Trang chủ Diễn đàn Những điều nhìn thấy mà…

Những điều nhìn thấy mà…

179

Hẳn những ai dù là Phật tử hay chưa phải là Phật tử trong những ngày qua nếu có theo dõi trên các phương tiện truyền thông không khỏi thờ dài vì những điều nghe, nhìn, đọc thấy. Những điều này có ảnh hưởng đến việc chấn hưng và phát triển Phật giáo Việt Nam?

Thấy gì qua mùa hành hương và các lễ hội?

Những hình ảnh vạn người chen chân nhích từng bước ở cả hai lễ hội Yên Tử và Chùa Hương năm 2013 chứng tỏ người đi lễ hội năm sau tăng hơn năm trước. Nếu người hành hương đi với một tâm trạng tìm về nơi Tổ của Thiền tông Việt Nam, tìm về quì xuống lễ lậy Phật Hoàng Trần Nhân Tông.  Cảm phục và lấy Phật Hoàng Trần Nhân Tông làm tấm gương soi cho ta tu tập, để ta buông bỏ bớt tham sân si để cuộc sống này tốt đẹp hơn, nhân ái hơn, tâm ta an bình hơn.

Hay khi ta quì lậy trước động Hương Tích, trước Quan âm Diệu Thiện. Ta được bồi đắp thêm lòng từ bi, biết chia sẻ, biết rộng lượng, thứ tha, biết yêu thương những người kém may mắn hơn ta, biết thương yêu mạng sống của con người thì cũng biết quí trọng mạng sống các loài vật, biết kính trọng và có hiếu với ông bà, cha mẹ, biết học hạnh bố thí, biết dấn thân phụng sự cho gia đình,  cộng đồng và xã hội.

Nhưng ta lại quá thất vọng khi trong vạn người đi lễ ấy lại có rất đông người  lại làm ngược lại những lời Phật dậy, Họ cố tình hay vô tình, Họ biết hoặc không biết: Họ đã giải tiền lẻ khắp tất cả bất cứ chỗ nào có thể, từ cánh cửa, hồ nước, cành cây… họ còn bắt cả tay, chân, trên khắp người tượng Phật nhận đầy tiền lẻ. Còn tiền, vàng mã, đồ ăn mặn mang cả vào trong chùa thì  là bao la, không ban nào là không có. Họ ra cửa chùa nâng bia rượu hò hét xẻ thịt moi tim gan, óc của những động vật để ăn cho tươi cho ngon, cho bổ, cho xành điệu, cho có đẳng cấp ăn uống…

Đầu năm đi hành hương đi lễ chùa, lễ hội là ước mong cho một năm mưa thuận gió hòa, cho sức khỏe, bình an cho ta và cho cả gia đình, cho những người thân thương, cho Quốc gia xã tắc yên bình và thịnh vượng. Ngoài ra cũng là đi để du ngoạn đễ hòa quyện tâm ta vào những phong cảnh hữu tình của quê hương đất nước, để hít thở không khí trong lành, để bù lại những ngày làm việc vất vả cả một năm qua và quan trọng là để cho lòng tham trong ta chậm lại, cho sân trong ta dịu lại, cho si trong ta dừng lại để ta chịu lắng nghe, để ta học thêm chữ Nhẫn, để ta học thêm lòng Từ, để ta học thêm chữ Xả.

Ấy thế mà ta lại chỉ cầu xin Phật, thần thánh, cô, cậu, vua chúa …cho ta thêm giầu bằng bất cứ giá nào. Xin cho ta thăng quan tiến chức kể cả phải thực tập luồn cúi, chui qua bao nhiêu lỗ, bao nhiêu cửa nhỏ, to kiểu gì cũng được, rồi chèo cả lên cây, lên cửa, lên đầu người khác để giành bằng được một tờ giấy  được cho là đóng  Ấn vua ban. Xin cho ta được…

Đã có biết bao nhiêu lễ hội lấy danh nghĩa văn hóa nhưng lại mang đầy tính kích động bạo lực và thui trột lòng Từ bi như lễ hội trọi trâu, lễ hội đâm trâu, lễ hội tắm máu heo, giờ thì lại mọc ra lễ hội đánh nhau để cầu may… 

Thấy gì qua những bài viết đầy sân hận?

Lâu nay trên các tờ báo mạng hay báo giấy có rất nhiều bài viết của các cư sĩ, phật tử,  những nhà nghiên cứu và cả những người chưa là Phật tử, hay ngoại đạo, đều có những bài viết chất lượng, tâm huyết cho việc đời việc đạo, cho chấn hưng, cho tồn vong, cho phát triển Phật giáo nước nhà. Mặc dù đôi lúc cũng có khi tranh luận này nọ nhưng tất cả đều trên tinh thần góp ý xây dựng. Trong đó có những tác giả đã để lại rất nhiều những tình cảm tốt đẹp, những dấu ấn rất tốt đối với cả những người xuất gia và những Phật tử hay bạn đọc gần xa.

Nhưng giờ đây khi đọc một bài viết đăng trên báo Phật Tử Việt Nam bài  “Không để liệt vị tôn đức bị xúc phạm là việc là việc làm hộ pháp” ngày 16/3/2013. Ta thấy gì ở bài viết này?

Chúng ta khoan hãy nói đến việc tác giả đã viết bài hay dùng từ “hỗn hào, vô lễ, thô bỉ…” nếu tác giả này trong khi viết mà dùng những từ ngữ với cái tâm như thế thì hãy để cho Nhân quả phán xét, cho độc giả lên án thì hay hơn. Đúng sai thế nào thì GHPGVN những vị xuất gia góp ý xây dựng, hay có những hình thức nhắc nhở.

Còn chúng ta những người Phật tử, hay những người cùng cầm bút viết thì chỉ cần dùng từ ái ngữ để góp ý cho nhau và cũng chỉ cần góp ý một lần trên mặt báo là đủ (trường hợp người được góp ý mà tái lập lại nhiều lần thì góp ý tiếp). Đâu cần phải gọi nhau là “Y” vì nếu hai vị này cùng là nhà báo thì là đồng nghiệp. Nếu là tuổi tác bằng nhau hay chênh lệch nhau thì lại càng không gọi nhau là “Y” mà đã cùng là Phật tử thì càng cấm kỵ gọi nhau là “Y” dù người đó có sai, quấy như thế nào.

Chỉ cần một từ này thôi cũng đã làm cho người đọc thấy nhức nhối.

Trong điều thứ 5 Đức Phật dậy  “… không nói những điều miệt thị người khác …”chắc chắn mấy vị này thuộc  rất nhiều kinh tạng và những điều Phật dậy hơn hết cả những Phật tử khác, nhưng khi đọc tiếp bài viết trên nỗi buồn cứ ứ đầy trong ta.

Giá như hai Tác giả có các tên bắt đầu bằng chữ Minh này mà đoàn kết cùng nhau hoằng pháp viết những bài phản án được tâm tư nguyện vọng của Phật tử, những việc nên làm hay không nên làm của các Phật tử, những bài nghiên cứu về giáo lý, về phương pháp tu tập… hay những ý kiến đóng góp cho các ban hoằng Pháp các tỉnh thành, cho GHPGVN như đã  từng có nhiều bài viết  thì thật là tuyện vời.

Người cầm bút viết bài cho báo thuộc các tôn giáo, nhất là Đạo Phật khó hơn là viết cho các báo khác rất nhiều. Vì sao khó, vì sao phải chân thật và không thể viết dạng văn thơ, lãng mạn, sướt mướt, bay bướm theo kiểu dung  tục, hoặc dọng văn đầy sân hận, miệt thị được vì chúng ta là Phật tử.

Những người cầm bút viết cho các báo trong giáo hội cũng đang là những người đi “ lượm phước” như ta đi nhặt từng hạt cát nhỏ bé để tích phước cho chính ta.

Vậy tại sao ta lại tự làm ta mất phước và tự gây chia rẽ trong nội bộ mình để kẽ hở cho người khác xía vô. Cũng rất may là người bị phê phán trong bài báo trên đã im lặng không khai chiến, như vậy là cũng tránh đi được một cuộc bút chiến.

***

Những điều mà những người con Phật hay những độc giả nghe, đọc nhìn thấy quả thật cứ làm ray rứt, khó có thể vui được.

Được làm người đã khó, được gặp Phật pháp lại càng khó hơn, hiểu và thực hành theo lời dậy của Đức Phật lại càng khó nữa, nhưng đời người thì thật ngắn ngủi chỉ là một hơi thở vậy khó mấy thì khó ngày hôm nay ta làm gì được cho chính ta, cho mọi người cho sự phát triển bền vững Phật giáo nước nhà thì ta hãy cứ làm hết mình đi, đừng để đợi đến ngày mai!

Chúng ta hy vọng mọi điều tốt đẹp hơn sẽ đến vào ngày mai!

Sài Gòn tháng 3 năm 2013