Trang chủ Người thời nay Trí thức Phật giáo và nhân sinh theo cách nhìn của giáo sư Dư...

Phật giáo và nhân sinh theo cách nhìn của giáo sư Dư Thu Vũ

117

Ngoài ra, ông còn nhận được nhiều giải thưởng do chính quyền Thượng Hải và Đài Loan trao tặng. Sau mấy năm làm viện trưởng, ông từ chức để chuyên tâm viết sách. Hiện ông là nhà văn, nhà lý luận nghệ thuật và là một học giả văn hóa sử Trung Quốc. Suốt 15 năm nay, ông thực hiện chuyến du lịch đường dài để khảo sát văn hóa Trung Quốc và nước ngoài, ông đã đặt chân đến châu Á, châu Phi và cả châu Âu. Kết quả cho khoảng thời gian “rong ruổi” đó là những tài liệu ghi chép về nền văn minh Trung Hoa qua tác phẩm “Văn hóa khổ lữ” và “Sơn cư bút ký”; nền văn minh của I-xlam qua tác phẩm “Ngàn năm nhất thán”; nền văn minh phương Tây qua “Hành giả vô cương”. Đó là ba nền văn minh lớn của lịch sử loài người mà ông đã dày công khảo sát. Trong khuôn khổ của tập sách này, chúng tôi xin giới thiệu nhận định của ông về vấn đề “Phật giáo và nhân sinh”


 Phật giáo và nhân sinh


 Tôi chỉ là người suy nghĩ và nghiên cứu về văn hóa. Mỗi khi đến Phổ Đà Sơn, ngoài lòng sùng kính ra, tôi cảm thấy tiếc một điều gì. Tôi nhận ra thánh địa tôn giáo cần có sự giác ngộ về tinh thần, là nơi tắm gội tâm linh, Phật sự ở Phổ Đà Sơn rất nhiều, hương nến cũng ngút ngàn, nhưng giảng đường giảng về Phật giáo và nhân sinh lại thiếu.


Thông thường, tôi rất ít tham gia các hoạt động hội thảo, nhưng lần này tôi quyết đến Phổ Đà Sơn với mục đích chính là cùng nhau khởi xướng văn hóa Phổ Đà Sơn.


Tôi không am hiểu nhiều về Phật pháp, nhưng có rất nhiều cảm nhận về nhân sinh. Văn hóa Phật giáo đã giúp ích cho tôi rất nhiều trong cuộc sống. Tôi sinh ra tại một vùng quê miền núi thuộc huyện Dư Diêu tỉnh Chiết Giang. Thời ấy, chiến tranh loạn lạc. Bây giờ bình tâm mà nói, trên mảnh đất ấy không có bất kỳ tinh thần sức mạnh nào được hình thành, nhưng bao đời người ta vẫn có thể sống được, xã hội vẫn có thể ổn định được. Đó là nhờ hạt giống Phật giáo đã không hề lụi tàn trên mảnh đất ấy. Bởi khi mỗi gia đình còn có người là Phật tử thuần thành, nền móng đạo đức trong mỗi gia đình còn được gìn giữ, điều đó có tác dụng rất lớn cho trật tự xã hội.


Trong “Văn hóa khổ lữ”, tôi có kể lại một câu chuyện mạo hiểm của mình. Khi tôi lên hai, tôi bị một thổ phỉ bên cạnh nhà bắt cóc, bà ngoại tôi phát hiện nên đuổi theo, nhưng tên thổ phỉ cứ chạy. Cuối cùng tên thổ phỉ chạy đến một ngôi chùa đúng vào lúc mọi người trong chùa đang làm Phật sự. Anh ta cố len lõi vào chỗ đông người, do bế tôi nên anh ta không thể đi nhanh được. Chung quanh anh ta là âm thanh của tiếng gõ mõ, tụng kinh, niệm Phật. Không hiểu sao, anh ta nén lại trong chùa rất lâu, đến khi ra khỏi chùa, anh ta bế tôi quay trở lại nhà. Sau lần đó, bà ngoại tôi nói với tôi rằng, sức mạnh của nghi thức Phật giáo đã mang đến sự giác ngộ tạm thời cho kẻ bất lương.


Cho đến bây giờ, yêu cầu đầu tiên của tôi đối với học sinh của mình là phải làm người lương thiện, nếu như không lương thiện, dù kiến thức uyên bác đến đâu chăng nữa cũng không nói lên được điều gì.


Như mọi người biết, tôi thay đổi rất nhiều công việc, nhưng những công việc mà tôi đã thôi đều là những việc đang trong giai đoạn tiến triển rất tốt. Điều này có thể lạ đối với những người không am hiểu văn hóa Phật giáo. Nhưng tôi tin rằng, những người am hiểu chút ít về Phật giáo chắc chắn sẽ hiểu được hành động của tôi. Thực ra, bạn trở thành người nổi tiếng, hay bậc chuyên gia gì chăng nữa, ít nhiều đều mang tính giả dối. Bạn tiến bộ một cách ngẫu nhiên, dù cho bạn đạt được những thành tựu rất lớn, bạn cũng nên không chấp trước về điều ấy. Tôi phải gạt bỏ chấp trước này. Tôi đã có một thời làm viện trưởng, mọi việc đang diễn ra tốt đẹp, tôi lại xin từ chức. Tôi dùng cách thức đó để gạt bỏ mọi chấp trước về quan chức, tránh xa cạm bẫy đầy sức quyến rũ. Nếu như tôi cứ làm quan mãi, mọi người đã không có cơ hội đọc được những tác phẩm của tôi. Tôi không ngừng tự làm chủ sự tự do của mình. Không chỉ gạt bỏ chức vụ trong công tác, thậm chí là chức quan, tôi còn phải gạt bỏ sự chấp trước về không gian – tôi yêu quê hương, nhưng đã phải rời xa nó.


Tôi tự hỏi mình hiểu biết văn hóa Trung Hoa ra sao nếu chỉ qua sách vở, có rất nhiều sách không đáng tin cậy, thế nên tôi bắt đầu đi du lịch. Trong “Thiên niên nhất thán”, tôi có viết về Ngài Pháp Hiển và Ngài Huyền Trang, về những vất vả mà họ đã trải qua không chút nản lòng. Chuyến đi của các Ngài thời ấy lắm gian nan, mà còn phải mang theo bên người bao vật dụng, kinh văn và lễ vật. Trên đường đi, tôi không ngừng tìm dấu chân của bậc tiền nhân. Tôi có thể đi hết chặng đường dài như thế là nhờ vào sự hoài niệm những dấu chân xưa. Tôi thật sự biết ơn các nhà lữ hành Phật giáo thời cổ đại. Sau khi gạt bỏ đi yếu tố không gian, sự cảm nhận về văn hóa và yếu tố nhân văn của bạn sẽ hoàn toàn khác.


Vào những ngày cuối cùng của cuộc khảo sát, chúng tôi đã mất rất nhiều thời gian để tìm lại vết tích nơi Phật tổ Thích Ca Mâu Ni đản sinh. Chúng tôi đã đi đến động núi nơi Phật tu khổ luyện. Đó quả thực là một điều khó khăn. Khi đấy tôi cảm nhận được cả đoạn trường tu khổ luyện của Ngài cố tìm ra chân lý giải thoát. Tất cả những điều Phật làm là nhằm tìm ra con đường giải thoát cho chính mình, từ đó giúp chúng sanh thoát khỏi bể khổ trần gian. Tôi hiểu được tinh thần vĩ đại ấy theo cách hiểu của riêng mình.


Tuy tôi không phải là người xuất gia, nhưng việc ra đi không ngừng nghỉ của tôi, quả thực chịu ảnh hưởng rất lớn từ Phật pháp.


Ngày nay, nền kinh tế phát triển với tốc độ nhanh, chiến trường cạnh tranh ngày càng lớn, mức độ cạnh tranh cũng ngày càng khốc liệt…, trước tình thế ấy, rất nhiều người muốn tìm được chỗ trụ từ đời sống văn hóa của mình. Thực ra, đời sống văn hóa có rất nhiều vấn đề phức tạp, chỉ đơn thuần nói về văn hóa thì không thể giải quyết được vấn đề, nhưng văn hóa Phật giáo thì có thể. Văn hóa Phật giáo có khả năng mang lại sức sống, để tinh thần mọi người không trượt dốc trong vòng xoáy cuộc đời.