Trang chủ Văn hóa Du lịch Lãng phí tài nguyên du lịch tâm linh phía Bắc

Lãng phí tài nguyên du lịch tâm linh phía Bắc

78

Những địa danh tâm linh nổi tiếng của miền Bắc có thể kể đến như khu di tích đền Hùng, khu di tích chùa Yên Tử, chùa Hương, khu di tích đền Trần Nam Định, đền Bà Chúa Kho và hàng loạt các đền chùa hàng trăm năm tuổi như chùa Dâu, chùa Bút Tháp (Bắc Ninh), chùa Thày, chùa Tây Phương, đền Và, chùa Mía (Hà Tây cũ), chùa Trấn Quốc, chùa Kim Liên (Hà Nội)…

Với phần lớn người dân đều mang tín ngưỡng Phật giáo, lượng du khách đổ về các điểm du lịch tâm linh kể trên vào các dịp lễ, tết, hội hằng năm với mục đích hành hương, tham quan rất lớn. Tuy nhiên, các đơn vị lữ hành lại lợi dụng đặc điểm này để khai thác khách theo mùa vụ mà thiếu sự sáng tạo.

Lễ hội chùa Hương năm nào cũng đông nghìn nghịt khách trẩy hội (Ảnh: Ngọc Thành)

Hình ảnh thường thấy vào các dịp lễ, hội kéo dài từ sau Tết đến hết tháng 3 Âm lịch là tình trạng quá tải du khách tại chùa Hương, đền Trần Nam Định, Yên Tử, đền Hùng… Chen lấn, xô đẩy, hương khói mù tịt đi kèm với nạn rác thải quá tải, ăn xin và móc túi khiến cho mục đích tham quan lẫn mục đích tâm linh của du khách đều không đạt được.

Anh Nguyễn Tuấn – điều hành tour công ty du lịch Mai Vàng tại Quảng Ninh cho biết: “Vẫn biết là vào dịp lễ hội ra Giêng luôn quá tải khách tại các điểm du lịch tâm linh nhưng đa số lữ hành đều khó bỏ ‘món lợi’ này. Thói quen của người dân Việt Nam là đi lễ hội chùa chiền, hay đền đài miếu mạo vào mùa xuân, nếu bỏ qua thời điểm này mới khai thác khách thì không ổn. Hơn nữa, nhiều du khách booking tại công ty chúng tôi, dù được tư vấn là nên chọn thời điểm khác nhưng họ vẫn nhất quyết mua tour với lý do phải đi đúng ngày hội mới thích”.

Du lịch tâm linh phía Bắc vẫn chưa được khai thác được lợi thế vốn có (Ảnh: Ngọc Thành)

Tuy nhiên, theo ông Trần Thế Dũng – Phó Giám đốc công ty Thế hệ Trẻ thì “nguyên nhân chính là các hãng lữ hành thiếu sự sáng tạo trong thiết kế và tổ chức tour”.

Thông thường du lịch lễ hội tại các điểm tâm linh thường chỉ diễn ra ngắn ngày, rất dễ tổ chức nên đa số người dân đi tự do chứ không qua lữ hành. Nếu họ bỏ tiền ra mua tour thì yêu cầu của họ về tour cũng phải chất lượng, đáng đồng tiền bát gạo, chứ không phải là hành trình mệt mỏi từ điểm di tích này đến điểm di tích khác và đi đâu cũng gặp cảnh chen lấn, xô đẩy.

Việc tổ chức tour du lịch tâm linh thường chỉ kéo dài 1 ngày, tối đa là 2-3 ngày nhưng di chuyển liên tục qua các địa điểm chủ yếu bằng phương tiện ô tô vừa khiến du khách mệt mỏi vừa không thoả mãn được nhu cầu tâm linh của du khách.

Cũng vì thế mà giá tour du lịch tâm linh hiện nay quá rẻ. Trung bình chỉ từ 190.000-350.000 đồng/khách cho các tour trong khu vực phía Bắc. Trong khi đó, doanh nghiệp hoàn toàn có thể thiết kế tour với mức giá cao hơn, chất lượng cao hơn và dài ngày hơn để mang về nguồn thu lớn chính đáng.

Ví như tour tham quan di tích đền Trần Nam Định có thể nâng cấp thành tour dài ngày liên kết ba điểm thờ tự nhà Trần lớn nhất là Nam Đinh – Thái Bình – Quảng Ninh. Tour chùa Hương nên mở rộng vào nhiều thời điểm trong tuần để tránh đông đúc hoặc vào tháng ba mùa hoa gạo nở để du khách vừa thưởng ngoạn cảnh sắc vừa có nhiều thời gian để chiêm bái, thiền tịnh…

Nhiều chuyên gia du lịch cho rằng: hiện tại lữ hành mới chỉ khai thác mảng lễ hội trong du lịch đến các điểm tâm linh chứ chưa đạt tới sản phẩm du lịch tâm linh. Du lịch tâm linh thực sự phải là giúp du khách đạt được sự thư giãn, thoã mãn tín ngưỡng chứ không chỉ thuần tuý tham quan và lễ bái.

Rất nhiều đoàn du khách Việt khi đi du lịch tâm linh, mong muốn được ở lại điểm di tích tâm linh đó để chiêm bái, cầu nguyện, học đạo, dương tâm, thiền định nhưng rất ít điểm ở khu vực miền Bắc đáp ứng được. Còn việc đáp ứng nhu cầu ở lại điểm tâm linh sinh hoạt một thời gian dài thì hoàn toàn chưa có.

Ông Trần Thế Dũng cho rằng: “Điều này thì chỉ một mình lữ hành không làm được mà phải có sự kết hợp của điểm di tích tâm linh và chính quyền địa phương”.

Ông Dũng khẳng định du lịch tâm linh sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ và sẽ là xu hướng của du lịch thế giới chứ không riêng Việt Nam. Rất nhiều đoàn khách tìm đến các điểm di tích tâm linh ở nước ngoài như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ… trong khi hệ thống chùa chiền, thiện viện ở Việt Nam, nhất là miền Bắc đủ đáp ứng nhu cầu đó song lại không được tổ chức khai thác du lịch có hệ thống.

Nếu lữ hành đủ tâm huyết để gây dựng các sản phẩm du lịch tâm linh có quy mô, tính sáng tạo thì loại hình này không chỉ thu hút được du khách trong nước mà còn cả khách quốc tế.