Trang chủ Người thời nay Người hồi sinh Chùa Cốc

Người hồi sinh Chùa Cốc

72

Dù chưa xây dựng song mỗi ngày có hàng trăm lượt khách thập phương về Chùa Cốc để được chiêm ngưỡng những tượng pháp, đồ thờ, hàng nghìn hiện vật trong bảo tàng và đặc biệt là để nghe hát chèo, hát chầu văn do chính ông chủ phục vụ. 


Đi buôn gà


Sinh năm 1971, ngay từ khi còn nhỏ, Nguyễn Mạnh Quý đã bộc lộ năng khiếu về ca hát, đặc biệt là chèo, chầu văn. Theo tâm nguyện của ông nội trước khi mất, Mạnh Quý tìm đến thầy Tự Pháp Sơn để học chữ Hán và tìm hiểu về lịch sử văn hoá của chùa Cốc qua các tài liệu, sách báo và gia phả để lại. Mơ ước trở thành nghệ sĩ chèo đã thôi thúc anh đi khắp nơi ca hát, biểu diễn ở các đền, chùa, đình và  trong các gánh hát rong.


Được đào tạo tại trường trung cấp văn hoá tỉnh, song vì bệnh tật tại thời điểm đó, Mạnh Quý đã để mất cơ hội đi theo con đường nghệ thuật. Cũng vì mưu sinh, chàng thanh niên trẻ sẵn sàng đi buôn gà trên tận các vùng cao ở Lục Ngạn, Sơn Động, Yên Thế. Hết mùa gà, anh chuyển sang buôn vải thiều Lục Ngạn vào Sài Gòn. Khi có “của để dành”, Mạnh Quý lao vào kinh doanh bất động sản và chẳng mấy chốc, “ông buôn gà” đã trở thành tỉ phú. Nhớ lại lời trăn trối của ông nội, anh quyết tâm dùng phần lớn số tiền tiết kiệm được, tự tay thiết kế, phục hồi ngôi chùa cổ.


Để… trùng tu khu di tích


Công trình kiến trúc này gồm có tượng pháp, bia ký và một khu trưng bày những hiện vật với nhiều loại hình văn hoá đan xen giữa miền xuôi và miền ngược, giữa miền Bắc và miền Nam. Theo lịch sử ghi trên bia đá, xưa kia chùa Cốc thuộc xã Vạn Linh, Phủ Lạng Thương, Trấn Kinh Bắc (nay thuộc xóm Núi, Xã Dĩnh Trì, huyện Lạng Giang).


Chùa được xây dựng từ thời nhà Trần, thuộc Sơn môn phái Thiền trúc lâm của chùa Đức La (Vĩnh Nghiệm Tự). Ban đầu chùa có tên là Sùng Nghiêm Tự. Theo truyền thuyết, từ “Cốc” có nghĩa là chim phượng hoàng gắn liền với một truyền thuyết từ xa xưa. Khi đó, có 100 con chim cốc bay đến dãy núi Nhám điền nhưng chỉ có 99 ngọn núi cho 99 con đậu, một con không có nơi đậu phải bay đến ngọn núi ở xã Dĩnh Trì và chết ở đấy nên người xưa gọi là núi Cốc. Trải qua nhiều biến động thăng trầm của lịch sử, do chiến tranh và chính sách tiêu thổ kháng chiến mà khu di tích lịch sử chùa Cốc bị tàn phá nhiều lần.


Mạnh Quý cho biết, ngay từ  năm 1960, gia đình cụ Nguyễn Văn Ý (ông nội Mạnh Quý) đã thu lượm từ các công trình kiến trúc đổ nát để dựng lên 3 gian thờ vọng 18 vị vua Hùng và 2 vị Thành hoàng làng là Cao Minh Đại Vương, Quý Minh Đại Vương và phối thờ La Bình Công Chúa. Từ những gia phả chữ Hán, Mạnh Quý dịch ra tiếng Việt rồi tự mình thiết kế khu di tích. Trên khu đất hơn 10.000 m2, chưa tính đến tiền mua mặt bằng, chi phí đầu tư cho xây dựng từ 2003 đến nay (dù chưa hoàn thành) cũng đã lên tới hơn 20 tỉ đồng.


Hơn 150 pho tượng làm từ các chất liệu đá, gỗ mít, đồng do những nghệ nhân tài hoa chạm khắc đá ở Vân Hà (Ninh Bình), tượng gỗ Sơn Đông (Hà Nội) và đúc đồng ở Ý Yên (Hà Nam) đảm nhiệm. Điều khiến các nhà nghiên cứu lịch sử và nhiều du khách chú ý nhất là khu nhà bảo tàng rộng hơn 2.000 m2 được sử dụng làm nơi trưng bày các hiện vật, công cụ lao động của các dân tộc.


Mạnh Quý tâm sự: “Mình sưu tầm được gần 10.000 hiện vật, nhưng đến khi xây dựng hoàn chỉnh mới đem ra công bố. Hiện mình gửi một số ở Bảo tàng dân tộc Việt Nam và phần còn lại vẫn cất ở chỗ bí mật và sẽ đưa ra công bố vào dịp khánh thành cuối năm”.


Được biết, trong quần thể các hạng mục do Mạnh Quý thiết kế vẫn còn một công trình chưa hoàn thành: con rồng dài gần 100m quấn quanh hồ sen… Mới đây, Bảo tàng Dân tộc Việt Nam, Bảo tàng Bắc Giang đã về thu thập tư liệu, quay phim và chuẩn bị biên soạn sách nghiên cứu về khu di tích lịch sử này.