Trang chủ PGVN Nhân vật HT. Thích Chơn Thiện: “Tô bồi đời sống tâm linh và nguồn...

HT. Thích Chơn Thiện: “Tô bồi đời sống tâm linh và nguồn mạch văn hóa Việt cho bà con xa xứ”

122

– Xin Hòa thương cho biết, những hoạt động chính của đoàn Giáo hội qua 6 nước châu Âu vừa qua gồm những gì?


Đây là chuyến đi hoằng pháp với quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Chúng tôi đã đến thăm cộng đồng người Việt Nam ở hải ngoại nói chung và cộng đồng Phật tử Việt Nam nói riêng nhằm chia sẻ tình cảm, tình đồng bào, tình dân tộc. Mỗi nơi đến, chúng tôi đã làm lễ Vu lan, thuyết giảng về Vu lan và tổ chức lễ cài hoa hồng nhân mùa Báo hiếu theo truyền thống của dân tộc, chúng tôi đã làm lễ cầu an – cầu siêu cho bà con ở sở tại. Kế đến là thăm các Đại sứ quán Việt Nam. Qua đó, lắng nghe những gợi ý từ các Đại sứ quán về công tác Phật giáo ở nước ngoài. Chúng tôi đã thăm và làm việc với bà Bộ trưởng Bộ giáo dục Tiệp Khắc (ở Tiệp khắc, Bộ trưởng Bộ Giáo dục được phân công phụ trách tôn giáo – NV) để liên hệ mua, ổn định đất đai và xây chùa. Ngoài ra, cũng có những công việc khác như: lắng nghe các yêu cầu của bà con bao gồm cả những yêu cầu không thuần túy tôn giáo, để từ đó làm cầu nối giúp và liên hệ với các cơ quan bên nhà khi cần thiết cũng như đề xuất Giáo hội có những quyết sách cho hoạt động hoằng pháp sau này.


Chúng tôi đã được kiều bào, Phật tử VN đón tiếp rất niềm nở, chân tình và trọng thị. Có cả những đoàn Phật tử sang tận Pháp, đón và đưa chúng tôi về Tiệp Khắc rồi sang cả Ba Lan. Đáp lại, chúng tôi cũng rất chân tình và thể hiện một tình cảm quê hương sâu đậm.


-Giáo hội đã đặt ra những mục tiêu nào cho chuyến đi đã đạt được?


Mục tiêu lớn nhất của của chuyến đi là để nói cho đồng bào trong và ngoài nước biết, thật sự Giáo hội rất quan tâm đến cộng đồng Việt Nam trong nước cũng như cộng đồng Phật tử Việt Nam ngoài nước. Chuyến đi này là thể hiện rất cụ thể sự quan tâm đó. Ngay từ thế kỷ thứ II, ngài Khương Tăng Hội đã sang tận Trung Quôc thuyết giảng. Sau này, cũng có các chuyến đi ra nước ngoài hoằng pháp của các bậc tôn túc khác nữa. Từ khi thống nhất Phật giáo, Giáo hội tiếp tục thực hiện công tác hoằng pháp nước ngoài nhưng tương đối rời rạc từng ban ngành khác nhau và chủ yếu để nói rõ quan điểm của Giáo hội là chính, chưa có sự chuẩn bị, kết hợp một cách công phu như chuyến đi này.


Một mục tiêu nữa cũng cần phải đề cập là chia sẻ và khơi dậy trong bà con kiều bào các giá trị văn hóa dân tộc, trong đó văn hóa Phật giáo đóng vai trò rất lớn. Để từ đó bà con xa xứ gần với dân tộc hơn mà có những đóng góp tích cực về sau này. Chính vì thế mà các buổi lễ Vu lan Báo hiếu, các thời giảng về ý nghĩa đạo Hiếu được chúng tôi lưu tâm hết mực trong suốt chuyến đi. Dù ở cuơng vị nào, đối với người Việt Nam, đạo Hiếu vẫn là linh hồn trong nếp sống và trong tương quan các giá trị văn hóa dân tộc.


Sau mỗi trạm dừng chân, đoàn đều họp lại, thảo luận nội bộ và đưa ra những nhận xét đánh giá về những việc làm được, chưa làm được. Ai cũng hoan hỷ cho rằng các mục tiêu ban đầu đề ra đều đạt được. Như đã nói, chúng tôi được tiếp đón rất niềm nở và khi chia tay thì vô cùng quyến luyến. Đặc biệt, các vị Đại sứ cũng dành cho chúng tôi những tình cảm hết sức chân thành, họ đã đích thân đưa tiễn tận phi trường, nhà ga xe lửa. Các vị ấy cũng cảm ơn những việc làm của đoàn vì họ biết những nhu câu tâm linh có thật của bà con nhưng họ không thể đáp ứng đươc.


-Sau khi đi qua 6 nước châu Âu và có những cuộc tiếp xúc, với tư cách là Trưởng đoàn, Hòa thượng có nhận xét như thế nào về tình hình sinh hoạt và tu học của đồng bào Phật tử hải ngoại?


Đôi với bà con Việt kiều, trước kia cuộc sống kinh tế có phần khó khăn vì những hạn chế trong kinh doanh, mua bán so với người dân bản địa. Tuy nhiên thời điểm mà chúng tôi qua thì cuộc sống khá hơn nhiều, rất khá nữa là khác. Chúng ta cũng có những trung thương mại của người Việt tương đối phát triển. Một khi điều kiện kinh tế ổn định thì vấn đề quan tâm lớn nhất của bà con là tâm linh. Đó là lý do vì sao cần sự hiện diện của Giáo hội. Chính cộng đồng người Việt đã tự phát tâm góp tiền mua đất để xây chùa. Kiến trúc của những ngôi chùa ấy hoàn toàn Việt Nam, vật liệu mang từ Việt Nam, tượng Phật cũng thỉnh từ Việt Nam.


Thành phần người Việt bên ấy đa phần là doanh nghiệp và trí thức, họ nghiên cứu giáo lý Phật giáo rất sâu sắc nên chúng ta chỉ cần khai mở là họ có thể thông hiểu. Có một số nơi đã có chùa rất bề thế như Ucraina. Bà con thường đến chùa vào ngày cuối tuần và ngày nghỉ lễ đặc biệt. Đấy chính là điểm lưu ý để sau này chúng ta lưu tâm tổ chức tu học cho bà con phù hợp.


Hiện tại vẫn chưa có chư Tăng thường trú bên ấy để hướng dẫn bà con mà chỉ qua trong một thời gian ngắn rồi về. Nhu cầu cần có sự hiện diện của chư Tăng một cách thường xuyên là một nhu cầu có thật. Qua đó cũng cho thấy sự khát ngưỡng giáo pháp luôn hiện diện mãnh liệt trong sâu thẳm tâm hồn của mỗi vị kiều bào.


– Đoàn sẽ kiến nghị những gì lên Giáo hội về các kế hoạch lâu dài đối với kiều bào Phật tử và các hoạt động Phật sự ở nước ngoài?


Giáo hội sẽ phải có trách nhiệm săn sóc đời sống tâm linh cho bà con Việt kiều. Tuy nhiên, chúng tôi tham khảo ý kiến của Giáo hội, của các vị đại sứ, nghiên cứu quy định pháp luật, chính sách đối ngoại các nước sở tại cũng như xem xét những nhu cầu của cộng đồng kiều bào.


Trước mắt, Giáo hội đã có chuyên đi đầu tiên thì chắc chắn sẽ có những chuyến đi tiếp theo. Về sau này, mỗi chuyến đi như thế cần có sự chuẩn bị thật kỹ lưỡng mọi vấn đề, tránh cơ cấu đầy đủ vùng miền vì chúng ta còn nhiều chuyến đi khác. Thành phần tham gia đoàn phải đáp ứng được yêu cầu về nghi lễ và thuyết giảng theo kiểu đối thoại, thảo luận. Chúng ta cũng nên kết hợp cả các hoạt động xã hội để nâng cao vị thế của Giáo hội và tạo cảm tình với chính quyền bản xứ. Về lâu về dài, Giáo hội nên công cử hẳn nhân sự thường trú bên ấy để đáp ứng những nhu cầu tu học của bà con.  Sứ mạng của chúng ta là phuc vụ tất cả. Ở đâu có nhu cầu, ở đó Giáo hội phải có trách nhiệm.


-Xin chân thành cảm ơn Hòa thượng!