Trang chủ Thời đại Giáo dục HT. Thiện Tâm: Việt Nam Quốc tự và mục tiêu "Trường học...

HT. Thiện Tâm: Việt Nam Quốc tự và mục tiêu "Trường học trong chùa", "chùa là trường học"

219

Trong các bài phỏng vấn trước, chúng ta đã được Hòa thượng Thích Thiện Tâm trình bày chi tiết về ý tưởng khôi phục trường học Phật giáo tại Việt Nam Quốc Tự, bằng giải pháp kiến trúc một ngôi chùa trên đỉnh một cao ốc, với diện tích xây dựng phần thân cao ốc dùng làm trước tiên là cơ sở giáo dục, ngoài ra là cơ sở tu học tập trung, cơ sở văn hóa, sinh hoạt thanh niên, thư viện, hành chánh giáo hội, triển lãm, thiền định trị liệu…

Chúng tôi đã nhận được nhiều ý kiến chất vấn của bạn đọc tăng ni Phật tử.

Trên tinh thần tu hạnh lắng nghe, chúng tôi trân trọng ghi nhận những nội dung chất vấn của bạn đọc gần xa, kể cả những ý kiến có hướng không đồng tình, kính chuyển đến HT Thích Thiện Tâm.

HT Thích Thiện Tâm đã hoan hỷ tiếp nhận câu hỏi chất vấn của bạn đọc tăng ni Phật tử, quan tâm trả lời, với điều kiện xem đây là ý kiến được một chuyên gia giáo dục phát biểu, về những vấn đề liên hệ đến giáo dục, không phải là ý kiến trong tư cách một nhà lãnh đạo Phật giáo. Với tư cách một chuyên gia giáo dục, HT Thích Thiện Tâm sẵn sàng trao đổi ý kiến về tất cả những vấn đề học thuật giáo dục.

Nhiều bạn đọc bất ngờ về thông tin tại Việt Nam Quốc Tự trước năm 1975 đã có Viện Đại học Phật giáo Phương Nam, nên đã hỏi về cơ sở này. Thậm chí có nhiều câu hỏi ngờ vực, vì chưa bao giờ nghe nhắc đến việc Phật giáo miền Nam có tới 2 viện đại học.

Cư sĩ Minh Thạnh (CS MT): Kính bạch HT, có bạn đọc hỏi về Viện Đại học Phương Nam được xây dựng tại Việt Nam Quốc Tự trước năm 1975?

Hòa thượng Thích Thiện Tâm (HT TTT): Đại học Phương Nam có thể coi là một Viện Đại học Vạn Hạnh thứ hai, theo hình mẫu của Viện Đại học Vạn Hạnh, cũng do một giáo hội Phật giáo thành lập, tổ chức, quản lý, điều hành.

Khác với Viện Đại học Vạn Hạnh, là một “trường học trong chùa” theo nghĩa bóng, vì có cơ sở riêng tách biệt, Viện Đại học Phương Nam là một “trường học trong chùa” đúng theo nghĩa đen của từ ngữ này.

Cuối thập niên 1960, trong bối cảnh Phật giáo miền Nam chia làm 2 khối, các nhà lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất khối Việt Nam Quốc Tự nhận thấy Đại học Vạn Hạnh do Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất khối Ấn Quang đã đạt được những thành tựu quan trọng, do đó đã có tác động tích cực nhiều mặt, trong đó có việc gia tăng uy tín, vị thế của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất khối Ấn Quang.

Vì vậy, các nhà lãnh đạo Phật giáo khối Việt Nam Quốc Tự nhanh chóng đi tới quyết định cần phải có một viện đại học tương tự. Kết quả là cơ sở Đại học Phương Nam được xây dựng bên trong Việt Nam Quốc Tự.

Dường như, những cơ sở đầu tiên của Đại học Phương Nam là công trình kiên cố, quy mô duy nhất được hoàn thành và đã đưa vào sử dụng tại Việt Nam Quốc Tự. Lúc đó, Bảo tháp còn xây dựng dở dang, còn chính điện và tam quan chỉ là công trình tạm, lợp tôn.

Việc xây dựng Đại học Phương Nam cho thấy các nhà lãnh đạo Phật giáo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất khối Việt Nam Quốc Tự đã sớm nhận ra vai trò, tác động tích cực của việc sở hữu, điều hành giáo dục đại học.

Nó cũng đồng thời cho thấy ảnh hưởng, tác động của những thành quả đạt được từ Đại học Vạn Hạnh lớn lao đến mức nào. Sau Đại học Vạn Hạnh, trong thời gian chưa tới 10 năm có tới 5 viện đại học tư thục nối nhau thành lập, dẫn đến việc Phật giáo có 2 viện đại học: Vạn Hạnh và Phương Nam.

CS MT: Kính bạch HT, như vậy, có thể coi Viện Đại học Phương Nam là một hình thức “cạnh tranh” với Viện Đại học Vạn Hạnh?

HT TTT: Hiểu là cạnh tranh thì cũng có thể, nhưng cần xác định chính xác ở chỗ là trong hoạt động giáo dục đại học ở miền Nam trước 1975 thực tế có đến 7 đại học tư thục “cạnh tranh” nhau, không phải chỉ Viện Đại học Phương Nam với Viện Đại học Vạn Hạnh.

Viện Đại học Minh Đức (Thiên Chúa giáo), Viện Đai học Cao Đài (Tây Ninh), Viện Đại học Hòa Hảo (Long Xuyên), Viện Đại học Phương Nam, Viện Đại học Tri Hành (Tin Lành) là các viện đại học xây dựng sau Viện Đại học Vạn Hạnh nhưng nhanh với tốc độ kỷ lục.

Phật giáo Hòa Hảo là một tôn giáo chưa có công trình kiến trúc lớn, kể cả Tổ đình tại Thánh địa, nhưng vẫn ra sức huy động nỗ lực của chức sắc, chức việc, tín đồ xây dựng tòa nhà Đại học Hòa Hảo tại Long Xuyên, bên bờ sông Hậu.

Phật giáo khối Việt Nam Quốc Tự, tuy về lực lượng chủ yếu chỉ là phái tập họp quý tăng ni Phật tử miền Bắc di cư, thường được gọi là miền Vĩnh Nghiêm, nhưng vẫn cố gắng thành lập được Viện Đại học Phương Nam. Việc đầu tư xây dựng kiên cố trước tiên cơ sở vất chất của viện đại học này cho thấy quyết tâm cao của các nhà lãnh đạo Phật giáo Việt Nam Quốc Tự, coi giáo dục hướng ra xã hội là ưu tiên hàng đầu, ưu tiên cao nhất.

CS MT: Kính bạch HT, theo HT thì đó là từ tầm nhìn, nhưng liệu bối cảnh hoạt động giáo dục hướng ra xã hội lúc đó đã khiến các nhà lãnh đạo Phật giáo khối Việt Nam Quốc Tự không làm khác đi được?

HT TTT: Đúng là cũng có yếu tố đó. Đầu tiên, thành công giáo dục hướng ra xã hội của một tôn giáo đã giúp tôn giáo đó phát triển nhanh chóng, tạo được vị thế quan trọng trong đời sống xã hội

Tiếp đó, thành công của Viện Đại học Vạn Hạnh khiến cho mọi tôn giáo phải chú ý, vị nể Phật giáo (khối Ấn Quang).

Bối cảnh đó gián tiếp thúc đẩy việc nhanh chóng phát triển cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam Quốc Tự.

Tuy nhiên, nếu các vị lãnh đạo Phật giáo khối Việt Nam Quốc Tự bảo thủ, nông cạn, không có tầm nhìn, thì sẽ không ưu tiên cho việc xây dựng cơ sở giáo dục đại học trong Việt Nam Quốc Tự.

Nếu chỉ an phận, chỉ coi mình là thầy cúng, chỉ lo tế lễ, ma chay, cầu an cầu siêu, chắc chắn các vị lãnh đạo Phật giáo khối Việt Nam Quốc Tự lúc đó sẽ không cần cũng như không thể hoạch định phương hướng hoằng pháp, trong đó, coi giáo dục hướng ra xã hội là khâu quan trọng, đẩy nhanh tiến độ xây dựng Viện Đại học Phương Nam.

Vì vậy, Đại học Phương Nam không thuần túy là một cơ sở giáo dục hướng ra xã hội của Phật giáo khối Việt Nam Quốc Tự, mà đã là một phương tiện rất quan trọng và hữu hiệu để khối Việt Nam Quốc Tự tự khẳng định vị thế và ảnh hưởng của khối Phật giáo này đối với xã hội miền Nam đầu thập niên 1970.

Thực sự, Đại học Phương Nam trong Việt Nam Quốc Tự không chỉ là cơ sở giáo dục, mà là cơ sở hoằng pháp, cơ sở hoạt động tôn giáo ở tầm vĩ mô, chiến lược.

Trong bối cảnh chính trị xã hội tôn giáo miền Nam trước năm 1975, Viện Đại học Phương Nam trong Việt Nam Quốc Tự một khi đưa vào hoạt động và hoạt động có hiệu quả sẽ có giá trị xác nhận khối Việt Nam Quốc Tự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất có tính chính thống, có ảnh hưởng lớn trong xã hội, có vai trò lớn trong sinh hoạt tôn giáo, không kém gì Khối Ấn Quang Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất.

Tuy có thể thực lực không hoàn toàn như nhau, nhưng hình ảnh 2 khối Phật giáo đều có 2 viện đại học sẽ tạo nên một hình ảnh 2 khối Phật giáo tương đối bình đẳng. Việc vươn lên vị trí bình đẳng và chính thức so với GHPGVNTN khối Ấn Quang là điều các nhà lãnh đạo Phật giáo khối Việt Nam Quốc Tự hướng đến và Viện Đại học Phương Nam là phương tiện để thực hiện mục tiêu đó.

Vị thế so với các tôn giáo cũng từ đó mà thay đổi, khi khối Việt Nam Quốc Tự có một viện đại học, không khác gì các tôn giáo khác ở miền Nam như Thiên Chúa, Tin Lành, Cao Đài, Hòa Hảo.

CS MT: Kính bạch HT, như vậy đây không phải chỉ là vấn đề giáo dục, mà trong đó có nhiều phương diện, mà giáo dục chỉ là phương tiện?

HT TTT: Nhưng gì thì gì, cạnh tranh nhưng bằng giáo dục thì cũng là điều nên có. Ở đó, người ta thi đua nhau xây trường, mở lớp, dạy học.

Dồn hết nỗ lực vào giáo dục hướng ra xã hội thì không chỉ đơn vị chủ trì tổ chức hoạt động giáo dục hướng ra xã hội có lợi theo tính toán riêng của họ, mà hoạt động giáo dục được lợi, cả xã hội được lợi.

Nếu đạo hữu nghĩ là giữa 2 khối Phật giáo Ấn Quang và Việt Nam Quốc Tự trước năm 1975 cạnh tranh bằng giáo dục đại học, mà Viện Đại học Phương Nam là một dẫn chứng thì thầy nghĩ rằng đó vẫn là một cách cạnh tranh văn minh, xét từ quan điểm một nhà giáo dục, dù thầy, với tư cách là một tu sĩ Phật giáo, không tán thành bất cứ một hình thức chia rẽ nào đối với Phật giáo.

CS MT: Kính bạch HT, cơ sở Viện Đại học Phương Nam là kiến trúc kiên cố có tầng lầu hoàn tất đầu tiên trong khuôn viên Việt Nam Quốc Tự. Đó là so với các kiến trúc khác trong khuôn viên thế nhưng có là sớm hay không từ sự kiện phân hóa thành khối Việt Nam Quốc Tự?

HT TTT: Sự kiện phân hóa Việt Nam Quốc Tự/Ấn Quang bắt đầu từ năm 1966, nhưng thời điểm đánh dấu có thể coi là năm 1967, với sự kiện Hiến chương 67.

Những vị lãnh đạo Khối Việt Nam Quốc Tự đã xây dựng Viện Đại học Phương Nam ngay sau đó, tức là được cấp phép trong năm 1967.

CS MT: Kính bạch HT, Viện Đại học Phương Nam tại Việt Nam Quốc Tự đào tạo những khoa nào? Vị nào là hiệu trưởng đầu tiên?

HT TTT: Trước 1975, các ngành học đại học tại miền Nam gọi là phân khoa. Viện Đại học Phương Nam có 3 phân khoa:

– Phân khoa Kinh tế – Thương mại.

– Phân khoa Ngoại ngữ.

– Văn Khoa.

Viện trưởng đầu tiên là Giáo sư Lê Kim Ngân.

CS MT: Kính bạch HT, quy mô đào tạo của Viện Đại học Phương Nam ra sao so với Viện Đại học Vạn Hạnh?

HT TTT: Vào thập niên 1970, Viện Đại học Phương Nam có 750 sinh viên ghi danh.

Cũng cùng thời điểm này thì Đại học Vạn Hạnh có khoảng 3000 sinh viên.

Con số này có lẽ xấp xỉ mức sinh viên Viện Đại học Đà Lạt (do đạo Thiên Chúa điều hành) nhưng tổng số sinh viên đã được Đại học Đà Lạt đào tạo là trên 20.000 người.

Như vậy, thành quả của Viện Đại học Phương Nam chỉ mới ở bước đầu.

CS MT: Kính bạch HT, Viện Đại học Phương Nam là đại học của Phật giáo, nhưng không có phân khoa Phật học, vậy thì có hẳn là một thành công?

HT TTT: Suy nghĩ như đạo hữu thì có thể lấy làm tiếc. Nhưng đối với thầy, một người nghiên cứu giáo dục, thì không hẳn trường do Phật giáo thành lập, điều hành thì phải có khoa Phật học.

Viện Đại học Minh Đức do Giáo hội Thiên Chúa giáo điều hành dường như đã không có phân khoa Thần học như Viện Đại học Đà Lạt cũng của Giáo hội Thiên Chúa.

Phật học không phải là một ngành học mà đông đảo sinh viên có thể ghi danh học, vì chỉ là một bộ môn học thuật nghiên cứu, không thể cầm văn bằng cử nhân Phật học cũng như sử dụng kiến thức Phật học để đi làm việc, mưu sinh.

Thầy không nghĩ đó là một thất bại.

CS MT: Ý tưởng HT khôi phục trường học tại Việt Nam Quốc Tự là từ Viện Đại học Phương Nam?

HT TTT: Không phải vậy. Hoàn toàn không phải vậy.

Viện Đại học Phương Nam chỉ là một yếu tố lịch sử để tham khảo, mà những nội dung chính chúng ta đã trao đổi qua cuộc phỏng vấn này. Thầy nhấn mạnh CHỈ LÀ YẾU TỐ LỊCH SỬ ĐỂ THAM KHẢO.

Lịch sử đã là quá khứ, nó đã trôi qua, không thể, cũng không nên, nói đến phục hồi.

Vấn đề thầy đặt ra là chuyện hướng tới tương lai. Với diện tích đất như thế, thì nên nghĩ đến việc chuẩn bị cho giáo dục bằng giải pháp chùa trên đỉnh nhà cao tầng. Chỉ có thế thì mới có diện tích sẵn sàng cho giáo dục hướng ra xã hội, trọng điểm hoằng pháp và giữ gìn Phật giáo trong những năm sắp tới.

Nhắc tới Viện Đại học Phương Nam trong Việt Nam Quốc Tự, là chúng ta nhắc đến tinh thần hoạt động giáo dục hướng ra xã hội của một bộ phận Phật giáo lúc đó, hoàn toàn không nghĩ đến việc khôi phục.

Chỉ có ý nói rằng, ngày xưa ở nơi đó, đã có “trường học trong chùa” thì nay cũng nên như thế.

Ngôi trường mới mơ ước sẽ là trường của Giáo hội Phật giáo Việt Nam quy mô gấp mười lần, thậm chí cả trăm lần Viện Đại học Vạn Hạnh hay Viện Đại học Phương Nam khi xưa.

Đó là ngôi trường tương lai của Phật giáo Việt Nam nay đã hoàn toàn thống nhất trên cả nước, đoàn kết, phát triển hơn bao giờ hết.

CS MT: Thành kính cảm ơn HT đã quan tâm đến câu hỏi chất vấn của bạn đọc. Xin kính chào HT.