Trang chủ Thời đại Xã hội Lạc sở hữu

Lạc sở hữu

121

Sách Phật viết rằng: Có một bài kinh do Đức Phật dạy cho đại thương gia Anàthappindika nói về bốn niềm hạnh phúc an lạc của doanh gia: lạc sở hữu, lạc thụ dụng, lạc không mắc nợ và lạc không phạm tội. Đọc đến đầy nhiều người trong giới khinh doanh không khỏi ngạc nhiên: Đức Phật chưa từng hoạt động kinh doanh, thế mà trong hằng hà sa số niềm hoan lạc của con người lại chắt lọc được đúng “tứ lạc” của doanh gia mà cho mãi đến giờ vẫn còn nguyên giá trị.


Thêm nữa, cũng từ bài Đức Phật dạy đại thương gia Anàthappindika, giới kinh doanh còn phát hiện, nhận thức của con người vào thời đại đó có nhiều điểm tiến bộ hơn bây giờ, như: khẳng định quyền sở hữu của doanh gia, nghiệp chủ. Những quan điểm mà gần ba ngàn năm sau thế giới vẫn chưa tìm được sự đồng thuận. Trong hương vị của tách trà vào những ngày đầu năm mới, chúng ta hãy cùng chiêm nghiệm niềm lạc được Đức Phật nêu lên hàng đầu trong tứ lạc của doanh gia: Lạc sở hữu


Giả định, có ai đó cầm lòng không được, buột miệng vỗ vai nhắc nhở doanh gia: Anh (chị) kiếm thêm tiền nữa để làm gì, không biết thế nào là “đủ” sao? Có thể, người hỏi sẽ nhận một câu trả lời rất tỉnh táo như sau: “Kinh doanh với chúng tôi là một cái nghiệp (không phải nghề), cũng như bác sĩ thì phải điều trị, nhà giáo thì phải dạy học, doanh gia thì phải kinh doanh, vậy”. Doanh gia tư duy rằng: nếu bác sĩ chỉ vào số bệnh nhân đã điều trị để hãnh diện, nhà giáo nhìn số học sinh mình dạy để vui sướng, thì doanh nhân sẽ đếm vật sở hữu để tự hào. Đó là vì họ đi tìm kiếm niềm lạc trong sở hữu. Với doanh gia, sở hữu càng nhiều thì lạc càng cao!


Chính nỗi khát khao, niềm đam mê sở hữu ngày một nhiều đã trở thành động lực thúc đẩy giới kinh doanh không ngừng mở rộng các loại hình đầu tư, kinh doanh, sản xuất. Nhiều khi vì trách nhiệm với doanh nghiệp, cộng đồng, đất nước, mà họ chấp nhận đương đầu với những cam go ở chốn thương trường, đôi khi quên cả hưởng thụ bản thân. Trên đường tìm kiếm, tích lũy vật sở hữu một cách chính đáng, các doanh gia luôn ý thức hướng “lạc” của riêng mình hòa quyện vào hạnh phúc chung của cộng đồng và thịnh vượng chung của dân tộc; vì thế họ được xã hội tôn vinh. Niềm an lạc của doanh gia được nhân lên gấp bội.


Ngay từ thời kinh tế mới manh nha thì sự văn minh, giàu có, thịnh vượng của nhiều bộ tộc, nhiều quốc gia đã có sự tham gia của giới doanh gia, nghiệp chủ. Ngày nay, trong thời toàn cầu hóa, sự hưng thịnh của nền kinh tế, tiến bộ khoa học – công nghệ và cả tiến bộ xã hội cũng không thể thiếu sự đóng góp quan trọng của giới này với nhiều tư cách: lúc giữ vai trò quyết định trên mặt trận kinh tế, khi giữ vai trò xúc tác giữa các giới khác nhau trong xã hội, và thường xuyên chung vai, hỗ trợ, chia sẻ với Nhà nước, nhất là vào những thời điểm kinh tế chật vật, khó khăn. Lạc sở hữu như thế thật đáng trân trọng.


Tuy vậy, muốn được lạc từ sở hữu không hề đơn giản, vì nếu niềm lạc mà đạt được dễ dàng như nhặt một cái lá rơi thì chẳng còn là “lạc” nữa. Thương trường rất khe khắt, kén chọn người tham gia. Hiện nay số người được hưởng lạc từ sở hữu ở nước ta, so với các nước bạn, chưa phải là nhiều. Nhằm khuyến khích tầng lớp doanh nhân nhân lên gấp bội trong thời gian tới, Nhà nước cần sớm công nhận trọn vẹn quyền sở hữu để họ yên tâm làm giàu cho mình và cho đất nước. Không nên để một ai còn mang tâm trạng nghi ngại, e dè “có phải đang vỗ béo để làm thịt?”. Có như thế, giới kinh doanh mới dốc hết của cải, tâm lực ra để mong được lạc sở hữu một cách đàng hoàng, công khai, minh bạch.


Thế nhưng, trong xã hội không phải ai ai cũng tìm thấy niềm vui và hạnh phúc trong lạc sở hữu, vì nhiều lẽ: có người chỉ thích “lạc công hữu” – có thể vì nó giống “chùm khế ngọt” (?). Có người dị ứng với lạc sở hữu vì cho nó là nguồn gốc gây ra phân hóa giàu nghèo. Thậm chí có người cho sở hữu là nghiệp chướng, tai ương, không phải “lạc”, nên bỏ chốn phồn hoa chống gậy “lên non tìm động hoa vàng”. Cũng có người nhìn lạc sở hữu rất khắt khe; theo họ, nguyên nhân của mọi nguyên nhân gây ra chiến tranh, kỳ thị, tha hóa, lũng đoạn… cũng từ lòng ham muốn chiếm hữu.


Đương nhiên, “lạc” của giới này chưa hẳn là “lạc” của giới kia, như thế mới là lẽ tự nhiên của cuộc sống. Biết vậy, chúng ta phải cùng nhau trân trọng niềm lạc của từng giới, từng người; sẵn lòng bớt lạc của mình để nhường chỗ cho một lạc đồng thuận chung. Đừng bao giờ vì niềm lạc của riêng mình mà xâm phạm nỗi lạc của người khác. Càng không nên vì “lạc” một người, một nhóm mà vi phạm đạo đức, pháp luật, gây thương tổn cho cả cộng đồng. Nhưng cũng đừng ai nuôi mộng áp đặt người khác phải “lạc” theo kiểu của mình (cho dù rất thiện ý), và cũng đừng tìm cách tước đoạt hoặc không thừa nhận niềm lạc của nhau. Nếu được vậy, cuộc sống sẽ “cực kỳ lạc”!


Sau cùng, điều làm cho giới kinh doanh trăn trở, nghĩ suy lại chính là Đức Phật. Ngài nhận biết tỏ tường niềm hạnh phúc an lạc từ lạc sở hữu cớ sao lại thanh thản rũ bỏ nhiều thứ đang sở hữu để đi tu? Phải chăng trên cõi đời này còn rất nhiều điều lớn lao hơn lạc sở hữu mà doanh gia không phải ai cũng  đủ đức độ để ngộ?