Trang chủ Tuổi trẻ Gia đình Phật tử Kiện toàn tổ chức Gia đình Phật tử Việt Nam

Kiện toàn tổ chức Gia đình Phật tử Việt Nam

261

Dẫn nhập


Tổ chức GÐPT từ khai sinh đến nay trên một nữa thế kỷ, hiện hữu rộng khắp trong lẫn ngoài nước, luôn kiên trinh với mục đích: “đào luyện thanh, thiếu, đồng niên trở thành Phật tử chân chính. Góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật giáo, dân tộc Việt”. Mục tiêu giáo dục đó là gầy dựng lớp người trẻ thấm nhuần (Tri) giáo lý Phật Ðà và sống đúng (Hành) giáo lý đó để đem lợi lạc cho bản thân và tha nhân (Gia đình, xã hội, đất nước). Dù ở hoàn cảnh không/thời gian nào, Gia Ðình Phật Tử bao giờ cũng khế lý, khế cơ để đào tạo lớp trẻ khai phóng toàn diện vể tâm/thân, thích nghi với môi trường tồn sinh, sống theo tinh thần nhập thế và tương duyên Ðạo/Ðời đầy sinh động. Ðó là lớp trẻ có phẩm hạnh và yêu đời, sống đồng hành với đại thể Phật giáo Việt Nam, vừa tương hòa với dòng sinh mệnh Dân tộc, vừa lưu nhập vững vàng và thu hóa có chọn lọc văn minh tiến bộ của nhân loại.


Nguyên tắc giáo dục GĐPT


Gia đình Phật tử Việt nam áp dụng đường hướng giáo dục khai phóng – không mang tính từ chương khoa giáo – không đặt nặng vấn đề dạy và học – Nguyên nhân chính là vì:


Do trình độ không đồng đều, thường Huynh trưởng các thế hệ trẻ về thế học đa số cao hơn thế hệ trước. Ðoàn sinh các ngành do trình độ lại càng chênh lệch phức tạp hơn nhiều, nhất là ở thành phố vả ngành Thanh (Nam Nữ Phật tử). Muốn làm được người hướng dẫn tốt, Huynh trưởng phải học cho thật kỹ và hạ thủ tu trì nghiêm mật các điều đã học. Không phải chờ Ban Hướng Dẫn mở khóa học rồi mới đăng ký ghi danh tu học. Mà ngoài chương trình tu học trường kỳ “Kiên – Trì – Ðịnh – Lực” và các trại huấn luyện “Lộc Uyển – A-Dục – Huyền Trang – Vạn Hạnh”, Huynh trưởng phải tìm cho mình một bảo huynh, một y chỉ sư có công phu tu tập hàm dưỡng – có sở học, sở đắc hơn ta : Ta cầu pháp thọ học – không thoái thất.


Tổ chức Gia Đình Phật tử nhận định rằng: Con người sống là sống cộng đồng – có trách nhiệm với cộng đồng và có nghĩa vụ với cộng đồng – và mỗi người đóng góp cho cộng đồng theo khả năng hợp lý và công bằng – mỗi giai cấp, mỗi tầng lớp có cách giải quyết vấn đề và đóng góp tiền của tài năng khác nhau – và chính mỗi thành viên phải ý thức thấy rõ vấn đề và tự nguyện hiến dâng công việc để phát triển nâng cao cuộc sống. Trong quá khứ đã có những cuộc hội thảo cấp, cấp Tỉnh Thị, cũng như những buổi pháp đàm chuyên về nghiên huấn.


Nói đến hình thức là nói đến cách thức tổ chức và điều hành sự tu học cho Huynh trưởng và Ðoàn sinh, chứ chưa nói đến nội dung và chất lượng tu học đạt được. Hình thức này được áp dụng để hướng dẫn các em ở ngành Ðồng dưới 12 tuổi: Mục đíc rèn luyện khả năng cảm thọ của các giác quan. Ðặc biệt là của năm giác quan – tiền ngũ thức – xoáy cái nghĩa lý tạo nên cái hình tướng mà tiền ngũ thức phát hiện – để hành thâm thiện pháp đạt huệ trí – tức chuyển thức thành trí.


Phưong pháp Hàng Ðội Chúng tự trị: Nguyên tắc này dựa trên lối huấn luyện bằng cách gián tiếp theo dõi từ xa. Ðây là phương pháp hình thức – cho tuổi trẻ sống với nhau – học với nhau – chơi với nhau – giải quyết những vấn đề chung cùng nhau – và đương nhiên chịu trách nhiệm thịnh suy của toàn Ðội Chúng của nhau. Huynh trưởng chỉ định hướng đề tài, chuẩn hóa đề tài mà thôi. Chia Ðoàn sinh theo bậc học, mỗi bậc học có tối thiểu là một Huynh trưởng chủ nhiệm bậc học. Lên chương trình chi tiết – mời Huynh trưởng tham gia hướng dẫn – theo dõi sự học tập của từng em – tổ chức ôn tập và soạn thảo để khảo hạch cuối khóa. Dạng thức này, đến giờ học, hai ngành nam nữ học chung. Phổ biến ở những đơn vị gia đình có từ 150 em trở lại – Ðoàn chỉ có một vài Huynh trưởng. Ðến giờ tu học, Ðoàn tự trị đảm trách. Giờ hoạt động thanh niên, Ðội chúng tự trị đảm trách có Huynh trưởng tham gia tổ chức giám sát. Giờ hoạt động xã hội Huynh trưởng Ðoàn phụ trách hướng dẫn, Giờ Phật pháp  và trau dồi kiến thức, thảo luận, động não, thuyết trình, hội luận có chủ tọa thư ký, thuyết trình viên, ghi chép biên bản, Huynh trưởng tham dự đúc kết ý kiến đóng góp bổ sung chỗ thiếu, chỉ đạo cắt bớt những chỗ thừa sai lệch đề tài.


Ðối với Ðoàn, sinh hoạt tu học tự trị ở những gia đình truyền thống bài bản, có số Huynh trưởng kỳ cựu bản lãnh. Hàng Ðội chúng trưởng từ bậc Trung Thiện trở lên – Thành phần Ðội chúng trưởng và phó có chương trình bồi dưỡng riêng. Trong giờ tu học sinh hoạt. Ðội chúng trưởng, phó luôn là phụ tá huấn luyện viên, hướng dẫn sâu sát các đề tài đối với các Ðoàn sinh cá biệt – theo dõi ghi chép quản lý để có kế hoạch phụ đạo ngoài giờ cần thiết để giúp cho Ðoàn sinh vượt khó. Và đây là cách học hữu hiệu nhất chẳng những thực hiện hết chương trình mà đạt hiệu quả học tập rất cao. Hội đồng đoàn phân công cụ thể cho các Ðội Chúng truỏng. Các Ðội Chúng trưởng y theo như trên đã giao, cùng giao trách nhiệm bố trí nhân sự thực hiện để thúc đẩy nhau thăng tiến, các chức vụ như: phụ trách học tập – họa my – báo chí – hoạt động thanh niên… luân phiên nhau đảm trách để phát huy chuyên năng đạt hiệu xuất học tập cao.


Xã hội ngày một phát triển, dân trí mỗi ngày được nâng cao, cuộc sống ngày một cạnh tranh ác liệt không khoan nhượng, cuộc sống quay cuồng với một tốc độ ngày một gia tăng. Một khi xã hội hội nhập được cùng khu vực và cộng đồng quốc tế, chắc chắn những tiêu cực phải bị đào thải, cuộc sống ăn chơi thác loạn của lứa tuổi thanh thiếu niên hiện tại phải cáo chung. Ðể hướng chỗ cho những tổ chức sinh hoạt tu học vừa thông thoáng, cởi mở, lành mạnh – vui chơi trong học tập – học tập để hướng thượng, xã ly những vướng mắc muộn phiền của cuộc sống – tất cả vì lợi lạc quần sanh mà hành động, sẽ là một hấp lực tuổi trẻ với cái hương vị đạo tình nhân bản. Lúc đầu chỉ có tính cách thư giãn – giống như thời Ðồng ấu – Phật hóa phổ – chỉ cốt giữ lại cái đạo lý nhân bản trong xã hội. Duy trì nếp sống luân lý đạo đức của một gia đình tin Phật. Rồi từ vị trí khiêm tốn ấy, xây dựng nên, kiến tạo nên một lý tưởng phục vụ Ðạo Pháp Dân tộc và chúng sinh.


Nguyên tắc tổ chức sinh hoạt GĐPT


Về tổng thể của tổ chức, dựa vào lời Phật dạy trong kinh Pháp Hoa để tìm những hình ảnh, những thí dụ biểu lộ được Tánh Tướng Dụng của Gia đình Phật tử. Tánh là tự tánh thanh tịnh, là tính chất bất biến, là Phật tánh, là chân tâm, là Phật tri kiến, là pháp môn bất nhị… tùy theo mỗi bộ kinh mà mang những từ ngữ khác nhau, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm mà ai cũng có. Gia đình Phật tử là cái Dụng xuất ly từ tự tánh thanh tịnh – Dụng của Gia đình Phật tử là đưa các em trở về với tự tánh thanh tịnh ấy. Tùy nơi cái dụng mà ta có cái tướng là hình thức bên ngoài ta có thể thấy được, chiếm một vị trí trong không gian. Chiếc áo Lam chính là cái Tướng của Gia đình Phật tử, đó là giới tướng. Khi khoác chiếc áo lam, người đoàn viên Gia đình Phật tử phải giữ gìn lời ăn tiếng nói, cử chỉ. Như vậy chiếc áo lam biến thành giới, thành kỷ luật để phòng việc phi pháp, đình chỉ những việc ác trái với đạo đức.


Thể hiện tinh thần tứ chúng đồng tu: Gia đình Phật tử là một trong hai chúng tại gia tôn kính hai chúng xuất gia. Ðoàn viên Gia đình Phật tử trở về nuơng tựa Tam bảo là 3 điều quý báu bậc nhất. Gia đình Phật tử dung nhiếp mọi lứa tuổi, mọi thành phần trong xã hội: Từ một em bé 7 tuổi, đến ông già 70, 80 tuổi, từ anh thanh niên trí thức, em học sinh sinh viên đứng cạnh người công nhân, người nông dân chấn lấm tay bùn.


Ðiều đặc biệt là mọi thành phần, mọi giai cấp dưới lá cờ Sen trắng và khi đã khoác vào mình chiếc áo lam rồi thì trọn vẹn sống trong tinh thần bình đẳng của chư Phật: Không có giai cấp trong nước mắt cùng mặn, trong dòng máu cùng đỏ.  Ðoàn sinh và Huynh trưởng Gia đình Phật tử Việt nam được đào tạo trong nhiều thế hệ, phát nguyện trước Tam Bảo vì sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ, hoằng dương chánh pháp mà dấn thân, vì lý tưởng cao cả mà hy sinh. Do vậy chúng sanh còn, đạo Phật còn, Phật giáo Việt nam còn thì Gia đình Phật tử Việt nam còn tồn tại hợp pháp… 


Nhìn chung lại, Gia đình Phật tử có một hệ thống tổ chức ngành dọc từ Trung Ương đến địa phương Tỉnh, Thành phố, Quận, Huyện. Ðơn vị hạ tầng là Gia đình Phật tử. Ðây là một Gia đình tin Phật kiểu mẫu vì mọi thành viên đều đã quy y. Cơ quan lãnh đạo tối cao của Gia đình Phật tử Việt nam là Phân Ban Hướng Dẫn Trung Ương. Cơ quan này đặt dưới sự chỉ đạo của Giáo hội Phật Giáo tại Việt Nam, sinh hoạt hợp pháp trong cơ chế pháp nhân của Giáo hội Phật giáo Việt nam.


Dựa trên căn bản giáo lý để tu dưỡng rèn luyện bản thân : Quy Y Tam Bảo: Quy Y Tam Bảo là chúng ta đã định hướng thuyền đời của mình. Giữ gìn 5 giới làm phần tiêu cực, tránh cho cá nhân khỏi đi vào các ác đạo, bảo đảm cho gia đình hạnh phúc. Phần tích cực, ta phải học theo 5 hạnh của chư Phật và chư Bồ Tát để tạo cho mình nếp sống đích thực của Phật Tử: Từ Bi, Nhẫn Nhục, Hỷ Xã, Tinh Tấn, Trí Tuệ.
– Từ Bi : Đoàn sinh GĐPT cần thể hiện tình thương chân thật, chan hòa, không phân biệt, không vụ lợi. Thực tập hạnh Từ Bi, chúng ta nỗ lực thể hiện “Sáng cho người thêm vui, Chiều giúp người bớt khổ”.


– Nhẫn nhục : Nhu hòa, nhường nhịn, khiêm cung; không để cơn giận làm chủ mình, đưa đến sự tan vỡ hạnh phúc gia đình, đánh mất hòa khí trong tập thể… Thực hành Hạnh này, trước hết là thực tập “ít nói” và phản ứng chậm lại. Khi nghe một điều gì, hãy khoan phản ứng, hãy định thần lại xem ý nghĩa đích thực của nó; phân tích một cách vô tư; sau đó mới xác định phản ứng : Có cần nói ra không; nếu cần, hãy nói thong thả, từ tốn và nhã nhặn, cho dù là một lời chỉ trích phê bình. Với thực tập này, chúng ta sẽ từ từ khắc phục được tính nóng giận, còn trách móc hờn giận. Biết chia vui với người khác, vui vẻ nhận lỗi khi được người khác nhắc nhở, chỉ bảo. Hỷ xả đem lại cho ta lòng bao dung, tính phóng khoáng, tâm rộng mở, dễ thu phục lòng người.


– Tinh Tấn: Tích cực phát triển tinh thần cầu tiến, hướng thiện. Luôn nỗ lực tỉnh thức nhận rõ mình, chuyển hóa những tạp khí tiêu cực từ thân, miệng, ý để tiến bộ với chính mình từng ngày. Siêng năng làm những công việc ích lợi trong gia đình, tập thể, xã hội. Thực hành hạnh Tinh Tấn dễ dàng chuyển hóa mọi người cùng vươn lên Tu tập đạo giải thoát.  


– Trí Tuệ: Đoàn sinh cần thắp lên ngọn đuốc soi sáng những việc làm của chúng ta. Ta chỉ có thể thấy được chân tướng những sự việc quanh ta khi tâm ta vắng bóng những tham ái và chấp thủ, khi tâm ta không phân biệt ta và người, thì cái nhìn của ta mới rộng rãi, không bị bóp méo, từ đó mới có an lạc và mới có khả năng giúp người khác an lạc.


Vấn đề tu học của Gia đình Phật Tử


Lúc khởi đầu rất đơn giản rồi từng năm tháng, qua từng Ðại hội tu chỉnh để trở thành chương trình tu học của ngày hôm nay. Ðó là kết tinh trí tuệ của tập thể áo lam suốt trên lộ trình 50 năm qua. Chương trình tu học đó được xây dựng trên căn bản là Ngũ Minh Pháp. Ðó là chương trình đức Phật dạy cho người thực hành Bồ Tát hạnh, là người đem tinh thần Bồ tát để cứu người, giúp đời.


Các bậc đàn anh, những người đi trước đã từng bước xây dựng chương trình tu học trên căn bản lời Phật dạy : trở về với tự tánh thanh tịnh đi trên quãng đường quá dài nên Phật tạo ra những hóa thành để vào nghỉ mệt rồi đi đến hóa thành kế tiếp: Thanh văn, Duyên giác – Bồ tát… Ðều là hóa thành. Ðối với Gia đình Phật tử, các bậc học : Hướng – Sơ – Trung – Chánh; Mở mắt – Cánh mềm – Chân cứng – Tung bay; Hòa – Trực, Huynh trưởng thì Kiên – Trì – Ðịnh – Lực cũng đều là những hóa thành để cuối cùng đến Bảo sở. Mục đích tối hậu là trở về với tự tánh thanh tịnh, thể nhập Tuệ giác Phật đà.


Chủ yếu trong Gia đình Phật tử là phương pháp huân tập: Chủng tử sinh hiện hành, hiện hành huân chủng tử, chủng tử sinh ra chủng tử. Người Huynh trưởng làm sao khơi dậy những chủ tử nằm ẩn trong A Lại Da Thức của các em cho nó hiện hành ra. Nếu là chủng tử thiện thì tăng trưởng nó lên, nếu là chủng tử ác thì lấy chủng tử thiện thay thế. Công việc giáo dục của người Huynh trưởng là làm thế nào hướng dẫn cho chủng tử thiện phát triển ra hiện hành để triệt tiêu dần những chủng tử bất thiện ở trong các em đoàn sinh.


– Giới: Giữ gìn sự hòa hợp và đoàn kết trong một tập thể, sức mạnh gắn bó lại thành một khối thống nhất thật sự không phải là quyền lực thế tục do danh lợi mà chính là Chánh giới, giúp Huynh trưởng sống chung với nhau, hỗ trợ, khuyến hóa nhau trên đường tu học.


– Định : Do tác dụng phòng hộ giới, tâm dần dần được an tịnh, thân tâm trở nên nhẹ nhàng thoải mái, được an trú trong trạng thái an lạc, tự chủ, ý chí kiên cường không vì trở ngại chướng duyên mà thối chuyển.


– Tuệ : Chánh niệm tĩnh giác có được từ Giới và Ðịnh là nhiên liệu thắp sáng ngọn đèn Tuệ Giác để diệt trừ bóng tối vô minh.


Giới Ðịnh Tuệ là cơ sở hành trì và tu tập của người Huynh trưởng.


Huấn luyện và đào tạo


Gia đình Phật tử là một tổ chức giáo dục thế hệ trẻ theo một mục đích, một lý tưởng thì việc Huấn luyện Huynh trưởng là việc phải đặt lên hàng đầu.


Huynh trưởng Gia đình Phật tử giáo dục Ðoàn sinh bằng cả 3 phương diện: Thân – Khẩu – Ý giáo. Cá nhân và tư cách lãnh đạo phải là một, thấm biến vào đời sống. Huynh trưởng phải là một tấm gương sáng, phải “dĩ thân tác chúng”. Mỗi cử chỉ, mỗi hành động phải là những phương tiện giáo dục không lời. Trong đó Thân giáo là yếu tố chính có sức thuyết phục cao nhất đối với Ðoàn sinh của chúng ta.


Trong sinh hoạt, đời sống tập thể, tinh thần chịu đựng, sự tuân hành kỷ luật của  những trường, trại cộng thêm sự giao cảm giữa trại sinh, những cảm xúc trong các lễ lượt ở trại là những món ăn tinh thần vô cùng quý báu để gắn liền đời sống huynh trưởng với Gia đình Phật tử. Mỗi trại huấn luyện có một lề lối tổ chức riêng, có một tinh thần riêng mà nếu Huynh trưởng không dự trại cấp dưới sẽ không thông suốt được toàn bộ hệ thống huấn luyện. Từ trại Lộc Uyển đến trại Vạn Hạnh có một sự liên tục, một đường dây xuyên suốt không thể đứt đoạn. Trại sinh phải trải qua các giai đoạn trại cấp dưới, phải nếm các mùi vị của các trại dưới mới thấy được sự thăng tiến, mà nếu đốt giai đoạn, trại sinh sẽ thấy lạc lõng bơ vơ hay tinh thần lệch lạc ngay. 


Người Huynh Trưởng Gia đình Phật tử cần được huấn luyện và đào tạo một cách đồng bộ và nhất quán từ thấp lên cao để gánh vác sứ mệnh giáo dục thế hệ trẻ, thăng tiến tổ chức.