Trang chủ Thời đại Xã hội Phật giáo và ba hướng biến đổi tôn giáo trên thế giới

Phật giáo và ba hướng biến đổi tôn giáo trên thế giới

181

Bài viết dưới đây ghi nhận các hướng biến đổi các tôn giáo chính từ cái nhìn của người theo đạo Phật, xem xét trong quan hệ với đạo Phật và đề ra những giải pháp, cách ứng phó có lợi cho đạo Phật.

Có thể kể đến 3 hướng biến đổi tôn giáo chính:

1.    Hướng cải đạo từ đạo Ca tô La Mã sang đạo Tin Lành. Nơi diễn ra biến đổi tôn giáo này chủ yếu này là ở các nước châu Mỹ La Tinh. Cuộc viếng thăm mới đây của Giáo hoàng Phan Xi Cô đến Brasil được coi là để đối phó, chặn đứng hướng biến đổi này.

2.    Hướng từ bỏ Cơ đốc giáo (gồm cả – Ca tô La Mã, Tin Lành và một phần Chính thống giáo). Hướng biến đổi tôn giáo này diễn ra ở phương Tây (châu Âu, Bắc Mỹ).

3.    Hướng cải đạo từ Phật giáo và các tôn giáo truyền thống sang đạo Tin Lành. Hướng biến đổi này diễn ra chủ yếu ở châu Á.

Dưới đây, chúng ta khảo sát, tìm hiểu tập trung vào 2 hướng 2 và 3.

Hướng biến đổi tôn giáo thứ 2 thường được gọi là “dechristianiser”, tạm dịch “giải cơ đốc giáo”.

Từ “dechristianiser” là từ mới dùng gần đây, tra trên Google không thấy. Có thể hình dung “dechristianiser” là cảnh nhà thờ tu viện bỏ không, vắng hoe, lạnh tanh, treo bản bán nhà. Cảnh chỉ còn những tu sĩ già nua, ốm yếu, đối mắt thất thần, tuyệt vọng. Cảnh những cuốn Thánh kinh bụi bặm, vứt bỏ…

Linh mục Thiện Cẩm, trong Nguyệt San Công giáo và Dân tộc, số tháng 8/2013, miêu tả như sau: “Nhưng nay thì xem ra đã hết thời tôn giáo có thể thống trị được thế giới. Sự suy thoái của tôn giáo, nhất là ở những nước truyền thống tôn giáo như ở phương Tây, cách riêng là tại Âu châu, như Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hòa Lan… tại những nơi này, dù không ai cấm đạo hay tích cực chống tôn giáo như thời như thời Voltaire của thời đại mệnh danh là Ánh Sáng, hay như thời của Staline bên Liên Xô cũ, nhưng chính những người tôn giáo lại đang thực hiện một cuộc gọi là “dechristianiser”khử trừ Ki tô giáo, xóa bỏ mọi dấu vết của một tôn giáo đã từng thống trị và làm nên nền văn hóa chung của Âu châu trong vòng gần hai ngàn năm” (đây là phát biểu của linh mục nói trên trong hội thảo khoa học “Nhà nước pháp quyền và tôn giáo”).

Như thế, một khoảng trống tôn giáo đang hình thành ở châu Âu. Không gian Cơ đốc giáo đang tan rã. Nó như rữa nát dần dần, chứ không phải biến dạng, và xu hướng đó không thể đảo ngược được dù cố gắng cách mấy.

Một trong những cách đối phó với giải Cơ đốc giáo ở châu Âu là di tản nó, đưa nó qua châu lục khác. Mục tiêu nhắm tới là châu Á, với hoạt động cải đạo những tôn giáo bản địa, trước hết là Phật giáo. Người ta đã thành công ở Mông Cổ, Hàn Quốc, Trung Quốc…, và cả Việt Nam. Cải đạo tại châu Á được tiến hành bằng tất cả phương tiện: thuyết phục, mua chuộc, dụ dỗ. Các hoạt động cải đạo ngày càng tăng lên, không hề có dấu hiệu giảm bớt. Trước đây, hoạt động cải đạo do những người Âu Mỹ thực hiện đối với đối với dân bản xứ, thỉ bây giờ chuyển sang người bản xứ làm với người bản xứ.

Hoạt động cải đạo sang Tin Lành vẫn nhắm vào người theo đạo Ca tô La Mã như ở châu Mỹ La Tinh chứ chẳng phải không. Có nghĩa là tôn giáo phương Tây, thờ cùng một thượng đế. Điều này cho thấy hoạt động cải đạo là vô cùng khốc liệt.

Từ các ghi nhận kể trên Phật giáo còn có thể rút ra nhiều điều.

Đối với Phật giáo châu Á, cải đạo sang Tin Lành rõ ràng là mối đe dọa hàng đầu, và thực tế đã là tác động mạnh mẽ nhất làm suy giảm tín đồ Phật giáo. Cần xác minh rõ điều này, vì hiện nay, nhất là ở Việt Nam, còn không ít Phật tử coi đạo Ca tô La Mã là nguy cơ cải đạo chính.

Tin Lành hoạt động cải đạo mạnh mẽ ở chính những quốc gia đa số theo đạo Ca tô La Mã như Brasil. Đạo Ca tô La Mã có tổ tổ chức chặt chẽ, chú trọng nhiều vào niềm tin, còn tỏ ra bị động, chịu sự uy hiếp của Tin Lành, huống chi là Phật giáo, với tổ chức lỏng lẻo, dễ dãi trong sinh hoạt tôn giáo, chú trọng thực hành hơn là niềm tin.

Giáo hội Ca tô La Mã hiện đã có kế hoạch đối phó, hết sức quan tâm đến việc cải đạo sang Tin Lành ở châu Mỹ La Tinh. Trong khi đó, mức độ quan tâm đối phó như vậy dường như chưa có ở các giáo hội, đoàn thể, tổ chức Phật giáo châu Á.

Điều làm cho tốc độ cải đạo sang Tin Lành ở châu Á không cao như ở châu Mỹ La Tinh là vì ở châu Mỹ La Tinh người ta chuyển đổi trong khuôn khổ đạo Ky tô (hay còn gọi là đạo Cơ đốc), cùng thờ chúa trời. Jesus, cùng dùng một Kinh Thánh. Trong khi đó, ở châu Á, là chuyển đổi từ một tôn giáo hoàn toàn khác về văn hóa, Phật giáo thường có gốc rễ truyền thống bền chắc trong các dân tộc Á Đông.

Nhưng trông cậy vào truyền thống văn hóa là việc trông cậy thụ động. Phật giáo châu Á nên quan tâm nghiên cứu đến hoạt động chống cải đạo của đạo Ca tô La Mã, lọc ra những yếu tố có ích để vận động đối với Phật giáo.

Nói chính xác, Tin Lành không phải mất chỗ đứng trên toàn Châu Âu, mà việc cải đạo sang Tin Lành cũng khá phát triển ở Đông Âu, là khu vực của chính thống giáo. Tin Lành suy giảm ở Tây Âu, nhưng lại phát triển ở nhiều châu lục. Châu Phi cũng là đối tượng của Tin Lành, nhất là châu Phi theo Ca tô La Mã. Như vậy, biến đổi tôn giáo trên thế giới là biến đổi theo hướng Tin Lành chiếm ưu thế, mặc dù sự gia tăng tín đồ Hồi giáo cũng đáng ghi nhận.

“Dechristianiser” tại Tây Âu và khoảng trống tôn giáo do nó tạo ra là một điều đáng chú ý đối Phật giáo. Tây Âu là chỗ mà bên cạnh Ca tô La Mã, Tin Lành đang thoái trào. Từ đó, cần thấy hoằng pháp bằng thiền học (không phải bằng nghi lễ du nhập từ phương Đông) là một cơ duyên thuận lợi cho Phật giáo. Vì vậy, Phật giáo, nên vừa chú trọng môi trường hoằng pháp ở Tây Âu, Bắc Mỹ) nơi đang có khoảng trống tôn giáo, vừa nên quan quan tâm đối phó cải đạo ở những nước Phật giáo truyền thống.

Linh mục Thiện Cẩm giải thích sỡ dĩ có “dechristianiser” là do người châu Âu theo tôn giáo thờ “tiền”: “Nhưng không phải chỉ có Ki tô giáo, đặc biệt là Công giáo đang tự mình đi xuống dốc, mà chủ nghĩa không tôn giáo hay vô thần cũng chẳng làm gì được hơn. Có thể nói, cả hai khuynh hướng hữu thần Vô thần đang cùng nhau lùi bước, nhường ngôi cho một niềm tin mới vào Thần Mam môn, hay Thần Tài, hay là Thần Tiền, mà chỉ cần là in bằng giấy cũng được, khỏi tạc, khỏi đúc hay vẽ thành ảnh, vả lại khỏi cần đặt trên bàn thờ, mà bỏ ngay túi mà chẳng phạm tội phạm thượng, bất kính! Vấn đề hữu thần hay vô thần chẳng còn ý nghĩa với người thời đại hôm nay, nhất là giới trẻ. Hơn thế nữa, cả những ý thức hệ cũng không còn hấp dẫn được ai. Thần Tài đã thực sự lên ngôi, và không có quyền lực tôn giáo hay chính trị nào có thể thắng được quyền lực của nó.

Bây giờ tôi càng hiểu rõ tại sao Đức Giesus lại quyết liệt chống đối quyền lực của Mam môn, hay là Thần Tài, và Người đã đòi hỏi các môn đệ phải dứt khoát chọn lựa một trong hai “ông chủ”: hoặc là Thiên Chúa, hai là Mam môn!

Điều mà tôi thực sự băn khoăn và tự hỏi, liệu thế giới chúng ta sẽ đi về đâu, khi mà cả thế giới xem ra chẳng còn nghĩ đến chuyện gì khác, hơn là phát triển kinh tế, nghĩa là làm giầu. Hữu thần hay vô thần không còn có ý nghĩa gì, mà hình như chỉ còn có tiền bạc mới có ý nghĩa và được mọi người yêu mến tôn thờ, vì nó mới là cứu cánh, là mục tiêu, là lẽ sống của con người trong Thiên niên kỷ này! ”

Tôi nghĩ là một cách chống chế. Tiền đã hớp hồn con người từ khi mới có, chứ không phải đợi đến thế kỷ XXI. Đổ thừa tiền là tìm cách trốn tránh việc lý giải vấn đề ở chính đạo Cơ đốc. Chính Cơ đốc giáo đã bộc lộ các nhược điểm của mình, làm các tín đồ châu Âu mất tin tưởng, thất vọng, đi đến đào thải, vứt bỏ. Có hay không có Cơ đốc giáo người ta vẫn xài tiền, quý tiền đó thôi. Hơn nữa, trong thời đại mới, hậu công nghiệp, quyền lực đồng tiền đã lui bước trước quyền lực của tri thức (xem Alvin Toffler về thuyết “làn sóng thứ ba”). Chính sự lên ngôi của tri thức đã đánh đổ đạo Ca tô La Mã ở những châu lục mà tri thức lên đến đỉnh cao (Tây Âu, Bắc Mỹ). Phật giáo, tôn giáo duy nhất không mâu thuẫn với tri thức hiện đại, cần chú ý đền điểm này.

Làn sóng mới về tri thức, theo A. Toffler, sớm hay muộn gì cũng lan đến châu Á. Mức gia tăng đạo Tin Lành ở Hàn Quốc có vẻ chững lại trong thời gian gần đây như là một minh chứng cho việc này. Tri thức không làm bớt đi nhu cầu tôn giáo, nhưng tri thức đòi hỏi những yêu cầu cao hơn đối với tôn giáo. Đây là một thuận lợi hết sức cơ bản đối với Phật giáo, hứa hẹn làn sóng thứ ba là làn sóng Phật giáo.

Tuy nhiên, điều này đòi hỏi nỗ lực của chính Phật giáo, không phải cơ hội là một sự diễn tiến tự nhiên. Trước hết, những nhà hoằng pháp Phật giáo cần quan tâm nhiều hơn đến biến đổi xã hội.

MT