Trang chủ Diễn đàn Qua bài viết “Hoành tráng thật”, xác định cách thức tiếp cận...

Qua bài viết “Hoành tráng thật”, xác định cách thức tiếp cận giáo lý từ lý thuyết sang thực tiễn

72

Đây không phải là bài viết có tính chất nghiên cứu học thuật nên cho phép chúng tôi sử dụng ngôn ngữ thông thường, với tư cách một độc giả để cùng nhau tìm hiểu và xác định vấn đề.

Từ câu kết: “Phật không ham kỷ lục” để đánh giá hành động rước Xá Lợi Phật của tác giả bài viết, chúng ta có thể nói rằng tác giả đang đứng trên lập trường của Phật giáo để đánh giá, nhưng cũng vì xuất phát từ lập trường thế giới quan đó nên chúng tôi thiết nghĩ cần phải thảo luận nhiều hơn với tác giả trước khi đánh giá một hành động nào đó là phù hợp hay không phù hợp với thế giới quan Phật giáo.

Theo quan niệm chúng tôi về Phật giáo, để đánh giá một hành động nào đó phù hợp hay không phù hợp với giáo lý của Đức Phật, chúng ta cần phải dựa trên 4 tiêu chí cơ bản: phù hợp với lời Phật dạy (khế lý), phù hợp với đối tượng đón nhận (khế cơ), phù hợp thời gian (khế thời) và phù hợp không gian (khế xứ). Từ 4 tiêu chí trên, chúng ta thử phân tích xem hành động rước Xá lợi Phật một cách “hoành tráng” như thế có phù hợp hay không?

Thứ nhất, về tiêu chí phù hợp với lời Phật dạy, Đức Phật dạy rằng tất cả chúng ta đều có Phật tính và về bản thể luận, chúng ta với Đức Phật là bình đẳng nhau. Vì thế dù đó là Xá lợi của Đức Phật hay là một cục sỏi thì cũng bình đẳng nhau về mặt bản chất.

Đó là quan niệm thuộc về Chân đế nhưng xác định dưới khía cạnh Tục đế, chúng ta chỉ là Phật sẽ thành chứ không phải là đã thành; đừng vội vàng cho rằng mình là Phật mà chê bai và coi thường hình thức.

Trong mắt chúng ta, ngày nào cục vàng chưa phải là đất hay rác thì ngày đó Xá lợi của một người giải thoát không thể coi như hòn sỏi ven đường. Việc tôn trọng và kính ngưỡng Xá lợi của Đức Phật là phù hợp với chân lý Tục đế mà chúng ta đang sống trong đó.

Nếu tác giả PV coi tiền tài, vàng bạc, nhà cửa, danh lợi,… như rác rưởi thì tác giả hoàn toàn có quyền coi Xá lợi của Đức Phật là hòn sỏi ven đường và có quyền phê phán hành động đón rước rầm rộ đó.

Thứ hai, về tiêu chí phù hợp với đối tượng đón nhận. Việc đón rước Xá lợi Đức Phật một cách “hoành tráng” không phải là dành cho Đức Phật mà dành cho những người đón rước.

Đúng như tác giả bài viết nói “Phật không ham kỷ lục” vì kỷ lục đó Đức Phật không đón nhận mà chính những người thành tâm hướng Phật đón nhận.

Người ta có thể cung kính đưa Xá lợi Đức Phật trong chuyên cơ hay đơn giản đút trong túi áo thì Xá lợi vẫn cứ là Xá lợi, nhưng đối với người đón nhận thì hai hành động đó dẫn đến những hệ quả khác nhau.

Giả sử nếu tác giả PV có một đứa con, việc đứa con đó gọi tác giả PV là “bố” hay “thằng” thì tác giả PV vẫn cứ là PV nhưng hành động đó xác định tư cách như thế nào của người con thì có lẽ tác giả PV tự hiểu.

Thứ ba, về tiêu chí phù hợp với thời gian. Nếu việc đón rước đó xảy ra những năm 1945, khi có hàng triệu người Việt Nam đang chết đói thì đúng là hành động rầm rộ đó quả là “hoành tráng thật!”. Nhưng đây là những năm đầu của thế kỷ 21, Việt Nam đang có nền kinh tế tạm phát triển.

Nhu cầu ăn không chỉ no mà còn phải ngon, mặc không chỉ ấm mà còn phải đẹp thì  người dân có nhu cầu tinh thần từ các hoạt động đón rước đó là có thể chấp nhận được. Con người khác con thú ở chỗ ngoài bánh mì, con người còn cần đến hoa hồng nữa tác giả PV à!

Thứ tư, về tiêu chí phù hợp với không gian. Cả nước Việt Nam đang rầm rộ các hoạt động nhằm chào mừng 1000 năm Thăng Long Hà Nội. Mỗi người dân Việt đều đang chung tay góp sức nhằm tôn vinh bản lĩnh Việt trong quá khứ, hiện tại và tương lai.

Phật giáo với dân tộc Việt Nam gắn kết như nước với sữa, trong đấu tranh chống ngoại xâm cũng như trong  xây dựng đất nước thì việc đón rước và tôn vinh Xá lợi của Đức Phật, trước là thể hiện tâm thành của những người con hướng về Phật, sau là hướng về Đại lễ 1000 năm Thăng Long Hà Nội trong không khí vui chung của cả nước là hoang phí và dư thừa chăng, thưa tác giả PV?

Từ 4 tiêu chí trên, chúng tôi nghĩ rằng những ý kiến trong bài viết “Hoành tráng thật” của tác giả PV là hoàn toàn không thích hợp, nếu không muốn nói quan điểm của PV hoàn toàn chỉ là lý thuyết suông (y kinh diễn nghĩa, tam thế Phật oan).

Nếu bài viết này do một Trưởng lão đạo cao đức trọng nói ra nhằm cảnh tỉnh tâm lý chuộng hình thức của một số người nào đó thì tác dụng thật lớn lao nhưng đáng tiếc thay PV không phải là cư sỹ Duy Ma Cật nên cùng một lời nói nhưng nghe kệch cỡm biết bao!

“Hoành tráng thật!”