Trang chủ Tu học Phổ thông Phật học căn bản (phần 2 – cuối)

Phật học căn bản (phần 2 – cuối)

59

4. Đặc điểm của Phật giáo


4.1. Hàm dung nhưng có lớp lang


Phật giáo lấy giáo pháp làm phương tiện cứu tế, không phải lấy người hay thần làm pháp cứu tế. Đối với hết thảy các pháp ở thế gian Phật pháp không hề biên chấp nên là pháp vô ngã, từ bi và trí tuệ. Do vậy hết thảy các thiện pháp ở đời đều là Phật pháp. Bất luận là kỷ thuật, tri thức, triết học hay tôn giáo nếu có lợi ích cho cuộc sống, nhân tâm và xã hội Phật giáo đều không bài xích nên Phật giáo hàm dung hết thảy mọi thiện pháp ở thế gian.


Phật giáo phân thiện pháp thành năm tầng thứ là Nhân, Thiên, Thanh Văn, Duyên Giác và Bồ-tát. Người là chỉ cho việc hoàn mỹ đầy đủ nhân cách, làm tròn trách nhiệm và nghĩa vụ. Đây là điều kiện cơ bản nhất, nếu trên điều kiện căn bản này biết tu hành hạnh bố thí lợi tha nữa thì tốt đẹp vô cùng. Làm thiện chính là “Cùng tắc độc thiện kỳ thân, Đạt tắc kiêm thiện thiên hạ„.Độc thiện là thiện pháp của Người, Kiêm thiện là thiện pháp của Trời. Đẩy đủ tiêu chuẩn trời người lại biết tu tập trí tuệ và thiền định thời sẽ đạt quả vị giải thoát Niết Bàn. Đó là tầng thứ của Thanh Văn và Duyên Giác. Lấy thiện pháp của trời người làm nền tảng rồi phát Bồ-đề-tâm nổ lực tin tấn không ngừng vì lợi ích của tha nhân, không màng đáp trả chỉ vì chúng sinh mà cống hiến và phục vụ là tầng bậc của địa vị Bồ-tát tự giác giác tha. Trên nền tảng của bốn tầng thứ trên nếu đạt được cảnh giới không, vô tướng, vô nguyện thời chính là Phật.


4.2. Chính tín mà không mê tín


Đặc trưng của mê tín là sùng bái một cách mê muội, không hợp tình hợp lý, như thật nhưng là giả, chính tà không phân.


4.2.1. Sùng bái một cách mê muội


Chính là người ta vậy nên mình cũng vậy, nghe người nào đó có thần thông thì liền tin theo mà không hề suy sét rõ ràng. Như người xưa có nói: ”Tìm lưu manh hơn cảnh sát“ lưu manh có lúc cũng giúp được ta điều gì đó nhưng di chứng khó lường.


4.2.2. Không hợp tình hợp lý


Là không hợp với định luật nhân quả như tin tưởng rằng: ”Lúa không nước trời không lớn, người không hoành tài không giàu“. Nên làm những nghề đầu cơ tích trữ, cho vay nặng lãi kiếm tiền không phù hợp với lý nhân quả thời chắc rằng hậu quả sẽ khó lường, có thể sẽ ”thân bại danh liệt“, ”tán gia bại sản“, ”cửa mất nhà tan“. Lại như tin vào bùa chú, đồng cốt cầu phát tài đánh đề trúng số nhưng của đến mau thì cũng đi mau. Hoặc tham ô, móc ngoặc, hối lộ, hà hiếp lấy của dân, của nước đều là không hợp tình, hợp lý. Bất luận là dựa vào sức mạnh của thần linh, sức mạnh của ma quỷ, ô dù của con người đều không phù hợp với lý nhân quả và là trạng thái của mê tín.


4.2.3. Như thật mà giả


Là chỉ tất cả mọi tôn giáo đều có đạo lý riêng, như dựa vào sức mạnh của thần linh, hay sức mạnh của sự gia trì, chỉ cần tin theo, làm theo thời sẽ linh sẽ nghiệm có thể thành Phật, có thể lập tức khai ngộ hoặc sẽ trừ được bệnh, tiêu được tai. Đưa ra những lý luận hoang đường, như thật như giả, không hề nói rõ nguyên nhân. Những tôn giáo như thế cần thận trọng chớ vội tin vì hậu hoạn khó lường.


4.2.4. Tà chính bất phân


Là sự mê tín do quỷ thần tạo ra, quỷ thần thường dựa đồng cốt để khuyên người, dụ người mới nghe như thiện nhưng khi đã tin theo rồi thì: ”thuận chi giả xương, nghịch chi giả vong” vừa uy hiếp vừa dẫn dụ để phải tin theo vì lo sợ và phải thuần phục mãi nếu rời bỏ thì bản thân, gia đình hay sự nghiệp sẽ gặp chướng nạn. Tiêu chuẩn thị phi của họ không giống với đời thường, quan điểm nhân quả của họ thời mê mờ không rõ.


Chính tín của Phật giáo là lấy Phật, Pháp, Tăng làm đối tượng để tín ngưỡng. Tin Phật không có nghĩa là sùng bái xác thân của Phật mà là tôn kính trí tuệ, từ bi và ân đức mà Đức Phật đã dành cho chúng ta. Tin vào giáo pháp của Phật đà nếu chúng ta thực hành theo thì sẽ đạt đến mục tiêu tự lợi lợi tha. Khi Đức Thế Tôn nhập diệt chúng đệ tử bạch hỏi: ”Sau khi Phật diệt độ chúng con lấy ai làm Thầy“ Phật dạy: “Chúng đệ tử lấy pháp làm Thầy, lấy giới làm Thầy“ . Dựa vào chính pháp của Phật đã dạy xây dựng tín tâm, như pháp tu hành thì đạt được giải thoát chứng Bồ-đề. Tin vào giáo đoàn Tăng Ni đệ tử Phật được truyền thừa từ đời này sang đời khác. Khi thọ giới thì Tăng đại diện cho Tam Bảo trụ trì Phật pháp. Lấy Tam Bảo làm đối tượng tín ngưỡng không có nghĩa là thần thánh hoá các vị xuất gia. Các vị xuất gia tuy chưa thành Phật, chưa chứng ngộ nhưng lấy pháp làm Thầy, sống trong giới luật, cần tu định tuệ và hướng dẫn quần chúng tu tập nên hình tướng xuất gia của quý vị là biểu trưng cho sự thanh tịnh ly dục của Phật giáo chúng ta.


Chính tín Phật, Pháp, Tăng Tam Bảo thiếu một không được. Nếu chỉ tin Phật mà không tin pháp, không tin Tăng thì chẳng khác gì tin quỷ thần. Nếu chỉ tin pháp, không tin Phật, không tin Tăng thì khác gì đãy đựng sách. Nếu chỉ tin Tăng, không tin Phật, không tin pháp thì khác chi việc nhận cha mẹ nuôi. Phải tin đủ Phật Pháp Tăng Tam Bảo thì mới là chính tín Phật giáo.


4.3. Thần thánh mà không thần bí


Thần bí là cao vời vợi không với tới được nhưng vẫn cảm nhận được uy lực của vị ấy có thể khống chế mình ở mọi nơi nhưng không biết rõ được là họ đang ở đâu. Tuỳ lúc mà họ có thể cho mình sự giúp đỡ nhưng không biết vì lý do gì, có thể trừng phạt mình bất kỳ lúc nào nhưng tìm chẳng thấy họ đâu. Thường biểu hiện những năng lực phi thường nhưng chưa chắc là có ích cho chúng ta. Tất cả những biểu hiện này có thể là do con người dùng kỷ xảo tạo ra, cũng có thể là do sự phản ứng không bình thường của tâm lý chúng ta, cũng có cái do linh lực của quỷ thần.


Phật Pháp Tăng Tam Bảo là Thần Thánh, vì Phật là người có trí tuệ, lòng từ bi và nhân cách cứu cánh viên mãn. Pháp là phương pháp và đạo lý để đoạn trừ phiền não chứng Bồ-đề. Tăng là những bậc tu hành trên cầu vô thượng chính giác, dưới hoá độ vô biên chúng sinh. Tam Bảo trong Đạo Phật không phải bất kỳ tôn giáo nào cũng có thể có được nên thần thánh không thể nghỉ bàn nhưng không phải là thần bí của quỷ thần. Người theo đạo Phật phải phát tâm vô thượng Bồ-đề học Phật, tu pháp, hành Bồ-tát đạo, dùng Phật pháp giúp chúng sinh đoạn trừ việc ác đã sinh, ngăn ngừa việc ác chưa sinh là khiến cho chúng sinh sớm lìa khổ. Lại làm cho chúng sinh tăng trưởng những điều thiện đã phát sinh, phát triển những điều thiện chưa sinh, đó chính là khiến cho chúng sinh sớm được an lạc. Không cầu an lạc cho bản thân chỉ mong cho chúng sinh được an lạc là tâm Bồ-đề vô ngã, không cần phải dùng hình tướng của Bồ-tát hay hoá Phật để dạy bảo chúng sinh mà dùng hình tướng chúng sinh đặng khuyến hoá họ. Thần Thánh mà không thần bí là vậy.


5. Sự khác biệt giữa Phật giáo và phi Phật giáo


5.1. Hữu thần và vô thần


Phật gíao là tôn giáo vô thần luận nhưng không phải là duy vật luận. Phật giáo chủ trương hết thảy mọi hiện tượng ở đời đều do nhân duyên sinh khởi và huỷ diệt. Sự hình thành của thế giới chúng ta đang sống là do sự chiêu cảm của tất cả các nghiệp báo của những chúng sinh được sinh ra trong thế giới này tạo ra từ nhiều đời kiếp. Được gọi là „ nghiệp quả“ hay „nghiệp báo thể“. Cùng chung một hoàn cảnh là do cộng nghiệp sở cảm, còn thân tâm và hoàn cảnh riêng là do sở cảm của biệt nghiệp tạo ra. Tất cả đều do chúng sinh tự tạo mà không do thần thánh dựng lên, nên là tôn giáo vô thần luận. Nhưng Phật giáo không phủ nhận sự hiện hữu của quỷ thần. Chỉ khác là Phật giáo xem những quỷ thần ấy cũng là một loại chúng sinh mà không phải là chủ tể của vũ trụ.


Ngoại trừ Phật giáo ra các tôn giáo khác đều là tôn giáo thần luận gồm ba dạng.


5.1.1. Tín ngưỡng nguyên thuỷ đa thần


Cho rằng mọi hiện tượng trong vũ trụ đều do những vị thần khác nhau nắm giữ như thần núi, thần sông, thần biển, thần cây, thần cỏ, thần bếp núc, thần nhà cửa… Tất cả mọi sự vật hiện tượng đều do thần linh chi phối, các vị thần này không phụ thuộc nhau và không có lãnh tụ.


5.1.2. Hình thức tín ngưỡng đa thần trung ương tập quyền


Nghĩa là sẽ có một vị thần đứng trên thống nhiếp tất cả các thần khác như đạo Giáo của Trung Quốc có Nguyên Thuỷ Thiên Tôn chính là Ngọc Hoàng Thượng Đế hay Bà La Môn giáo của Ấn Độ có Phạm Thiên.


5.1.3. Tôn giáo duy nhất thần luận


Tin rằng vị thần mà mình đang tin theo là người duy nhất có khả năng sáng tạo và huỷ diệt vũ trụ, là Đấng sáng thế, là vị Chúa tể của muôn loài, còn tất cả những vị thần khác đều là ma quỷ như niềm tin của Do Thái giáo, Cơ Đốc giáo (Thiên Chúa giáo, Tin Lành), Hồi giáo.


5.2. Sự khác biệt giữa tịnh hoá với thần hoá và tục hoá


Thần hoá là đặc trưng của tất cả các tôn giáo ngoại trừ Phật giáo. Họ tin tưởng rằng có Đấng bậc thần linh nắm giữ chi phối mọi hoạ phúc ở đời và người tín đồ đem cả vận mạng của mình giao phó cho bậc thần thánh đó. Có tôn giáo tin rằng thần của họ có năng lực toàn năng có thể cho họ lên thiên đàng và cũng có thể đày họ xuống địa ngục, không phải do làm thiện được lên thiên đàng hay tạo tội đoạ đường ác, mà được xét duyệt trên căn bản có tuyệt đối tin và phục tùng theo vị thần đó hay không. Người tin theo thì được sinh lên trời, người không tin theo thì đắc tội và sẽ bị đoạ vào địa ngục. Lại có tôn giáo cho rằng dựa vào sức mạnh và sự gia trì của thần linh thì sẽ tu luyện thành Thần, thành Phật. Tất cả những tôn giáo này có thể giải quyết một phần nào những vấn đề trước mắt còn những vấn đề phát sinh sau đó hay vấn đề cơ bản nhất thì không thể giải quyết được.


Tín ngưỡng tục hoá là lấy việc cúng lễ để lấy lòng thần linh đặng thần linh ban giáng cho những tài lợi mà mình cầu mong ở trên đời. Như cúng thần tài cầu phát tài, lạy Mẹ Sinh Mẹ Độ, Chú Sinh Nương Nương cầu con cái, tin Mã Tổ Thiên Hậu để thần biển độ đi biển bình an, bói toán cầu Hoàng Thạch Công, lạy Thổ Địa cầu trúng số, ngày lễ tết cúng vái tổ tiên, thần đình cầu gia hộ cho con cái bình an tất cả đều là tín ngưỡng tục hoá.


Phật giáo không phủ nhận lợi ích nhất định của tín ngưỡng tục hoá hay tôn giáo thần hoá nhưng nhấn mạnh và khẳng định lợi ích to lớn hơn của Phật giáo là tịnh hoá thế đạo nhân tâm. Phật giáo lấy Tam Bảo Phật Pháp Tăng để hoá đạo thế gian, lấy ngũ giới để tịnh hoá hành vi ngôn ngữ của chúng sinh. Lại lấy công phu thiền định để tịnh hoá hành vi tâm lý. Phật giáo càng chủ trương lấy trí tuệ để xử lý mình và làm lợi ích cho người. Nếu y theo giáo lý Phật giáo để tu tập thì với bản thân sẽ được thân tâm yên ổn, đối với tha nhân thì gia đình an vui hoà thuận, xã hội ổn định. Sự tịnh hoá trong Phật giáo dung nhiếp cả công năng của thần hoá cùng sức mạnh của tục hoá nhưng không vì thế mà tạo nên sự trói buộc cho bản thân hay làm mất quân bình trong xã hội.


6. Phương pháp tu tập cơ bản


Công năng hoá độ nhân gian của Phật gíao là lấy Phật pháp để tịnh hoá nhân gian, nâng cao nhân phẩm làm cho chúng sinh sống đời này an lạc, đời sau cũng an lạc. Làm sao để đạt được đều này. Muốn như vậy chỉ có một phương thức duy nhất là thực hành tu tập theo giáo lý mà Đức Phật đã dạy.


Phương pháp tu tập căn bản không ngoài phước nghiệp, định nghiệp và tuệ nghiệp.


Phước nghiệp là bố thí, trì giới. Định nghiệp là thiền định. Tuệ nghiệp là chỉ cho trí tuệ. Công đức của việc tu tập bố thí, trì giới sẽ được phước báo nhân thiên rồi từ đó có thể thành tựu Phật quả. Nên Phật là người đã viên mãn cả phước lẫn trí. Công đức của việc tu tập thiền định làm cho đời sống hiện tại của chúng ta có được cuộc sống mạnh khoẻ về sinh lý và thăng bằng trong tâm lý, đời sau sinh vào cõi trời Thiền Thiên, Phạm Thiên tiến đến thành tựu Phật quả. Cảnh giới thiền định của Phật là cao nhất nên Chư Phật có công lực „thường trụ tại định, vô hữu bất định thời“. Có được thâm định đại định thì mới có được đại từ bi và đại trí tuệ. Công đức tu tập trí tuệ làm cho cuộc sống thực tại biết sống thiểu dục tri túc, ít phiền não lìa khổ được giải thoát. Cuối cùng dùng đại trí thâm tuệ độ vô lượng chúng sinh.


6.1. Tu bố thí như thế nào


Con người vì muốn bảo đảm cuộc sống và giữ cho sinh mạng được an toàn nên luôn có quan niệm cùng thói quen để dành tích trữ. Phương pháp để dành có hai là hữu hạn và vô hạn. Hữu hạn thì đem gởi vào ngân hàng còn vô hạn là đem tiền tài gởi vào trong xã hội. Hữu hạn để dành là nhằm bảo đảm cho cuộc sống của cá nhân và gia đình. Còn vô hạn để dành là bảo đảm cho cuộc sống của toàn xã hội. Cá nhân luôn gắn chặt với tập thể nên cả hai loại để dành này đều có lợi ích cho bản thân. Để dành về mặt thời gian cũng có hai cách là để dành cho đời này và để dành cho cuộc sống dài lâu ở tương lai. Để dành cho đời này là nhằm cho cuộc sống hiện tại của chúng ta, còn để dành dài lâu là nhằm cho cuộc sống nhiều đời ở tương lai. Gởi tiền ở ngân hàng, hay làm việc phúc lợi cho xã hội chúng ta có thể nhìn thấy được nên nó thuộc về sự để dành cho lợi ích của cuộc sống hiện tại. Hoằng dương Phật pháp, hộ trì Tam Bảo, dùng Phật pháp để cứu giúp nhân tâm là sự để dành vô tận, vì một truyền mười, mười truyền trăm, cứ vậy nhân lên đưa ánh đạo vào trong cuộc đời, làm lợi ích cho hiện tại và cho tương lai nhiều đời sau nữa. Nên chỉ cần Phật pháp truyền đến đâu và chừng nào Phật pháp còn lưu bố thì công đức cũng theo đó được lưu giữ nên đó là sự để dành vĩnh hằng nhất. Chúng ta phải nổ lực để dành „chất cát thành tháp“, „nước chảy đá mòn“, „tích thiểu thành đa“. Mỗi ngày một chút dùng vật lực, trí lực, thể lực và tâm lực không ngừng tu tập công đức bố thí. Bố thí vì cuộc sống trước mắt, lại càng bố thí vì cuộc sống tương lai, công đức bố thí rất dễ tu tập tuỳ sức, tuỳ tâm. Bố thí giúp người nghèo, người bệnh công đức đã lớn. Hộ trì Phật pháp, bồi dưỡng Tăng tài hoằng dương Phật pháp công đức càng lớn hơn nhiều.


6.2. Tu trì giới như thế nào


Mục đích của trì giới là sửa sai thành tốt. Sửa sai là không tạo các nghiệp ác nên đạt được quả ly khổ. Xây dựng cái tốt là nổ lực làm các nghiệp thiện nên đạt được quả hạnh phúc. Nếu cầu lìa khổ được vui mà không dốc sức để sửa sai thành tốt thì không hợp với quy luật nhân quả.


Phật giáo dạy người giữ giới nội dung có hai tầng thứ một là tự lợi, tự bảo như ngũ giới hai là làm lợi lạc chúng sinh như tứ chính cần.


Không sát sinh chủ yếu là không giết người.


Không trộm cắp là không lấy vật phi pháp không nhận của phi nghĩa.


Không tà dâm chủ yếu là không làm mất trật tự xã hội, không hợp luân lý, không phá hoại gia phong, không phung phí sức khoẻ.


Không vọng ngữ chủ yếu là không dùng lời nói để làm hại kẻ khác.


Không uống rượu gồm cả chất gây nghiện vì sẽ đánh mất năng lực tự chế của bản thân dẫn đến việc phá giới phạm tội.


Bốn loại tinh tấn là tứ chính cần khuyến hoá người bỏ các việc ác, làm các việc lành. „Chư ác mạt tác, chúng thiện phụng hành“. Chấm dứt các đều ác đã làm, ngăn ngừa các đều ác chưa làm, tăng trưởng các điều thiện đã có, phát sinh những điều thiện chưa sinh. Nổ lực không giải đãi thực hiện bốn pháp tinh tấn này. Không làm các điều ác, ngăn trừ các điều ác chưa sinh là bạt khổ cho chúng sinh. Tăng trưởng các điều thiện đã làm, phát khởi những điều thiện chưa sinh là đem hạnh phúc ban vui cho chúng sinh. Bạt khổ ban vui là dùng đại bi tâm hành Bồ-tát-hạnh, lấy bố thí để cảm hoá rồi hướng dẫn chúng sinh tu tập tứ chính cần.


6.3. Tu thiền định như thế nào


Ý nghĩa của thiền định là tâm vô nhị niệm. Khi mới bắt đầu cần có phương pháp. Phương pháp sẽ giúp tâm niệm từ trạng thái tán loạn đi đến trạng thái tập trung, từ tập trung đi đến trạng thái thống nhất, đạt được trạng thái thống nhất tức là đạt được định. Nhưng trạng thái thống nhất cũng có nhiều tầng thứ khác nhau : từ thân tâm thống nhất đến nội tâm và ngoại cảnh thống nhất, tiến hơn là niệm trước niệm sau thống nhất. Muốn đạt đến chỗ niệm trước và niệm sau thống nhất cần phải trải qua quá trình niệm trước và niệm sau nối nhau như mắt xích, một niệm gắn một niệm, niệm niệm đồng nhất niệm rồi sau đó mới đến chỗ triệt tiêu khoảng cách giữa niệm trước và niệm sau chỉ còn lại sự tồn tại của nhất niệm. Lúc đó tức là: „chỉ ư nhất niệm“ tên gọi là định. Nếu đạt đến chỗ nhất niệm cũng không còn tức là tức định tức huệ.


Khi mới tu thiền có thể có nhiều phương pháp, lễ bái, tụng kinh, niệm Phật, trì chú, kinh hành… đều nhằm mục đích an tâm, thanh tâm và tịnh tâm. tất cả phương pháp tu tập để làm cho thân tâm thăng bằng đều là công hiệu của định. Nếu không có bậc thiền sư chỉ dạy thời có thể dựa vào những phương pháp trên để tu tập thiền định vì đều đúng với giáo lý Phật nhưng đây là phương pháp tán tâm tu định.


Nếu gặp được bậc Thầy có kinh nghiệm thiền định lại có chính tri, chính kiến của Phật pháp thì phải theo để tu học phương pháp chuyên tâm tu định đó là pháp thiền quán, pháp chỉ quán hay gọi là pháp tham thiền.


Phương pháp thiền quán không thể lìa ba nguyên tắc là tư thế điều thân, điều tức hơi thở và điều tâm chuyên chú. Yêu cầu căn bản là thả lỏng cơ bắp của thân thể đến thần kinh. Tư thế chính xác là nguyên tắc đoan chính nhẹ nhàng trong cả bốn tư thế đi, đứng, nằm, ngồi. Hít thở chính xác trên nguyên tắc giữ nhịp thở theo tốc độ bình thường. Chuyên chú chính xác là giữ nguyên tắc làm đúng phương pháp không để ý đến việc đạt được điều gì hay không. Nếu móng tâm mong muốn mau đạt được điều gì thì rất dễ đi lạc vào ma cảnh. Cần phải có tâm lý chuẩn bị là sẽ „ gặp Phật chém Phật, gặp ma chém ma” thì mới an toàn. Ý nghĩa của „gặp Phật chém Phật, gặp ma chém ma” là bất luận có được cảm giác vui hay cảnh tượng lo sợ đều phải xem đó là huyễn cảnh huyễn giác. Nếu không khi gặp ác cảnh sẽ thối tâm, thậm chí còn huỷ báng Tam Bảo vì cho rằng tu tập mà không được quả báo tốt. Còn nếu gặp thiện cảnh thì sinh tâm kiêu mạn cho rằng đã được thần thông chứng được Thánh quả thành Phật rồi. Thật đáng thương thay cho tâm niệm sai lạc này.


6.4. Lễ bái và tụng niệm


Lễ bái liên quan đến chấp tay và cách lễ như thế nào cho đúng phương pháp. Vì sao lễ bái? người mới vào đạo có hữu cầu lễ bái và hữu tướng lễ bái. Cầu bình an, cầu trí huệ, cầu hạnh phúc là tâm thái bình thường. Hữu tướng lễ bái tức là có đối tượng, có mục đích trước Phật, Bồ tát Thánh tượng hay kinh điển mỗi ngày đúng giờ, đủ số lễ lạy, cầu tiêu nghiệp chướng, trừ phiền não. Tu tập lâu ngày tự sẽ hiểu rằng vô cầu, vô tướng mới là mục tiêu cứu cánh nên mỗi ngày lễ lạy như việc bình thường.


Đọc tụng kinh Phật phải xem thời gian, các bộ kinh thường đọc tụng là Tâm kinh, Phổ Môn Phẩm, kinh A Di Đà, kinh Kim Cang, kinh Dược Sư, kinh Địa Tạng, kinh Pháp Hoa, kinh Hoa Nghiêm. Tụng kinh có thể không cần chuông mõ hoặc dùng chuông mõ. Tốt nhất là nên chuyên nhất tụng một bộ kinh nhất định và phát tâm trong khoảng thời gian nào đó đọc tụng bao nhiêu biến, không nên nay đọc kinh này, mai đọc kinh khác, khi tụng kinh cần đọc rõ âm từng chữ mà chưa cần phải hiểu rõ nghĩa của từng chữ trong kinh. Chỉ khi xem kinh mới cần hiễu rõ nghĩa. Ngoài những kinh thường tụng trên nếu có khả năng có thể xem thêm những kinh luận khác như : kinh Vô Lượng Thọ, kinh Quán Vô Lượng Thọ, kinh Lăng Nghiêm, kinh Viên Giác, kinh Thắng Man, kinh Duy Ma, kinh Lăng Già, kinh Giải Thâm Mật, kinh Đại Bát Nhã, kinh Tạp A Hàm, kinh Tăng Nhất A Hàm, kinh Trung A Hàm, kinh Trường A Hàm, luận Đại Thừa Khởi Tín, luận Bảo Tính, luận Câu Xá, luận Du Già Sư Địa, Trung luận, luận Đại Trí Độ, Lục Tổ Đàn Kinh


6.5. Niệm Phật và trì chú


Niệm Phật và trì chú vốn là một trong những phương pháp tu định. Sau khi Tịnh Độ tông và Mật tông trở thành những tông phái độc lập mới có sự tách biệt nếu đứng trên lập trường chỉnh thể của Phật giáo mà nhìn thì cả ba hổ tương với nhau. Niệm Phật là chỉ chung cho niệm tất cả danh hiệu của các đức Phật, chư vị Bồ Tát chứ không phải chỉ riêng cho niệm Phật A Di Đà thôi. Niệm Phật có hai cách là tán tâm niệm Phật và chuyên tâm niệm Phật. Tán tâm niệm Phật là bất cứ ở đâu, bất kỳ lúc nào cũng có thể niệm, niệm ra tiếng hoặc niệm thầm trong tâm, thậm chí vừa nói chuyện vừa vẫn có thể niệm Phật. Chuyên tâm niệm tức là có thời khoá nhất định, bằng các phương cách như liên tục niệm, cao giọng niệm hoặc tự thinh kỳ niệm. Ấn Quang Đại Sư khuyên nên dùng phương thức “số số niệm ” chứ không phải là “ký số niệm ”. Ký số niệm tức là dùng tràng hạt để tính số niệm Phật. Số số niệm là niệm từ một đến mười xong lại tính lại từ một. Nếu được như thế sẽ dễ đạt đến chuyên tâm hơn. Nếu muốn niệm Phật đạt đến nhất tâm bất loạn phải dùng phương pháp chuyên tâm niệm thì mới đạt được.


Nhiều người cho rằng hể trì chú tức là tu mật pháp, thật ra không phải như vậy vì mật pháp chính quy là phải do Thượng Sư truyền trao cho, phải có pháp tu đúng nghi quỷ, còn trì chú thông thường thì cũng giống như trì danh niệm Phật vậy. Pháp trì chú là miệng đọc, tai nghe, tâm tư duy, thân khẩu ý tam nghiệp tương ưng thì trì chú mới có lực được, đó cũng chính là một dạng của định. Nếu tán tâm trì chú thì cũng có công đức và cảm ứng, còn trì chú gì là tuỳ nhân duyên của mỗi người. Các chú thường trì tụng là chú Đại Bi, chú Quan Âm, chú Chuẩn Đề, chú Kiết tường, chú Dược Sư, chú Địa Tạng, chú Vãng Sinh, chú Lăng Nghiêm. Có thể dùng cách tính số biến chú đã trì, cũng có thể dùng cách tính thời gian trì chú.


6.6. Tu trí tuệ như thế nào


Trong các kinh điển cả Bắc lẫn Nam Tông có sự khác biệt khi nói về trí tuệ. Trí có thế gian trí và xuất thế gian trí. Trí thức cùng sự thông minh tài trí của thế gian đều lấy ngã làm trung tâm bất kể là tiểu ngã của cá nhân hay ngã lớn của tập thể đều không thể thoát khỏi phiền não ngã chấp nên gọi là thế gian hữu lậu trí. Chỉ có những vận hành của tâm lý hay tinh thần vượt khỏi trung tâm tự ngã mới là xuất thế gian vô lậu trí.


Khai ngộ là sự hiển hiện công năng của vô lậu trí. Khi khai ngộ thì đoạn trừ phiền não của bản thân, rời chấp trước. Sau khi khai ngộ thì thí pháp vũ, tế khổ nạn của chúng sinh. Tự độ, độ người lại tự trí, tự giác, vô ngã cũng vô chúng sinh. Tuệ có văn, tư, tu tam tuệ.


• Văn tuệ là dựa vào việc thính pháp nghe kinh, duyệt đọc kinh điển để hiểu rõ nguyên tắc tu tập và nghĩa lý trong Phật pháp.


• Tư tuệ là dựa vào tuệ giải những điều đã nghe đã học, như pháp tu hành, một mặt vẫn y kinh giáo, mặt khác từ trong quá trình tu tập mà đạt được sự thể nghiệm.


• Tu tuệ là tiến sâu hơn một bước nữa từ nền tảng tư tuệ tuy không y kinh điển mà đại dụng vẫn hiện tiền, lại vẫn không tương phản với kinh giáo.


7. Ai là người có chính tri chính kiến


Người sơ tâm học Phật phải thường nghe những vị Thầy hay Cư Sỉ có chính tri, chính kiến nói pháp, thường đọc kinh điển trong kinh tạng và những tác phẩm hiện đại chính thống Phật gíao. Đồng thời nhờ hiểu mà tu đó chính là con đường tốt nhất để vào nhà Phật pháp và khai mở trí tuệ. Nhưng ai là vị Thầy hay Cư Sỉ có chính tri chính kiến điều này cần phải biết đứng trên lập trường và lý trí của mình để nhận định, nếu chỉ nói thần thoại, thuyết lời ma, thường biểu diễn thần thông, làm điều thần bí, tự xưng là Thánh, là Phật, là Thần, là Bồ-tát, dùng phù chú sai khiến quỷ thần, hô linh giáng thần thì tuy dùng kinh Phật, lời Phật nhưng đều là ngoại đạo lợi dụng Phật pháp.


Còn những tác phẩm Phật giáo hiện đại phải là những tác phẩm được đưa vào trong tùng thư như “hiện đại Phật giáo học thuật tùng khan” vì đã được các bậc trưởng lão, chuyên gia thẩm định nên có thể tin học theo được. Mục đích học Phật của người Phật tử là dùng trí tuệ và từ bi để tự lợi, lợi tha chứ không phải dùng quái lực, loạn thần, xưng Thánh, xưng Phật để mê hoặc chúng sinh.


Trí tuệ phù hợp với quan niệm nhân duyên, nhân quả nên cũng hợp tình hợp lý. Biểu hiện của từ bi không phải là ân cần lấy lòng mà là ở chỗ biết ơn ân nhân, tha thứ kẻ thù, giúp đỡ người khổ, cứu tế người nghèo, điều phục người điên, dạy dỗ người mê, cảm hoá người ác, khích lệ người thiện, sách tấn người lười, thức tỉnh người lầm đường lạc lối. Đó là tinh thần của Bồ Tát yêu thương hết thảy chúng sinh.


(Hết – xem phần 1)