Trang chủ Người thời nay Trí thức Nobel Văn chương 2008: Jean – Marie Gustave Le Clézio – Không...

Nobel Văn chương 2008: Jean – Marie Gustave Le Clézio – Không có những biên giới

135

Tiếng Pháp là tiếng quê hương


Ông sinh tại Nice năm 1940 nhưng cả cha mẹ đều có mối quan hệ gia đình chặt chẽ ở Mauritius, thuộc địa ngày xưa của Pháp (bị Anh chinh phục vào năm 1810). Năm lên tám tuổi, Le Clézio và gia đình chuyển đến Nigeria, nơi cha ông làm bác sĩ trong suốt thời gian Đệ nhị thế chiến. Trong hành trình kéo dài nhiều tháng đến Nigeria, ông đã khởi sự sự nghiệp văn chương của mình với 2 tác phẩm, Un long voyage (Cuộc viễn du) và Oradi Noir (Oradi đen).


Năm 1950, gia đình ông trở lại Nice. Sau khi hoàn tất bậc trung học, ông học Anh văn tại Đại học Bristol và lấy bằng thạc sĩ tại Đại học Aix-en-Provence năm 1964, sau đó trình luận án tiến sĩ với đề tài lịch sử khởi nguyên của Mexico tại Đại học Perpignan năm 1983.


Ông giảng dạy tại  Đại học Phật giáo ở Bangkok (1966-1967), Đại học Mexico, Boston, Texas và Albuquerque. Tiểu thuyết đầu tiên của ông – Le procès- verbal (Biên bản) đã khiến dư luận chú ý bởi khả năng nâng câu chữ lên khỏi lối hành văn đơn điệu, đưa sức mạnh vào từ ngữ để khơi gợi hiện thực.


Ngay khi còn trẻ, ông đã thể hiện là một nhà văn dấn thân vì môi trường sống, khuynh hướng ấy được biểu lộ mạnh mẽ qua các tác phẩm Terra amata (1967); La guerre (Chiến tranh, 1970), Les géants (Những kẻ khổng lồ, 1973). Bước đột phá rõ rệt nhất được thấy trong tác phẩm Désert (Sa mạc, 1980) và với tác phẩm này, ông đã nhận giải thưởng của Viện Hàn lâm Pháp. Tác phẩm chứa đựng nhiều hình ảnh huy hoàng về một nền văn hóa đã mất ở sa mạc Bắc Phi, tương phản với những hình ảnh châu Âu nhìn dưới con mắt những kẻ nhập cư vất vưởng.


Thời gian sống khá lâu ở Mexico và Trung Mỹ trong những năm 1970 đến 1974 đã có ý nghĩa quyết định đến một số tác phẩm của ông, khiến ông rời bỏ các thành phố lớn để tìm kiếm những thực tại tâm linh nơi những người thổ dân. Ông gặp cô gái Ma-rốc Jemia, người trở thành vợ ông năm 1975, cũng là năm ra đời tác phẩm Voyage de l’autre coté (Hành trình từ phía bên kia), trong đó ông ghi lại những điều ông học được từ cuộc sống vùng Trung Mỹ.


Kể từ thập niên 90, Le Clézio và vợ ông dành nhiều thời gian sống ở Albuquerque thuộc New Mexico, đảo Mauritius và Nice. Những năm sau này, nhà văn quan tâm nhiều đến những mơ ước về một thiên đường trên mặt đất, trong những tác phẩm như: Ourania (2005) hay Raga: approche du continent invisible (2006) (Raga: Nẻo về  đại lục vô hình) mô tả lối sống trên những hòn đảo ở Ấn Độ Dương đang dần mất đi trước làn sóng toàn cầu hóa.


L’Africain, câu chuyện về cuộc đời cha ông, là một sự tái tạo, một sự khẳng định, và là hồi ức của một cậu bé sống dưới bóng một kẻ xa lạ mà cậu bị buộc phải yêu thương.


Trong các tác phẩm gần đây, có Ballaciner (2007), một tiểu luận cá nhân sâu sắc về lịch sử nghệ thuật điện ảnh và tầm quan trọng của phim ảnh trong cuộc đời tác giả.


Le Clézio cũng viết nhiều tác phẩm về tuổi thiếu niên và thanh niên, ví dụ, Lullaby (Lời Ru, 1980) hay Balaabilou (1985). Ông đã đoạt các giải thưởng văn chương Théopharaste Renaudot (1963), Larbaud (1972), Giải thưởng lớn của Viện Hàn lâm Pháp (1980), Giải Jean Giono (1997) và một vài giải khác…


Le Clézio nói rằng tiếng Pháp chính là nơi mà ông cảm  thấy mình thuộc về nó. Ông là người khó xác định được mình thuộc về một xứ sở nào bởi lẽ từ thuở ấu thơ đã viễn du qua nhiều nơi chốn, lúc thì ở New Mexico, vùng ven giữa Bắc và Nam Mỹ, rồi thì có lúc lại quay về Nice và Mauritius, hòn đảo nhỏ nơi tụ hội đất và trời.


Có lẽ không có gì lạ vì với một quá trình sống như thế, ông luôn quan tâm đến những ngưỡng thời gian. Chẳng hạn, có các tác phẩm của ông khai thác sự chuyển biến giữa thời thơ ấu và tuổi trưởng thành (Coeur brulée et autre romances, Trái tim nóng bỏng và những truyện khác), hay cuộc hành trình mà ở đó những nền văn hóa đối diện với nhau cùng với  thời khắc mà quá  khứ, hiện tại và tương lai giao hội (Ourania). Ông quan niệm “Viết lách giống như một cuộc lữ hành” và cho rằng tất cả chúng ta đều là những di dân luôn phải đối diện với một tương lai đầy đe dọa nhưng cũng tràn trề khai phóng.


Tác phẩm của ông vì thế chú trọng đến nhân vật và cốt truyện như là phương tiện nhằm phân tích những giới hạn của văn hóa Tây phương. Ông thường lấy bản thân lịch sử gia đình mình làm chủ đề trong một số tiểu thuyết gần đây.


Với tất cả những thành tựu văn học kể trên, ông đã được Viện Hàn lâm Thụy Điển công bố trao tặng giải Nobel Văn chương 2008.


Nhận định về ông, có nhà phê bình đã gọi ông là người vĩ đại cuối cùng của văn học Pháp trong số những nhà văn lừng danh thuộc trào lưu Nouveau Roman (Tiểu thuyết mới) như Georges Perec, Nathalie Sarraute, Claude Simon, Alain Robbe-Grillet, những người hầu hết đều đã qua đời.


Có thể nói gì về văn chương Le Clézio?


Đầu tiên phải nhìn nhận về những giai đoạn sáng tác khác nhau trong đời ông:


Từ 1963 đến 1975, hầu hết tiểu thuyết và tiểu luận của ông chủ tâm khai phá những chủ đề như sự điên loạn, ngôn ngữ mới, thể nghiệm hình thức, mang hình ảnh một nhà văn cách tân hay nổi loạn, khiến cho những nhà phê bình lừng danh như Michel Foucault phải khâm phục.


Từ cuối thập niên 1970, ông thay đổi phong cách viết, bút pháp khoan hòa hơn, với những đề tài về người thiểu số hay tuổi thơ.


Những năm 1990 về sau, ông khai thác nhiều những khác biệt trong những nền văn hóa, nỗi cô đơn, hồi ức ấu thơ cho đến trưởng thành.


Thiên chức nhà văn trong quan niệm Le Clézio


Nhà văn, theo quan niệm của ông, là chứng nhân của lịch sử, của những gì đang diễn ra quanh mình, thậm chí là kẻ ghi nhận lại sự bất lực về chính trị. Trong một bài phỏng vấn trước khi đoạt giải Nobel, ông bày tỏ sự thán phục dành cho Satre và Camus như những nhà văn dấn thân vĩ đại vào thời trước có thể vạch ra những con đường cải tổ xã hội, nhưng hôm nay tình thế trở nên khó khăn khi văn chương đương đại chỉ là một nền văn chương tuyệt vọng vì chẳng hy vọng gì những bài xã luận sẽ giúp người ta giải quyết những vấn  đề đang hủy hoại đời sống chúng ta.


Giống như Jean Paul Satre từng tuyên bố: “Trước mặt một đứa trẻ chết đói, cuốn La Nausée không có giá trị gì cả”. Tính chất thiêng liêng của văn nghệ đã bị phủ nhận nhưng nhà văn vẫn còn vô số phận sự phải làm, không cao cả mà cũng không thấp hèn hơn các phận sự khác. Theo Le Clézio thì văn chương là một phương tiện nhắc nhở con người về tấn bi kịch mà họ đang trải qua, về những cuộc chiến tranh đang xảy ra trên thế giới này cướp đi bao sinh mệnh, trong đó có trẻ thơ. Trong bài phỏng vấn, ông nhấn mạnh:


Gần đây những pho tượng phụ nữ bị che mặt lại nhằm lên án tình trạng thiếu tự do của phụ nữ tại Afghanistan… Tương tự, chúng ta phải đánh dấu tất cả những pho tượng trẻ thơ bằng những chấm đỏ lớn ngay tim để nhắc nhở trong mỗi giây phút mà chúng ta đang sống, ở một nơi nào đó trên đất nước Palestine, Nam Mỹ hay châu Phi, trẻ con vẫn phải lãnh những viên đạn. Người ta chưa bao giờ nói về điều ấy!


Những chủ đề chính trong văn chương Le Clézio


Ông quan niệm mình như một kẻ lưu đày viễn xứ vì toàn bộ gia đình đều thừa hưởng nền văn hóa, thực phẩm, những chuyện thần thoại dân gian của Mauritius, một nền văn hóa pha trộn bản sắc Ấn Độ, châu Phi và châu Âu. Nhưng ông lại trưởng thành và được giáo dục bằng nền văn hóa Pháp, dù ông luôn mang tâm trạng của một ‘kẻ đứng bên lề’. Tuy nhiên, ông vẫn xem tiếng Pháp, không phải nước Pháp, là quê hương đích thực của mình.


Những tác phẩm lớn ta có thể đề cập đến là Le Proces –Verbal (Biên bản). Nhân vật chính, Adam Polo, một kẻ đào ngũ sống lẻ loi trên một ngọn đồi, trong một ngôi nhà hoang vắng, chỉ tiếp xúc với một người là Michele, người tình với những lần gặp gỡ bất ngờ chóng vánh, và những câu chuyện siêu hình mà hai người bàn luận nhưng không bao giờ có lời giải cuối. Sau cùng anh ta phải vào viện tâm thần dù đã từng diễn thuyết trước đám đông cuồng nhiệt. Người ta thấy hình bóng của L’Étranger (Kẻ xa lạ) của Camus và La Nausée (Buồn nôn) của Satre ở đây. Nói như Satre; “Văn nghệ có nghĩa lý gì trong một thế giới đói khát, cũng như luân lý văn nghệ là phải của chung mọi người”.


Nói như Le Clézio, “Chúng ta đang sống trong một thời đại nhiễu nhương mà ở đó chúng ta bị các loại hình ảnh và tư tưởng tấn công thường xuyên. Nhiệm vụ của văn chương hôm nay là ghi lại tiếng vọng từ mớ hỗn loạn ấy”.


Một đặc trưng dễ nhận ra trong các tác phẩm của ông là nền văn hóa Mexico mà theo ông thì hướng ngoại, mang tính chất dân dã, đường phố, khác biệt với nền văn hóa gia đình, hướng nội và theo quy luật trường học của châu Âu. Nên tác phẩm của ông vẫn có sự xung đột giữa các nền văn hóa.


Nỗi cô đơn và tâm sự lưu đày


Nói một cách nào đó, ông vẫn tự nhận mình là nhà văn du mục, không có văn phòng, nơi chốn làm việc nhất định. Trong hơn 30 tác phẩm và tiểu luận, hình ảnh sa mạc vẫn là nỗi ám ảnh mơ hồ, khiến ta nhớ đến một Tô Đông Pha với những phương trời viễn mộng: “Sa mạc hồi khan Thanh cấm nguyệt, Hồ Sơn ứng mộng Vũ Lâm Xuân”.


“Sự lưu đày và tìm kiếm một mảnh đất để được gọi là của mình là những điều đầu tiên mà tôi ý thức… Như Flannery O’Connor nói, một nhà văn luôn bị thôi thúc viết về những năm tháng đầu đời của mình, khi bắt đầu nhận ra thế giới” (Le Clézio). Ủy ban trao giải Nobel nhận thấy ở ông, con người thay mặt cho mọi người (an everyman representative) không thuộc về một quốc gia hay ngôn ngữ đặc thù nào, luôn kiếm tìm như những kẻ di dân khắp nơi trên thế giới, một cách nào đó khẳng định cội rễ của mình trong một thế giới biến động và thay đổi nhanh đến mức không thể hiểu nổi.


Hội đồng giám khảo đã nhận định: “Nếu nhìn nhận một cách nghiêm túc về mặt văn hóa, ông không hẳn là một nhà văn tiêu biểu của Pháp. Ông đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển sự nghiệp văn chương của mình và đã đưa vào tác phẩm của mình nhiều nền văn minh khác, nhiều phong cách sống không phải của phương Tây”. Tác phẩm của ông phản ánh thân phận của những người châu Âu với nỗi đau giày vò khi trôi giạt trong một thế giới mênh mông xa lạ, bị áp đặt phải đối diện với những thực tại kinh tế, chính trị xã hội toàn cầu với kinh nghiệm sống nhỏ nhoi chật chội trong cái vỏ ốc của quốc gia mình.


Nói như một nhân vật của Albert Camus trong Le Malentendu: “Tôi không còn chút kiên nhẫn nào để nấn ná trên cái dải đất châu Âu ảm đạm này. Mùa Thu ở đây mang khuôn mặt mùa Xuân và mùa Xuân dâng mùi tủi nhục”. Nhân vật của ông, vì thế, lang thang vô định, âu lo kiếm tìm trong vô vọng một thiên đường bình yên và ổn định ở một nơi nào khác – châu Phi hay Nam Mỹ – nhưng rồi lại chỉ gặp ở đấy sự xa lạ đáng kinh hãi và bạo lực ở những quốc gia đang phát triển khép mình trong cuộc chiến giành độc lập.


Tiểu thuyết của Le Clézio cũng cho thấy nhận thức mới mẻ về phương Tây, ngay trong tuần lễ giải thưởng được công bố, rằng số phận một quốc gia như Anh hay Mỹ có thể được quyết định bất ngờ bởi những chuyển động mong manh bên kia thế giới. Như có ai ngờ rằng Iceland, một đảo quốc không hơn 300.000 dân, lại đóng vai trò trong nền tài chính toàn cầu khi những ngân hàng ở đó bị sụp đổ. Chỉ khi đó thì người ta mới vỡ lẽ có bao nhiêu người Anh gửi tiền dành dụm trong các ngân hàng ấy, cuốn theo bao nhiêu số phận nghiệt ngã giữa vùng đất xa lạ đầy băng và núi tuyết.


Chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên thông tin, khi cả thế giới ở ngay trước mắt chúng ta chỉ sau một cái nhấn trên con chuột máy tính. Biên giới quốc gia không còn che chở nổi những chuyển động của thị trường. Số phận của chúng ta tùy thuộc vào quyền lợi cũng như được thay mặt bởi những người ta chưa hề gặp, và vào những quốc gia ta ít khi nghe nói đến…


Tác phẩm của JMG Le Clézio có thể mãi đến giờ đây mới bước vào văn đàn châu Âu và cả châu Mỹ rộng lớn kia nhưng sự góp mặt của một chân dung văn học như ông lại rất đúng lúc. Khi chúng ta đang nỗ lực tìm hiểu mình là ai trong bối cảnh mới đầy biến động của thế giới, người đoạt giải Nobel Văn chương 2008 chính là nhà văn có thể giúp ta làm được điều ấy.


Thế nên Viện Hàn lâm Thụy Điển nhận định ông là “tác giả của những chuyến ra đi mới, những cuộc viễn du thi vị và những niềm hứng thú hoan lạc, kẻ khám phá tính nhân văn từ bên ngoài và ngay dưới những nền văn minh đang ngự trị”.