Trang chủ PGVN Cửa thiền “Người mẹ” của 41 người con

“Người mẹ” của 41 người con

67

Những mảnh đời “neo” cửa Phật


Chùa Yên Ninh có thời điểm nhiều năm không có người trụ trì, mãi tới năm 1996, sư bác Thích Diệu Nhân đến tiếp quản ngôi chùa. Năm 1997, sư bác đã lập ra nhóm phật tử, nhóm tương thân tương ái. Mỗi bữa ăn, các thành viên trong nhóm trích ra 500đ để xây dựng quỹ, nếu không có tiền thì bỏ vào hũ một nắm gạo.


Sau nhiều năm tích cóp, giờ số tiền đã đủ dùng trang trải cho các hoạt động tu sửa lại chùa, thu nhận nhiều trẻ em lang thang, khuyết tật về nuôi dưỡng.


Nhiều em đã trưởng thành, có gia đình riêng và đều được sư bác cho đi học “cái chữ”. 5 em đã vào cổng trường đại học, 2 em học cao đẳng và 1 em học trung cấp y. Sư bác trầm tư: “Tuy chùa có khó khăn nhưng các em đều ý thức được bản thân, trách nhiệm của mình nên rất quyết tâm học chữ”.


Số lượng các em trong chùa ngày một đông (hiện có 41 em, trong đó em lớn tuổi nhất 17, em bé nhất lên 2). Các em lại hay ốm đau, nên sư bác đã phải lặn lội đi khắp các trung tâm y tế xin cây thuốc nam về trồng trong vườn như: bồ công anh, mã đề, ngãi cứu, sâm Triều Tiên, cam thảo…


Nhờ vườn thuốc nam do sư bác và nhiều người dân sống gần chùa trồng đã chữa được các bệnh cảm cúm, sốt, viêm họng… cho các em. Hàng năm, số thuốc còn thừa phơi khô, sư bác cùng Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình trao tặng cho những nơi còn thiếu.


Ông Nguyễn Gia Hiền, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Hoa Lư cho biết: “Hàng năm, nhiều hộ gia đình nghèo đã được chùa Yên Ninh tặng thuốc. Chùa quyên góp xây dựng một ngôi nhà tình thương trị giá trên 60 triệu đồng tặng gia đình chị Phượng ở xã Ninh An”.


Mở rộng những vòng tay


Hàng tháng, sư bác lại đi hành khất, trên đường đi đã gặp nhiều đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn. Sư bác tâm sự: “Nhiều con gặp tôi lần đầu mà cứ như có sự quen biết từ rất lâu, ôm tôi và khóc òa lên. Mỗi lúc như vậy tôi cũng rớm nước mắt và muốn bù đắp cho các con tất cả tình thương yêu của người cha, người mẹ”.


Các em trong chùa đều có hoàn cảnh thương tâm. Em Quốc Khánh, quê Đồng Nai, bố mẹ bị mất sau vụ tai nạn thảm khốc, em phải ăn xin để kiếm sống, được sư bác mang về chùa nuôi 7 năm nay. Em Phạm Thị Phượng ở phường Trung Sơn, thị xã Tam Điệp được gia đình đưa vào chùa khi em học lớp 8. Được sư bác nhận nuôi và nhiệt tình giúp đỡ, em đã đền đáp bằng việc thi đậu vào đại học.


Nhưng chỉ học được hai năm, do sức khỏe yếu không thể theo học tiếp. Trong lúc tuyệt vọng, sư bác đã tìm tới động viên và mang em về chùa, vậy là ngôi nhà chung ấy nay lại mở rộng vòng tay để em tìm thấy được sự bình yên.


Phượng tâm sự: “Trong những lúc em khó khăn nhất, tuyệt vọng nhất, sư bác lại dang rộng vòng tay ôm em vào lòng, động viên. Em sẽ cố gắng học hết lớp Trung cấp y học cổ truyền Ninh Bình để giúp sư bác chăm sóc các em có cùng hoàn cảnh” .