Trang chủ Diễn đàn Quan chức chính quyền: những người bạn đặc biệt của đạo Phật

Quan chức chính quyền: những người bạn đặc biệt của đạo Phật

73

Lãnh đạo một tỉnh thôi, chỉ cần họ chỉ mới cảm tình với Phật giáo, thì đã tốt cho việc hoằng pháp cho đạo Phật lắm rồi. Huống chi, nếu đông đảo những người trong bộ máy chính quyền, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp đều như thế.

Như vậy, tại sao chúng ta không tìm mọi cơ hội, mọi cách thức để đưa quan chức chính quyền đến gần với đạo Phật, ở mọi tình huống có thể. Tại sao lại không cổ động quan chức đi chủa lễ Phật, kính Tăng, thể hiện sự trọng thị Phật giáo bằng việc làm đáng quý tương tự ở các cấp lãnh đạo cao nhất?

Dưới đây, chúng tôi sẽ chứng minh cho việc cần xem quan chức chính quyền là một đối tượng đặc biệt trong hoạt động hoằng pháp, quan chức chính quyền là người bạn đặc biệt của Phật giáo Việt Nam.

Nếu chúng ta có biết qua về tôn giáo học, thì sẽ không lấy làm ngạc nhiên về quan điểm cho rằng tôn giáo là nhu cầu bản chất của con người. Con người tự sinh đã có nhu cầu theo tôn giáo. Hoàn cảnh buộc không được theo một tôn giáo khiến người ta rơi vào một hoàn cảnh khó khăn. Cho dù rơi vào hoàn cảnh bắt buộc không tôn giáo, họ vẫn có xu thế theo một tôn giáo nào đó, với hình thức thích hợp.

Theo chúng tôi, quan chức trong chính quyền, trong lực lượng vũ trang nước ta đang rơi vào hoàn cảnh này. Để có thể thăng tiến, chắc chắn họ phải duy trì tình trạng “không tôn giáo”. Nhưng vì tôn giáo là nhu cầu tự nhiên của con người, cho nên cũng chắc là không ít người trong số họ vẫn có xu thế theo tôn giáo.

Theo một tôn giáo nào, để vừa có thể thực hiện tín ngưỡng, vừa có thể duy trì tình trạng hình thức không tôn giáo? Theo chúng tôi, ở Việt Nam hiện nay, điều đó chỉ có thể thực hiện với duy nhất một tôn giáo, là Phật giáo.

Chỉ có Phật giáo mới cho phép một quan chức vừa đi chùa, lễ Phật, kính tăng, tụng kinh, giữ giới…, lại vừa duy trì lời khai không tôn giáo của mình.

Nếu họ đi nhà thờ, rửa tội, nếu họ khai lý lịch là không tôn giáo họ sẽ bị khai man. Tôn giáo của họ theo cũng không chấp nhận việc làm như thế. Họ không có cách giải quyết nhu cầu tôn giáo, trong điều kiện riêng của họ, với bất kỳ tôn giáo nào khác, trừ Phật giáo.

Vì lẽ tất nhiên như thế, một số không ít quan chức trong chính quyền, trong lực lượng vũ trang ắt phải tìm đến Phật  giáo.

Một phó chủ tịch phường chẳng hạn, không cần che giấu việc mình đi chùa, không ngần ngại khi mời các đồng chí trong phường đi ăn chay ngày rằm, mồng một, nhưng vẫn không lo việc không được đề bạt lên ghế chủ tịch vì đã là người có đạo. Theo đạo Phật họ vừa có đạo, vừa không có.

Một đại úy công an chẳng hạn, có thể làm lễ tang, cúng thất cho thân phụ mình, theo nghi lễ Phật giáo, trong đó anh hành lễ như một tín đồ Phật giáo, mà không sợ vi phạm kỷ luật.

Phải thấy đây là một thế mạnh đối với việc hoằng hóa Phật giáo. Khi đã thấy đây là một thế mạnh đối với việc hoằng hóa Phật giáo, thì cần thấy quan chức trong chính quyền, trong lực lượng vũ trang là một đối tượng đặc biệt thuận lợi trong việc hoằng pháp. Thực tế, một số không nhỏ trong họ đã là những người bạn của Phật giáo, những người bạn đặc biệt.

Đặc biệt vì vị trí của họ, còn đặc biệt, vì vai trò của họ, những quan chức, tức là những người có trọng trách trong xã hội.

Với một số đã là bạn của Phật giáo, mức độ “bạn” của họ sẽ rất khác nhau. Có người mạnh dạn đưa cả gia đình lễ chùa ngày rằm, mồng một, đến chùa dự các cuộc lễ Phật giáo theo lời mời, thì không ngần ngại chắp tay, niệm Phật thành tiếng. Thậm chí có người còn tinh thông giáo lý, thường đọc kinh sách Phật.

Nhưng cũng có người còn ngần ngại, chưa chắp tay niệm Phật khi được mời dự lễ ở chùa, đi chùa riêng chỉ vài lần, chưa biết gì nhiều về đạo Phật. Có thể họ còn lúng túng vì lý do này khác. Chúng ta hãy giúp họ vượt qua sự lúng túng, khó khăn đó, bằng cách cổ vũ họ bằng những hình thức thích hợp.

Hình ảnh vị Tổng bí thư đi chùa, vị Chủ tịch nước lễ Phật… chắc chắn sẽ giúp ích cho họ cũng như giúp ích cho Phật giáo trong việc hoằng hóa đối với đối tượng đặc biệt này.

Giúp đỡ những người bạn đặc biệt đến với Phật giáo, đã đến thì đến gần hơn nữa, đã là bạn thì là những người bạn thân thiết, gần gũi, là trách nhiệm chung của Phật tử chúng ta.

Nếu họ chưa đến chùa? Ừ thì cứ đến chùa “vi hành”, “dân vận” trước cái đã, rồi sau đó lễ Phật tụng kinh. Nếu họ chưa chắp tay niệm Phật thì bức ảnh Chủ tịch nước chắp tay dâng hương, rồi lễ Phật thành kính sẽ là một điều thôi thúc.

Còn có người muốn ngăn cản họ đến chùa bằng cách chụp ảnh xe bảng số xanh đậu trước cửa chùa gửi báo, thì hình ảnh những dãy xe bảng số xanh đoàn Chủ tịch nước, đoàn thủ trưởng… đậu trước cửa chùa sẽ giúp họ vượt qua những điều bận tâm đó.

Đã xác định họ là những người bạn đặc biệt, thì hãy đưa họ đến chùa, đến chùa nhiều hơn bằng mọi cách có thể, miễn là chính đáng, hợp lý đúng với sự thật.

MT

Phản hồi, thông tin riêng: [email protected], facebook.com/cusiminhthanh.