Trang chủ Văn hóa Chùa Việt Nam Phật Tích – ngôi chùa cổ vùng Kinh Bắc

Phật Tích – ngôi chùa cổ vùng Kinh Bắc

82
Giữa vùng đồng lúa mênh mông, nổi lên một ngọn núi sừng sững, như gạch nối giữa trời và đất, giữa cõi tâm linh với cõi thế tục. Ấy là núi Lạn Kha, nơi có chùa Phật tích toạ lạc.
 
Phật tháp trên núi Lạn Kha.
 
Sử sách chép rằng, từ những thế kỷ đầu Công nguyên, một cuộc gặp gỡ giữa Phật giáo Ấn Độ với tín ngưỡng dân gian của người Việt cổ đã diễn ra, hình thành những trung tâm Phật giáo đầu tiên ở Việt Nam. Xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh nằm trong địa bàn đó. Tại đây, năm 1057 nhà sư Ấn Độ Khâu Đà La đã xây chùa ở sườn núi phía nam để truyền đạo. Năm 1066, vua Lý Thánh Tông cho xây một toà tháp cao, sau khi tháp đổ mới phát lộ pho tượng Phật A Đi Dà bằng đá xanh nguyên khối, được dát vàng bên ngoài. Từ đó địa danh này mang tên Phật Tích (vết tích của Phật).
 
Trải qua bao thăng trầm, chùa xưa, tháp cũ không còn nữa nhưng đại danh lam này vẫn ấp ủ trong lòng rất nhiều di sản văn hoá quý giá. Năm 1959, Bộ Văn hoá cho tái tạo lại ba gian chùa nhỏ, chủ yếu để bảo vệ pho tượng Phật A Di Đà. Ý thức được giá trị nhiều mặt của chùa Phật Tích, năm 2008, chùa được khôi phục lại với quy mô hoành tráng, nguy nga với đầy đủ toà Tam bảo, Nhà Tổ, Nhà Mẫu… Ngoài ra còn xây dựng một số công trình mới như Viện Quan Âm, nhà khách, nhà trưng bày…. Đặc biệt là pho tượng Phật A Di Đà cao 30m đặt trên đỉnh núi Lạn Kha. Chùa Phật Tích trở thành nơi chứng kiến nhiều hoạt động Phật giáo của Việt Nam.
 

Tượng thú bằng đá, những cổ vật quý hiếm  ở nước ta.

 
Nếu quần thể chùa Bái Đính (Ninh Bình) được coi là lớn nhất Việt Nam, thì chùa Phật Tích được xếp vị trí hàng đầu về giá trị cổ vật. Đầu tiên phải kể đến tượng Phật cổ bằng đá xanh nghìn năm tuổi, tượng được tạo tác trong tư thế tọa thiền trên toà sen, thân tượng cao 1,845m với vóc dáng mềm mại, thon thả được tạo bởi những đường cong và nếp chảy của áo cà sa, khuôn mặt trái xoan hiền hậu với đôi mắt nhân từ, sống mũi thẳng, lông mày thanh tú, nụ cười phảng phất. Toàn bộ bức tượng toát lên vẻ đẹp thánh thiện, từ bi mà tinh tường, anh minh, có thể thấu hiểu nỗi niềm của chúng sinh để cứu khổ, cứu nạn. Pho tượng này được các nhà nghiên cứu đánh giá là mẫu mực của tượng Phật cổ Việt Nam.
 

Đường lên chính điện.
 
Khi thực hiện dự án trùng tu tôn tạo chùa đã xuất lộ chân tháp cổ hình vuông, lòng rỗng, tường tháp bao quanh rộng 2,4m được xây bằng loại gạch thời Lý có ghi niên đại triều Lý đời thứ 3, niên hiệu Long Thuỵ Thái Bình năm thứ 4, tức năm 1057. Điều này càng chứng minh giá trị thực của lịch sử đã từng hiện hữu tại nơi địa linh này.
 
 

Tượng Phật A Di Đà trên đỉnh núi.
 
Khuôn viên chùa Phật Tích còn có một cái ao, gọi là ao Rồng. Dài 7m, rộng 5m, sâu 2,2m. Đáy ao có thềm đá hình bán nguyệt, đường kính 3,8m được chạm trổ hình rồng và sóng nước. Chiếc giếng cổ được nhắc nhiều trong truyền thuyết về chùa Phật Tích, tương truyền dưới giếng có rồng ngự. Truyền thuyết thực hư chưa rõ nhưng vào ngày 14/3/2003, khi khơi giếng đã phát lộ đầu rồng bằng đá có chiều dài 53cm, rộng 20cm, miệng ngậm ngọc.
 
Sau ngôi chính điện còn có một số đấu kê chân tảng. Đặc biệt, có một chân tảng chạm khắc thật sinh động hình các nghệ sĩ đang biểu diễn các nhạc cụ dân gian như: đàn nhị, đàn nguyệt, sáo dọc, sáo ngang, trống phách…, những nhạc cụ trong nhạc bát âm cổ vào thời Lý. Mỗi một dấu tích nơi đây đều gắn với một truyền thuyết.
 


Xóm làng trải rộng dưới chân chùa.
 
Vườn hoa mẫu đơn trước sân chùa xuất phát từ tích “Từ Thức gặp tiên”. Xưa kia nơi đây là cả một rừng hoa mẫu đơn, rừng hoa đẹp đến nỗi khiến cho tiên nữ không kìm lòng được, trót hái hoa nên bị tội. Từ Thức đã cởi áo xin tha cho tiên nữ. Cảm kích trước tấm lòng của nho sinh, tiên nữ mời Từ Thức về thăm nhà, sau đó hai người nên duyên. Chuyện Từ Thức lấy vợ tiên, như thực như hư, nhưng có âm đức thì tất có dương báo. Đó là lẽ thường tình. Nay mùa hoa nở rộ cũng đúng vào hội chùa Phật Tích nên còn gọi là hội “Khán hoa mẫu đơn”.
 

Du khách tới chùa chiêm bái thường tỏ ra rất thích thú với 10 tượng linh thú bằng to lớn gồm voi, sư tử, ngựa, trâu, tê giác, mỗi loại hai con đặt đối xứng trước cửa chùa. Tượng thú có chiều cao 1,2m, dài 1,5 đều trong tư thế phủ quỳ trên bệ hoa sen, ẩn chứa tinh thần sâu xa quy phục Phật pháp. Sách kỷ lục Việt Nam đã xác lập đây là 5 cặp tượng linh thú lớn nhất Việt Nam. Trong chùa còn thờ tượng táng của thiền sư Chuyết Chuyết đã viên tịch tại chùa, khiến cho chùa Phật Tích thêm phần linh thiêng.

Một quần thể rộng lớn, kết hợp hài hòa giữa thiên nhiên với cảnh tôn trí thờ phụng bên trong càng tăng thêm không khí tôn nghiêm mà gần gũi. Sự yên bình nơi đây như giúp du khách và phật tử trút bỏ được những toan tính đời thường để tâm hồn vươn tới cõi thiện. Tới nơi đây như chạm được vào cõi Phật.