Trang chủ Văn hóa Giới thiệu sách Sách thiền nở rộ

Sách thiền nở rộ

95

Cạnh một loạt cuốn của Nhật Quang biên soạn do NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh in sắp dài trên kệ gồm: Tâm thiền, Hoa thiền, Hương thiền, Đuốc thiền, Nếp thiền, Suối thiền, Rừng thiền, Sống thiền…, mới đây bạn đọc thấy có thêm nhiều cuốn khác như: Tham thiền – vẻ đẹp và tình yêu của Krisnamurti do NXB Lao Động ấn hành, Thiền và nghệ thuật đối diện với cuộc đời của Chánh Tín do NXB Trẻ tung ra cuối quý 2 năm 2007.


Tiếp tục tham gia chủ đề đang lên như triều cường này, vừa qua NXB Văn Hóa Sài Gòn tung ra một cuốn của Goenka do Pháp Thông dịch với nhan đề: Thiền ngay bây giờ. Và từ Huế, NXB Thuận Hóa với cuốn Mỗi ngày một câu chuyện thiền được giải thưởng của Cục Xuất bản về sách có bìa đẹp năm ngoái. Năm nay, nổi lên NXB Phương Đông với những tác phẩm đã in như Thiền tông vô môn quan của Võ Môn Tuệ Khai (Lý Việt Dũng dịch), Cốt lõi thiền qua truyện tích do Trần Trúc Lâm biên dịch, Cuộc tham thiền các cảnh giới huyền bí do Tâm Quang biên dịch.


Và dĩ nhiên, số lượng nổi bật nhất về sách có nội dung thiền phải kể đến NXB Tôn Giáo – Hà Nội, với hàng loạt cuốn: Thiền đốn ngộ, Thiền căn bản, Tham tổ sư thiền, Thiền thất khai thị lục… Trong số các tác giả biên soạn và giảng giải về thiền và lịch sử thiền tông có uy tín từ các thập niên qua phải kể đến hai vị hòa thượng đáng kính Thích Thanh Từ và Thích Duy Lực (đã tịch). Các tác giả Việt Nam ở nước ngoài có các sáng tác có bóng dáng thiền được xuất bản ở Việt Nam cũng không thiếu như: Nguyễn Tường Bách (Đức), Trần Kiêm Đoàn, Nguyễn Xuân Dũng (Hoa Kỳ – Canada)…








Vua Trần Nhân Tông – vị vua sáng lập dòng thiền Trúc Lâm đời Trần do họa sĩ Đinh Cường vẽ theo bản in gỗ, in trong sách Nghiên cứu về Thiền uyển tập anh


Điểm sơ qua như thế để hình dung sách thiền đang rộ nở và đang được nhiều nhà xuất bản trong Nam ngoài Bắc ấn hành rộng rãi. Có hiện tượng này trước hết xuất phát từ nhu cầu của đông đảo bạn đọc đang muốn phát triển đời sống tâm linh của chính mình qua các phương pháp thiền quán. Cũng không ít bạn đọc muốn đến với sách thiền để tìm hiểu tăng thêm kiến thức về lĩnh vực đang có sức quyến rũ đặc biệt này. Mà trước hết là những cuốn liên quan đến lịch sử thiền tông Việt Nam.


Những cuốn ấy cho thấy thiền ở Việt Nam phát triển từ hàng nghìn năm trước và kết thành quả ngọt với sự ra đời của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử đời Trần. Một trong các cuốn xưa nhất viết về các thiền sư Việt Nam thời Đinh, Lê, Lý, Trần bằng chữ Hán đến nay vẫn còn thu hút sự chú ý của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước là Thiền uyển tập anh (Tinh hoa trong vườn thiền), được Lê Quý Đôn đưa vào bản thư tịch đầu tiên của nước ta và sau đó Phan Huy Chú ghi lại qua bộ sử do mình soạn. Đến thế kỷ 20, Thiền uyển tập anh tiếp tục thu hút các học giả như Trần Văn Giáp, Gaspordone nghiên cứu và mới đây, NXB Phương Đông giới thiệu cuốn Nghiên cứu về Thiền uyển tập anh của Lê Mạnh Thát dày hơn 900 trang đề cập đến truyền bản qua các đời và tên gọi, tác giả, năm biên soạn, hiệu bản, phiên dịch và chú thích đầy đủ, đáng tin cậy.


Sách thiền nước ngoài cũng được dịch và giới thiệu với bạn đọc Việt Nam như: Thiền và nghệ thuật bắn cung, Những nữ thiền sư Hoa Kỳ, Thiền xóa tan bóng tối, Sống trong tham thiền chu kỳ ngày và đêm chẳng hạn. Đó là các cuốn nói về thiền sống động ở nhiều nước: Trung Quốc, Nhật Bản, Miến Điện và đặc biệt tại các nước Âu Mỹ hiện nay. Hấp dẫn có lẽ là một số sách thiền xuất phát từ Tây Tạng như: Milarepa – đại thiền giả  được xem “là một trong những cuốn sách cội nguồn vĩ đại nhất cho đời sống tham thiền trong toàn thể nền văn học thế giới”.


Sách này hướng dẫn chi tiết tìm về bản tánh sâu xa của mỗi người, vạch ra con đường của một con người đại tội lỗi như Milarepa đã trở thành một đại thánh như thế nào, đồng thời sách chứa đựng câu chuyện dân gian sinh động, với những tình tiết đậm đà tình người và đồng thể tánh đại bi.