Trang chủ Thời đại Giáo dục HT. Thiện Tâm: Việt Nam Quốc Tự và cơ sở cho giáo...

HT. Thiện Tâm: Việt Nam Quốc Tự và cơ sở cho giáo dục xã hội

133

Trong một bài phỏng vấn HT Thích Thiện Tâm trước đây về ý tưởng khôi phục cơ sở vật chất trường lớp tại Việt Nam Quốc Tự trên khu đất 7000m2 mới được bàn giao nhằm mục tiêu tích cực chuẩn bị cho hoạt động giáo dục hướng ra xã hội của Phật giáo, chúng ta đã có thông tin về việc tôn giáo khác chuẩn bị ráo riết cơ sở vật chất, đưa một số lớn diện tích kiến trúc vào phục vụ hoạt động giáo dục do chính tôn giáo đó tổ chức triển khai, điều hành hay cho thuê làm cơ sở giáo dục.

Trong khi đó, phía Phật giáo Việt Nam nhìn chung, chỉ mới có những chuẩn bị tích cực cho giáo dục tu sĩ (giáo dục tăng ni, với cơ sở học viện Phật giáo), mà hầu như chưa có những chuẩn bị tích cực cho hoạt động giáo dục hướng ra xã hội.

Trong bài phỏng vấn này, chúng tôi sẽ hỏi HT Thích Thiện Tâm sâu hơn về những chuẩn bị cần thiết, đặc biệt là chuẩn bị cơ sở vật chất trường lớp, với ý tưởng xây dựng chùa trên đỉnh một cao ốc đa chức năng, dành diện tích xây dựng chuẩn bị hoạt động giáo dục hướng ra xã hội, coi đó là trọng tâm đầu tư.

Hòa thượng cũng lưu ý là việc trao đổi ý kiến chỉ nhằm để tham khảo.

Cư sĩ Minh Thạnh (CS MT): Kính bạch HT, theo HT, để Phật giáo không bị tụt hậu trong hoạt động giáo dục hướng ra xã hội, đặc biệt là khi tôn giáo đã có chuẩn bị ráo riết, khẩn trương, cả về mọi mặt.

Hòa thượng Thích Thiện Tâm (HT TTT): Việc chuẩn bị cần được tiến hành đồng thời trên nhiều mặt. Đó là:

1.    Chuẩn bị về nhận thức.

Tất cả tu sĩ, tín đồ, đặc biệt là các vị lãnh đạo giáo hội đều nhất trí là hoạt động giáo dục hướng ra xã hội là một hoạt động Phật giáo không thể không tham gia và khi đã tham gia thì không để bị bỏ rơi về phía sau, khi các tôn giáo được phép tham gia nhiều hơn vào hoạt động xã hội hóa giáo dục.

2.    Chuẩn bị về cơ quan phụ trách.

Phật giáo hiện chưa có cơ quan phụ trách hoạt động giáo dục hướng ra xã hội chỉ mới có ban phụ trách giáo dục tu sĩ. Các hoạt động giáo dục hướng ra xã hội được xếp một cách chưa hợp lý vào hoạt động từ thiện xã hội.

3.    Chuẩn bị về nhân sự

Dự trù và sẵn sàng nhân sự cần thiết, đạt yêu cầu về chuyên môn sư phạm và văn bằng thể tham gia ngay vào việc quản lý, giảng dạy các cấp trung, tiểu học và đại học.

4.    Chuẩn bị về cơ sở vật chất trường lớp

Sẵn sàng một số lớn diện tích kiến trúc dùng làm trường lớp.

Việc chuẩn bị có thể chia làm 2 cấp:

–    Sẵn sàng về các mặt như trên.

–    Soạn thảo những văn kiện lý luận.

–    Soạn thảo kế hoạch cụ thể triển khai ngay khi cơ hội đến.

–    Soạn thảo tầm nhìn cho trung hạn và dài hạn.

Đạo hữu có thể tự so sánh việc chuẩn bị của các tôn giáo, trong đó có Phật giáo chúng ta.

CS MT: Kính bạch HT, con thấy có tôn giáo chuẩn bị rất chu đáo, tích cực ở mọi mặt, và thấy là việc tập trung cho thuê mặt bằng để làm trường lớp như rất nhiều trường hợp thay vì cho thuê cho các mục tiêu khác cho thấy đỉnh cao của việc chuẩn bị.

Nhưng thưa HT, giả sử Phật giáo Việt Nam chúng ta tập trung xây dựng Việt Nam Quốc Tự thành một nhà cao tầng với chùa ở trên đỉnh và nhiều ngàn mét vuông, phòng ốc sẵn sàng làm trường học ở các tầng dưới, thì khi điều kiện chưa đến như hiện nay, liệu việc cho thuê làm trường học đối với Phật giáo có thích hợp như các tôn giáo khác?

HT TTT: Nếu xây dựng cho là sớm một số diện tích dùng làm trường học, cho thuê làm trường học trong khi chờ đợi hoàn cảnh cho phép, thì theo thầy đó là một sự chuẩn bị rất tích cực, vì:

–    Luôn sẵn sàng về cơ sở vật chất trường lớp, cần thiết là có thể đưa vào sử dụng ngay cho hoạt động giáo dục hướng ra xã hội, chỉ cần động tác đơn giản là lấy lại mặt bằng cho thuê.

–    Dù do phía đến thuê triển khai, thì tại cơ sở trường lớp cho thuê đó đã có hoạt động giáo dục, phù hợp với cơ sở tôn giáo và hoạt động giáo dục rộng rãi cũng chính là mục tiêu tôn giáo.

Nhưng sao đạo hữu nghĩ là việc cho thuê mặt bằng dùng làm trường lớp giáo dục là không thích hợp cho Phật giáo? Đạo hữu đâu có xa lạ với việc nhà chùa dành mặt bằng cho thuê làm nhà hàng chay, phòng phát hành tranh tượng, đồ thờ cúng, kinh sách, băng dĩa Phật pháp, nhà may y pháp phục, làm nhà tang lễ…

Việc cho thuê mặt bằng trong khuôn viên tôn giáo tự nó đòi hỏi có sự chọn lọc đặc biệt, nhưng giáo dục là một trong những lựa chọn.

“Trường học trong chùa”, “chùa là trường học” là điều chúng ta hướng tới. Vậy sao, khi nghĩ đến đạo hữu lại ngần ngại?

CS MT: Kính bạch HT, con đọc nhiều tài liệu thấy rằng có tôn giáo coi việc không có trường học trong cơ sở tôn giáo mới là điều bất bình thường và họ không chấp nhận việc vắng mặt trường học bên trong hay bên cạnh cơ sở thờ phượng tôn giáo. Nhưng con cho là lạ, vì không thấy điều đó quen thuộc với Phật giáo.

HT TTT: Không lẽ đạo hữu vẫn nghĩ đến chùa chỉ để cúng bái và như thế chỉ có người già, giới nữ mới đến chùa.

Chúng ta đã thống nhất một nguyên tắc căn bản đạo Phật là đạo giáo hóa, là tôn giáo của giáo dục.

Nguyên tắc thứ nhất là hoạt động giáo dục hướng ra xã hội của tôn giáo chính là một dạng hoạt động tôn giáo. Nếu thế hoạt động tôn giáo được tiến hành trong khuôn viên tôn giáo thì có gì lạ?

Phật giáo Việt Nam chúng ta nếu xây trường lớp thì mục tiêu cuối cùng không phải là cho thuê, mà là tự tổ chức điều hành hoạt động giáo dục hướng ra xã hội. Nếu có cho thuê làm trường lớp thì cũng là tạm thời.

Đưa diện tích mặt bằng đã được xây dựng ngay vào trạng thái phục vụ bằng cách cho thuê làm trường lớp là một cách chuẩn bị ở mức tích cực nhất cho hoạt động giáo dục hướng ra xã hội.

Trong tình huống chỉ là chuẩn bị đó, giáo hội cũng vẫn sẽ có nguồn tài chính chủ động một cách căn bản. Việc này có tác động tích cực so với nếu chỉ trông cậy vào việc thụ động chờ đợi ủng hộ, cúng dường, quyên góp, vận động.

Quý tôn đức giáo phẩm giữ giới không liên hệ đến tiền bạc có thể giao nhiệm vụ cho bộ máy quản lý do cư sĩ điều hành, doanh thu thì đưa vào quỹ của giáo hội.

Thầy quan niệm rằng xây dựng kiến trúc phục vụ cho hoạt động giáo dục cũng có thể xem là một khâu trong hoạt động giáo dục, dù đó là việc cho thuê mặt bằng để hoạt động giáo dục cũng không phải là hoàn toàn tách rời với giáo dục.

Một trong những nguyên tắc mà chúng ta đã thống nhất là giáo dục tôn giáo hướng ra xã hội, trong đó có Phật giáo, về căn bản, không phải chỉ là hoạt động từ thiện nhân đạo, mà có thể có doanh thu khi xây dựng được hoạt động giáo dục có chất lượng cao.

Chúng ta không nói đến lợi nhuận giáo dục hay doanh thu cho thuê mặt bằng mà có thể nhiều trăm triệu đồng tháng, khiến nhiều cơ quan đơn vị đầu tư xây dựng cao ốc. Giáo dục tôn giáo hướng ra xã hội không đặt doanh thu lên làm mục tiêu hàng đầu, dù rằng cũng không loại trừ.

Có dịp thầy đã nói, Viện Đại học Vạn Hạnh là đại học tư thục, đâu phải là cơ sở từ thiện. Đại học Vạn Hạnh thành công ở chỗ nhà trường đã phát triển được mà một phần nhờ vào thu nhập tăng, do sĩ số sinh viên ghi danh tăng. Nhưng Viện Đại học Vạn Hạnh vẫn là một hoạt động Phật giáo ở lãnh vực giáo dục hướng ra xã hội, không ai coi đó là cơ sở “làm ăn” của Phật giáo.

Chúng ta muốn làm từ thiện nhiều hơn nữa, với những giá trị lớn hơn nữa, phục vụ nhiều người hơn nữa, thì nếu có nguồn thu ổn định, chủ động, do hoạt động giáo dục hay tham gia vào hoạt động giáo dục, cụ thể có cơ sở trường lớp cho thuê, thì vẫn hơn bị động, chạy vạy xin ở đầu này đầu nọ.

CS MT: Kính bạch HT, nhưng tập quán của Phật giáo ta hễ có đất là xây chùa?

HT TTT: Chỉ xây chùa như là nơi cúng bái tế tự, chỉ có chính điện là tập quán của thời kỳ Phật giáo suy thoái.

Những ngôi chùa xây vào thời chấn hưng Phật giáo, từ giữa thế kỷ XX, như Xá Lợi, Ấn Quang, Từ Nghiêm… luôn có giảng đường dùng cho việc dạy học thường xuyên, thuyết pháp. Nhờ vậy, cơ sở ban đầu của Viện Đại học Vạn Hạnh các năm 1964, 1965 tạm đặt trong chùa. Nếu không chuẩn bị sẵn cơ sở vật chất, thì có đâu ngay lớp học, giảng đường.

Tầm nhìn Phật giáo Việt Nam trong giai đoạn thế kỷ XXI là tầm nhìn giáo dục thì không tách rời việc xây dựng cơ sở vật chất trường lớp.

Thế đạo hữu có thấy các trường học trong cơ sở tôn giáo hay bên cạnh cơ sở tôn giáo, ngoài trường hợp đạo Thiên Chúa?

CS MT: Con có thấy trong một số nhà thờ Tin Lành có lớp học mà họ dạy Anh văn miễn phí, dạy tiếng Trung ở vùng đồng bào dân tộc Hoa như quận 5, 6… Hay đi thăm nội ô Tòa thánh Tây Ninh con thấy nhiều dãy nhà quy mô xây theo kiến trúc trường học.

HT TTT: Trong khuôn viên Việt Nam Quốc Tự cũ cũng có những dãy kiến trúc bê tông dường như là 1 hay 2 lầu, dùng làm cơ sở Đại học Phương Nam của Khối Việt Nam Quốc Tự, ở phía Nhà hát Hòa Bình ngày nay.

Kiến trúc cũ của Thiền viện Vạn Hạnh, trước năm 1975 là một cơ sở chi nhánh của Đại học Vạn Hạnh, trong một thời gian dài cũng mang dáng dấp một ngôi trường.
Cơ sở giáo dục chẳng những không tạo ra mâu thuẫn gì khi xây dựng trong cơ sở tôn giáo, trong thế phối hợp với kiến trúc thờ tự, mà cơ sở giáo dục là sự nối dài của cơ sở tôn giáo, đầu tiên ở Thiên Chúa giáo và sau đó, là ở các tôn giáo.

Giáo dục không chỉ là dạy học, là truyền đạt kiến thức, mà còn là xây dựng nhân cách, bồi đắp đạo đức, và cũng là hoạt động từ thiện xã hội (bố thí một khóa học, học bổng, cơ hội được học, theo thầy vẫn quý hơn là cho bao gạo, thùng mì).

Giáo dục cũng là động lực hoằng pháp, vì đó là công cụ tập họp thanh thiếu niên. Mà để tập họp với công cụ giáo dục, Phật giáo Việt Nam phải chuẩn bị bị cơ sở vật chất trường lớp. Không có trường lớp là vẫn tay trắng về giáo dục.

Với cách nhìn như vậy, thầy mong cơ hội hiếm hoi mà Phật giáo Việt Nam có được là cơ hội cho giáo dục Phật giáo hướng ra xã hội.

MT