Trang chủ Thời đại Giáo dục HT. Thiện Tâm: Phật giáo VN tụt hậu nghiêm trọng về giáo...

HT. Thiện Tâm: Phật giáo VN tụt hậu nghiêm trọng về giáo dục xã hội

114

Cư sĩ Minh Thạnh (CS MT): Kính bạch HT, con thấy hình như có sự mâu thuẫn, vì trong khi HT thúc giục Phật giáo tham gia nhiều hơn vào hoạt động giáo dục hướng ra xã hội, HT lại đưa ra yêu cầu nhà nước xem xét, nếu cân nhắc giữa giáo dục hướng ra xã hội và y tế, thì cho phép tôn giáo hoạt động y tế trước?

Hòa thượng Thích Thiện Tậm (HT TTT): Không có gì mâu thuẫn hết. Chúng ta xét lại từng giai đoạn:

1.    Nhà nước khuyến khích xã hội hóa hoạt động giáo dục (giáo dục ở đây là giáo dục toàn dân, không phải giáo dục tôn giáo, giáo dục tu sĩ). Phật giáo chúng ta cần hưởng ứng chủ trương này bằng việc quan tâm và đầu tư nhiều hơn cho hoạt động giáo dục hướng ra xã hội.

2.    Nhà nước đã cho phép tôn giáo tham gia hoạt động giáo dục hướng ra xã hội ở cấp giáo dục mầm non. Trong lãnh vực được phép này, Phật giáo Việt Nam tỏ ra yếu kém so với tôn giáo khác.

3.    Chủ trương cho phép tôn giáo tham gia nhiều hơn vào hoạt động giáo dục hướng ra xã hội tuy chỉ là lời đồn đại, chỉ là ý kiến của một số tác giả trên báo chí chính thức, cũng như là tin từ phía tôn giáo, nhưng đó là một xu thế phát triển, có thể diễn ra trong một tương lai không xa. Vì vậy, Phật giáo cần tích cực chuẩn bị.

4.    Hoạt động giáo dục hướng ra xã hội nhiều hơn không chỉ là tham gia vào giáo dục chính quy bậc tiểu học, bậc trung học, hay đại học mà có rất nhiều hình thức, từ giáo dục từ xa, giáo dục điện tử, đến giáo dục thường xuyên, bổ túc kiến thức, giáo dục dạy nghề. Phật giáo dường như chậm chân trong mọi lãnh vực hoạt động giáo dục hướng ra xã hội.

Đạo hữu có thấy thế không? Đạo hữu có thống kê so sánh đối chiếu nào không?

CS MT: Kính bạch HT, còn xin dẫn ra 2 thông tin dưới đây để cho thấy sự tụt hậu của Phật giáo trong hoạt động giáo dục hướng ra xã hội.

Báo Giác Ngộ, số 762, trong bài Phỏng vấn HT Thích Như Niệm, Phó Trưởng ban Thường trực Ban TTXH, Trưởng ban TTXH GHPGVN TPHCM, có nhan đề “Không nên thả nổi ngành từ thiện xã hội” có đưa thông tin như sau trong khung hộp cạnh bài phỏng vấn:

“Cả nước có 47 cơ sở giáo dưỡng trẻ mồ côi, khuyết tật, người già

Theo báo cáo tại Hội nghị kỳ 2 khóa VII GHPGVN, các lớp học tình thương, trường nuôi dạy trẻ khuyết tật, mồ côi trong hệ thống GHPGVN hoạt động ổn định, có kết quả.

TP. Hà Nội: Trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi, khuyết tật, trẻ bị nhiễm HIV: chùa Bồ Đề, Pháp Vân, Thanh Am, Ngọc Lâm, Đông Cựu.

TP.HCM: 5 trường nuôi dạy trẻ mồ côi và khuyết tật với 1.000 trẻ; 4 cơ sở nuôi người già neo đơn với 900 cụ; 13 lớp học tình thương với 1.200 em, 4 cơ sở tư vấn HIV/AIDS.

Thừa Thiên Huế: Trường mầm non tư thục Diệu Đế, Hồng Đức, Ngự Bình, Quảng Tế; Mẫu giáo Từ thiện Phú Lộc, Nhà nuôi trẻ mồ côi Đức Sơn, Ưa Đàm, Viện dưỡng lão Tịnh Đức, Diệu Viên; Trường dạy nghề miễn phí Long Thọ, Tây Linh, Trung tâm Tư vấn người nhiễm HIV/AIDS…

Tại các tỉnh, thành khác: Trường nuôi trẻ mồ côi Bồ Đề (Bình Dương), chùa Khánh Quang (Khánh Hòa), Cẩm Phong (Tây Ninh), TT Từ thiện xã hội Phật Quang (Kiên Giang), Mái ấm Sen Hồng – nuôi dưỡng trẻ khuyết tật, trẻ ảnh hưởng chất độc da cam (Quảng Trị)…”

Trong khi đó, trên tạp chí “Công tác tôn giáo” số 9 (97) – 9/2014, trong bài “Đóng góp của tôn giáo với xã hội hiện nay”, trang 13-17 có thông tin như sau:

“Một truyền thống và là thế mạnh của các tôn giáo đấy là làm giáo dục và y tế. Bởi đây là những lĩnh vực cần đến tình yêu thương con người. Trước năm 1970, một thống kê cho biết, riêng Giáo hội Công giáo (GHCG) ở miền Nam đã quản lý 1.030 trường tiểu học với 258.409 học sinh Công giáo và 97.347 học sinh không Công giáo; 226 trường trung học với 82.827 học sinh Công giáo và 70.101 học sinh không Công giáo; 41 bệnh viện với 7.000 giường, 239 trạm phát thuốc; 36 nhà hộ sinh; 9 trại phong với 2.500 bệnh nhân; 82 cô nhi viện với 11.000 trẻ em; 29 nhà dưỡng lão. Sau năm 1975, hầu hết các cơ sở này không tồn tại. Từ những năm 1990, Nhà nước mới cho phép GHCG mở nhà trẻ mẫu giáo và cấp 1, phòng khám bệnh tình thương. Theo Niên giám của Hội đồng Giám mục Việt Nam năm 2005, GHCG đang quản lý 675 trường mẫu giáo, 145 trường cấp I, 28 trung tâm dạy nghề, 96 trạm xá, 5 trung tâm chăm sóc người bị HIV/AIDS và chất độc da cam, 123 cô nhi viện và nhà dưỡng lão. Rõ ràng, con số trên chưa phản ánh đúng nhu cầu của xã hội và khả năng của các tôn giáo. Bằng chứng là những nhà trẻ do phía Công giáo quản lý luôn quá tải do nhu cầu phụ huynh, mặc dầu Nhà nước hạn chế chỉ tiêu tuyển sinh. Hay khi UBND TP. Hồ Chí Minh mở Trung tâm chăm sóc người bị bệnh HIV/AISD ở Bình Dương đã không thể tuyển được y bác sĩ đến phục vụ dù tăng lương bổng nên phải nhờ Hồng y Phạm Minh Mẫn giúp và 9 nữ tu là bác sĩ, y sĩ, y tá đã đến đây và bây giờ lên tới 40 tu sĩ. Nhiều dòng tu có khả năng làm giáo dục như dòng Don Bosco, dòng Đa Minh đã phải chuyển các dự án của mình ra nước ngoài. Có những dự án nhân đạo chăm sóc trẻ mồ côi của Mẹ Terêsa Can cút ta chỉ được mấy tháng ở Sơn Tây là phải đóng cửa vì thủ tục khó khăn. Đây là thiệt thòi cho đất nước và làm cho tôn giáo không phát huy được tiềm năng của mình.

Rõ ràng, Nhà nước cần đổi mới chính sách để đáp ứng chủ trương xã hội hóa y tế, giáo dục để huy động sự đóng góp của các tôn giáo. Những trung tâm chăm sóc trẻ em tật nguyền hay người già không nơi nương tựa ở Đà Nẵng trước đây do Nhà nước quản lý những kém hiệu quả, nay giao cho Giáo hội quản lý đã làm cho chúng năng động hơn hoặc Trường Cao đẳng dạy nghề của Công giáo đầu tiên đã được thành lập ở Xuân Lộc là những dấu hiệu vui. Tuy nhiên, cũng cần phải có hướng dẫn để các tôn giáo vận hành chặt chẽ hơn, tránh để xảy ra các vụ việc tiêu cực có thể xảy ra”.

HT TTT: Tuy thống kê mà đạo hữu dẫn ra chênh lệch có đến cả chục năm, nhưng dù thống kê của Phật giáo Việt Nam sau gần cả chục năm, thì vẫn cho thấy một sự thua sút, tụt hậu, chậm trễ ở khoảng cách rất lớn.

Theo tôi cần chú ý trước hết ở nhận thức.

Tôn giáo khác đã nhận thức khá tách bạch rạch ròi giữa hoạt động giáo dục hướng ra xã hội và hoạt động từ thiện, dù cả 2 điều được xếp vào hoạt động xã hội.
Phật giáo Việt Nam vẫn coi tất cả là hoạt động từ thiện, dĩ nhiên như thế là trong quan điểm và trên thực tế sẽ không có hoạt động giáo dục hướng ra xã hội.
Không có hoạt động giáo dục hướng ra xã hội thì sẽ không có bước tiến nào có thể có, thực chất đây là việc PGVN tự loại trừ mình ra khỏi hoạt động giáo dục hướng ra xã hội.

Tôi không hiểu thông tin mà tác giả Phạm Huy Thông đưa trong bài viết của mình về việc tôn giáo tổ chức, quản lý, điều hành trường cấp 1, mở trường cao đẳng nghề.

Nếu đúng thực như thế, có tôn giáo đã, xin nhấn mạnh là đã, chứ không phải dự tính, thành lập, tổ chức, quản lý đến bậc đại học (trường cao đẳng thuộc về bậc đại học) và đối với trường phổ thông cấp 1, thì quả thật, trên lãnh vực này, Phật giáo Việt Nam gần như trắng tay.

Nói đến giáo dục phổ thông, thì nói đến hệ thống, Phật giáo Việt Nam có một vài trường hợp và hoạt động như là những cơ sở từ thiện, thì coi như là không có gì hết, không đáng vào đâu hết.

Đạo hữu có chú ý đến số liệu về số trường và số học sinh của tôn giáo khác trước năm 1975 ở miền Nam không?

CS MT: Kính bach HT, dạ có. Dường như tác giả bài báo nêu ra như là một mục tiêu cần phải đạt tới.

HT TTT: Thầy nghĩ cũng chỉ là mục tiêu trước mắt. Còn về lâu dài, đó không là mục tiêu đâu, vì đó là số liệu ở nửa nước Việt Nam và đã 40 năm trước. Có thể chỉ cần 5 năm kể từ khi được phép là có tôn giáo đạt ngay mục tiêu đó.

Như thầy đã nói, sự đảo lộn cục diện hoạt động giáo dục hướng ra xã hội, mà có tôn giáo coi chính là hoạt động tôn giáo, có thể sẽ làm đảo lộn, phá vỡ cục diện hài hòa, ổn định giữa các tôn giáo.

Vì vậy, Phật giáo Việt Nam phải hết sức quan tâm, chú ý đến hoạt động giáo dục hướng ra xã hội trong hoàn cảnh mới như chúng ta đã thấy. Cụ thể, cần cần làm những gì thì chúng ta đã có dịp nói qua và sẽ đi sâu hơn trong một dịp trao đổi ý kiến khác.

Còn nếu bàn luận cần cho phép y tế hay giáo dục, nên là lãnh vực nào trước tôn giáo tham gia nhiều hơn, thì theo thầy y tế là cấp bách.

CS MT: Thành kính cảm ơn HT. Kính chúc HT vô lượng an lạc.

MT (thực hiện)

Thông tin, thảo luận, phản hồi riêng và các bài tranh luận đặc biệt: [email protected], vi-vn.facebook.com/cusiminhthanh.