Trang chủ PGVN Nhân vật Pháp chủ thường nhiên- Kính dâng Giác linh Đức Pháp chủ

Pháp chủ thường nhiên- Kính dâng Giác linh Đức Pháp chủ

109

Lúc đó, Đức Pháp chủ (với tư cách là Quyền Hội trưởng Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam tại miền Bắc) và Hoà thượng Thích Đôn Hậu (Chánh Thư ký Xử lý Viện Tăng Thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tại miền Nam, được thỉnh cử vào Ban Chứng minh, Cố vấn tối cao của Ban Vận động. Hoà thượng Thích Trí Thủ (đương nhiệm Viện trưởng Viện Hoá đạo GHPGVNTN) là Trưởng ban. Nhiều vị Tôn đức lãnh đạo các Giáo hội, Hệ phái khác tham gia làm phó ban. Chúng con cũng có chút phước duyên được tham dự Hội nghị và là một trong 20 vị thành viên đầu tiên thành lập Ban VĐTNPGVN. Bấy giờ, con còn nhớ Đức Pháp chủ là vị giáo phẩm cao niên nhất tại Hội nghị – với 85 tuổi; còn con là đại biểu nhỏ tuổi nhất tại Hội nghị – mới 32 tuổi.


 


Sau đó, với tư cách là thành viên BVĐTNPGVN, chúng con có dịp ra thăm miền Bắc thêm vài lần. Và mỗi lần như vậy, chúng con đều có dịp đến thăm viếng Đức Pháp chủ. Có lần, con nhớ trong một dịp vào thăm miền Nam, Đức Pháp chủ Hoà thượng Phạm Thế Long (Phó Hội trưởng) và Thượng toạ Thích Thanh Tứ (Phó Tổng thơ ký kiêm Chánh Văn phòng) có đến thăm đạo tràng Tịnh xá Trung Tâm – nguyên là trụ sở của Hệ phái Tăng Già Khất Sĩ Việt Nam và là trú xứ tu học của chúng con. Tịnh xá Trung Tâm khi đó còn ngôi chánh điện cũ, chưa trùng tu.


 


Mỗi lần có dịp gặp Đức Pháp chủ, hình ảnh một vị cao tăng, uy nghi, đức độ hiền hoà, từ tốn, ít nói nhưng đầy phạm hạnh như thấm dần, in sâu trong tâm thức chúng con.


 


Dấu ấn mạnh nhất và khó quên nhất, chẳng những với riêng con mà là đối với chung tất cả đại biểu có mặt tại Hội nghị Đại biểu thống nhất thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) tại Giảng đường Chùa Quán Sứ, Thủ đô Hà Nội. Con nhớ, hôm đó là chiều ngày thứ ba của Đại hội (ngày 6 tháng 11 năm 1981), đến giờ Đại hội suy tôn Hội đồng Chứng minh và suy cử Hội đồng Trị sự. Hoà thượng Thích Trí Thủ, Trưởng ban VĐTNPGVN, thay mặt Chủ tịch đoàn điều hành Đại hội đứng lên, thay mặt toàn thể đại biểu tác bạch cung thỉnh Hoà thượng đảm nhận chức vị Pháp chủ Hội đồng Chứng minh đầu tiên của GHPGVN. Cả hai lần đầu Hoà thượng đều khiêm tốn từ chối. Đến lần thứ ba, Hoà thượng phát biểu:


 


– “Nếu chư Tôn đức một lòng quyết tôi phải làm Pháp chủ thì tôi xin chưa vị Tôn đức trong Giáo hội chấp thuận cho tôi ba điều, để chiều mai (tức chiều ngày 7/11/1981) khi toàn thể đại biểu đến chào cụ Thủ tướng Phạm Văn Đồng, cũng trình xin Chánh phủ chấp thuận cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam mình được ba điều đó thì tôi mới kham nhận Phật sự mà Chư Tôn đức Giáo hội giao cho.


 


Thứ nhất, Giáo hội xin Chánh phủ chấp thuận cho Giáo hội được thành lập ba ngôi trường Đại học Phật giáo tại ba thành phố lớn là Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Thành phố Huế… để Giáo hội có cơ sở giáo dục đào tạo tăng ni trẻ trở thành tăng ni tài đức, kế thừa mạng mạch Phật pháp.


 


Thứ hai, Giáo hội xin Chánh phủ chấp thuận cho các cơ sở tự viện trong Giáo hội tuỳ lớn, nhỏ được nhập hộ khẩu từ một đến đôi ba vị để kế thừa hoằng dương chánh pháp, tránh tình trạng “tre già mà măng không mọc”.


 


Thứ ba, Giáo hội cố gắng thực hiện biên soạn hoàn thành Bộ Lịch sử thật chính xác về cuộc đời Đức Phật và Bộ Lịch sử Phật giáo Việt Nam”.


 


Lúc đó, cả hội trường im lặng kính cẩn lắng nghe những lời Hoà thượng trình bày… trong phút chốc, toàn thể đại biểu như chợt tỉnh, đồng loạt vỗ tay tán thán công đức vô lượng vô biên về ba điều đề xuất chỉ giáo chí đạo chí tình của Hoà thượng. Và rõ ràng là đức độ, trí tuệ và tình cảm của Đức Đại Lão Hoà Thượng Pháp chủ thượng Đức hạ Nhuận nhẹ nhàng thấm sâu trong lòng các đại biểu.


 


Ngày hôm sau, tại Phủ Chủ tịch, trong buổi diện kiến cụ Phạm Văn Đồng, bấy giờ đương nhiệm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (trong tình thân kính, mọi người quen gọi cụ là Thủ tướng), sau khi cụ phát biểu chào mừng đoàn đại biểu Đại hội Thống nhất PGVN, cụ Thủ tướng tán thán ca ngợi công đức sâu dày, gắn bó hài hoà giữa Đạo pháp và Dân tộc của Phật giáo Việt Nam và cụ cũng mong rằng trên mọi nẻo đường của đất nước trong thời kỳ xây dựng sẽ tiếp tục được sự đóng góp tích cực của chư vị tăng ni phật tử để tổ quốc ngày thêm giàu mạnh và tươi đẹp. Đồng thời, cụ Thủ tướng đã hứa khả về việc thành lập ba ngôi trường Đại học Phật giáo tại ba miền đúng như tâm nguyện của Hoà thượng Pháp chủ.


Ngay sau Đại hội, hai trường Cao cấp Phật học được thành lập tại chùa Quán Sứ – Hà Nội và Thiền viện Vạn Hạnh – Thành phố Hồ Chí Minh đến ngày hôm nay. Ôi! Công đức khai sơn phá thạch của Đức Pháp chủ đối với đoàn người hậu tấn làm sao kể xiết?


 


Đại hội lần thứ II của GHPGVN được tổ chức vào những ngày cuối tháng 10 năm 1987. Năm nầy, Giáo hội đã thành lập được 29 Ban Trị sự các Tỉnh, Thành và hơn 250 đại biểu về dự Đại hội. Lúc đó, Đức Pháp chủ đã 92 tuổi, long thể khiếm an và đang điều trị tại bệnh viện Hữu Nghị Việt – Xô. Đến giờ gần bế mạc, Đức Pháp chủ đã đến với Đại hội bằng những lời chứng minh thâm trầm, chậm rãi mà sâu sắc:


 


– Đức Pháp chủ đã nhắc lại ba điều đã nêu trong Đại hội lần thứ nhất và nhấn mạnh Giáo hội cố gắng thành lập các Trường Phật học và dạy biên soạn hoàn chỉnh bộ sách Lịch sử Cuộc đời Đức Phật và Lịch sử Phật giáo Việt Nam cho thật chính xác, tốt nhất để đàn hậu tấn được thọ học không bị lệch lạc.


 


Ôi! Vô cùng cao quý tâm đức một bậc đạo sư, vị cao Tăng dù bệnh hoạn đau yếu mà trong lòng thì luôn luôn thương tưởng đến thế hệ tương lai.


 


Đến Đại hội lần thứ III, những ngày đầu tháng 11 năm 1992, Đại hội lần nầy mở rộng hơn, có 41 đơn vị Ban Trị sự các Tỉnh, Thành tham dự. Vừa chính thức vừa dự thính cô hơn 350 đại biểu. Năm nầy, Đức Pháp chủ đã 97 tuổi, thân thể tứ đại ngày càng mòn mõi và lại cũng đang điều trị tại Bệnh viện, không thể về chứng minh Đại hội được. Ban Tổ chức dự kiến đến ngày bế mạc Đại hội sẽ thỉnh Đức Ngài về chứng minh một đôi lời, nhưng rồi giờ chót, sức khoẻ lại không cho phép.


 


Ngay sau Đại hội, chư Tôn đức đại biểu cả nước lần lượt đến thăm Đức Pháp chủ. Không ngờ đây lại là lần gặp gỡ sau cùng của đại biểu cả nước được trực tiếp thăm viếng Đức Pháp chủ. Trong tâm niệm mọi người, thầm mong ước, làm sao Đức Pháp chủ được kéo dài thọ mạng hơn một trăm năm, hoặc ít nhất cũng tròn một trăm năm. Nhưng rồi, lực bất tòng tâm! Trong đời thường có những dòng hải lưu ngầm di chuyển dưới mặt nước hồ thu trong lặng.


 


Sáng sớm ngày 23 tháng 12 năm 1993 (nhằm ngày 11 tháng 11 năm Quý Dậu), Đại Đức Bảo Nghiêm từ Hà Nội điện vào Thành phố Hồ Chí Minh báo tin: Đức Pháp chủ đã viên tịch hồi 5 giờ 5 phút tại bệnh viện Việt – Xô.


 


Cho biết Ngài đã già yếu. Con biết ở đời 97 tuổi đâu phải ai cũng đạt được. Nhưng hình ảnh một bậc Đạo sư đức độ uy nghi, hiền hoà… Trong một đời người, không đủ nhơn duyên đâu phải dễ tìm, dễ gặp?


 


Đối với Đức Pháp chủ – gần một trăm năm thị hiện Ta bà, gần tám mươi năm hoằng dương chánh Pháp, kỳ diệu nhất với hơn hai nhiệm kỳ nhận lãnh trách nhiệm “Long Tượng Tòng Lâm” làm cột tùng che mát ngôi nhà Phật giáo Việt Nam được thống nhấ trọn vẹn từ Nam chí Bắc, đồng tâm hợp lực xây dựng ngôi nhà Phật giáo mãi mãi tươi sáng, lưu trụ Ta bà… Ôi! Công đức hằng sa, đời đời miên viễn.


 


Con thành kính đốt nén tâm hương, bày tỏ tấm lòng, kính nguyện Giác Linh Đức Pháp chủ công hạnh tròn xong, tự tại giải thoát vào ngôi Chánh giác.


 

Mùa An Cư, PL. 2538