Trang chủ Người thời nay Nghệ sĩ “Sao” và ngày lễ Vu Lan

“Sao” và ngày lễ Vu Lan

95

Sao Mai Ngọc Anh: Sinh con mới hiểu lòng cha mẹ


Trước đây, cũng có những lúc mình cãi lại mẹ nếu như bất đồng quan điểm. Tuy nhiên, khi mình sinh em bé, mình thấy có sự kết nối vô cùng thiêng liêng giữa hai mẹ con, và mới hiểu rằng tình thương yêu của mẹ dành cho mình thật to lớn. Bố mẹ Ngọc Anh còn trẻ nên Ngọc Anh cũng chưa phải “phụng dưỡng” cha mẹ, thậm chí giờ lấy chồng rồi mà bố mẹ vẫn quan tâm lắm.


Khi sinh em bé, cả hai mẹ luôn ở bên cạnh Ngọc Anh nên cảm thấy rất yên tâm và nhẹ lòng. Cả hai mẹ không làm nghệ thuật nhưng lại rất am hiểu và luôn động viên Ngọc Anh, chính vì điều này, sự báo hiếu đối với cha mẹ chính là sự thăng tiến trong nghề nghiệp, Ngọc Anh sẽ cố gắng phấn đấu hết mình để đền đáp ơn sinh thành của cha mẹ.


Vu Lan năm nay, Ngọc Anh ở Hà Nội nên sẽ không về quê thăm các cụ được. Sẽ rất nhớ cái không khí cả nhà quây quần nấu nướng, cúng bái rồi đốt vàng mã, vì Rằm tháng 7 mọi nhà đều làm cỗ to lắm. Ở Hà Nội, Ngọc Anh cũng sẽ tổ chức cúng Rằm, bởi lễ Vu Lan ngoài việc tỏ lòng thành kính với cha mẹ còn là lễ “xá tội vong nhân”, mong muốn các linh hồn được siêu thoát.


Tấn Minh: Lòng mẹ bao la như biển


Minh là đứa trẻ khá hiền lành khi còn đi học, tuy thế, cũng hay nghịch ngầm lắm. Nhiều lần đánh nhau với bạn, hoặc làm hỏng đồ đạc nhà hàng xóm thì mẹ chính là người đến xin lỗi và đền bù đồ đạc cho họ. Những khi bị phạm lỗi, thay vì la mắng như nhiều bà mẹ khác, mẹ Minh lại nhẹ nhàng khuyên giải, phân tích cho Minh những điều đúng sai và Minh luôn cảm thấy ăn năn hối lỗi, ghi nhớ những lời mẹ căn dặn.


Bây giờ có con rồi, mỗi lần cu Tít mắc lỗi, Minh cũng nhẹ nhàng gọi con ra một chỗ và phân tích cho bé hiểu rõ đúng sai, cho dù mới gần 3 tuổi nhưng cu Tít cũng rất biết lắng nghe, Minh vui vì điều đó. Rằm tháng bảy hàng năm, nếu như hai vợ chồng không phải đi diễn xa thì đều về nhà ngoại, có năm thì về Nam Định thăm ông bà nội. Minh nghĩ rằng, báo hiếu cho đấng sinh thành không chỉ đến ngày Vu Lan, với Minh, lúc nào trong lòng mình, bố mẹ hai bên cũng chiếm vị trí cực kỳ quan trọng. Hai vợ chồng thường xuyên thăm hỏi và quan tâm đến bố mẹ nội ngoại, ngoài công việc thì chúng tôi rất hay tranh thủ về thăm gia đình.


Với Minh, mẹ có tấm lòng bao la như biển cả. Minh nhớ ngày đầu lên Hà Nội nhập học, tất cả đều lạ lẫm, mẹ đã căn dặn rất nhiều trước khi đi lên thành phố. Mẹ cũng là người lo lắng mọi thứ cho hành trang của Minh. Nhiều lần về nhà xin tiền, Minh chỉ dám xin mẹ vì nhiều khoản phải chi tiêu và mẹ là người hiểu Minh nhất. Minh nghĩ rằng thành công của mình ngày hôm nay luôn có hình ảnh của mẹ.


Quang Hà: Cài bông hồng lên áo


Những ngày này, trong các show diễn của mình, Hà thường hát bài Bông hồng cài áo (Phạm Thế Mỹ) – một bài hát vô cùng xúc động về tình cảm của những người con đối với mẹ. Những người may mắn còn mẹ ở trên đời thì hãnh diện cài bông hồng lên áo, để thấy mình thật sự hạnh phúc.









Ca sĩ Quang Hà.

Với Hà, cha mẹ luôn là chỗ dựa tinh thần cho mình mỗi khi sóng gió, va vấp trong cuộc sống cũng như con đường ca hát. Lập nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh trong khi gia đình vẫn ở ngoài Hà Nội, mỗi khi có dịp, Hà lại tranh thủ về thăm gia đình, để mong được sống trong không khí đầm ấm yêu thương của mọi người.

Hà rất thích câu Phật dạy rằng “Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc, Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không” – đó là câu thơ Hà thấy hay nhất khi khuyên nhủ những người con quan tâm đến mẹ của mình.


Tô Minh Thắng: Mẹ già như chuối chín cây


Mẹ Thắng năm nay gần 90 rồi, nhưng ơn trời vẫn còn khỏe và minh mẫn lắm. Hồi mới cưới vợ, Thắng đón cụ từ Quảng Ninh lên ở cùng. Bọn Thắng thuê nhà chung cư, tầng 14, tuy cao nhưng có thang máy nên nghĩ mẹ sẽ không phải vất vả. Ấy vậy mà ở được một thời gian, mẹ rất buồn và ít nói. Con dâu tâm sự thì mẹ mới bảo rằng, ở Hà Nội này chán lắm, cả ngày ngồi trong nhà như “tù giam lỏng”, không hàng xóm, không chùa chiền, không gì hết, mẹ về quê thôi. Con dâu cũng “hoảng” và Thắng đành phải động viên cụ mãi.









Ca sĩ Tô Minh Thắng. Ảnh: Blog Tô Minh Thắng.


Thế nhưng ở một thời gian thì cụ nhất quyết đòi về. Hóa ra, trong cái lý do là Hà Nội buồn chán vì không có hàng xóm, còn một lý do quan trọng nữa là cụ bà rất nhớ cụ ông. Sau này thanh toán tiền điện thoại mới biết ngày nào mẹ cũng gọi về Quảng Ninh cho bố, cho dù chỉ nói chuyện dăm phút. Vậy là Thắng đành phải đưa mẹ về quê. Các cụ nói chẳng sai “con nuôi cha không bằng bà nuôi ông”, Thắng thấy thật chính xác.


Mùa Vu Lan, Thắng thường phải đi diễn nên không về thăm mẹ được, nhưng sau đó thì về mấy ngày. Giờ mẹ già “như chuối chín cây” nếu không quan tâm chăm sóc thì sau này sẽ ân hận nhiều. Với Thắng, bố mẹ, gia đình luôn hai bên luôn là nơi mà mình phải quan tâm hàng đầu. Bởi người hạnh phúc nhất là người vẫn còn có mẹ và gia đình – đó là những điều thiêng liêng nhất trong cuộc sống.