Trang chủ Diễn đàn Phật sự hôm nay "Phật giáo ở đâu trên bản đồ vùng Tây Bắc": Câu hỏi...

"Phật giáo ở đâu trên bản đồ vùng Tây Bắc": Câu hỏi muộn màng (Bài 2)

97

Trong khi hiện thực hoằng pháp và tổ chức các đơn vị Phật giáo ở vùng Tây Bắc là hoang mang, bi quan trong câu hỏi “Phật giáo ở đâu trên bản đồ vùng Tây Bắc?”, đặc biệt, việc tổ chức các đơn vị Phật giáo ở miền đất này còn lúng túng, phân vân như bài viết của tác giả Thích Thanh Thắng ghi nhận, thì các tôn giáo khác đã hoạt động như thế nào trong thực tế vùng Tây Bắc?

Để cung cấp tư liệu cho những nhà làm chính sách Phật giáo trong việc hoằng pháp và tổ chức đơn vị Phật giáo, cung cấp thông tin tham khảo cho tăng ni Phật tử trong Phật sự quan trọng này của Phật giáo Việt Nam hiện đại, chúng tôi xin dẫn lại ở đây một tài liệu thời sự tôn giáo, đăng trên nguyệt san “Công giáo và dân tộc”, cơ quan của Ủy ban Đoàn kết Công giáo TPHCM, số 223, tháng 7/2013, có nhan đề “Dấu hiệu phát triển nơi vùng Tây Bắc tổ quốc”.

Tác giả bài báo, ông Phan Ngọc Trản, là Ủy viên biên tập tạp chí nói trên. Đoạn được dẫn ở đây từ trang 80 đến 83, ấn phẩm dẫn trên. Hy vọng việc tham khảo tư liệu này sẽ giúp ích cho quý tăng ni Phật tử, đặc biệt là quý tôn đức trong việc phát triển Phật sự vùng Tây Bắc, với cái nhìn rộng mở, bao quát, có tính đến hoạt động các tôn giáo nói chung.

“Ngày 10/7.2013, Đức tân Giám mục phụ tá Alphongso Nguyễn Hữu Long đã được chào đón tại Tòa Giám mục Hưng Hóa. Đây là lần đầu tiên Đức cha Alphongso Nguyễn Hữu Long ghé thăm Hưng Hóa trong cương vị mới sau khi được ĐTC Phanxico bổ nhiệm ngày 15.6.2013.

Đức cha Alphongso Nguyễn Hữu Long sinh ngày 25.1.1953, tu học tại Tiểu chủng viện Thánh Gioan (Đà Nẵng), Đại chủng viện Hòa Bình, Tòa Giám mục Đà Nẵng, thụ phong linh mục ngày 27.12.1990, phó xứ Tam Kỳ (1991-1994), học giáo luật tại Đại học Công giáo Paris (1994-1998), quản xứ Hà Lam (1991-2001), quản xứ Trà Kiệu (2001-2003). Cha gia nhập Hội Xuân Bích năm 2003, linh hướng và giáo sư các môn giáo luật, giáo sử và huấn giáo tại Đại chủng viện Huế. Từ năm 2011 là Giám đốc Đại chủng viện Huế.

Đức cha Alphongso Nguyễn Hữu Long sẽ phụ giúp Đức cha chính Gioan Maria Vũ Tất coi sóc giáo phận Hưng Hóa, một giáo phận có địa hình trắc trở trải rộng trên nhiều địa phương.

Giáo phận Hưng Hóa được thành lập năm 1895 dưới thời Đức Giáo hoàng Leo XIII, với tên gọi là giáo phận Đoài, Đức cha Lộc người Pháp làm Giám mục tiên khởi (1895-1938), tiếp đến là hai Giám mục người Pháp: Đức cha Vạn (1938-1943) và Đức cha Kim (1946-1960). Ngày 24.11.1960, Tòa thánh thiết lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam, đồng thời nâng giáo phận Tông tòa Hưng Hóa lên hàng Giáo phận Chính tòa và đặt Đức cha Phero Nguyễn Huy Quang (1960-1985) làm Giám mục Chính tòa đầu tiên. Kế vị ngài là Đức cha Giuse Phan Thế Hinh (1985-1989), sau đó là Đức cha Giuse Nguyễn Phụng Hiểu (1991-1992). Năm 1924, giáo phận Đoài được đổi tên thành Giáo phận Hưng Hóa. Như thế, tính đến năm 1992 giáo phận Hưng Hóa có sáu Giám mục: ba vị người Pháp và ba vị người Việt. Vì Giám mục thứ bảy là Đức cha Anton Vũ Huy Chương, được Đức Giáo hoàng Gioan Phaolo II ký Tông sắc bổ nhiệm ngày 05/08/2003, sau hơn 11 năm trống ngôi. Ngày 1.3.2010, Đức cha Gioan Maria Vũ Tất được bổ nhiệm Giám mục chính tòa Hưng Hòa thay cho Đức cha Anton Vũ Huy Chương được bổ nhiệm Giám mục chính tòa Đà Lạt.

Nằm ở phía Tây Bắc Việt Nam, giáo phận Hưng Hóa trải rộng trên địa bàn chín tỉnh, với diện tích khoảng 54.500km2 và trên 200.000 giáo dân.

Hà Tây – Hà Nội: nơi có Tòa giám mục và Nhà thờ Chính tòa, có khoảng 20.000 giáo dân.

Tỉnh Phú Thọ: nơi tập trung nhiều giáo dân nhất, trên 100.000.

Tỉnh Yên Bái: khoảng 45.000 giáo dân.

Tỉnh Lào Cai: giáp với Trung Quốc, khoảng 10.000

Tỉnh Tuyên Quang: có khoảng 14.000 giáo dân

Tỉnh Hà Giang: trên 1000 giáo dân

Tỉnh Hòa Bình: 5000 giáo dân, mới được phục hồi năm 2002 sau 56 năm không có một hoạt động tôn giáo nào.

Ba tỉnh Sơn La, Lai Châu và Điện Biên: có khoảng 5000 giáo dân, nhưng chưa có điều kiện sinh hoạt tôn giáo bình thường.

Trả lời phỏng vấn báo CGVDT, Đức tân Giám mục Alphongso Nguyễn Hữu Long cho biết: “Giáo phận này rất rộng, bao gồm chín tỉnh ở vùng Tây Bắc tổ quốc và 1/6 thủ đô Hà Nội. Giáo xứ Mường Tè ở xa nhất, cách tòa Giám mục 750 cây số. Hiện nay, hàng tuần cha Nguyễn Trung Thoại phải từ Tòa Giám mục, vất vả vượt quãng đường 900 cây số đi và về để làm mục vụ ở Sơn La.

Trong tổng số 71 linh mục của giáo phận thì có năm vị đã nghỉ hưu, năm vị đang đi du học, còn lại 61 vị bị quá tải trong trách nhiệm mục vụ cho hơn 200.000 giáo dân. Địa hình phức tạp, đồi núi chập chùng, giao thông khó khăn, giáo dân rải rác, kinh tế thấp kém…, chưa kể những khó khăn trong hành chính để làm mục vụ ở một số nơi. Tóm lại, Hưng Hóa là giáo phận đáng thương và đáng quan tâm về mọi mặt” (CGVDT 1914-1915, trang 20).

Để đáp ứng nhu cầu phát triển, một giáo phận mới có thể sẽ được hình thành trên địa bàn 2 tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang. Hội nghị thường niên kỳ I/2013 HĐGMVN đã đồng thuận để trình lên Tòa thánh về việc thành lập giáo phận mới Tuyên Quang.

Đức cha Gioan Maria Vũ Tất đã đề cập đến dự định này như sau: “Hà Tuyên, gồm hai tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang, là miền đất xa xôi, liên hệ đến ba giáo phận Bắc Ninh, Hưng Hóa và Lạng Sơn, khiến quan hệ giữa Giáo hội (ba giáo phận) với chính quyền (hai tỉnh) trở nên rất phức tạp. Xem trên bản đồ, diện tích của hai tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang rộng gấp hai lần giáo phận Hà Nội. Đoạn đường từ Hà Tuyên đến Tòa Giám mục Hưng Hóa là hơn 300km, đến Tòa Giám mục Lạng Sơn là hơn 400km, đến Tòa Giám mục Bắc Ninh cũng gần 300km. Quả là rất xa xôi! Vì thế, chúng tôi, gồm Đức cha Bắc Ninh, Đức cha Lạng Sơn và tôi là Giám mục Hưng Hóa, cùng thống nhất đề nghị HĐGMVN xin Tòa Thánh cho thành lập giáo phận Hà Tuyên.

Giáo dân ở đây tuy thuộc ba giáo phận, nhưng về phương diện tình cảm và giao lưu tương đối là thống nhất. Lý do là trong năm, sáu thập niên đầy khó khăn, giáo phận Lạng Sơn không thể cử người đến đó phục vụ được. Giáo phận Bắc Ninh cũng không thể lên đến đó được vì giáo phận Bắc Ninh có những thời gian chỉ có “một linh mục rưỡi” nên không có khả năng. Tất cả đều nhờ vào các cha giáo phận Hưng Hóa phục vụ. Trong vùng Hà Tuyên, chỉ có một giáo xứ thuộc giáo phận Lạng Sơn là giáo xứ Thánh Tâm (TP. Hà Giang) thì giáo dân ở đây lại là người của giáo phận Hưng Hóa di cư sang để làm ăn. Vì thế giáo dân tuy là của ba giáo phận nhưng tình cảm lại rất thân quen đồng điệu, không có chuyện kỳ thị.

Theo bản đồ nhà nước, diện tích Hà Giang là 7.831 km2, tỉnh Tuyên Quang là 5.800km2, tổng cộng khoảng gần 14.000km2. Dân số tỉnh Hà Giang là 602.000 người, tức là hơn nửa triệu; tỉnh Tuyên Quang là 675.000 người; tổng cộng khoảng gần 1,3 triệu người.

Theo thống kê báo cáo với HĐGMVN, dân số Công giáo ở Hà Tuyên khoảng 30.000 (trên 1,3 triệu dân) với 16 giáo xứ, 78 giáo giáo họ và 11 linh mục.

Việc thành lập giáo phận Hà Tuyên sẽ có điểm lợi về phương diện hành chính: giáo phận sẽ nằm gọn trong hai tỉnh; giáo quyền cũng như chính quyền ở nơi này sẽ không phải có những liên hệ phức tạp liên quan đến ba giáo phận và hai tỉnh như hiện nay. Ví dụ, ở Hưng Hóa, cứ mỗi dịp Noel hay dịp Tết, chính quyền muốn chúc mừng thì phải đến với cả 3 giáo phận; và để đáp lễ, các giáo phận nơi này cũng phải đến với các cơ quan của nhiều tỉnh. Nếu thành lập được giáo phận Hà Tuyên thì sẽ đỡ phức tạp hơn.

Một thuận lợi khác, giáo dân tuy thuộc ba giáo phận, nhưng vì những khó khăn khách quan, trong nhiều năm, chỉ có các linh mục Hưng Hóa đi phục vụ cho tất cả các giáo xứ thuộc hai tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang. Do đó, việc giao lưu tình cảm giữa giáo dân ở đây rất hài hòa.

Vì những ích lợi đó, Đức cha Bắc Ninh người đầu tiên đưa ra đề nghị thành lập giáo phận mới và chúng tôi đều tán thành” (WHĐ 4.4.2013).

Việc bổ nhiệm Giám mục phụ tá Alphongso Nguyễn Hữu Long nơi giáo phận Hưng Hóa và dự định thành lập giáo phận mới Tuyên Quang là dấu hiệu cho sự chuyển động và phát triển của Giáo hội nơi vùng Tây Bắc tổ quốc trong thời gian tới”.

Bài báo cho thấy tôn giáo được nói trên rất lạc quan và tự tin cùng nhiều hi vọng trong hoạt động ở vùng Tây Bắc. Tham khảo thực tế này, và đối chiếu với tình hình hoằng pháp Phật giáo trên cùng một địa bàn, thì quả là phía Phật giáo đang có nhiều vấn đề.

MT