng 8 tháng Chạp năm Giáp Ngọ (đầu năm 1955) mới làm lễ khánh thành. (ngôi chùa làm bằng xi măng cốt thép, nền cao 1m, diện tích 400 mở lát toàn gạch hoa)


4. Cử người đi học ở nước ngoài


Trong thời kỳ chấn hưng trước đây duy nhất một lần vào năm 1937 Hội cử Thượng toạ Trí Hải cùng Thượng toạ Mật Thể sang Trung Quốc tham học Phật pháp chứ chưa có Tăng Ni sinh nào được đưa đào tạo cơ bản hoặc ở bậc cao hơn ở nước ngoài.


Sau chuyến đi đó, có lẽ ngài Trí Hải rút ra bài học kinh nghiệm không nên đưa người đi du học ở một nước có nền Phật học như ở ta, nên trong thời kỳ này, sau khi gia nhập Phật giáo thế giới, Hội đã cử một số tăng sinh sang Ấn Độ Nhật Bản, Srilanca học để làm nòng cốt cho công cuộc chấn hưng sau này.


Ngày 13/11/1949, ông Nghiêm Xuân Cẩn, hội viên hội Việt Nam Phật giáo đã sang tu học ở Ấn Độ. Năm 1953, nhà sư Phúc Tuệ (Quảng Độ), Tâm Châu… sang Ấn Độ, Srilanca để theo học Phật pháp; các sư ông: Chân Từ (Thanh Kiểm), Tâm Giác… sang Nhật Bản tu học.


Các vị nói trên, sau khi du học về đã có nhiều đóng góp cho Phật sự.