Thiền viện Tổ đình Bửu Long là ngôi chùa ở TP.HCM nằm trên đồi, có bảo tháp xá lợi trang nghiêm và kiến trúc gợi nhớ Angkor Wat, giữa không gian xanh.
Ẩn mình giữa không gian xanh mát của Công viên Lịch sử Văn hóa dân tộc (TP.Thủ Đức), thiền viện Tổ đình Bửu Long (hay còn gọi là chùa Bửu Long) nằm trên đồi gây ấn tượng bởi lối kiến trúc gợi nhớ quần thể Angkor Wat cùng bảo tháp xá lợi trang nghiêm. Ít ai ngờ rằng có một ngôi chùa ở TP.HCM mang đậm dấu ấn Phật giáo nguyên thủy như thế.
Theo tư liệu, thiền viện có diện tích 11 ha, nằm phía tây bờ sông Đồng Nai. Thiền viện được sáng lập năm 1942 bởi cư sĩ Võ Hà Thuật, sau khi ông quy y và thọ nhận giáo pháp từ thiền sư Hộ Tông. Tâm nguyện ban đầu của người sáng lập là kiến tạo một đạo tràng, nơi thiền sư Hộ Tông có thể sớm về truyền bá chân lý cho nhóm bạn bè đồng tu, cùng nhau tinh tấn trên con đường tu tập.
Vào năm 1958, khi Giáo hội tăng già nguyên thủy Việt Nam ra đời, cư sĩ Võ Hà Thuật cúng dường toàn bộ tịnh thất cho thiền sư Hộ Tông, vị tổ khai sáng và cũng là đức tăng thống đầu tiên của Phật giáo nguyên thủy Việt Nam. Từ đó, thiền viện Bửu Long trở thành trung tâm tu học lớn, thu hút đông đảo chư tăng và phật tử.
Thiền viện Tổ đình Bửu Long hay còn gọi là chùa Bửu Long thu hút nhiều phật tử và khách thập phương – Ảnh: Phạm Hữu
Điểm nổi bật nhất của chùa Bửu Long là bảo tháp xá Lợi Gotama Cetiya. Ngôi bảo tháp này được là xem lớn nhất Việt Nam được thiết kế kết hợp giữa kiến trúc hiện đại với đặc điểm văn hóa Suvarnabhumi cổ xưa của vùng Đông Nam Á – Ảnh: Phạm Hữu
Phía trước bảo tháp là một hồ nước hình bán nguyệt, tạo không gian thanh tịnh và mát mẻ – Ảnh: Phạm Hữu
Cạnh bảo tháp lớn là 2 bảo tháp nhỏ, mỗi tháp nhỏ 3 tầng – Ảnh: Phạm Hữu
Năm 1961, một sự kiện ý nghĩa khi trưởng lão Narada Mahàthera (Sri Lanka) đã trao tặng thiền viện một cây bồ đề quý giá. Cây có nguồn gốc từ chính cây đại bồ đề nơi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thành đạo tại Bồ đề Đạo tràng, Ấn Độ. Thiền sư Hộ Tông vô cùng trân trọng món quà này và đã cho xây dựng bồ đề Phật Cảnh, một không gian linh thiêng để tưởng niệm Đức Phật trong khuôn viên thiền viện.
Đến năm 1965, sau hơn 10 năm tận tâm hầu cận, cư sĩ Võ Hà Thuật mới chính thức được thiền sư Hộ Tông truyền trao đại giới, ban pháp hiệu Lão Tâm. Năm 1969, đại đức Lão Tâm viên tịch, hưởng thọ 68 tuổi. Để bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đối với những đóng góp của đại đức, chư tăng và phật tử đã cùng nhau xây dựng một tháp thờ trang nghiêm trên ngọn đồi phía đông nam khuôn viên thiền viện.
Năm 1981, thiền sư Hộ Tông viên tịch, trụ thế 88 năm. Tháp thờ của ngài được Giáo hội tăng già nguyên thủy Việt Nam trang trọng xây dựng ngay sau bồ đề Phật Cảnh để tưởng nhớ công đức cao dày của vị tổ.
Các lối lên bảo tháp được trang trí linh vật rồng uốn lượn trên các tầng mây – Ảnh: Phạm Hữu
Bảo tháp xá lợi Gotama Cetiya có 5 tháp lớn nhỏ, tháp chính điện ở trung tâm cao và lớn nhất với 7 tầng, đỉnh tháp gắn hàng trăm chiếc chuông gió, xung quanh được dát đồng thau vàng óng Ảnh: Phạm Hữu
Phía trước tầng 2 của bảo tháp có đặt tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, tay cầm bình bát – Ảnh: Phạm Hữu
Trong khi đó, phía tầng trệt cũng là nơi các tăng, ni, phật tử cùng đọc kinh, trì chú mỗi ngày. Đồng thời vào lúc 10 giờ, sẽ là lễ cúng trai tăng khất thực và kết thúc lúc 10 giờ 45 – Ảnh: Phạm Hữu
Khu vực chánh điện của bảo tháp. Nơi đây được đặt 2 pho tượng là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và ngài tổ Hộ Tông được làm bằng sáp – Ảnh: Phạm Hữu
Năm 1982, theo di chúc của tổ Hộ Tông, hòa thượng Viên Minh đã được Giáo hội tăng già nguyên thủy Việt Nam bổ nhiệm làm Viện chủ thiền viện Bửu Long. Trong suốt thời gian đảm nhiệm, hòa thượng Viên Minh đã tin tưởng giao phó thượng tọa Bửu Đức làm trụ trì và cùng nhau thực hiện việc trùng tu, tôn tạo ngôi chùa ngày càng khang trang, trở thành một danh lam tiêu biểu cho văn hóa Phật giáo nguyên thủy Việt Nam trong Công viên Lịch sử Văn hóa dân tộc.
Đến năm 1992, nơi đây xây dựng thêm ni viện với mục đích đào tạo ni chúng theo truyền thống Nam tông. Năm 1993, trùng tu lại thiền thất đơn sơ của tổ Hộ Tông để trở thành tổ đường, đặc biệt, trong tổ đường còn tôn trí tượng sáp của tổ, tái hiện hình ảnh ngài an nhiên ngồi thuyết giảng cho tăng, ni, phật tử mỗi khi họ đến thỉnh vấn.
Năm 1995, hòa thượng Viên Minh cùng với hòa thượng Hộ Pháp khởi động việc trùng tu bồ đề Phật Cảnh, thể hiện lòng tri ân sâu sắc đối với tổ và thực hiện tâm nguyện của ngài trước khi viên tịch.
Năm 2000, chùa mở rộng hơn và xây dựng trai đường, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt truyền thống của tăng đoàn và phật tử.
Đặc biệt, từ năm 2004, chùa trùng tu chánh điện. Việc trùng tu chủ yếu nhằm tôn tạo cho chánh điện thêm khang trang và tiện nghi, nhưng vẫn giữ nguyên hình dáng kiến trúc ban đầu, chỉ bổ sung thêm phần tiền đường và một số chi tiết mang đậm dấu ấn kiến trúc Phật giáo Đông Nam Á hòa quyện với kiến trúc triều đại nhà Nguyễn.
Dù là ngày bình thường, nhưng chùa Bửu Long cũng đón nhiều phật tử đến tham quan, chiêm bái – Ảnh: Phạm Hữu
Khu vực tầng 3 của bảo tháp- Ảnh: Phạm Hữu
Tầng 3 là nơi tôn trí xá lợi Đức Phật và xá lợi các A-la-hán cũng như các vị sư tổ của chùa – Ảnh: Phạm Hữu
Xá lợi Đức Phật và xá lợi các vị A-la-hán được tôn trí bên trong các chum nhỏ, phủ lên một khối kính trong suốt. Các phật tử đến đây có thể dễ dàng nhìn thấy và chiêm bái – Ảnh: Phạm Hữu
Phía hành lang sau của bảo tháp – Ảnh: Phạm Hữu
Trong khuôn viên chùa Bửu Long rộng lớn có rất nhiều khu vực. Đặc biệt, khu vực phía sau bảo tháp là cây bồ đề có nguồn gốc từ chính cây đại bồ đề nơi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thành đạo tại Bồ Đề Đạo tràng, Ấn Độ. Cây bồ đề này được một trưởng lão Phật giáo từ Sri Lanka trao tặng thiền viện – Ảnh: Phạm Hữu