Trang chủ Blog chùa Nam Định: TT. Chân Quang giảng tại chùa Quang Linh

Nam Định: TT. Chân Quang giảng tại chùa Quang Linh

123

Buổi Pháp thoại có sự chứng minh của Chư tôn đức Tăng Ni các Tự viện quanh vùng, sự góp mặt của các vị Lãnh đạo chính quyền địa phương và trên 800 phật tử xa gần đồng tham dự. Mặc dù mưa rất to và kéo dài, những hạt mưa đập vào người ran rát nhưng vẫn không ngăn được bước chân họ đến chùa nghe Pháp; đồng thời nhà chùa cũng chuẩn bị khung cảnh Pháp hội trông trang nghiêm và đón tiếp chu đáo. 

Mở đầu bài thuyết pháp, Thượng tọa đã chỉ ra nguồn gốc của Tăng ni. Người nói đó là một trong ba ngôi báu của đạo Phật là Phật – Pháp – Tăng. Phật là đấng Pháp chủ siêu phàm đã khai sinh ra một tôn giáo chỉ đem điều tốt đẹp cho thế giới – một tôn giáo mà những người trí thức nhất đều ca ngợi, đó là đạo Phật. Cho nên, ta tôn kính Đức Phật vì đã khai sinh ra một tôn giáo nói lên chân lý của con người, chân lý của vũ trụ, dù đạo Phật xuất hiện từ mấy nghìn năm trước, nhưng khi xã hội tiến bộ văn minh lên thì cái đạo đó vẫn phù hợp…vẫn đúng như thường, đây là điều đặc biệt.

Và Cha ông ta cũng rất may mắn, sáng suốt khi đã chọn đạo Phật là Quốc đạo từ ngàn xưa vào thời nhà Đinh. Đến đời nhà Lý, nhà Trần thì đạo Phật và đất nước bước vào thời kỳ rất hưng thịnh và đạo Phật vẫn được chọn là Quốc đạo. Những bài học kinh nghiệm trong các cuộc đấu tranh bảo vệ nền độc lập dân tộc cho thấy, từ tâm linh đạo Phật mà tạo nên cái đức của cả một dân tộc. Nhờ có đạo Phật mà đức của ta cao hơn giặc, giúp ta giành chiến thắng trong các cuộc đấu tranh bảo vệ đất nước, dù ta yếu hơn địch cả về nhân lực và vật lực.

Ngày nay, khi xã hội tiến bộ, người ta càng thấy đạo Phật là một điều tốt đẹp cho con người, như Nhà bác học Albert Einstein đã từng không tiếc lời ca ngợi rằng: “Nếu có một tôn giáo nào đương đầu với các nhu cầu của khoa học hiện đại thì đó là Phật giáo. Phật giáo không cần xét lại quan điểm của mình để cập nhật hóa với những khám phá mới của khoa học. Phật giáo cũng không cần từ bỏ những quan điểm của mình để xu hướng theo khoa học, vì Phật giáo bao hàm cả khoa học cũng như vượt qua khỏi khoa học”. Hoặc một triết gia người Úc là Schopenhauer phát biểu rằng: “Phật giáo là một tôn giáo cao cả nhất và là một trong những tia sáng vĩ đại nhất không chỉ riêng cho Châu Á mà cho khắp toàn cầu”.

Nói về khái niệm, vai trò và giá trị của Chư Tăng Ni, Thượng tọa nhấn mạnh: Phật là một ngôi báu đầu tiên, nên mới có đạo Phật, nhưng tôn giáo chỉ được phổ biến khi có giáo lý là Pháp. Pháp chính là lời dạy của bậc Giáo chủ. Cho nên, chúng ta lạy Phật rồi lạy Pháp, tức là những lời dạy đạo lý cao quý đó. Ngoài Phật, Pháp còn có Tăng. Tăng là những người xuất gia, sống cả cuộc đời theo đạo lý. Nhất là ở thời đại này, Phật đã nhập diệt, giáo pháp thì cực kỳ khó hiểu, chỉ có Tăng mới có thể hiểu hết và giải thích được rõ ràng cho chúng ta am tường đường tu. Do đó, nếu không có Tăng Ni tu hành thì ta cũng chẳng hiểu gì về đạo Phật. Sự thật, Tăng Ni quý như vàng nên chúng ta cần phải bảo vệ Tăng Ni, bảo vệ một tài sản vô cùng giá trị mà không phải ai cũng may mắn có được.

Để bảo vệ Tăng Ni, Thượng tọa chỉ ra 2 việc mà phật tử phải làm, thứ nhất là không để ai cắp hay đánh tráo và bằng nhiều hình ảnh ẩn dụ, Thượng tọa đã giải thích xác ý về ý nghĩa của từ “Cắp” hay “Tráo” để mọi người ý thức đúng đắn về trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ Tu sĩ; thứ hai là người phật tử phải hết lòng kính trọng nghe theo để nương tựa, học hỏi giáo lý. Nhân đây, Thượng tọa định nghĩa “Xuất gia” nghĩa là gì và phân tích rõ cái giá trị của người xuất gia là vượt thoát tình cảm thiên vị gia đình. Đây là sự khác nhau giữa người xuất gia và người cư sĩ tại gia. Nói đi tu rồi là từ bỏ gia đình, nhưng thật ra trong chừng mực nào đó mình vẫn còn bị thiên vị. Trong kinh Phật ghi rất rõ, chỉ người xuất gia không còn lòng thiên vị với gia đình mới chứng quả vị tột cùng (A La Hán), khi ấy trái tim thương yêu của họ là trải rộng khắp đất trời với tất cả chúng sinh, không còn thiên vị riêng một người nào nữa, còn không đều là những quả vị thấp hơn. Cho nên, để trở thành người xuất gia chân chính là phải từ bỏ dần cho tới hết thiên vị gia đình thì lòng mình mới trọn vẹn trách nhiệm với đạo. Đây là điểm nhấn trong bài Pháp thoại này, nhằm tạo nên một hình tượng Tu sĩ chân chính trong đạo Phật.

Người đi tu là từ bỏ trách nhiệm đối với gia đình nhưng nếu ta tu không đúng thì ta sẽ có một số quyền lợi, bí mật vun đắp ngược lại cho gia đình mình. Mà điều này là làm ngược với cái tư cách, vai trò của người xuất gia. Do vậy, người xuất gia tu hành là chiến đấu với tham – sân – si, chiến đấu với cái ngã chấp, hơn thua, đố kỵ, biết tu tập tâm từ bi, nhưng Thượng tọa nhấn mạnh thêm một cái góc tu cho người xuất gia là cuộc chiến đấu trong tâm hồn còn hay hết thiên vị đối với gia đình riêng của mình và gợi ý, để thắng được sự thiên vị đối với gia đình thì phải tu tập thiền định hướng về vô ngã, nhờ vậy mới vượt khỏi ái luyến, vượt khỏi những tình cảm riêng tư. Tuy nhiên, đây là cả một quá trình mà người xuất gia tu một kiếp cũng chưa xong, phải đi qua nhiều kiếp, chứ không dễ thành tựu tất cả. Và vai trò của người cư sĩ là phải biết bảo vệ đời tu cho quý thầy – là những người đại diện cho Tăng bảo, trong việc giữ gìn uy nghi giới luật. Để quý thầy vượt thắng được mọi cám dổ có thể gặp, thực sự nhờ vào sự trợ lực của những người xung quanh rất nhiều.

Lại nữa, đặc tính của người xuất gia là sống không giống người thế tục cả về hình tướng, sinh hoạt. Là người xuất gia thì từ cái tâm, cái hình phải khác người đời. Người xuất gia từ chối tham gia những trò vui ở cuộc đời vì nó làm tâm họ loạn, không thể nhiếp tâm thanh tịnh, không thể vô ngã, diệt trừ cái thiên vị với gia đình đang còn tồn tại trong tâm. Họ có hình tướng khác là ăn mặc đơn giản, ăn uống đạm bạc, không dám hưởng thụ nhiều để tránh nợ. Nếu có được sự cúng dường nhiều thì đem đi làm một điều gì đó có lợi ích chung. Còn người đời khi có điều kiện thì hưởng thụ cho hết cái phúc đó.

 Một điều khác nữa, người tu không bao giờ ra vẻ tất bật vội vã, công việc dù gấp rút kiểu gì họ vẫn điềm đạm khoan thai. Đặc biệt không có để thời gian trống, khi buông việc ra liền nhiếp tâm trong thiền định. Với vị trí là một người xuất gia, Thượng tọa nói “Người xuất gia luôn dành cả cuộc đời để tu tập, nên việc đầu tiên của họ là nghiền ngẫm kinh Phật để hiểu được đạo lý sâu xa, từ đó thực hành trong cuộc đời của mình. Khi nào họ biến những lời kinh thành cuộc sống thì lời kinh đó mới trở thành vô giá, thành mạch nguồn tâm linh tràn đầy sức sống, phả những điều tốt lành vào cuộc đời này. Cho nên, một người xuất gia mà tu đúng, dù vị đó có kém dở nhưng nếu có đạo hạnh vẫn dạy dỗ chuyển hóa được người xung quanh”.

Ngoài ra, Thượng tọa nhấn mạnh người tu có hai thái độ sai nên tránh:

– Thứ nhất là kiêu mạn, cứ nghĩ mình là người xuất gia, là thầy của thiên hạ, trên mọi người rồi nói năng bổ bả sẽ làm tổn phước. Sự biến dạng tâm lí trong kiếp này, khiến họ kiếp sau trở thành người thế tục. Người tu là Tăng Bảo, là một điều quý giá trong Phật Pháp, được mọi người yêu kính nhưng lúc nào cũng phải tự thấy mình kém dở và khiêm hạ trong đối tiếp với mọi người. Người tu đúng, ta sẽ thấy họ giữ được phong cách suốt đời, từng lời ăn tiếng nói đàng hoàng, chững chạc. Như vậy, người này mới bền mà tu.

– Thứ hai là khúm núm hèn hạ quá mức. Người xuất gia là nơi nương tựa cho chúng sinh nên phải có cái gì đó vừa khiêm tốn, vừa đường bệ, oai nghi.

Đối với phật tử Thượng tọa nhắc nhở: Người xuất gia là Thầy của mọi người nên các phật tử phải kính trọng và bảo vệ đạo hạnh cho Thầy. Người yêu cầu: “Thương thầy thì phải biết góp ý, giúp Thầy bảo vệ đạo hạnh chứ không được chiều Thầy rồi thành cảm tính. Chúng ta cũng đừng bao giờ vội quay lưng khi thấy Thầy phạm sai lầm, vì có thể ngày mai Thầy sửa tốt lên. Phật tử như vậy mới là thật lòng thương kính Thầy”.

Về trách nhiệm của người xuất gia, Thượng tọa chia sẻ: “Người tu giữ gìn phong cách của Thánh nhưng không được thấy mình là Thánh, từ cách đi đứng, ăn nói đều phải theo luật của chùa. Như vậy, mình mới giữ được sự khiêm hạ, giữ được đạo đức và trở thành chỗ nương tựa cho chúng sinh. Để thành tựu được tất cả đạo hạnh cao siêu đó, người xuất gia buộc phải có thiền định hàng ngày để nhiếp tâm thanh tịnh đi vào vô ngã. Ngoài ra, lúc nào cũng phải giữ chánh niệm, lúc nào cũng an trú toàn thân, biết thân này là vô thường. Trách nhiệm của người tu cao như vậy”.

Bài thuyết pháp của Thượng tọa rất xúc tích, đầy nghĩa lý, đã đưa ra những khái niệm cơ bản nhất về sự khác biệt của người xuất gia, nhằm giúp các phật tử có hiểu biết tổng quát nhất về chư Tăng Ni. Từ đó, họ biết yêu kính Thầy, biết bảo vệ Thầy mình tốt hơn, góp phần giữ gìn mạng mạch đời đời cho Phật pháp, cho tâm linh của dân tộc ta. Ngoài ra, đây cũng là những kiến thức trọng tâm, kinh nghiệm tích lũy, được chia sẻ từ chính quá trình tu tập của Thượng tọa để cho những phật tử có ý nguyện xuất gia có thể học hỏi, thực hành. Tuy đối tượng trọng tâm là người xuất gia, song người tại gia vẫn có thể áp dụng tu tập được.

Sau cùng, đại diện chính quyền địa phương đã tặng hoa và nói lời cảm tạ gửi đến Thượng tọa Giảng sư – Người đã quan tâm đến các phật tử tại một ngôi chùa làng đơn sơ – nơi qui tụ về điểm tựa tâm linh của họ, mà ban bố cho những lời dạy đạo lý, khiến họ hiểu Phật pháp và thực hành theo để được lợi ích. Thật ra, Thượng toạ tùy duyên giáo hóa, không nhứt thiết hình thức nào, chỉ nhiệt tâm mang điều thiện lành đến cho chúng sinh. Với phạm hạnh này, Người đã mở rộng con đường hoằng pháp đến mọi nẻo đường đất nước, mang lợi lạc an vui cho tất cả mọi người là vậy./.