Trang chủ Văn hóa Nghệ thuật Nhà sư viết nhạc thiên nhiên

Nhà sư viết nhạc thiên nhiên

76

Vùng núi nên thơ Đại Lão Sơn (hay Đại Lào) ven thị xã Bảo Lộc một lần nữa đã trở lại trong tâm tưởng Nguyễn Đức Vân để nhà sư trẻ làm nên cuộc hoài thai kỳ diệu trước khi công bố một xuất phẩm âm nhạc mang đậm chất núi rừng. Trong chương trình âm nhạc mới nhất, Nguyễn Đức Vân đã gửi đến một thông điệp về tình yêu thiên nhiên được trải nghiệm bằng chính cuộc sống thường nhật của mình.













Ảnh: N.V.Thưởng


Hơn bốn năm qua, nhà sư Nguyễn Đức Vân đã tự tay trồng khoảng 1.000 cây sim và các loài cây ăn trái trên khu đồi rộng gần 5.000m2.


Công việc trồng rừng của Nguyễn Đức Vân đã được tưởng thưởng bằng một “quỹ xanh” tương đương 1.000 cây thông con do tạp chí The Guide phát động trong khuôn khổ một chương trình thể thao vì môi trường vào tháng bảy năm nay để nhà sư trẻ tiếp tục phủ xanh khu đồi của mình.


Màu yêu thương, chủ đề CD âm nhạc thứ hai của Nguyễn Đức Vân vừa mới được phát hành, chỉ giới thiệu tám ca khúc, thông thường là chưa đủ thời lượng cho một đĩa nhạc nhưng trong đó chứa đựng cả khung trời riêng của Vân.


Tháng ngày lặng lẽ sống trên quả đồi nhỏ biệt lập, Vân đã tự tay vun trồng nên cả một đồi sim. Biết bao giọt mồ hôi đã đổ lên đó, để rồi màu tím của hoa hắt bóng ảnh thiên nhiên vào trong mỗi cung nhạc của người lấy cỏ cây, hoa lá và đất trời làm bầu bạn.


Thực tế, Vân đã trở thành người trồng rừng từ rất bé. “Hồi nhỏ, cùng với cha mẹ, anh em tôi đã trồng rất nhiều thông trên khu đồi của gia đình có tên là Phương Bối. Có những cây thông do tự tay tôi trồng giờ đã bằng tuổi đứa em tôi”, nhà sư 35 tuổi này nói. (Năm 2005, đĩa nhạc đầu tiên của Vân mang tên gọi Đồi trăng Phương Bối).


Cũng theo lời Nguyễn Đức Vân, trong quãng đời thơ bé ấy Vân đã từng mơ về cuộc sống một mình giữa chốn hoang sơ núi rừng với ngôi nhà làm bằng gỗ treo lơ lửng trên cây. Nhiều năm sau này, giấc mơ đó chợt hiện về khi Vân tình cờ đọc được bài thơ Người về của Bùi Giáng, trong đó có những vần thơ “định mệnh”: “Ngôi nhà người dựng giữa rừng xanh/ cửa gió bằng cây có nhánh, có cành/ để khép sơ sơ và cũng để mở mời anh chị bước vào nhanh…”.


Trong đoạn cuối bài thơ Người về còn có cả những câu ứng với cuộc sống thường nhật hôm nay của Vân như thể Vân đã sống trước đời sống thực của mình đâu đó từ lâu lắm: “Hôm nay tôi kiếm củi trong rừng/ lạc mất đường về/ chợt bỗng dưng sực nhớ rằng đây rừng rú thẳm/ là quê thân thiết biết bao chừng…”.


Sự trùng phùng này là khởi nguyên cho một bài hát được cất lên từ trong thẳm sâu một kiếp người mà gia tài duy nhất quý là đời sống một mình giữa trong veo trời xanh, xa xôi rừng rú. Vân đã đi lạc trong thế giới ấy và lần tìm lối về theo những dấu chân mê miết trong dòng chảy mênh mang của vần thơ, điệu nhạc tự đâu đó cất lên. Vân vừa đi, vừa hát nghêu ngao như một hành giả.


Và như một hành giả, Vân vừa đi vừa cúi nhặt những tràng kinh rơi trên khu đồi tâm linh của mình. Ở đó, Vân hát tiếp điệu hát của riêng mình: “Đất là đất của trời/ hoa là hoa của mẹ/ em là em của tôi/ trăng là trăng của đời”.


Nguyễn Đức Vân đã sống một đời sống của người du mục giữa rừng xanh, chứng nghiệm nó; rồi bỗng một hôm trở về đời sống ồn ào này hiến tặng những lời ca, điệu nhạc theo kiểu của người nghệ sĩ hát rong. Khuyến gọi mọi người cùng cất tiếng ca xưng tụng thế giới xanh, đó cũng chính là mục đích mà người nhạc sĩ nghiệp dư Nguyễn Đức Vân muốn hướng đến khi cho ra đời CD nhạc khá lạ này.











Màu yêu thương – CD ca khúc Nguyễn Đức Vân, Saigon Vafaco ấn hành tháng 11-2008. Âm hưởng những vần thơ mộc mạc được thể hiện qua giọng ca của Anh Bằng, Tạ Minh Tâm, Hồng Hạnh, Vân Khánh, Xuân Phú, Thanh Thúy và Thanh Ngọc.


CD nhạc gồm toàn những tác phẩm hướng về thiên nhiên nên âm hưởng xanh ấy được tôn vinh ngay cả trong cách phối nhạc.


“Chúng tôi đã hạn chế tối thiểu những thiết bị điện tử để dành chỗ cho các loại nhạc cụ “mộc” như guitar thùng, violon và kèn harmonica” – Giác An, nhạc sĩ hòa âm CD nhạc Màu yêu thương, cho biết.