Trang chủ Đời sống Ẩm thực chay Mùa Vu Lan, “Ta” đi ăn chay ở quán “Tây”

Mùa Vu Lan, “Ta” đi ăn chay ở quán “Tây”

89

Mặc dầu lễ chính của Vu Lan là Rằm Tháng Bảy (Âm lịch) nhưng mùa Vu Lan kéo dài nguyên tháng. Lễ này rất lớn vì là ngày Xá Tội Vong Nhân và Báo Hiếu.

Mặc dù gần đây có “Father’s day” và “Mother’s day” du nhập từ ngoại quốc nhưng hai ngày lễ này vẫn mới mẻ quá, “Tây” quá, thường chỉ hiện diện ở khu vực trung tâm của Sài Gòn nơi có nhiều người Việt làm việc cho ngoại quốc.

Vì thế Vu Lan vẫn là ngày báo hiếu quen thuộc cổ truyền của người Việt Nam, không những báo hiếu, đây còn là ngày mở rộng ra cầu siêu cho thân quyến quá vãng.

Vu Lan thường kéo dài cả tháng nên nhiều người cũng ăn chay nguyên tháng. Tuy nhiên số người ăn chay ở Sài Gòn gia tăng khá nhanh vì lý do sức khỏe. Ăn chay biết cách chế biến vẫn đủ thành phần dinh dưỡng mà lại tránh được nhiều bệnh tật.

Sài Gòn ngày nay các quán chay mọc ra khắp nơi, đi chỗ nào cũng dễ dàng bắt gặp không kể các sạp bán món ăn chay ở trong nhà lồng chợ, lề đường, vỉa hè…

Tùy theo khẩu vị, mỗi người sẽ lựa chọn cho mình những chỗ ăn chay phù hợp theo kiểu Tàu hay Việt. Việt thì chay theo kiểu Bắc, Trung hay Nam. Món Tàu thường nhiều chất béo, nêm gia vị đậm đà, luôn có nhiều sốt sền sệt làm từ bột năng, bột mì hoặc bột bắp rưới lên món xào…

Món chay Việt thông thường nhất là kho, xào, canh… chế biến từ đậu hũ, mì căn và rau đậu… Trước kia nhập cảng từ Ðài Loan, Singapore… nhưng gần đây, Việt Nam cũng đã sản xuất được nguyên liệu chay đóng gói khi nấu nướng có mùi vị mặn khiến thực đơn chay ngày càng mở rộng. Từ kim tiền kê, nem nướng, chạo tôm… đến mì Quảng, phở, gỏi khô bò… đều y như thật, không khác mảy may.

Riêng quán chay Huế vẫn rất bảo thủ là giữ nguyên cách nấu nướng mộc mạc cổ truyền chứ không hoa hòe, hoa sói, không bổ sung các nguyên liệu giả mặn và cũng không mượn danh món mặn, vẫn đơn giản là mì căn xào sả ớt, canh nấm tràm, cà ri khoai từ…

Dù sao, Sài Gòn vẫn là nơi gặp gỡ của dân tứ xứ nên từ đó, các món ăn mới cũng dễ dàng du nhập và dễ dàng được đón nhận. Món chay Tây cũng là một trong thứ như vậy. Trong các kỳ lễ quan trọng nó luôn có mặt trong thực đơn thường nhật ở nhà hàng, khách sạn lớn.

Còn như hàng ngày nếu muốn ăn món chay Tây, thông thường người ta tìm đến khu “Tây ba lô” nằm trên khu Phạm Ngũ Lão, Bùi Viện vừa rẻ, vừa tiện đường ngay khu trung tâm thành phố.

“Tây” ở khu vực này không chỉ duy nhất Tây phương mà nói chung khách ngoại quốc bất kể từ đâu đến: Âu, Á Phi, Mỹ… nên đa số quán ở đây đều sẵn sàng có mục chay.

Không kể trong con hẻm song song có quán Zen, riêng hẻm chùa An Lạc ngắn ngủn đã tọa lạc đến ba quán cơm chay chứng tỏ số lượng thực khách ăn chay đông đảo thế nào. Một quán có tên An Lạc, quán nữa là Budha Nguyên Thủy và quán kia là The Original Bodhi Tree nhãn hiệu độc quyền tại VN.

Không hiểu sao mỗi quán một danh hiệu khác nhau chứ đâu có trùng tên mà quán nào cũng nhấn mạnh đến “nguyên thủy” và “độc quyền”. Tiệm ăn hằng hà sa số đâu có đăng ký bản quyền, nhãn hiệu nên thông thường các quán tha hồ đặt tên từa tựa nhau để ăn theo tên quán đầu tiên đắt khách.

Dầu sao, thực khách không thể và cũng không cần phân biệt làm chi vì để tồn tại sát cạnh nhau như thế, chất lượng món ăn chẳng thể chênh lệch quá xa.

Vì là quán chay nên phòng ăn được trang trí khá trang nhã, đậm chất thiền với tông màu nâu đỏ của gạch thô và đất. Quán thường đông khách, hầu hết bàn đều kín chỗ. Ðặc biệt vào ngày rằm, mồng một, lễ chạp của người Việt, khách Tây rất ít đến, nhường chỗ cho toàn khách Việt, hiện giờ đang mùa Vu Lan nguyên tháng ăn chay nên thực khách đông hơn mọi khi và toàn Việt Nam do nghe chung quanh ồn ào tiếng người Việt nói chuyện với nhau.

Thực đơn khá phong phú với hơn một trăm món toàn đơn giản, phổ biến. Rải đều là bánh mì với mứt, bơ…; pancake; khai vị với bắp lăn bột, bánh tráng bơ tươi, nachos…; các loại spaghetti, pizza, các loại rau đậu, soup; cũng có một trang hơn mười món Việt Nam như bún Huế, mì nước, rau đậu kho hay xào…

Một bữa cơm Việt Nam đầy đủ dù chay hay không bao giờ cũng gồm ba món: món canh, món mặn và món xào. Mặn bao giờ cũng là món chính như đậu hũ kho, nấm kho…; xào là rau muống, rau cải hay đậu que, bắp cải xào… canh chua hay canh cải… nhưng món Tây đơn giản hơn, chỉ một hay hai món là đủ không cần thức ăn bày ê hề.

Chúng tôi gọi cơm nấm và salad trái bơ. Chén bát là đồ gốm men lam Bát Tràng và đũa tre, cơm dọn trong chiếc thố đất nhỏ nhắn nhìn rất chi “Ðông phương”. Các món ăn dù nguồn gốc Việt Nam nhưng đều được nêm theo khẩu vị Tây.

Thức ăn Tây nói chung thường nêm muối tiêu nên ráo và có “hậu” ngọt đậm trong khi Việt Nam nêm nước tương nếu không quen sẽ cảm thấy hơi chua và ra nước, không kể bột ngọt tưới vào thay thế vị ngọt của thịt cá.

Mặc dù chai nước tương luôn bày sẵn góc bàn nhưng nước chấm dọn ra là nước dừa pha muối, đường và một chút… phẩm màu bởi vì tất cả nước chấm đều bắt buộc phải có màu nâu hay vàng cho duyên dáng chứ nhất thiết không thể trong veo như nước lọc, nước mưa được. Bơ và phô-mai dùng nhiều thay thế chất béo động vật.

Nấm rơm rải rác trong thố cơm nhỏ và những sợi đậu hũ rải rác trong đĩa salad. “Nhân” không nhiều trong cơm hay thức ăn như món Việt. Người bạn đi cùng với tôi gọi cơm dứa là cơm trộn với cà rốt, đậu cô-ve, dứa tước sợi cùng khoai tây nghiền và đậu hũ rán.

Khi chế biến, mở rộng thực đơn chay Tây, người đầu bếp dùng nhiều nhất đậu hũ hoặc thêm tàu hủ ky như hamburger đậu hũ, tàu hủ ky phô-mai chiên… nhưng mì căn là thứ không thể thiếu trong món “Ta” lại hoàn toàn vắng mặt ở “Tây”, dĩ nhiên các nguyên liệu giả mặn cũng không nốt, chỉ thuần túy rau đậu.

Thật ra chỉ cần rau đậu tươi ngon là món ăn đã ngon lành rồi, còn như đùi gà, cá kho, bò xào… với hình dạng và mùi vị giả tạo thực chất chỉ là bột và hương liệu mà thôi.

Có nhiều món cả Tây lẫn Ta đều được nấu nướng rất khéo. Bàn bên cạnh chúng tôi là một nhóm bạn trẻ kêu spaghetti rắc phô mai, xào olive…, bàn trước mặt là một cặp nam nữ người Ðức đang ăn ngon lành chả giò và cơm lá sen, rồi cà tím lăn bột, khoai mỡ chiên…

Tuy nhiên một số món đặc biệt không hạp khẩu vị nhau. Tây không thích lắm các món bún, hủ tíu… thuần túy Việt Nam vì màu sắc và mùi vị có vẻ hơi quá đậm đà, hơi “nặng”. Ta không thích pancake vì chẳng qua bản chất món này cũng chỉ là “cục bột”.

Bánh xèo Việt Nam tương tự như vậy nhưng bột đổ mỏng và giòn hơn, có nhân ăn vui miệng và nhiều rau kèm cho đỡ ngán, trong khi mấy anh Tây ngày nào cũng gọi hoài bánh crêpe từ dâu, chuối, thơm… qua xoài, ca cao, mật ong… không hề biết ngán.

Cộng thêm một điểm là tuy món ăn giản dị, không công phu thái quá nhưng pha chế vừa miệng và trình bày đẹp mắt. Cơm dứa được đơm trong lòng một trái dứa khoét ruột còn nguyên vỏ và lá, các thứ ngò, đậu, sauce… dùng để trang trí đều ăn được, không như cà chua, cà rốt, ớt đỏ, hành lá… tỉa hoa nơi món Việt và Tàu, tuy đẹp mắt nhưng chỉ đơn thuần trình diễn, bày biện, xong không ăn vất đi nên phí phạm.

Lại nữa, vì nằm trong khu ba-lô nên giá cả ở đây rẻ, các món ăn chỉ vào khoảng hai ba chục ngàn trở xuống nên rất phù hợp túi tiền của đa số dân Tây lẫn dân Ta.

Một bữa ăn chay thư thả trong không gian yên tĩnh, dù đông đúc vẫn không mang vẻ xô bồ, nhốn nháo khiến thực khách thấy lòng dịu lại, vừa thưởng thức những món ăn lạ miệng, ngon lành trong không gian trầm mặc, ngắm bức thư pháp trên cột, chiếc lồng đèn lụa đỏ trên cao, những viên gạch suy tư trên bức tường thô ráp…

Tất cả mang lại sự bình yên bao phủ, nhất là với người Việt thì cơm chay Tây còn mang tới một cảm giác là lạ, chỉ giới hạn thời gian của một bữa ăn, chỉ với vài món ăn ngoại quốc, trong khoảnh khắc, thực khách có thể đắm chìm vào một chút văn hóa “hương xa” ngay trên thành phố quen thuộc của mình.

Ẩm thực bao giờ cũng chính là vị đại sứ tích cực và hữu hiệu trên lãnh vực ngoại giao khiến mọi người dễ xích lại gần nhau vậy.

Quán chay nào cũng nhấn mạnh "nguyên thủy" hay "độc quyền"