Trang chủ Diễn đàn Một bức ảnh, hai cách nhìn

Một bức ảnh, hai cách nhìn

73

Như vậy, từ một bức ảnh về cuộc viếng thăm của một vị lãnh đạo đến chùa chúc tết Đức Pháp chủ, đã có 2 cách nhìn khác nhau:

– Cách nhìn hoan hỷ trước sự việc, tìm cách mong nhận rộng tinh thần của sự việc.

– Cách nhìn ngược lại, phủ nhận, liên hệ mở rộng đến những hướng như “xu nịnh”, “dựa dẫm”…

Sự khác biệt về tâm sẽ đưa đến những cái nhìn khác nhau, những nhận định khác nhau, những cách lý giải khác nhau, những thái độ khác nhau.

Hai loại tâm, từ mỗi cách nhìn là như thế nào, xin để bạn đọc kết luận. Riêng tôi, tôi thấy cần phải nói thêm vài điều để làm rõ hơn vấn đề như sau:

– Đức Phật dạy chúng ta tâm hoan hỷ (trong tứ vô lượng tâm: từ, bi, hỷ, xả), cấm nói lời chia rẽ, khuyên nói lời hòa hợp, đoàn kết.

Vì vậy, trước sự kiện các vị lãnh đạo đến thăm chùa, lễ Phật…, tôi sinh tâm hoan hỷ trước sự việc đó, muốn nhân rộng việc hoan hỷ đó, sao cho việc làm hoan hỷ như vậy phổ biến đến mọi cấp, mọi nơi. Suy nghĩ và mong muốn như vậy đương nhiên phù hợp với tinh thần “hỷ” đạo Phật.

– Vấn đề ở đây giới hạn trong các cuộc viếng thăm chùa từ phía chính quyền giới hạn trong chiều quan hệ chính quyền đối với Phật giáo. Trước hết ở đây là tinh thần trọng thị đối với đạo Phật. Suy nghĩ về điều đáng hoan hỷ đó tốt hơn là suy diễn tới nhiều khía cạnh khác, có tính chất chủ quan, khiên cưỡng, cố chấp, đi lạc ra khỏi vấn đề đang được nói đến ở đây (giới hạn trong việc đến thăm chùa).

– Trong kinh Phật, Đức Phật luôn tán thán tinh thần kính Phật, trọng Tăng của quý vị cư sĩ là quốc vương, hoàng hậu, đại thần, tể quan, trưởng giả, Bà la môn (người giữ nhiệm vụ tế tự, có vị trí về mặt sinh hoạt tâm linh trong xã hội). Do đó, ngày nay, hoan hỷ với sự trọng thị Phật giáo từ phía lãnh đạo chính quyền thể hiện dưới hình thức đến chùa, lễ Phật, viếng Tăng là cách suy nghĩ hoàn toàn trên tinh thần Phật giáo, phù hợp với quan điểm của Đức Phật.

– Dĩ nhiên, tôi không tán thành việc xu nịnh. Nhưng cần phân biệt rõ, quan hệ tốt với giới cầm quyền trong tất cả mọi thời đại là điều có lợi cho Phật giáo. Một số lớn di tích Phật giáo còn tồn tại đến ngày nay thể hiện sự trọng thị và hậu thuẫn của các vị quốc vương, hoàng hậu, đại thần, tể quan… đối với Phật giáo. Quan hệ tốt đẹp hoàn toàn không đồng nghĩa với xu nịnh.

– Mặc cảm đối lập với chính quyền (nói chung, trong mọi thời đại), trong khi quốc vương, đại thần, tể quan trọng thị Phật giáo, là một mặc cảm không đúng với tinh thần Phật giáo và không có lợi cho sự phát triển của Phật giáo.

Ở nhiều tôn giáo, giáo chủ của họ luôn ở thế đối lập với nhà cầm quyền, thậm chí bị buộc tội, bị sát hại bởi nhà cầm quyền. Trái lại, trong cuộc đời Đức Phật, ngài luôn nhận được sự trọng thị từ vua quan và mối quan hệ về cơ bản là tốt (trừ một số trường hợp không nghe theo lời Đức Phật, chứ giữa hai bên không có sự đối kháng như ở các tôn giáo khác).

Vì thế, câu chuyện nào đó về một vị sư Trung Hoa để xảy ra án mạng vì vấn đề nhận hay không nhận sắc phong không phù hợp với tinh thần hòa hiếu, mềm dẻo, xây dựng quan hệ tốt đẹp của đạo Phật.

Nên luôn hướng Phật giáo về quan hệ tốt với nhà cầm quyền, nhận được sự trọng thị của vương quyền như hoàn cảnh thời Đức Phật, tất nhiên như thế mới phù hợp với tinh thần Phật giáo. Tình huống chưa gì đã có cái nhìn tiêu cực, hay như trong câu chuyện vị tăng chọn ở thế đối kháng với nhà vua để bị đối xử như kẻ tội phạm hẳn rõ ràng không có lợi cho việc tu hành, không nên noi theo để làm việc gây chết chóc cho mình, tạo nghiệp sát cho người.

– Vấn đề ở đây rất đơn giản. Vua quan kính Phật, trọng tăng thì Phật tử hoan hỷ, muốn được như thế đều khắp. Liên hệ đến những chuyện như “vô cầu”, “bình đẳng”, “bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất” gì đó là đi quá xa vấn đề.

Tâm hoan hỷ, thấy hoan hỷ là hoan hỷ, “như thị”, đúng như sự thật, chẳng cần so sánh thiệt hơn, đối chiếu so đo tôn giáo khác hay nhìn ra chuyện cao thấp, thế tục. Nếu làm so đo như thế là cố chấp. Đem chính một sự việc đã xảy ra để cổ động cho việc trọng thị Phật giáo, hòa hợp, tương kính, đoàn kết thì không phải lợi dụng, dựa dẫm, xu nịnh. Tâm thế nào nhìn sự việc theo tâm thế ấy.

– Nghĩ rằng Phật giáo các nước không cổ động cho quan hệ tốt đẹp giữa Phật giáo và chính quyền là một điều sai lầm. Chúng ta hãy xem các kênh truyền hình Đông Nam Á phát trên vệ tinh Thaicom5 thì sẽ thấy rõ điều này (gồm cả các kênh truyền hình Phật giáo và kênh nhà nước). Các kênh Thái Lan (gồm cả kênh Phật giáo) thường xuyên đưa hình ảnh thành viên hoàng gia, nhất là hoàng hậu, công chúa đi chùa, cúng dường, dâng y, trai tăng…

Các kênh Myanmar thì chiếu đi chiếu lại sự trọng thị của các tướng lãnh đối với chư tăng (chẳng hạn đang làm lễ trời mưa, các tướng lãnh nhường dù cho chư tăng còn các tướng lãnh đứng ngoài mưa), kênh quốc gia TVK Campuchia thì chiếu đi chiếu lại những hình ảnh thể hiện quan hệ tốt đẹp giữa cựu vương Xihanúc và quốc vương Sihamoni với Phật giáo, còn kênh TV5 (Bộ Quốc phòng Campuchia) thì thường chiếu hình ảnh gia đình ông Hunsen đi chùa, dâng hương, sớt bát, nhất là bà phu nhân thủ tướng.

Các chương trình do Phật giáo thực hiện thì cho thấy mối quan hệ tốt đẹp nói chung, cả hoàng gia và chính phủ. Hình ảnh quan hệ tốt đẹp giữa Phật giáo và chính quyền tràn đầy trên các kênh TV Đông Nam Á, Phật giáo cũng như chính phủ, kể cả các video clip mang tính chất truyền thông cổ động, nói rằng ý tưởng chúng tôi chỉ là việc bước đầu đi theo điều Phật giáo và các quốc gia có tỷ lệ cao người theo đạo Phật đã làm.

– Dù nhìn theo hướng nào thì cũng nên lấy tinh thần tích cực, hướng tích cực, hướng về sự tốt đẹp, hoan hỷ làm nền tảng như nội dung Kinh Thủy Dụ (Trung A Hàm và Trung Bộ kinh).

Nhìn đâu cũng thấy màu sắc tiêu cực không phải là bản chất người theo đạo Phật, càng không được là một người đời “biết điều” bình thường theo phẩm chất thế gian. Vì việc đáp lại sự trọng thị bằng sự mong muốn nhân rộng sự trọng thị, nếu biết điều, không thể vội vàng cho là xu nịnh. Cũng như hoan hỷ một cách chân thật, trong sáng theo Phật pháp, nếu biết điều, không nên cho đó “nhảy cỡn lên như một đứa trẻ được cho kẹo”.

– Tôi không chắc kết quả kế hoạch truyền thông của tôi đạt kết quả, vì khả năng nó được thực hiện là nhỏ. Nhưng điều tôi chắc chắn là nếu tu đúng theo Phật Pháp thì không thể vội coi ước mong nhân rộng việc làm trọng thị đối với Phật pháp là xu nịnh, thấp kém. Trong Đạo Phật, tâm, điểm xuất phát của tư duy và hành động, rất quan trọng: “Trong các pháp tâm là chủ, tâm dẫn đầu tâm tạo tác tất cả. Nếu ta nghĩ và làm với tâm thanh tịnh thì hạnh phúc sẽ theo ta như bánh xe theo chân con vật kéo xe” (Phẩm Tâm – Kinh Pháp cú).

Tâm muốn nhân rộng việc thăm chùa, lễ Phật trọng thị Phật giáo không thể là tâm nhiễm ô. Trong khi nhìn một ý muốn thanh tịnh thành việc làm tiêu cực mới là tâm nhiễm ô.

MT