Trang chủ Người thời nay Người từng "xẻo tai đối thủ" trở thành nhà từ thiện

Người từng "xẻo tai đối thủ" trở thành nhà từ thiện

74

Nhưng bây giờ, anh ta trở thành một Phật tử, làm chủ một xưởng điêu khắc và đào tạo nghề cho nhiều thiếu niên cơ nhỡ.

Ngày xưa, tục danh của anh là Lê Thừa Dương Hùng (sinh năm 1973, quê ở Quảng Trị), tên giang hồ là Hùng “sầu”, còn giờ đây pháp danh của anh là Thích Tịnh Tín, quy y ở chùa Hoằng Pháp (Hóc Môn, TP.HCM), là chủ xưởng điêu khắc gỗ, với 16 thợ.

Thời kỳ tội lỗi

Anh Dương Hùng tâm sự với chúng tôi, anh sinh ra tại làng chài nghèo của xã Hải Khê, huyện Hải Lăng (Quảng Trị), trong một gia đình nghèo khó. Cha mất sớm, mẹ tái giá, năm lên 7 tuổi, chứng kiến cảnh cha dượng hành hạ mẹ ruột mình, anh chịu không nổi bỏ nhà, đi lang thang đến chợ Đông Ba (TP.Huế). Ban ngày phụ dọn hàng cho các chủ hàng, ban đêm anh ngủ vật vờ ở các sạp.

Sau 2 năm sống đơn độc ngoài chợ đời, anh nhớ mẹ da diết nên quay về nhà. Do mẹ còn lo cho dượng và các em nên cuộc sống vẫn quá nghèo nàn. Anh không tìm được mái ấm mơ ước, nên quay trở lại chợ Đông Ba, kết nhóm với những trẻ lang thang khác, đứa làm bốc vác, bán trà đá, đứa đánh nhau, ăn cắp vặt ở bến xe Gia Hội. Anh trở thành đứa lạnh lùng, dày dạn kinh nghiệm sống. Nhưng đến năm 13 tuổi, anh lại nhớ mẹ và quay về quê, nhưng lần hồi gia này anh trở thành đứa con bất mãn và bất trị.

Lúc đó, anh gặp tướng cướp Lê Lam (người cùng xóm hơn anh 11 tuổi, trước đó đã vượt biên, phá trại tị nạn ở Hong Kong, cướp tàu đi Nhật) vừa bị Nhật trả về. Lê Lam cho Dương Hùng nhập băng, vì anh còn nhỏ nhưng quá gan lì.

Dương Hùng kể: “Năm 15 tuổi, do mâu thuẫn với hai anh bộ đội, tôi cầm kéo đâm vào bụng, ngực của họ, nên bị bắt đi cải tạo 9 tháng. Ra trại, Lê Lam cử tôi đi trinh sát một băng đối thủ, ai dè băng 6 tên này phát hiện và bao vây tôi. Tôi lùi lại giật dao của người đang xắt thịt trong quán, chém đứt lìa cánh tay của một tên trong băng và xẻo tiếp một lỗ tai mang về khoe với đại ca. Sau đó, tôi bị xử 2 năm rưỡi tù giam, ở được 9 tháng tôi vượt trại giam và trốn vào Sài Gòn, xin gia nhập băng bảo kê Tâm “voi”. Hai năm sau tôi bị bắt theo lệnh truy nã của công an Huế và bị lãnh thêm 2 năm rưỡi tù.

Ra tù, tôi vào Bình Dương nhập vào băng bảo kê, đòi nợ mướn ở Dĩ An. Lúc đó, Tâm “voi” bị bắt, tôi lên làm đại ca. Một lần đi đòi nợ 12 triệu đồng ở Bình Phước, con nợ là một phụ nữ đang mang bầu, tôi xiết chiếc xe máy. Chị ấy ôm chân tôi lại van xin đừng lấy xe, nhưng tôi co chân đạp thẳng vào bụng chị, sau đó tôi biết chị đã bị sẩy thai… đó là nỗi dằn vặt trong lòng tôi suốt tận bây giờ”.

Thời kỳ sám hối

Sau vụ này, anh tìm đến nhà đại ca Lê Lam, đại ca bảo anh đã quy y với pháp danh Tịnh Long, sám hối tội lỗi trước kia để được làm người lương thiện. Một hôm vào tháng 10/1999, Dương Hùng đang đi ngoài đường và nhìn thấy ngôi chùa Đông Linh, ở Hóc Môn, bỗng tò mò đi vào, bất ngờ anh cảm nhận một sự an lành, thư thái trong lòng không giải thích được. Từ đó, thỉnh thoảng anh lại đến chùa.

Lúc này, anh nghiện nặng, nên khấn nguyện Phật pháp gia hộ cho anh từ bỏ ma túy. Rồi anh mua thùng mì gói, thùng nước uống và tìm thuê một căn phòng trọ giá 150.000 đồng/tháng. Nhờ khóa trái, anh tự nhốt mình 21 ngày vật vã, đau đớn. Anh kể: “Đói thì ăn mì, lúc vã thuốc đau đớn thì tôi chỉ còn cách duy nhất là nhắm chặt mắt lại, không rên la mà chỉ toàn tâm toàn ý nghĩ về Phật. Tôi tin khi tâm hồn hướng về cõi an nhiên thì mình sẽ tìm thấy những điều kỳ diệu lúc nào cũng niệm Phật cho đến khi thấy lòng mình tỉnh táo, sau đó tôi dứt hẳn ma túy”.

May mắn cho Dương Hùng, nhờ điêu khắc gia Đoàn Minh Nhật (Bàn tay vàng năm 1994) của Bộ Văn hóa thông tin cũ) đến thuê mặt bằng gần nhà trọ của anh. Phúc duyên cho anh khi được thầy Nhật thâu nhận làm đệ tử. Anh miệt mài theo học nghề suốt ba năm (1995-1998). Thầy Nhật truyền nhiều kỹ năng, kỹ xảo đã giúp cho anh thành nghệ nhân điêu khắc gỗ. Anh nuôi hy vọng trong tương lai sẽ tạo ra một cơ sở điêu khắc gỗ Phật giáo, một ngành chưa có nhiều cơ sở sản xuất. Anh kể: “Cuối năm 2005, khi hội đủ duyên lành, tôi mạnh dạn mở Cơ sở điêu khắc gỗ Dương Hùng, và tôi sẵn sàng thâu nhận hai em cùng quê, cũng từng vào tù ra khám để dạy nghề, nên tôi đặt tấm bảng trước cơ sở: “Nơi đây nhận dạy nghề điêu khắc miễn phí và ưu tiên cho các em có hoàn cảnh cơ nhỡ”. Lúc đó, có 15 em (từ 14 – 30 tuổi) xin vào học việc, số lượng học viên cứ tăng dần lên. Sau này có hai em bén duyên với Phật, đã xuất gia. Nguồn lực hiện nay của cơ sở có 4 thợ chính và 12 thợ phụ”. Cái xưởng nhỏ của Dương Hùng đang rộn ràng tất bật do thầy trò anh tập trung hoàn thành ba bức tượng Phật bằng gỗ cao 5m, nặng 6 tấn, cho chùa Giác Ngộ và dự kiến sẽ xác lập kỷ lục tượng gỗ cao nhất Việt Nam.

Bây giờ, nhiều học trò của anh đã thành thợ chánh, nên anh Tịnh Tín dành nhiều thời gian (từ ngày thứ sáu đến Chủ nhật) cùng với các nhà hảo tâm, Phật tử vận động quyên góp tiền bạc, thực phẩm, thuốc men, quần áo… đi cứu trợ đồng bào nghèo ở khắp miền Tây Nam bộ, miền Trung và Tây Nguyên.

Hiện nay, Phật tử Tịnh Tín đang cưu mang, dạy nghề cho 23 bạn trẻ tại cơ sở điêu khắc với tâm nguyện không để cho các em sa vào con đường tội lỗi như mình ngày xưa. Anh cho biết, cuộc đời mình tự hào nhất là thời gian qua đã giúp cho 50 em cơ nhỡ học nghề, trong đó có 2 em lập cơ sở riêng.

Theo Xã hội