Trang chủ Người thời nay Nỗi niềm doanh nhân mùa Vu Lan

Nỗi niềm doanh nhân mùa Vu Lan

89

Và với nhiều doanh nhân bận rộn, đây cũng là một ngày rất thiêng liêng, một dịp tĩnh để họ thể hiện lòng hiếu thảo của một người con.

Anh Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP sách Thái Hà chia sẻ, Tết Vu Lan là ngày lễ rất quan trọng với anh, một tín đồ của đạo Phật. Những ngày này, nếu thu xếp được thời gian, anh thường về thăm bố mẹ ở quê. Với anh, bố mẹ luôn là những người tuyệt vời nhất, tình yêu cha mẹ dành cho con cái là thứ tình yêu duy nhất không đòi hỏi đổi trao.

 

 

Anh kể, ngày còn bé xíu anh đã chết lâm sàng. Bệnh xá đã đưa anh xuống nhà xác. Bố mẹ thương con khóc ngất lên ngất xuống (anh là con đầu lòng). “Thế rồi linh tính mách bảo thế nào, lát sau, bố tôi mò xuống nhà xác. Bất ngờ thấy tôi thoi thóp lại thế là bế về. Nếu không nhờ tình yêu và linh cảm nhạy bén của một người cha, thì giờ tôi đã không còn được sống trên cõi đời này”.

Bố mẹ anh là những nông dân thực thụ, song rất trọng tri thức, dù cuộc sống khó khăn vẫn luôn lo cho các con của mình được ăn học đàng hoàng. Anh kể, ngày học hết cấp 2, nghe tin ở Hà Nội có trường chuyên ngoại ngữ, thuộc Đại học Sư phạm Ngoại ngữ tổ chức thi tuyển, anh đã nộp đơn. Bố mẹ anh nghĩ rằng anh sẽ trượt, vì ngoại ngữ thì học sinh nông thôn khó mà đọ được với học sinh thành phố. Nhưng chiều con, bố anh đã lấy xe đạp từ Thái Bình chở anh lên Hà Nội. Bố bảo với anh dù anh có đậu vào trường đó hay không thì vẫn muốn đưa con lên Hà Nội để con được biết Hồ Gươm, cầu Long Biên và tàu hỏa (Thái Bình quê anh không có xe lửa chạy qua).

Bây giờ nghĩ lại, anh biết ơn bố mẹ vô cùng. Nếu bố mẹ không chiều anh, tận tụy vì con, thì anh đã không được học ở ngôi trường danh tiếng này và không có cơ hội đạt học bổng đi nước ngoài, tiền đề của những thành công ngày hôm nay.

“Nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ, mây trời lồng lộng không phủ kín công cha. Có những việc làm, sự quan tâm của cha mẹ rất bình dị nhưng nó lại giúp ký ức về tuổi thơ của tôi rất đỗi ngọt ngào, dù tôi sinh ra ở một vùng quê nghèo. Tôi nhớ ngày bé hay được bố cho đi mua trấu (vỏ hạt lúa) về để đốt nấu cơm. Vì tôi là con cả nên đi đóng trấu, đẩy xe trấu cùng bố. Mỗi lần về thường rất mệt, bố luôn mua cho tôi 1 cốc nước xi rô, thứ nước giải khát mà tôi rất thích thời ấu thơ. Vị ngọt của thứ nước này vẫn còn đến bây giờ. Nhiều bạn bè tôi ngày bé chưa chắc đã được biết đến hương vị của bát phở (thời đó rất hiếm và đắt), nhưng tôi thì rất hay được mẹ mua phở cho ăn mỗi lần ốm. Tôi ốm cứ ăn phở vào là khỏi ngay. Thời đó nhà tôi ngày ăn có 1 bữa, nhiều khi là cháo khoai, cháo cám. Vậy mới biết bố mẹ luôn nhường tất cả những gì có thể cho con cái”, anh Hùng nhớ lại.

Dường như với doanh nhân này, những câu chuyện về tình thương của ba mẹ kể không bao giờ hết. Anh cho biết, ngày học cấp 3 ở Hà Nội, anh hay gửi quần áo rách về cho mẹ vá. Vá xong mẹ gửi lên và không quên gửi kèm mấy củ khoai (một món ngon vào thời đói kém đó). Mỗi lần về thăm nhà, khi quay trở lại trường, mẹ hay ôm anh và khóc. Những giot nước mắt thương con, đứa bé 14 tuổi đã phải sống xa nhà, tự lập. Đến bây giờ, khi anh đã ngoại tứ tuần, mỗi lần về nhà bố mẹ lại tất bật lo mua thức ăn, lo nấu nướng. Mẹ còn giặt và là quần áo cho anh. Trước khi đi bố mẹ lo đủ các loại rau trái từ vườn để anh mang về Hà Nội. Mẹ vẫn coi anh như đứa bé, dặn ăn, dặn uống, dặn ngủ cho đủ, bớt làm việc, phải bồi dưỡng sức khỏe…

“Vu Lan về lại nghĩ và thương cha mẹ nhiều hơn. Những ngày này đi chùa lễ Phật, tôi rất tự hào và hạnh phúc vì được cài lên áo một bông hồng đỏ, để khoe với mọi người rằng tôi còn mẹ. Tôi không muốn nghĩ tới một ngày nào đó phải cài bông hoa hồng trắng mỗi dịp Vu Lan về”, anh Hùng trầm tư.

Tiến sĩ Lê Trọng Nhi, thành viên HĐQT Ngân hàng thương mại CP Đông Á, cố vấn Ngân hàng Đầu tư CLSA trong hệ thống Credit Argicole (Pháp), chia sẻ, người ông yêu thương nhất là mẹ. Mấy chục năm du học và làm việc tại nước ngoài, cứ mỗi độ Vu Lan về, phải xa mẹ, ông thường nghe bài hát “Đổi cả thiên thu tiếng mẹ cười” của nhạc sĩ Võ Tá Hân để nguôi ngoai niềm nhớ mẹ. Sau này về Sài Gòn làm việc, ông vẫn thường xuyên bay ra Đà Nẵng để thăm mẹ, ăn cùng mẹ một bữa cơm.

Với ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép, nguyên Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam, thần tượng của ông là người cha, dù cha ông đã “khuất núi” khi ông chưa đầy 30 tuổi.

“Sở dĩ tôi theo ngành luyện kim và tìm được đam mê, sự nghiệp của mình cũng là nhờ ba. Ba tôi là người sống rất có tình có nghĩa, tình nghĩa với cả những vật vô tri như một ngôi nhà, một vùng quê từng gắn bó.

Ông kể, những năm kháng chiến chống Pháp, gia đình ông phải sơ tán từ Hà Nội lên Thái Nguyên ở. Đến năm 1954, gia đình trở về Hà Nội, nhưng bố ông rất nhớ Thái Nguyên, lúc nào cũng đăm đăm mình phải làm được gì đóng góp vào sự phát triển của mảnh đất này. Thời phổ thông, ông Cường học rất giỏi hóa, và nhiều người khuyên nên thi vào khoa hóa Đại học Tổng hợp. Lúc đó là khoảng đầu những năm 60, Việt Nam bắt đầu xây dựng khu ganh thép đầu tiên của nước nhà, đặt ở Thái Nguyên. Bố ông đã nói rằng, muốn một trong những người con của mình về Thái Nguyên làm việc, cống hiến sức trẻ cho vùng đất này. Trong khi đó, các anh chị ông đều đi ngành y và ngành giáo, ông lại chưa tìm được ngành học phù hợp nên đã chọn luyện kim để theo học.

Sau khi ra trường, ông về Thái Nguyên làm việc cho khu gang thép và ba ông rất ủng hộ. Tới năm 1972, ông về Hà Nội và làm trong Bộ Cơ khí luyện kim, nay là Bộ Công thương. Năm 1990, ông Cường đảm nhiệm vị trí Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam cho đến lúc về hưu (2001).

Bây giờ nghĩ về các bậc sinh thành, ông Cường vẫn không hiểu nổi sao ngày xưa khó khăn, vất vả là thế mà bố mẹ ông vẫn nuôi được 9 người con ăn học đàng hoàng. Ngoài 2 người là liệt sĩ, còn lại 7 anh chị em ông đều thành đạt và có địa vị trong xã hội, từ bác sĩ quân y tới hiệu trưởng, hiệu phó các trường. Lúc về hưu, ba ông vẫn cặm cụi đi làm thêm để kiếm tiền nuôi ông và người em út lúc đó đang tuổi ăn tuổi học.

“Đúng là tấm lòng người cha người mẹ có đếm bao nhiêu cũng không hết. Mỗi mùa Vu Lan về, tôi vẫn thường thắp hương hoặc lên chùa cầu siêu cho vong hồn ba mẹ được an lành”.

Còn giám đốc trẻ khối khách hàng cá nhân một ngân hàng thương mại cổ phần khi được hỏi cảm giác về ngày lễ Vu Lan đã thốt lên: “Tôi là người hạnh phúc khi còn cả cha và mẹ, tôi đang chuẩn bị hành lý để cùng vợ con về thăm ba mẹ vào cuối tuần này”.

Anh cho biết, bằng giờ các năm về trước, anh không nghĩ rằng mình sẽ về thăm quê, về với mẹ, vì vốn dĩ rằm tháng Bảy không phải là ngày nghỉ, hơn nữa công việc anh rất bận rộn. Hầu như mỗi năm anh chỉ về thăm nhà vào dịp Tết. Cho đến một lần vào viện thăm một người bạn, anh vô tình nghe giường bệnh bên cạnh, một cụ bà nói với con gái tết này dẫn các cháu về thăm ông bà, vì “bố con cũng không sống được mấy năm nữa, mà hai ba năm các con mới về thăm một lần”.

“Lúc đó tôi bất chợt giật mình. Bố mẹ tôi tuổi cũng đã cao, nếu chỉ còn sống được hơn chục năm nữa, mà mỗi năm tôi chỉ về chơi với các cụ 1 lần, thì đời này tôi còn gặp bố mẹ tôi được mấy lần? Nghĩ vậy, bây giờ mỗi khi có dịp rảnh, tôi lại thu xếp thời gian để về thăm ba mẹ”, vị doanh nhân trẻ tâm sự.