Trang chủ Đời sống Nghệ thuật sống Phước báo và công đức tạo ra từ xây dựng Bảo điện

Phước báo và công đức tạo ra từ xây dựng Bảo điện

150


Đức Phật Thích Ca thị hiện ra đời không ngoài mục đích làm cho chúng sanh ly khổ đắc lạc. Giáo pháp của Ngài tỏa rạng khắp cõi ta bà, làm lợi ích cho tất cả chúng sanh, những ai thực hành theo đều sống trong cảnh an lạc giàu sang và hạnh phúc. Như trong kinh phước thí đức Phật có dạy: “Phước là sự bố thí … phước thí sẽ giàu sang quan quyền vua chúa sự sung sướng thanh nhàn của cõi trời, phước thí là bến bờ núi báo, cù lao châu ngọc, lầu đài, xe cộ của quí cõi sống no vui, phước thí là hạnh phúc cao thượng…”. Thật vậy, vào thời đức Phật các thiện nam, tín nữ đã thâm hiểu thấm nhuần và hành theo lời Phật dạy: cũng như tín nữ VISAKHA hết lòng hộ đạo, bố thí cúng dường tứ vật dụng cho chư Tăng Ni. Trưởng giả Cấp Cô Độc trải vàng xây tịnh xá. Đến nay chúng ta thấy trên khắp thế giới nói chung, và trên mọi miền đất nước Việt Nam nói riêng, các tự viện, tịnh xá được xây cất rất khang trang tốt đẹp. Do vậy mà hàng cư sĩ phật tử đã nhịn ăn, bớt mặc, hạn chế tối đa những nhu cầu cần thiết, trải lòng thành kính dâng tịnh tài tịnh vật cúng dường Tam Bảo và nhất là xây dựng ngôi bảo điện thật trang nghiêm. Vậy việc làm này sẽ đưa đến phước báo và công đức như thế nào?


Phước là sự sung túc vật chất đối với thân, là trạng thái giúp cho tâm trong sạch khỏi phiền não.


Báo là sự ứng lại, là kết quả của việc mình làm từ trước. Vậy phước báo là sự sung mãn vật chất do việc làm thiện lành, hướng đến lợi ích cho người khác mà hiện tại hay tương lai mình sẽ hưởng an vui hạnh phúc


Phước báo có ra là do thực hành nhiều thiện pháp như: bố thí, trì giới, nhẫn nhục… Ở đây xin nói về phước báo của việc bố thí tài vật xây chùa, tịnh xá.




Đức Phật ví dụ về phước bố thí cũng như một căn nhà bị cháy, chủ nhân đem ra khỏi nhà đồ vật nào thì đồ vật ấy hữu dụng với chủ nhân và những đồ còn lại trong nhà sẽ bị thiêu hủy. Cũng vậy sắc thân này luôn luôn bị thiêu hủy. Thiêu hủy bởi lửa tham, lửa sân, lửa si, lửa sanh già bệnh chết, lửa ưu bi khổ não…. Lửa không ngừng bốc cháy, bậc thiện tri thức biết vậy, nên đem của cải ra bố thí, vì của cải ấy là nhân tạo nên phước báo, mà phước báo ấy thuộc của “riêng mình”. Nhân này sẽ hỗ trợ cho thí chủ hạnh phúc kiếp hiện tại, an lạc kiếp vị lai.


Chúng ta có nghe trong kinh đức Phật có kể lại. Một hôm vào đêm gần tàn có vị chư Thiên với dung mạo thù thắng, ánh sáng chiếu toàn vùng, đến yết kiến và bạch Phật rằng:


Cho gì là cho lực


Cho gì là cho sắc


Cho gì là cho lạc


Cho gì là cho tất cả


Đức Phật dạy:


Cho ăn là cho lực


Cho mặc là cho sắc


Cho xe là cho lạc


Cho trú xứ là cho tất cả.


Vậy chúng ta biết rằng, qua bốn cách cho, trong đó cho trú xứ là cách cho thù thắng hơn cả, phước báo hơn cả.


Chúng ta cũng thường nghe trong nhân gian nói rằng: “an cư lạc nghiệp” muốn có được sự vẻ vang, cần phải có một trú xứ vững vàng. Đó là việc thế gian, còn trong tam bảo Phật pháp thì sao? Chúng ta nên biết trong tất cả việc tác phước, phước báo của việc xây dựng bảo điện là thù thắng hơn hết. Tại vì sao? Bởi lẽ việc xây dựng bảo điện là thể hiện tinh thần tôn trọng pháp báo của chư Phật, pháp báo mà chính khi xưa Đức Thế Tôn của chúng ta đã từ bỏ ngai vàng điện ngọc dấn thân vào nơi rừng sâu tuyết lảnh, tu hành để tự thân chứng đắc pháp ấy rồi truyền bá lại cho chúng sanh, giúp cho chúng sanh thoát khỏi sự khổ đau trong vòng luân hồi sanh tử. Và hơn nữa việc xây dựng ngôi bảo điện cũng nhằm mục đích để cho hàng bá tánh cư gia có nơi chiêm bái lễ lạy tu học và cũng là để cho chư Tăng Ni có nơi hoằng pháp hướng dẫn Phật tử tu hành giúp mọi người ly khổ, đắc lạc. Vì thế mà phước báo của việc làm này vô cùng to lớn. Lại nữa ngôi bảo điện có tính chất bền vững lâu dài theo thời gian và không gian, có thể nói là trường cửu, đem lại sự lợi ích, sự an lạc cho mọi người, đó là nơi thù thắng để Phật tử tu tập hướng đến đạo quả giải thoát. Nghĩa là vật thí còn tồn tại chừng nào, thì phước báo ngày đêm cũng tăng trưởng chừng ấy.


Trong kinh dạy có năm phước báo từ việc cúng dường xây chùa, tịnh xá.


– Thí chủ được mọi người yêu thương kính mến.


– Thí chủ được bậc thiện trí thức gần gũi tế độ.


– Thí chủ được danh thơm tiếng tốt lan truyền khắp mọi nơi.


– Thí chủ hành pháp của người tại gia dù ở đâu hay đi đến chỗ nào vua, Samôn, Bà La Môn cũng không có tâm rụt rè, e sợ.


– Thí chủ sau khi chết, do thiện nghiệp này cho quả báo được tái sanh nơi cõi trời dục giới, hưởng sự hạnh phúc, an lạc.


c) Ví dụ dẫn chứng:


Nói đến việc xây tịnh xá, cúng dường Phật, không ai là không biết danh tiếng của trưởng giả Cấp Cô Độc, Trưởng giả Cấp Cô Độc là một cận sự nam quí kính ngôi Tam Bảo, ông có một niềm tin bất động đối với giáo pháp của Phật vì muốn đem lợi ích cho nhân dân nước ông, nên đã bạch Phật xây tịnh xá Kỳ viên để cúng dường. Chúng ta biết, tịnh xá chưa hoàn mãn, mà phước báo đã trổ sanh, lúc bấy giờ, trên sáu từng trời dục giới xuất hiện sáu cung điện nguy nga tráng lệ. Nhờ sự chỉ dạy của ngài Xá Lợi Phất, Trưởng giả chọn cõi trời đâu xuất để làm trú xứ khi thân hoại mạng chung. Chúng ta còn biết trong các thiện tín xây chùa tịnh xá cúng dường không phải chỉ có Cấp Cô Độc mà còn có nhiều thí chủ khác như tín nữ VISAKHA……




Tín nữ VISAKHA là một cận sự nữ đã quy y Tam Bảo, có niềm tin vững chắc nơi đức Phật, đức Pháp, đức Tăng. Một hôm đi nghe pháp bà bỏ quên tấm áo choàng trong tịnh xá. Bà quyết định cúng dường tấm choàng trị giá 90 triệu 100 ngàn đồng vàng mà bà mua lại và bạch Phật rằng:


– Kính bạch đức Thế Tôn trong bốn vật dụng y phục, thức ăn, chỗ ở, thuốc trị bệnh, thứ nào cần thiết nhất.


Đức Phật dạy:


– Này VISAKHA con, vậy con nên xây cất một ngôi tịnh xá gần phía Đông của thành SAVATHI để dâng cúng đến chư Tỳ Kheo Tăng.


Vô cùng hoan hỷ, bà vâng theo lời dạy của đức Thế Tôn. Chúng ta thấy cuộc đời của bà từ ấu niên, trung niên đến lão niên, đều hưởng sự an lạc, sống trong cảnh giàu sang phú quí, đó là phước báo do việc làm thiện lành trong cuộc sống, và nhất là xây dựng ngôi tịnh xá cúng dường. Cho nên, trong suốt cuộc đời bà không gặp cảnh khổ cực thiếu thốn, bà có nhiều của cải, tài sản, lại càng hoan hỷ tạo nhiều phước lành. Sau khi từ giã cõi đời do năng lực thiện nghiệp cho quả tái sanh làm thiên nữ trong cõi Hóa Lạc Thiên, cõi trời dục giới thứ năm, trở thành chánh cung hoàng hậu của đức vua trời Sunimmita hưởng sự an lạc đến hết tuổi thọ 80.000 năm.


Chúng ta biết phước báo là phước thuộc pháp hữu vi, có sanh, có diệt dù năng lực phước có đẩy ta sanh lên từng trời cao nhất của dục giới đi nữa, thì khi hưởng hết phước cũng phải thoái đọa. Cho dầu ta sống trong cảnh giàu sang, phú quý có nhiều của cải, bạc tiền, nhà cao cửa rộng, có chức trọng quyền cao… nói chung là đời sống sung mãn về vật chất. Song ta phải biết mình còn quanh quẩn trong cảnh khổ tử sanh. Do vậy, trong việc bố thí ta biết là phước báo sẽ trổ sanh, nhưng ta không nên dừng lại, không nên bằng lòng hưởng thụ phước báo hữu vi này, mà phải tác ý chuyển phước báo thành công đức.


– Công là công lực, là sức mạnh


– Đức thuộc lãnh vực tâm linh, hướng đến sự đoạn diệt, phiền não.



Công đức là khả năng đoạn diệt vô minh phiền não, hướng đến pháp vô vi giải thoát. Vậy nên phước báo thuộc vật chất, công đức thuộc về tâm linh.


Công đức có ra không phải do bố thí cúng dường suông. Cũng như vua Lương Võ Đế có lòng ngưỡng mộ Phật pháp, ông đã cất chùa, xây tháp, độ thanh niên trong nước xuất gia làm tăng sư. Ngoài ra ông còn sao chép kinh văn truyền bá rất sâu rộng. Một hôm vua Lương Võ Đế hỏi Tổ Bồ Đề Đạt Ma: “Từ trước đến nay trẩm xây cất 72 cảnh chùa, vậy trẩm có công đức không?” Tổ sư trả lời: “không có công đức”. Qua đó ý tổ muốn nói rằng: “Tất cả các việc làm phước lành nhất, kể cả việc xây chùa, đó chỉ là phước báo mà thôi”. Vì việc xây chùa của vua Lương Võ Đế với tâm niệm thuần thế gian, không có ý niệm cầu giải thoát, làm mà còn mong cầu thì rơi vào nhân quả, mà nhân quả thì chỉ có phước báo thế gian thôi. Mà chúng ta biết đức thuộc về phần công năng, là sức mạnh của nội tâm, hướng đến diệt trừ nhiễm ô phiền não. Nếu vua Lương Võ Đế xây cất chùa mà nhất tâm hướng về Tam Bảo mong cho Tam Bảo thường trụ để làm điểm tựa tinh thần vững chắc cho chúng sanh, để đưa chúng sanh chứng từng bậc đạo quả đến giải thoát hoàn toàn, thì có lẽ vua sẽ được trọn phần công đức. Vua xây chùa phải với tinh thần vô ngã, không mong cầu lợi ích cho mình, mà phải vì bá tánh nhân dân, vì chúng sanh muôn loại, nhất là phải hướng đến đạo quả bồ đề. Tổ bảo: “Không có công đức gì hết” tức là Tổ phủ nhận cái phước báo hữu vi để vua vượt lên cái phước báo vô vi làm mà không có ngã, hướng đến tha nhân bằng cách hành chánh đạo đó là công đức. Đức đây là tánh trí vô nhiễm làm lợi lạc chúng sanh.


Chúng ta biết, nếu tất cả các thiện pháp chuyển thành pháp hạnh Balamật thì sẽ dẫn đến thành tựu Siêu Tam Giới đó là sự chứng đắc thánh quả trở thành bậc giải thóat.


Như phần trước đã nói, Trưởng giả Cấp Cô Độc và tín nữ VISAKHA xây tịnh xá cúng Phật đã được thành tựu phước báo vô lượng. Họ không phải là những người tín ngưỡng Phật pháp bình thường, cầu phước báo nhân thiên, mà là cận sự nam, cận sự nữ đắc lực, là Phật tử thuần thành hành theo chánh pháp, họ có ý chí hướng thượng muốn thoát khỏi khổ cảnh tử sanh. Do nhiệt tâm đó họ đã chứng được quả vị đầu tiên dự vào dòng thánh khi còn ở hịên đời.


Như vậy cùng là một việc xây chùa tịnh xá, nhưng vua Lương Võ Đế chỉ thành tựu phước báo thế gian. Còn trưởng giả Cấp Cô Độc, tín nữ VISAKHA thành tựu cả hai mặt: vừa phước báo vô lượng, vừa công đức vô biên.


Nói tóm lại, phước báo của việc xây dựng bảo điện rất là lớn lao. Bởi lẽ nếu người có tâm quảng đại đem của cải tài sản làm lợi ích cho tất cả thế gian luôn nghĩ đến sự lợi ích cho nhân sinh thì người đó sẽ được các vị hiền trí, khen tặng hiện tại, sống an lạc không có những hối hận, phiền lụy khổ đau và sau khi mạng chung do công hạnh, thiện lành trong sạch đó khiến vị ấy thành tựu được những phước lành ở cảnh giới, cao siêu hơn.


Thế nhưng chúng ta không nên tự mãn với những phước báo đó, không nên dừng lại nơi hình thức mà chúng ta phải biến những hình thức ấy bằng việc làm cụ thể, nghĩa là chúng ta phải biến phước báo đó thành công đức chúng ta nỗ lực tu tập đoạn trừ tận gốc những phiền não, nhiễm ô của tự thân mình để đạt đến mục tiêu giải thoát. Có như thế thì phước báo và công đức xây dựng bảo điện của chúng ta mới thật sự viên mãn.


Vậy chúng ta cúng dường tịnh tài tịnh vật xây bảo điện, vật thí dầu ít dầu nhiều cũng đều tốt. Nhưng quan trọng ở đây là cả 3 giai đoạn, trước khi thí, khi đang thí và sau khi thí Phật tử phải có thiện tâm trong sạch hoan hỷ thì chắc chắn sẽ đem đến phước báo lớn, công đức lớn. Nhất là sau khi thí xong, tâm niệm luôn luôn hoan hỷ tưởng đến phước thiện bố thí ấy thì phước thiện càng tăng trưởng – quả báo vô lượng và lâu dài. Còn chúng ta muốn đạt đến mục đích giải thoát khổ cảnh tử sanh luân hồi thì trong khi thí phải tâm tâm niệm niệm nguyện vọng của mình hướng đến quả vị bồ đề mong thành tựu đạo quả cho mình và cho tất cả chúng sanh.




Quý vị nên biết, với công đức phước báo này, chúng ta có thể hồi hướng cho thân bằng quyến thuộc như thầy Tổ, ông bà, cha mẹ, anh em, bạn bè … cùng các chúng sanh đang sống trong khổ cảnh, họ đang mong đợi trông chờ phần phước thiện mà mình hồi hướng. Khi họ hoan hỉ phần phước thiện ấy, ngay tức khắc giải thoát khỏi cảnh khổ được tái sanh cảnh thiện giới hưởng mọi sự an lạc.


Như vậy Phật tử chúng ta chớ bỏ lỡ cơ hội ngàn năm một thuở về việc xây chùa tịnh xá. Việc làm thiện lành này sẽ cho quả báo an lạc lâu dài trong kiếp hiện và những kiếp vị lai. Vậy thì chúng ta không nên do dự nếu có điều kiện tốt thì nên kết duyên, đừng bỏ lỡ cơ hội tốt ấy.