Trang chủ Thời đại Giáo dục HT. Thiện Tâm: Biệt lập giáo dục là biểu hiện của quyền...

HT. Thiện Tâm: Biệt lập giáo dục là biểu hiện của quyền lực mềm giáo dục

125

Cụm từ “biệt lập tôn giáo” được nêu lên ở tựa đề bài viết và là trọng tâm tìm hiểu của bài phỏng vấn này là tình trạng chỉ chấp nhận một hệ thống giáo dục và từ chối các hệ thống giáo dục khác.

Cư sĩ Minh Thạnh (CS MT): Kính bạch HT, trong những lần trình bày các quan điểm về quyền lực mềm giáo dục trước đây, HT đã có nói qua về những biểu hiện cụ thể của quyền lực mềm giáo dục, trong số đó có một khái niệm có thể hiểu là độc quyền giáo dục. Lần này, xin HT trao đổi kỹ hơn?

Hòa thượng Thích Thiện Tâm (HT TTT): Nói độc quyền giáo dục thì chỉ nhìn nhận vấn đề từ một phía, phía nắm độc quyền (nhà nước, giáo hội…).

Để tìm hiểu vấn đề một cách toàn diện hơn chúng ta có thể bắt đầu từ một khái niệm khác, đó là “biệt lập giáo dục”. Biệt lập giáo dục là tình trạng tuy là khác, nhưng cũng có nét chung với độc quyền giáo dục. Điểm khác biệt là nó xảy ra có thể từ phía tổ chức hoạt động giáo dục, lẫn có thể từ phía tiếp nhận hoạt động giáo dục (học sinh, phụ huynh học sinh).

Nhìn từ phía tổ chức hoạt động giáo dục, thì biệt lập giáo dục là một cách để thực thi quyền lực mềm giáo dục. Ở đây, tính chất quyền lực của giáo dục được bộc lộ rất rõ, cả ở cách thực thi, lẫn từ trong nhận thức.

Chính vì nhận thức rất rõ ràng về chiều kích quyền lực trong hoạt động giáo dục, cho nên lực lượng có thẩm quyền mới triển khai biệt lập giáo dục, tức độc quyền giáo dục từ phía tổ chức.

Trong độc quyền giáo dục, chỉ có một hệ thống giáo dục được chấp nhận mà thôi, việc tiếp xúc với các hệ thống khác là không được phép, có thể bằng nhiều biện pháp, kể cả là cấm đoán. Nói yếu tố thực thi quyền lực là ở điểm này. Nó không cho phép lựa chọn, mà chỉ có một hệ thống giáo dục, không chấp nhận là không đi học.

Vì giáo dục là một loại quyền lực mềm nên hướng tới độc quyền giáo dục là chuyện tất nhiên, một khi hoàn cảnh cho phép.

Giáo dục Phật giáo mà đỉnh cao phát triển là thời Lý – Trần chúng ta là giáo dục không biệt lập. Đó là vì Phật giáo Việt Nam không hướng đến mục tiêu lợi dụng, khai thác quyền lực mềm giáo dục.

Từ nền giáo dục Phật giáo, chỉ có hoạt động đào tạo, không cấp học vị, đã có bước chuyển qua việc nhà nước phong kiến độc quyền cấp học vị trong các khoa thi Tam giáo, bằng cách tổ chức thi cử.

Với việc tổ chức thi cử, nội dung thi điều chỉnh nội dung giáo dục, nền giáo dục chuyển sang hẳn Nho học.

Bản chất việc nhà nước phong kiến Việt Nam độc quyền cấp học vị, qua độc quyền khảo thí để điều chỉnh nội dung giáo dục là sự độc quyền giáo dục, là việc duy nhất nắm lấy quyền lực mềm giáo dục.

Không qua khảo thí do nhà nước phong kiến độc quyền tổ chức, thì chỉ có đi học làm thầy đồ dạy trường làng, không có cách gì khẳng định danh phận với xã hội, càng không thể làm quan hưởng vinh hoa phú quý.

Như vậy, trước mắt người đi học thời phong kiến chỉ có một con đường giáo dục khoac cử, và cứ thế mà đi học thôi.

Cuối thế kỷ XIX nhà nước phong kiến Nguyễn suy thoái nhiều mặt, trong đó có việc mất một phần quyền lực mềm giáo dục. Đã bắt đầu có một số trí thức Tây học do Thiên Chúa giáo đào tạo, du học ở nước ngoài. Trương Vĩnh Ký là một trường hợp.

Bây giờ chúng ta gọi ông bằng tên Việt Nam là Trương Vĩnh Ký, nhưng trước đây dưới chế độ cũ ông được gọi là Petrus Ký, một cái tên nửa ta nửa Tây, để khẳng định vị trí Tây học của họ.

Tiến tới một bước, đầu thế kỷ XX, hệ thống giáo dục Thiên Chúa giáo được hình thành tại Việt Nam. Một hình thái biệt lập giáo dục mới được hình thành.

Tín đồ Thiên Chúa giáo đi học thì chỉ học ở trường giáo xứ, không có sự lựa chọn. Không thể loại trừ cách nghĩ là đã có một mệnh lệnh tôn giáo nào đó, mà có thể không thành văn. Nhưng điều rất rõ là phía đạo Thiên Chúa đã nhận thức đầy đủ và sâu sắc quyền lực mềm giáo dục, nên đã tổ chức thành công trong một thời gian ngắn một hệ thống giáo dục cơ sở rất hoàn hảo, và đồng thời là sự biệt lập giáo dục.

Dù có thể là không có biện pháp chế tài, biệt lập giáo dục của đạo Thiên Chúa được triển khai trong bối cảnh chung quanh không phải duy nhất là một hệ thống giáo dục là một cố gắng lớn và một thành công lớn. Ở họ, quyền lực mềm giáo dục tôn giáo đã được khẳng định từ đầu thế kỷ XX.

Ở đấy, biệt lập giáo dục có lúc chuyển sang phía tiếp nhận giáo dục, vì sau 1954, ở miền Bắc, phụ huynh học sinh ở những vùng toàn tòng đạo Thiên Chúa không cho con em tiếp nhận hệ thống giáo dục khi đó đã do nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa độc quyền. Họ tự dạy con em ở nhà theo chương trình giáo dục cũ. Đây là một dạng của đề kháng quyền lực mềm giáo dục, mà từ phía tiếp nhận giáo dục đã nhận thức, đôi khi cực đoan, về yếu tố quyền lực mềm trong hoạt động giáo dục.

CS MT: Kính bạch HT, thế có trường hợp nào khác không về biệt lập giáo dục như một chiều kích của quyền lực mềm giáo dục?

HT TTT: Có, nhiều, nhưng thầy chỉ nêu một ít ví dụ, ở đây tế nhị là hơn.

Ở thế kỷ XIX, sự xung đột giữa giáo dục truyền thống phong kiến của nước Đại Nam bị xâm lược với giáo dục mang tính tôn giáo được truyền bá vào từ phương Tây rất sâu đậm. Sự xung đột này mang tính chất xung đột quyền lực mềm, nhưng mức “cứng” của nó chúng ta có thể thấy qua tác phẩm của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu mà chúng ta có thể thấy những chi tiết tiêu biểu trong “Văn tế nghĩa sĩ Cần Guộc”. Tính chất đề kháng bằng bạo lực đối với nền giáo dục mới du nhập ở tác phẩm này rất cao.

Ở miền Nam, trước năm 1975, biệt lập giáo dục có thể thấy ở cộng đồng người Hoa. Tại vùng Chợ Lớn, nhiều trường học riêng cho người Hoa được thành lập, dạy chương trình riêng. Sau 1975, các trường như thế dạy thống nhất một chương trình, nhưng vẫn mang những tên gọi mang âm hưởng Hoa như Trương Khang Chiêu, Mạch Kiếm Hùng, Hàn Hải Nguyên, Trần Bội Cơ…

Hệ thống trường học người Hoa tuy chưa hoàn thiện, chưa có đại học, nhưng có những trường rất nổi tiếng về chất lượng, như Bác Ái học viện, mà cơ sở nay là Đại học Sài Gòn Bác Ái, là một ví dụ tiêu biểu cho biệt lập giáo dục, dạy riêng một chương trình Pháp cho đối tượng người Hoa. Trường này không chỉ treo quốc kỳ của chế độ Sài Gòn mà treo cả cờ Pháp và cờ “Trung Hoa Dân quốc” (Đài Loan).

Biệt lập giáo dục như thế vẫn tiếp tục sau năm 1975 khi nhiều người Hoa chỉ cho con em học đến hết tiểu học chương trình mới, sợ mất bản sắc. Tình trạng này có thể so sánh với trường hợp cộng đồng đạo Thiên Chúa ở miền Bắc sau năm 1954, tuy ở mức ít cẳng thẳng hơn, vì dù sao phần lớn người Hoa Chợ Lớn còn chấp nhận giáo dục tiểu học để “biết đọc biết viết”, “cộng trừ nhân chia”!

CS MT: Kính bạch HT, nghe sao căng quá, quyền lực mềm giáo dục quyết định cả một đời người. Bây giờ con mới nhớ ra, những bạn học người Hoa của con những năm 1975, 1976 từ những trường Hoa giải thể nhập vào cứ nối nhau nghỉ học.

HT TTT: Do là một dạng quyền lực mềm nên lãnh vực giáo dục có thể là môi trường bộc lộ mâu thuẫn về chính trị, như trường hợp chúng ta vừa điểm qua. Xã hội nào thì giáo dục đó.

CS MT: Kính bạch HT, quyền lực mềm giáo dục tôn giáo có thể đến mức như vậy thì liệu xu hướng tôn giáo tham gia ngày càng nhiều vào hoạt động giáo dục hướng ra xã hội có thể tạo nên tình trạng biệt lập giáo dục mới.

HT TTT: Thế đạo hữu nghĩ sao về khả năng này?

CS MT: Con nghĩ rằng, với lý luận như vậy về quyền lực mềm giáo dục, qua những trường hợp lịch sử cụ thể, thì biệt lập giáo dục vẫn là một khả năng khi tôn giáo được tham gia nhiều hơn vào hoạt động giáo dục hướng ra xã hội. Tuy nhiên, thưa HT, đối với Phật giáo thì theo con, sẽ không gây ra tình trạng biệt lập giáo dục, cho dù giáo dục hướng ra xã hội của Phật giáo phát triển đến mức nào đi nữa.

HT TTT: Thế do đâu mà đạo hữu cho là như vậy?

CS MT: Kính bạch HT, vì biệt lập giáo dục ở tôn giáo khác có thể đi kèm với những bắt buộc có tính tôn giáo như biệt lập về tổ chức, biệt lập về cư trú, biệt lập về hôn nhân, biệt lập về tống táng…

HT TTT: Cũng có thể như thế, nhưng nói về những việc này thì chúng ta đã đi khá xa ra ngoài phạm vi giáo dục. Quay trở lại với giới hạn giáo dục, chúng ta đã thống nhất về sự hiện hữu đương nhiên của quyền lực mềm giáo dục khi sở hữu và điều hành hoạt động giáo dục thì sẽ nắm quyền lực mềm giáo dục, mà nếu phía sở hữu điều hành tôn giáo dục là tôn giáo thì sẽ có quyền lực mềm giáo dục tôn giáo. Một trong những biểu hiệnquyền lực mềm giáo dục tôn giáo là sự biệt lập giáo dục, cao hơn là sự xung đột, đề kháng với các hệ thống giáo dục khác.

Sự vận hành của quyền lực mềm giáo dục tôn giáo cần được nghiên cứu gắn liền với đặc trưng riêng biệt của mỗi tôn giáo.

Vì vai trò của tôn giáo đối với quyền lực mềm giáo dục tôn giáo ở mỗi tôn giáo khác nhau, vì vậy, khi xem xét việc tôn giáo tham gia nhiều hơn vào hoạt động giáo dục hướng ra xã hội, thì theo thầy cần chú ý đến TÍNH CHẤT LịCH SỬ – CỤ THỂ CỦA VẤN ĐỀ.

CS MT: Kính bạch HT, nhưng “lịch sử cụ thể” là một nguyên tắc của triết học Mác – Lê nin.

HT TTT: Thì nguyên tắc quán chiếu nhân duyên trong Phật giáo chúng ta cũng như vậy thôi. Ở đây, trong một cuộc trao đổi ý kiến về giáo dục học hiện đại, thì thầy dùng cụm từ “lịch sử cụ thể” cho phù hợp.

Điều thầy muốn nhấn mạnh là không nên xem xét tiến trình tôn giáo tham gia nhiều hơn vào hoạt động giáo dục hướng ra xã hội một cách chung chung, xa rời nguyên tắc lịch sử cụ thể.

Tức là, KHÔNG NÊN XÉT CHUNG, không có vấn đề CÁC TÔN GIÁO tham gia nhiều hơn vào hoạt động giáo dục hướng ra xã hội.

Mà chỉ có vấn đề như thế đối với từng tôn giáo riêng biệt, cụ thể – lịch sử THIÊN CHÚA GIÁO hoặc PHẬT GIÁO.

Trong thực tế, người Phật giáo nhìn nhận về giáo dục hướng ra xã hội, về quyền lực mềm giáo dục rất khác với tôn giáo khác.

Lịch sử cho thấy, mỗi tôn giáo làm giáo dục hướng ra xã hội rất khác nhau kết  quả cũng hết sức khác biệt.

TÍNH CHẤT KHÁC BIỆT này cần được chú ý đúng mức trong quá trình tham gia nhiều hơn vào hoạt động giáo dục xã hội đối với các tôn giáo, mà đúng ra ở đây KHÔNG CÓ SỰ GỘP CHUNG CÁC TÔN GIÁO, mà phải là TỪNG TÔN GIÁO CỤ THỂ, CÁ BIỆT, RIÊNG RẼ, ĐẶC THÙ.

Vì quyền lực mềm giáo dục sẽ phát sinh ở mỗi tôn giáo một khác, khi tôn giáo sở hữu điều hành hoạt động giáo dục, mà cụ thể hiện tượng biệt lập giáo dục mà chúng ta vừa tìm hiểu.

CS MT: Kính bạch HT, nhưng biệt lập giáo dục tôn giáo có thể chỉ là hiện tượng một giai đoạn lịch sử nhất định, trong những điều kiện nào đó. Ở miền Nam sau 1975 đâu có hiện tượng biệt lập giáo dục tôn giáo!

HT TTT: Hiện nay biệt lập giáo dục tôn giáo vẫn có mặt ở nhiều nước. Thầy giới thiệu đạo hữu về đọc sách “Phát triển giáo dục trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế”, chủ biên PGS TS Trần Quốc Toản, nhà xuất bản Chính trị Quốc gia – Sự Thật, xuất bản năm 2012, phần “Giáo dục phổ thông của Úc” trang 250. Ở Úc, dù chính phủ lo rất tốt trường công, nhưng vẫn có hệ thống trường tư dạy chương trình gắn liền với giáo dục riêng một tôn giáo. Và vì muốn được giáo dục riêng về tôn giáo cụ thể, phụ huynh sẵn sàng đóng học phí. Dĩ nhiên, như thế thì chúng ta vẫn có thể coi là “biệt lập giáo dục” với sự thể hiện “quyết tâm” cao của một số phụ huynh, chấp nhận tốn tiền để học chương trình riêng, dù vẫn có sẵn hệ thống giáo dục công lập chất lượng cao.

CS MT: Xin thành kính cảm ơn HT đã dành thì giờ trả lời phỏng vấn. Kính chúc HT vô lượng an lạc.

MT

Thông tin, thảo luận, phản hồi riêng và các bài tranh luận đặc biệt: [email protected], vi-vn.facebook.com/cusiminhthanh.