Trang chủ Thời đại Hoằng pháp Những điều giảng sư nên tránh

Những điều giảng sư nên tránh

123

Người giảng sư phải đáp ứng nhu cầu đa dạng của quần chúng Phật tử như: nhu cầu xây dựng đạo đức xã hội, truyền thống văn hóa, tâm linh tôn giáo, triết học, cảm thụ thẩm mỹ, nghệ thuật sống và cao hơn nữa là lý tưởng giải thoát.


Để đạt được kết quả cao nhất, người giảng sư ngoài khả năng chuyên môn, cần phải tránh những sai lầm trong khi thực hiện sứ mệnh hoằng pháp. Đôi khi chỉ một vài lời quá đà, ngẫu hứng, thiếu kiểm soát… giảng sư có thể đã tạo nên sự phản cảm nơi người nghe và đó là một “tai nạn” đối với một vị giảng sư.


Trong giới hạn của đề tài, người viết căn cứ vào những điều Phật đã dạy và một chút ít kinh nghiệm riêng, xin được nêu một vài điều cần tránh của một vị giảng sư như sau:


I. Động cơ thuyết pháp:


 Thuyết giảng là một nghệ thuật chuyển tải đạo lý cho đời, là một sứ mệnh cao cả của người được gọi là “sứ giả Như Lai”, chứ không phải là một nghề sinh sống. Cho nên động cơ thuyết pháp phải xuất phát từ hạnh nguyện độ sinh, đừng để cho danh lợi, tài sắc chi phối. Ý nghĩa thuyết pháp sẽ mất khi mục tiêu hướng đến là danh lợi. Trong kinh Tương Ưng nói: Có lần Đức Phật đi khất thực, Ngài đến nông trường của các nông dân, trong lúc họ đang phân phối thực phẩm. Họ chỉ trích Đức Phật rằng: “Này Sa Môn, tôi cày, tôi gieo mạ, nên tôi ăn. Ông có cày và gieo mạ để ăn không?”. Đức Phật đáp rằng:


“ Ta cũng có cày, gieo mạ nên Ta ăn”…


“Lòng tin là hạt giống, khổ hạnh là mưa móc,


Trí tuệ đối với Ta, là cày và ách mang,


Tàm quý là cán cày, ý  căn là dây cột,


Chánh niệm đối với Ta, là lưỡi cày, gậy đâm…


Như vậy, cày ruộng này, đưa đến quả bất tử,


Sau khi cày ruộng này, mọi đau khổ được thoát” (Tương Ưng I)


Các nông dân nghe Đức Phật thuyết giáo, họ cảm phục và xin cúng dường thức ăn. Đức Phật từ chối vì lý do chư Phật không bao giờ thuyết pháp để kiếm ăn.


II. Thuyết pháp không phù hợp với đối tượng:


 Mục tiêu của thuyết pháp là tác động lên tâm tư của con người, thuyết phục họ đến với đạo lý. Nhưng nếu nội dung thuyết giáo không phù hợp với trình độ nhận thức, với căn cơ của đối tượng thì sẽ phản tác dụng. Giáo pháp của Phật giống như thuốc để trị bệnh, tùy loại bệnh mà cho loại thuốc phù hợp. Nếu cho lầm thuốc thì bệnh sẽ không lành, và có thể tạo biến chứng, hoặc có thể mất mạng. Pháp được thuyết nếu không phù hợp căn cơ sẽ phá vỡ niềm tin của đối tượng, như vậy pháp ấy được gọi là phi pháp. Hoặc như trong kinh Tăng Chi, Đức Phật dạy thuyết pháp không phù hợp căn cơ là ác thuyết, có 5 điều:


1. Nói tín với người không có lòng tin.


2. Nói giới với người ác giới.


3. Nói đa văn với người không nghe nhiều.


4. Nói bố thí với người xan tham.


5. Nói trí tuệ với người ác tuệ.


III.Không nên ca ngợi hay chỉ trích:


Khi thuyết pháp đòi hỏi thái độ trầm tĩnh, khách quan và hướng đến mục đích chính là chuyển tải đạo lý. Khi ca ngợi hay chỉ trích dễ rơi vào chủ quan, nịnh bợ, có thành kiến và phân biệt đối xử, sẽ tạo những phiền não, không đúng với chân lý. Người giảng sư cần biết rõ điều gì là tốt hay xấu, thiện hay ác, pháp đi xuống hay đi lên… nhưng không ca ngợi hay chỉ trích mà chỉ thuyết pháp. Như trong kinh, Đức Phật dạy: “Nên biết tán thán và biết chỉ trích, nhưng sau khi biết như vậy không nên tán thán và chỉ trích mà chỉ thuyết pháp… ví dụ như nói rằng : Ai theo dục lạc đều đau khổ, thuộc tà đạo, như vậy là chỉ trích… Ai không theo dục lạc đều không đau khổ, thuộc chánh đạo, như vậy là tán thán”. “Chỉ thuyết pháp là nói rằng: Sự đam mê dục lạc là một pháp có đau khổ, thuộc tà đạo… Không đam mê dục lạc là một pháp không đau khổ, thuộc chánh đạo”. Nghĩa là chỉ nói đến pháp không nói đến người.


IV. Không nên nói những điều bí mật, những điều khuất lấp:


Không nên nói những điều thuộc loại siêu hình, thiên cơ vì những vấn đề ấy khó hiểu, khó thấy, khó chứng minh, dễ hiểu lầm, dễ gây hoang mang cho quần chúng, nhất là những vấn đề ấy không giúp ích gì cho mục tiêu an lạc và giải thoát.


Không nên nói những điều thuộc loại bí mật, giấu kín của cá nhân hay của tổ chức, của nội bộ hay của xã hội, nhất là khi các điều đó không giúp ích gì cho mục tiêu an lạc và giải thoát. Đức Phật dạy phải xét kỹ để tránh phương hại đến bản thân và tha nhân cũng như hại cho cộng đồng tập thể (Kinh Trường A Hàm).


V. Vấn đề giọng nói và cách nói:


Đối với vấn đề giọng nói, Đức Phật dạy như sau: Người giảng sư không nên nói quá nhanh vì có 6 điều hại: “Thân mệt mỏi, tâm tổn hại, âm thanh tổn hại, cổ họng bị đau, lời nói không rõ ràng và người nghe không hiểu kịp”.


Đối với vấn đề cách nói, Phật dạy: “Không nên chấp trước địa phương ngữ”, nghĩa là khi thuyết giảng đừng bị vướng mắc vào sự khen chê về thổ âm, thổ ngữ của các địa phương, dân tộc… nhái giọng địa phương sẽ làm tổn thương tâm lý đối tượng. Không nên “Đi quá xa ngôn ngữ thường dùng”. Tức là sử dụng ngôn từ dễ hiểu, để số đông được hiểu, không nên sử dụng ngôn từ chải chuốt, từ ngữ triết học, thuật ngữ chuyên môn hoặc bệnh sính ngoại ngữ. Có thể nói thêm không nên nói khôi hài quá trớn hoặc nói quá thông tục làm người nghe bị phản cảm.


VI. Tránh lối thuyết giảng ru ngủ:


Thuyết pháp với giọng đều đều, đơn điệu. Nói lặp lại những vấn đề ai cũng đã biết, nói thuần sách vở, kinh viện… sẽ làm thính chúng ngủ gật hoặc mất chú tâm mà trong giới sinh viên thường gọi là “tiến sĩ gây mê”, buổi thuyết giảng như vậy kém hiệu quả.


Người giảng sư phải làm cho thính chúng quan tâm đến đề tài và ghi nhớ lời thuyết giảng. Muốn vậy phải có lối giảng sinh động, tức phải có nghệ thuật diễn giảng nhất định. Giảng sư phải có kinh nghiệm sống và kiến thức phổ thông. Giảng thuần túy Phật học, thiếu cập nhật thông tin sẽ đưa đến thiếu khả năng hấp dẫn quần chúng. Nhất là nội dung thuyết giảng phải gắn với thực tiễn của đời sống, tâm lý, sinh lý và ước vọng của con người.


VII. Kết luận:


Người giảng sư không phải hành nghề, nhưng phải lão luyện trong nghệ thuật giảng thuyết như là một nghề chuyên môn, để đáp ứng và đối phó với mọi nhu cầu, tình huống mà quần chúng Phật tử hay không phải là Phật tử, giáo hội hay xã hội đòi hỏi.


Tâm niệm của giảng sư luôn cầu tiến, học hỏi để nâng cao kỹ năng thuyết pháp để xứng đáng với vị trí và vai trò của một giảng sư trong bối cảnh xã hội hiện đại. Trong kinh Tăng Chi, Đức Phật dạy: “Một giảng sư khi thuyết pháp phải an trú tâm vào năm pháp rồi mới thuyết pháp: Ta sẽ thuyết pháp một cách tuần tự, ta sẽ thuyết pháp với sự thấy hiểu trọn vẹn pháp môn, ta sẽ thuyết pháp với lòng thương yêu, ta sẽ thuyết pháp không vì danh lợi, ta sẽ thuyết pháp không làm thương tổn cho mình và người” (Tăng Chi II, trang 193).


Quả thật , lời dạy của Phật là nguyên tắc vàng cho giảng sư của mọi thời đại.