Trang chủ Văn hóa Chùa Việt Nam Hữu tình non nước Ngũ Hành Sơn

Hữu tình non nước Ngũ Hành Sơn

96

Những ngọn núi của Ngũ Hành Sơn mấy trăm năm trước được vua Minh Mạng đặt tên theo ngũ hành là Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn, Hỏa Sơn (gồm Âm Hỏa Sơn và Dương Hỏa Sơn), Thổ Sơn. Cả 5 ngọn núi đều có những câu chuyện truyền kỳ về sự hình thành từng ngọn núi, chùa chiền, hang động.


Đến đây, người ta bắt gặp những bài thơ từ thời Lý – Trần vẫn còn in dấu trên vách đá rêu phong, những dấu tích văn hóa và tín ngưỡng của người Chiêm Thành, khiến du khách như lạc vào một không gian huyền hoặc, với tiếng sóng vỗ, tiếng chuông chùa và cảnh sắc sơn thủy hữu tình.


Được du khách tham quan nhiều nhất là Thủy Sơn – cao 106 mét – cao nhất trong Ngũ Hành Sơn. Núi có 3 ngọn là Thượng Thai, Trung Thai và Hạ Thai. Hầu hết chùa chiền và hang động đều tập trung ở đây. Khách có thể lên đỉnh Thủy Sơn theo hai đường: leo 156 bậc tam cấp phía Tây Nam lên chùa Tam Thai (ở ngọn Thượng Thai) hoặc 108 bậc tam cấp phía Đông đến chùa Linh Ứng (ở ngọn Hạ Thai).


Chùa Tam Thai từ xưa được xem là Quốc tự và là di tích Phật giáo. Chùa được Vua Minh Mạng cho tu sửa lại vào năm 1825, đồng thời đúc 9 tượng và 3 chuông lớn đặt trong chùa. Đến nay, ngôi chùa vẫn còn nguyên vẹn với nét uy nghiêm, cổ kính của kiến trúc thuần Việt.


Từ chùa Tam Thai, du khách có thể tham quan những ngôi chùa nhỏ hơn bao quanh như chùa Từ Tâm, Tam Tâm, Phổ Đồng và Vọng Giang Đài. Từ Vọng Giang Đài, có thể nhìn bao quát cả vùng đồng quê của Đà Nẵng, Quảng Nam với các con sông Trường, Cẩm Lệ.


Lấy chùa Tam Thai làm tâm điểm, du khách đi tham quan những hang động nổi tiếng của Thủy Sơn. Vòng sau lưng chùa Tam Thai, men theo một con đường đất, có một cổng vôi cổ kính khắc 3 chữ “Huyền Không Quan”.


Đây là hang động lộ thiên, với mái động hình vòm, trên có 5 lỗ lớn nhỏ có thể trông thấy bầu trời, trên vách động có bọt đá tạo nên những hình tượng ngộ nghĩnh. Đi về phía Đông, du khách sẽ gặp cụm hang động của ngọn Trung Thai gồm Thiên Phước Địa, hang Vân Nguyệt và động Vân Thông.


Đáng chú ý nhất là động Vân Thông có hình tròn như đường ống chếch lên phía ngọn núi. Trong động có một tượng Phật rất lớn. Phía cuối động có đường thông ra ngoài khá to, nên ánh sáng từ đỉnh rọi vào trong động tạo thành ánh hào quang cho tượng Phật.


Ngọn Hạ Thai của Thủy Sơn có chùa Linh Ứng – có quy mô và bề dày lịch sử không kém chùa Tam Thai – và Vọng Hải Đài, động Tàng Chân, động Ngũ Cốc, động Âm Phủ, Giếng Tiên. Vọng Hải Đài nằm bên phải chùa Linh Ứng, giúp du khách ngắm được cả một vùng trời biển và sinh hoạt nhộn nhịp của ngư dân.


Đến Ngũ Hành Sơn, khách đừng bỏ qua dịp tham quan Kim Sơn. Núi nằm bên bờ Trường Giang (còn có tên Lộ Cảnh Giang hoặc Cổ Cò). Kim Sơn có Bến Ngự – nơi ngày xưa Vua chúa neo thuyền cập bến khi du hành và một hang động vô cùng đặc biệt: trên vách động có tượng Quan Thế Âm Bồ Tát được thiên nhiên tạo nên từ thạch nhũ.


Tượng có một lớp nhũ đá lấp lánh như dải kim tuyến phủ từ bờ vai đến gót chân, dưới chân tượng là một con rồng đang cuộn mình giữa những làn sóng, phía sau còn có hai hình tượng nhỏ giống Thiện Tài đồng tử và chim Khổng Tước.


Có thể nói đây là bức phù điêu tuyệt đẹp mà thiên nhiên tặng cho Kim Sơn. Được phát hiện vào năm 1950, động được các vị cao tăng cho mở rộng lối vào và xây dựng chùa Quán Thế Âm dựa lưng vào ngọn Kim Sơn, ngoảnh mặt ra khúc sông đầy hoa sen. Tại đây, vào 19 tháng 2 âm lịch hằng năm có Hội Quán Âm được tổ chức quy mô và tôn nghiêm.


Một điểm chính phần lớn du khách không thể bỏ qua khi tham quan Ngũ Hành Sơn là làng đá Non Nước nằm dưới chân núi. Đá ở Ngũ Hành Sơn là loại cẩm thạch nhiều màu sắc như sáng đục, trắng sữa, hồng phấn, xám vân đỏ, nâu đen, xanh đậm… được dùng tạc tượng và đồ mỹ nghệ trang trí.


Tại đây, khách sẽ mua những món quà mỹ nghệ làm quà tặng người thân và thỏa sức ngắm nhìn những vườn tượng đầy chất nghệ thuật và triết lý.