Chùa Dạm (hay còn gọi là Đại lãm tự) được khởi dựng từ năm 1086 và hoàn thiện vào năm 1094 ở phía Nam sườn núi Dạm với quy mô rộng lớn, gồm khoảng 12 tòa sen, 100 gian. Các lớp nền của ngôi chùa đều được làm bằng đá tảng. Qua gần 10 thế kỷ, ngôi chùa đã bị đổ nát, mai một, đến nay chỉ còn lại những dấu tích như: các lớp nền đá nguyên gốc, cột đá chạm hình hai con rồng, gạch ngói, đất nung có chạm rồng và một số hình tượng các con thú bằng đất nung, giếng bống, hai pho tượng bà Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan và vua Lý Thánh Tông…
Việc khai quật khảo cổ khu di tích chùa Dạm được thực hiện theo Quyết định số 2745/QĐ-BVHTTDL ngày 5-9-2011 của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch do TS. Lê Đình Phụng, Viện Khảo cổ học Việt Nam phụ trách. Tổng diện tích khai quật rộng 300 m2 , dự kiến kết thúc vào ngày 30/11/2011. Những hiện vật trong quá trình khai quật sẽ giao Bảo tàng tỉnh gìn giữ, bảo quản, tránh để tình trạng hiện vật bị hư hỏng, thất lạc. Kết thúc đợt khai quật, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Viện khảo cổ học sẽ có báo cáo sơ bộ và báo cáo khoa học gửi về Cục Di sản văn hóa.
Kết quả của việc khai quật khảo cổ học khu di tích chùa Dạm có ý nghĩa làm cơ sở cho quá trình nghiên cứu, thiết kế trùng tu phục dựng chùa Dạm trong thời gian tới.