Trang chủ Diễn đàn Một số đề xuất cho Đại lễ Phật đản PL2555 tại Hà...

Một số đề xuất cho Đại lễ Phật đản PL2555 tại Hà Nội

120

Tại lễ đài trung tâm, bên cạnh nghi lễ truyền thống vào sáng ngày rằm tháng tư, bước đầu đã có hoạt động mang tính lễ hội như đêm văn nghệ Phật giáo.

Đây là những nỗ lực đổi mới rất đáng trân trọng, và Phật giáo thủ đô có thể làm tốt hơn như vậy rất nhiều nếu bổ sung thêm các hoạt động để thu hút đông đảo Phật tử và quần chúng nhân dân tham gia, đặc biệt tạo điều kiện để Phật tử, người dân được là chủ thể của lễ hội, được tự mình đóng góp và trải nghiệm các hoạt động của đại lễ.

Trên cơ sở tham khảo các đại lễ Phật đản từ trước đến nay, đặc biệt là các lễ hội Phật đản được tổ chức tại Hàn Quốc, Australia, Hoa Kỳ, chúng tôi xin mạnh dạn đề xuất một số hoạt động tại lễ đài Phật đản trung tâm (theo dự kiến được tôn trí tại quảng trường 1/5 Cung văn hóa hữu nghị, phố Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) có mức độ khả thi khác nhau, nhưng nếu quyết tâm và đồng lòng, Phật giáo Thủ đô hoàn toàn có thể làm được, tạo ra một mùa Phật đản thấm đẫm tình đạo pháp và ấn tượng nhất từ trước đến nay.

KÉO DÀI THỜI GIAN SỬ DỤNG ĐỊA ĐIỂM

Trong hai năm vừa qua, quảng trường 1/5 được thuê vào tối 14 và sáng 15 để phục vụ cho lễ Phật đản. Như vậy, tính ra vẫn là hai ngày, vẫn phải bỏ nhiều công sức và chi phí để trang trí, lắp đặt thiết bị, nhưng hiệu quả sử dụng chưa cao, chỉ cho khoảng 2 – 3 tiếng văn nghệ và 3 tiếng đại lễ, và chủ yếu cho các Phật tử thuần thành, chưa có nhiều hoạt động thu hút quần chúng nhân dân.

Học tập kinh nghiệm tổ chức Đại lễ tại Hoàng thành Thăng Long, chúng ta nên kéo dài thời gian sử dụng địa điểm này trọn vẹn trong hai ngày để đưa vào nhiều hoạt động mang tính lễ hội quần chúng, bắt đầu từ sáng 14 và kết thúc vào tối 15. Có thể ban tổ chức phải vất vả hơn rất nhiều trong việc chuẩn bị, quản lý địa điểm, song sẽ tạo một khoảng thời gian đủ dài để Phật tử và người dân được đắm mình trong không khí lễ hội Phật đản.

TỔ CHỨC NHIỀU HOẠT ĐỘNG LỄ HỘI

Một trong những hạn chế lớn nhất của Đại lễ Phật đản hiện nay là Phật tử và người dân còn ở thế bị động, đóng vai khán giả, người quan sát. Họ ít có cơ hội được tham gia và hòa mình trong lễ hội, tự mình trải nghiệm các hoạt động. Nghi lễ Phật đản bị hành chính hóa, thiếu hấp dẫn, buồn tẻ. Trong phạm vi quảng trường 1/5, chúng ta có thể tổ chức nhiều hoạt động mang tính lễ hội như:

– Triển lãm thư pháp và viết thư pháp tại chỗ tặng Phật tử
– Triển lãm văn hóa phẩm, tranh, tượng Phật giáo
– Vẽ tranh, tô chữ
– Các khóa lễ ngắn như chúc phúc cho trẻ thơ (gần gũi với hình tượng Phật đản sinh), khóa lễ Tắm Phật cho các đối tượng khác nhau, các thời tụng kinh Phật đản mỗi buổi do mỗi quận, huyện tổ chức…
– Biểu diễn múa lân, múa rồng, múa rối
– Biểu diễn văn nghệ quần chúng Phật tử, nghệ thuật Phật giáo chuyên nghiệp
– Thuyết pháp ngắn
– Thi đố vui, thuyết trình Phật pháp
– Thi hoa đăng, thắp nến cầu nguyện quốc thái dân an
– Đi bộ, diễu hành, rước Phật
– Tôn trí xá lợi Phật

Đây đều là các hoạt động không khó thực hiện, lại thu hút được sự chú ý, quan tâm, tham gia của người tham dự, đặc biệt có những hoạt động mà mỗi người đều cảm thấy bản thân được sống trọn vẹn với lễ hội chứ không phải bên lề, như tắm Phật, rước Phật, vẽ tranh, tô chữ, thắp nến cầu nguyện.

 

 

Tổ chức lễ chúc phúc cho trẻ thơ trong dịp Phật đản gắn với hình tượng đức Phật sơ sinh

 

 

Tô hình, một hoạt động ai cũng có thể thực hiện

Tạo cơ hội cho mọi người được trải nghiệm hoạt động của lễ hội thay vì chỉ làm khán giả thụ động

 

 

 

 

 

Thậm chí hướng dẫn nghi lễ cho người chưa biết về Phật giáo

Viết ước nguyện lên lá bồ đề

 

 

 

 

Viết và tặng thư pháp, một truyền thống tốt đẹp có thể tổ chức trong lễ hội Phật đản

Trò chơi dân gian tại không gian lễ hội

 TẮM PHẬT – TRỌNG TÂM CỦA ĐẠI LỄ PHẬT ĐẢN

Một điều đáng tiếc nhất tại lễ đài Phật đản tập trung là Phật tử và người dân không được trực tiếp hành lễ tắm Phật mà việc đó chỉ được dành cho chư Tôn đức giáo phẩm hàng đầu và quan khách cao cấp. Trong khi đó, lễ tắm Phật chính là hồn cốt của lễ Phật đản, mang tính biểu tượng thiêng liêng ai cũng muốn được thực hiện. Việc không được tắm Phật cũng là một lý do khiến Phật tử và người dân không hào hứng tham dự lễ Phật đản tập trung, hoặc nếu có tham dự thì cũng mong mau chóng kết thúc để quay về chùa mình hành lễ.

Tất nhiên, để hàng ngàn, thậm chí hàng vạn người thực hiện tắm Phật vào một thời điểm là không khả thi, có thể gây xô đẩy, mất trật tự, có khi không thể kiểm soát nổi. Để tạo điều kiện cho Phật tử và người dân hành lễ tắm Phật, ban tổ chức có thể thực hiện các giải pháp sau:

– Tôn trí nhiều tôn tượng Phật sơ sinh
– Thực hiện việc tắm Phật trong suốt 2 ngày lễ hội
– Khai lễ tắm Phật cho nhiều nhóm đối tượng khác nhau vào các thời điểm khác nhau
– Cử một đội thanh niên Phật tử tình nguyện làm nhiệm vụ hướng dẫn và giải thích nghi thức tắm Phật cho người dân
– Phát kèm các tài liệu, tranh ảnh cho người dân khi dự lễ tắm Phật
– Tổ chức chụp ảnh miễn phí, hoặc chi phí thấp cho người dân hành lễ tắm Phật

Tin rằng, khi ai cũng được tự tay hành lễ tắm Phật, được hướng dẫn và giải thích chu đáo, lễ Phật đản sẽ để lại dấu ấn sâu đậm, nhất là đối với trẻ thơ và những người chưa phải là Phật tử.

Tạo cơ hội cho ai cũng được tắm Phật khi dự lễ Phật đản

HỘI THI VÀ DIỄU HÀNH HOA ĐĂNG

Hoa đăng là một tác phẩm mang đặc trưng và bản sắc văn hóa Phật giáo, có tính thu hút và quảng bá cao, đã được Phật giáo Hàn Quốc lấy làm điểm nhấn trong tổ chức đại lễ Phật đản. Ở Việt Nam, trong dịp Đại lễ Vesak 2008 hay Đại lễ Phật giáo kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, Hà Nội, hay trên sông Hương tại Huế, hoa đăng, sen đăng đã giúp làm đẹp và tạo dấu ấn cho không gian lễ hội.

Nếu xung quanh quảng trường 1/5, đặc biệt là mặt trước phố Trần Hưng Đạo và dọc con phố Quán Sứ từ chùa Quán Sứ được trang hoàng hoa đăng, thì chắc chắn sẽ thu hút số lượng rất lớn người dân đến chiêm ngưỡng, chụp hình, và lễ hội sẽ có tính quảng bá rất cao.

Chúng tôi xin kiến nghị Thành hội Phật giáo Hà Nội, bên cạnh tổ chức thi xe hoa đẹp, còn tổ chức thi làm hoa đăng theo các đơn vị quận, huyện, có khuyến khích các chùa đủ điều kiện tham dự, với số lượng hoa đăng tôn trí khoảng 50 – 100. Chi phí làm hoa đăng không cao, với vật liệu chủ yếu bằng khung sắt và vải.

TĂNG TÍNH HẤP DẪN CỦA BUỔI LỄ CHÍNH

Như đã đề cập, chương trình đại lễ Phật đản diễn ra vào sáng ngày rằm tháng tư hiện nay mang nặng tính hành chính, khô cứng, thiếu hấp dẫn, gây mệt mỏi với những bài phát biểu đã biết từ trước. Mặc dù chưa thể thay đổi được ngay, nhưng như một số độc giả phattuvietnam.net đã góp ý, có thể bổ sung một số nội dung để tăng tính hấp dẫn, thu hút và truyền cảm hứng của buổi lễ:

– Có một số tiết mục văn nghệ mang đậm bản sắc Phật giáo vào đầu giờ, nhất là những tiết mục hợp xướng, múa dâng hoa, múa hoa đăng…
– Thay vì cử một Hòa thượng đọc thông điệp Phật đản của Đức Pháp chủ, có thể cung thỉnh Đức Pháp chủ trực tiếp ban thông điệp, huấn từ tại chỗ
– Phần nghi lễ tụng kinh, bên cạnh chuông, mõ, có thể sử dụng thêm các pháp khí khác, nhất là trống, đại hồng chung, kèn… để tăng tính linh thiêng và trầm hùng
– Phát văn bản kinh tụng cho Phật tử để mọi người đồng loạt đọc tụng

MỘT SỐ ĐỀ XUẤT KHÁC

Để đảm bảo cho lễ hội Phật đản tại quảng trường 1/5 được tổ chức thành công, tập trung nhân lực, vật lực, tài lực cho Đại lễ, có thể thực hiện một số giải pháp sau đây:

– Phật giáo 4 quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Ba Đình (bao gồm các chùa trên địa bàn) không tổ chức lễ Phật đản ở cấp quận, mà tập trung tham gia lễ Phật đản tại lễ đài trung tâm theo thời gian được phân công.
– Lấy lực lượng thanh niên Phật tử làm nòng cốt, hạt nhân trong tổ chức Đại lễ
– In poster, tờ rơi, tài liệu quảng bá lễ hội từ sớm đến các chùa, các Phật tử, kết hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông quảng bá lễ hội Phật đản

Thứ hai, 16/5/2011, tức ngày 14/4 Tân Mão, PL2554

07h00 Cung rước Ngọc Xá lợi Phật từ chùa Quán Sứ sang tôn trí tại lễ đài Phật đản
07h30 Lễ an vị Ngọc Xá lợi Phật, khai kinh đại lễ Phật đản
08h00 Khai lễ Tắm Phật dành cho trẻ thơ và lễ chúc phúc cho trẻ thơ
08h30 Biểu diễn múa lân, múa rồng
09h00 Khai mạc triển lãm thư pháp Phật giáo và tặng thư pháp
09h30 Khai mạc lễ viết 2555 ước nguyện trên lá bồ đề
10h00 Phật giáo quận Hoàn Kiếm tụng kinh Phật đản
09h00 -15h00 Các Phật tử, khách tham quan tắm Phật, xem triển lãm thư pháp, viết ước nguyện trên lá bồ đề
15h00 Khai lễ Tắm Phật dành cho các doanh nhân Phật tử
15h30 Khai mạc triển lãm tranh, ảnh, tượng Phật giáo
16h00 Phật giáo quận Hai Bà Trưng tụng kinh Phật đản
17h30 Liên hoan văn nghệ quần chúng Phật tử
19h00 Thuyết pháp
20h00 Khai mạc triển lãm hoa đăng, xe hoa của các đơn vị
21h00 Lễ thắp nến cúng dàng Phật đản, cầu quốc thái dân an

Thứ ba, 17/5/2011, tức ngày 15/4 Tân Mão, PL2555
06h30 Cử hành đại lễ Phật đản theo chương trình chính thức của giáo hội
10h00 Khai mạc lễ hội Phật giáo và tuổi trẻ, khai lễ tắm Phật dành cho Thanh thiếu niên Phật tử
10h30 Thi đố vui Phật pháp cho thanh niên Phật tử
13h00 Phật giáo quận Đống Đa tụng kinh Phật đản
14h00 Thi thuyết trình Phật pháp cho thanh niên Phật tử
16h00 Phật giáo quận Ba Đình tụng kinh Phật đản
17h30 Liên hoan văn nghệ thanh thiếu niên Phật tử
19h00 Thuyết pháp
20h00 Chương trình ca múa nhạc Phật giáo chuyên nghiệp
22h00 Bế mạc Đại lễ Phật đản