Trang chủ Văn hóa Giới thiệu sách Sáu yếu tố dẫn đến đời sống cộng đồng hòa hợp

Sáu yếu tố dẫn đến đời sống cộng đồng hòa hợp

116

 


Vẽ đẹp cuộc sống dưới ánh sáng Tứ Diệu Đế : Sáu yếu tố dẫn đến đời sống cộng đồng hòa hợp

 
Khi có sự rạn nứt trong các mối quan hệ dẫn đến chia rẽ trong một cộng đồng, Đức Phật khuyên chúng ta tìm ra nguyên nhân chính yếu dẫn đến bất đồng và xung đột. Tạng Luật (Vinaya Pitaka) đưa ra bảy nguyên tắc để giải quyết bất đồng, trong khi Tạng Kinh (Sutta Pitaka) lại nêu lên sáu nguyên lý để có đời sống hòa hợp trong một cộng đồng. Nhận duyên khiến đức Phật đề ra những nguyên tắc này là sự kiện một cuộc tranh chấp, bất hòa đi đến bạo động và chia rẽ trong Tăng đoàn xảy ra ở thành Kosambi vào thời Phật còn tại thế. Cũng trong bối cảnh này, một trong bảy nguyên tắc để giải quyết bất đồng đã được áp dụng.
 
Có sáu nguyên lý cấu thành sự hòa hợp trong một cộng đồng theo quan điểm Phật giáo (Kosambiyasutta) như sau:
 
 

          1.Một người Phật tử phải cư xử thân thiện với người khác trong cộng đồng (mettam kaya kammam) trong thân hành.

 
          2. …thân thiện trong khẩu hành (mettam vaci kammam),
 
          3. …thân thiện trong ý hành (mettam vaci kammam),
 
          4. Họ phải chia sẻ lợi dưỡng có được một cách hợp pháp một cách đồng đều đến những người trong cộng đồng.
 
          5. Họ phải cùng giữ giới.
 
          6. Họ phải cùng chia sẻ quan điểm (ditthiya ditthisamannagato viharanti)
 
Đây là sáu nguyên lý phải thực hành trong cộng đồng tu sĩ Pật giáo (Sangha) nhưng đây cũng là những yếu tố không thể thiếu để có sự hòa hợp trong mọi cộng đồng. Nguyên lý thứ nhất (mettam kaya kammam) hay thân hành hòa ái nói lên sự tôn trọng người khác phải được thể hiện trong hành động, ở nơi công cộng cũng như ở nơi riêng tư. Nguyên lý thứ hai (mettam vaci kammam) hay khẩu hành hòa ái chính là lời nói đúng sự thật, dễ nghe và đem lại lợi ích; thiếu một trong ba yếu tố trên, lời nói được xem là không thân thiện. Nguyên lý thứ ba (mettam mano kammam) hay ý hành hòa ái nói lên rằng những lời nói và hành động thân thiện kia phải xuất phát từ một tấm lòng chân thành hay thiện ý để có sự hòa hợp. Chỉ riêng ba điều kiện này cũng đủ khiến cho các mối quan hệ gia đình hay bạn bè, xã hội bền chặt, an toàn và vui vẻ hơn rất nhiều.
 
Nguyên lý thứ tư đề cập đến sự phân chia lợi nhuận trong một cộng đồng. Đây cũng là một vấn đề gây nhiều tranh cãi trong các hệ thống triết học, đặc biệt là giữa TBCN và XHCN. Nguyên tắc hành xử này phải được hiểu như thế nào đây? Ba nguyên lý cuối sẽ là đề tài chính được phân tích và tổng hợp để thảo luận trong bài viết này theo quan điểm Phật giáo liên quan đến những vấn đề nhân sinh và xã hội, nhất là trong bối cảnh xã hội đang bị phân hóa bởi quan niệm (giới), định kiến (kiến) và lợi tức như hiện nay.
 
Trong Sangha, vấn đề này cũng khá tế nhị. Theo đúng giới luật nguyên thủy, thành viên của Tăng đoàn phải đi khất thực đúng pháp, và vật thực nhận được đem về chùa thường được chia sẻ đồng đều đến những vị cùng ngồi ăn chung một chỗ. Ngày nay, hầu hết thành viên của Tăng đoàn không còn đi khất thực nữa, những gì được cúng dường đến Tăng chúng, kể cả tịnh tài, cần phải được xem là của chung. Khi có nhu cầu về chỗ ở, dược phẩm, y cụ, hay thức ăn, vị Tăng (Ni) có thể yêu cầu cộng đồng mà vị đó đang cộng trú về những nhu cầu tối thiểu này của đời sống. Người viết bài đã thấy nguyên tắc này được thực hành rất thành công ở Myanmar (Sitagu Academic) và ở trong tổ chức Phật Quang Sơn (Taiwan). Thành viên của Tăng đoàn không nên được khuyến khích sở hữu tài sản ngoài Tứ vật dụng, nguyên tắc này có tác dụng ngăn ngừa lòng tham đối với vật chất, địa vị hay quyền lực. Đối với một hành giả tìm cầu giải thoát thì lợi dưỡng và danh tiếng (cùng với địa vị và quyền lực đi kèm với chúng) chỉ là những cản trở trên lộ trình giải thoát.
 
Nguyên lý thứ tư cũng liên quan đến một phẩm hạnh khác luôn được ca ngợi và khuyến khích trong Phật giáo, đó là sự chia sẻ những gì mình đang có với người khác (Dana – bố thí, cúng dường hoặc Caga – từ bỏ, hy sinh). Điều này loại bỏ tính ích kỷ – chỉ muốn giành làm của riêng và bỏn xẻn – chỉ muốn giữ để dùng riêng; nó cũng có tác dụng ngăn chặn sự tích lũy tài sản một cách bất hợp pháp. Nếu nguyên tắc này được tôn trọng đúng mức, tình trạng lạm dụng của công trong xã hội sẽ không xảy ra. Bố thí hay làm từ thiện thể hiện tâm từ bi đến những người kém may mắn trong xã hội, trong khi đó cúng dường lại thể hiện sự kính trọng những người có đạo đức và trí tuệ. Những hành động này giúp cho xã hội thực sự công bằng và văn minh hơn. Trong bảng phân loại các thiện pháp (những hành động đáng được tán dương trong giá trị đạo đức Phật giáo) thì Dana thuộc về mười thiện nghiệp, Caga thuộc về bảy báu vật trong nhân cách làm người.
 
Trở lại với vấn đề phân chia và sử dụng tài sản chung, đây là một vấn đề rất quan trọng vì nếu không thực hành đúng theo nguyên tắc bình đẳng và không thiên vị, nó có thể dẫn đến tranh chấp và bạo động. Do đó vấn đề này phải được thảo luận một cách cởi mở và dân chủ, không nên xử lý một cách mờ ám hay độc quyền. Tài sản chung bao gồm cả tài nguyên thiên nhiên, chúng ta không nên lạm dụng và ‘bóc lột’ thiên nhiên để rồi phải trả giá cho lòng tham ích kỷ của con người. Agganna sutta (DN) kể về sự kiện con người chiếm dụng và tích trữ ‘của chung’ làm ‘của riêng’ và ngay lập tức xã hội bị mất cân bằng dẫn đến sự chỉ trích và các hình phạt. Khi một người hay một nhóm người sử dụng những kỹ xảo (bất thiện) để chiếm đoạt nhiều hơn, mặc cho những người khác (thường là số đông) thiếu đói và khốn khổ thì tất yếu sẽ dẫn đến mất cân bằng, đấu tranh và bạo động. Trường bộ kinh (DN), Kutadanda Sutta đề cập khá tường tận về việc phân chia tài sản trong xã hội và những biện pháp mà tầng lớp lãnh đạo phải thực hiện để đem lại sự công bằng và trật tự, an vui cho xã hội. Trong Tăng đoàn, việc phân chia tứ vật dụng (thức ăn, y áo, chỗ ở, và thuốc trị bệnh) phải được bắt đầu bằng ba lần thông báo (Natti) và một lần kết luận (…) rất trang trọng và cởi mở trước sự có mặt của toàn thể Tăng đoàn (Sangha). Nếu chỉ cần một thành viên của Tăng đoàn không đồng ý với vấn đề đang thảo luận, sự việc sẽ không được tiến hành.
 
Nguyên lý thứ năm đề cập đến đời sống đạo đức mà trong đó thành viên của cộng đồng phải tôn trọng những giá trị đạo đức chung. Cộng đồng Phật tử có chung một tiêu chuẩn đạo đức là Năm Giới (không: sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, say sưa nghiện ngập). Thành viên của Tăng đoàn có nhiều giới cấm hơn nhưng phân tích ra thì chúng cũng chỉ là những qui định có tác dụng hạn chế hành vi cư xử của một bậc xuất gia trong mối liên hệ với tiêu chuẩn đạo đức xã hội, những tập tục văn hóa của một xứ sở (India 2500 trước), và chúng có một nền tảng chung là năm giới. Trong những bối cảnh văn hóa, truyền thống khác nhau, các tiêu chuẩn đạo đức cũng có dị biệt. Nếu một người hay một nhóm người cứ chấp thủ vào giá trị tiêu chuẩn đạo đức của mình hay nhóm người có cùng quan điểm với họ mà không chịu nhìn nhận những giá trị này chỉ có tính tương đối, thì bất đồng và bạo động rất dễ xảy ra. Trong nhiều pháp thoại đức Phật bày tỏ sự không bằng lòng với những thành kiến hẹp hòi và cách khẳng định có tính chủ quan cho rằng “chỉ điều này là đúng, tất cả các quan niệm khác là sai” (idam saccam moghanannati). Kiến chấp, nhất là sự khăng khăng bảo thủ ý kiến hay quan điểm của mình (hay phe nhóm) và không lắng nghe người khác đang nghĩ gì, muốn gì và cần gì rất dễ dẫn đến độc quyền và đàn áp. Để loại trừ khả năng này nguyên tắc thứ năm chính là sự chia sẻ quan điểm (và lắng nghe) để có được sự hòa đồng mà không gây căng thẳng dẫn đến chống đối và chia rẽ.
 
Người ta có những ý kiến và chuẩn mực khác nhau về đức hạnh hay đời sống đạo đức. Những người thuộc truyền thống văn hóa, tôn giáo hay chủ kiến khác nhau thường không sống hòa hợp một cách dễ dàng. Nguyên nhân chính dẫn đến hiểu nhầm, nghi kỵ và xung đột là do thiếu hiểu biết về nhau, do đó việc chia sẻ quan điểm để tìm đến một giải pháp dung hòa là điều rất cần thiết. Nếu người ta không thể có sự thống nhất trong quan điểm, một giá trị đạo đức chung, tối thiểu cũng phải tôn trọng những giá trị và chuẩn mực đạo đức của phía kia, hay nhóm người khác tôn giáo, chủ nghĩa hay văn hóa với mình để tránh bạo động và chiến tranh. Hơn 2000 năm trước, một vị vua Phật tử vĩ đại đã tuyên bố: “Hãy lắng nghe (và học hỏi) từ tôn giáo khác, hãy kính trọng truyền thống khác. Những ai vì lợi ích của tôn giáo (hay truyền thống, chủ nghĩa) của mình mà bôi nhọ và phá hoại niềm tin của kẻ khác, những kẻ đó quả thật đang tự chuốc lấy tai họa cho tôn giáo của họ.
 
Nguyên lý thứ sáu liên quan đến kiến giải và quan điểm, lập trường mà các thành viên của một cộng đồng phải công nhận hay tôn trọng để có được sự cộng trú hòa hợp. Chánh kiến trong đạo Phật là tránh những cực đoan (ubho anta) và cố chấp, bảo thủ (silabbata-pramasa). Một quan điểm đúng đắn đến từ sự tìm hiểu thấu đáo, cách quan sát khách quan từ một vị thế trung dung không thiên vị. Đây cũng chính là chìa khóa mở ra quan điểm ôn hòa như là bước chuẩn bị cho sự hội nhập văn hóa, đạo đức và các giá trị nhân bản trong môi trường toàn cầu hóa hiện nay. Về phương diện này, Phật giáo với con đường Tam Chánh như là sự thực hành Trung Đạo (Majjhima Patipada- Middle Way) được xem là phương cách dung hòa nhất. Bằng chứng là suốt hơn 2500 năm lưu truyền trên thế giới, Phật giáo chưa từng vận động một cuộc thánh chiến nào cho vị trí độc tôn của mình. Thuyết vô ngã (anatta) và tánh không (Sunyata) của đạo Phật cho rằng mọi giá trị (từ vật chất đến tình cảm, tâm linh) trong đó có cả giá trị đạo đức, quan niệm sống và niềm tin tôn giáo đều mang tính tương đối của các giá trị và của mọi hiện hữu, chúng ta sẽ thôi chấp ngã chấp nhân, điều có thể dẫn đến hiềm khích, bất hòa và bạo động, chiến tranh.
 
Lịch sử loài người đã chứng kiến những cuộc tàn sát đẫm máu xuất phát từ sự đối nghịch trong quan điểm mà người ta gọi là lập trường tư tưởng. Khi người ta thủ giữ vào cái gọi là ‘lập trường tư tưởng’, người ta trở nên rất hẹp hòi và nhìn nhận, đánh giá sự kiện theo quan kiến bị bó hẹp và thiếu khách quan đó…
 
Các vấn nạn về nhân sinh và xã hội cần phải được xử lý từ gốc rễ hay nguyên nhân: đó là tính ích kỷ, tham lam, sân hận và mê lầm, và chúng cần phải được giáo dục và chuyên hóa. Trong một pháp thoại khác, “Giảng về Pháp không phân tranh” (Exposition of Nonconflict), Đức Phật chỉ ra một nguyên lý rất quan trọng liên quan đến cách nhìn nhận con người và sự việc: chúng ta nên thấy sự việc hay sự kiện chỉ là pháp (dhamma) là đáng ca ngợi hay cần sửa đổi, đừng nhìn nhận là người rồi khen chê, ca tụng hay hủy báng mang tính cá nhân. Vì nếu chúng ta thấy ngã thấy nhân, ca tụng hay hủy báng bên này bên kia thì sẽ đi đến chỗ định kiến, ngã mạn và hơn thua tranh đấu. Do đó kiến hòa hay sự ôn hòa trong kiến giải chỉ có thể có được từ sự phân tích sự việc một cách khách quan, không thủ chấp.
 
Trong pháp thoại “Những nguyên nhân của các mối bất hòa” Đức Phật đã chỉ ra sáu loại phiền não mà nếu ai ôm mang chúng thì bất luận ở đâu, với ai cũng có bất hòa và bất an. Những phiền não nghiệp chướng đó là: “nóng giận và hay trả đũa, khinh khi và hay lấn lướt, ganh tỵ và keo bẩn, gian dối và hay lường gạt, hoặc là tham muốn bất chính và tà kiến, hoặc là dính kẹt vào quan kiến (hẹp hòi) của mình, bám níu vào nó một cách bướng bỉnh và từ bỏ nó một cách khổ sở. Cũng trong pháp thoại đó, Đức Phật nói thêm rằng trong bất cứ cộng đồng nào có những người (hay chỉ một người) như vậy, kẻ đó sẽ gây gỗ, đem tai hại, bất an và phiền não đến cho những người khác. Khi người nào bị cuốn vào tham lam, giận dữ hay kiêu căng, người ấy có thể hành động một cách ngu ngốc và như vậy tự chuốc lấy đau khổ, phiền não và mất mát cho mình và người. Do vậy chúng ta cần phải suy xét một cách khôn ngoan về động cơ, hoàn cảnh và hậu quả của hành động mà mình đang hay sắp làm nhằm tránh nhứng sai lầm hay tác dụng không tốt đẹp.
 
Tam độc: tham, sân và si chính là gốc rễ của mọi xung đột. Chúng được biểu hiện trong 10 ác nghiệp như giết chóc, trộm cắp, lang chạ, dối trá, nói xấu sau lưng người, nói đâm thọc, thèm muốn bất chính, ác ý, và tà kiến. Đạo Phật dạy chúng ta lánh xa những hành động phi đạo đức bằng cách giữ giới, và tích cực hơn nữa và chủ động làm các việc thiện đem ích lợi đến cho cộng đồng. Một khi xung đột gia đình hay xã hội đã nảy sinh, những phía có liên quan nên gặp gỡ thảo luận để tìm ra nguyên nhân và giải quyết vấn đề tận gốc rễ. Giáo lý đạo Phật không bao giờ khuyến khích con người dùng những phương tiện hung dữ hay quá khích để giải quyết xung đột: “Hận thù không bao giờ dập tắt được hận thù, chỉ có lòng từ bi mới dập tắt được hận thù. Đây là một nguyên lý phi thời gian.” (Pháp cú 5). Và: “Người nào tìm kiếm hạnh phúc mà xây dựng nó bằng cưỡng bức và gây đau khổ cho kẻ khác, người cũng muốn hạnh phúc như y, y sẽ không bao giờ đạt được hạnh phúc thực sự.” (Pháp cú 131).
 
Sáu nguyên lý đem đến đời sống cộng đồng hòa hợp nếu được thực hiện nghiêm túc thì chắc chắn xã hội sẽ công bằng, dân chủ và văn minh thực sự. “Này chư Tỳ kheo, có sáu nguyên lý hòa ái tạo ra tình thương mến và kính trọng, đem đến lợi ích và không xung đột chia rẽ, đem đến hòa bình và thống nhất…
 
Hơn 2500 năm đạo Phật đã đi vào lòng người, trở thành một triết lý sống của nhiều trăm triệu người khắp nơi trên thế giới, những lời dạy trong sáng và những nguyên lý sống phi thời gian đã trở thành chuẩn mực cho một đời sống hòa bình, dung dị và đầy nhân bản. Trong Tương Ưng Bộ Kinh, Đức Phật dạy rằng trong cõi luân hồi vô tận, chưa từng có ai trên thế gian này chưa từng là cha, là mẹ, là vợ, là chồng, là anh, là em, là con cháu bạn bè với ta. Do đó hãy thương yêu, thông cảm và san sẻ với nhau, đừng oán thù và tàn hại lẫn nhau.
 
 

Melbourne International Buddhist College,

 
 

Vic. Arp. 18.2008
 

Theo: Vẻ đẹp cuộc sống dưới ánh sáng Tứ Diệu Đế 
Tác giả: Dhammananda Bikkhuni (Tỳ khưu ni Pháp Hỷ)  
Đánh máy: Thái Dũng Trung