Trang chủ Thời đại Giáo dục Sư cô TN Thánh Tâm giao lưu cùng Lớp Hán Nôm Huệ...

Sư cô TN Thánh Tâm giao lưu cùng Lớp Hán Nôm Huệ Quang

146

Trong xuyên suốt 2 tiếng đồng hồ, Sư cô đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc học chữ Hán, phương pháp học Hán văn và việc ứng dụng ngôn ngữ trong vấn đề tiếp cận và nghiên cứu văn hóa nói chung và văn hóa Phật giáo nói riêng.

Theo cô, bất luận là ở lãnh vực nào, ngôn ngữ là hết sức cần thiết cho một cá nhân, đối với một Học giả, một nhà nghiên cứu, cần thiết phải quán triệt hai loại ngôn ngữ, cổ ngữ và sinh ngữ. Trong đó, Hán văn bao gồm Hán cổ và Hán hiện đại. Hơn nữa, Hán văn là một khái niệm rộng, ở đó hiểu một cách ngắn gọn nhất, bao gồm các lãnh vực như: Văn tự học, Ngôn ngữ học, Ngữ pháp học, Văn học, Lịch sử, Văn hóa, Thư Pháp… hiểu theo nghĩa rộng thì có bao nhiêu môn, loại, khoa, kỹ lấy Hán văn để trước thuật, ký tái, sáng tác thì có bao nhiêu môn liên quan đến Hán văn. 

Như vậy, Ngôn ngữ (Hán văn) chính là cửa ngõ đầu tiên, là chìa khóa tiếp cận các nền văn hóa, trong đó có văn hóa Phật giáo, Hiểu được bối cảnh văn hóa, người học Phật sẽ hiểu sâu sắc hơn lời Phật dạy. Bởi lẽ, Ngôn ngữ là chìa khóa khai mở tri thức của Nhân Loại. Nói khác, Ngôn ngữ là phương tiện đưa con người từ cái chưa biết đến cái biết. Cho nên, học Hán Văn là con đường đưa người học trở về tìm hiểu văn hóa gốc, văn hóa thư tịch, văn bia của Phật giáo Việt Nam.

Vấn đề phương pháp học, theo kinh nghiệm học tập, Sư cô chia sẻ, việc học chữ Hán phải có phương pháp học rõ ràng và linh hoạt, học từ đời sống thực tiễn, trong thư tịch kinh điển Phật giáo, trong môi trường thư viện, và từ những bậc thầy nghiên cứu Hán học. Trong việc học tập từ những bậc thầy đi trước, Tăng Ni học viên nên gần gũi, học tập trực tiếp khi trên lớp, trong đời sống thiền môn, hay học gián tiếp từ những trước tác dịch thuật của các Ngài. Từ đó, tạo cho mình một động lực và tâm thế tự giác, hứng thú trong việc so sánh đối chiếu, tích lũy vốn từ và tập dịch những bài văn ngắn.

Trong buổi thuyết trình, sư cô còn đưa ra phần ứng dụng, vận dụng ngôn ngữ và phương pháp điền dã trong việc nghiên cứu để phát hiện một số lỗi của một số bài thơ khi chuyển ngữ sang tiếng việt như: Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu (như chữ “Tình Xuyên” trong bài thơ, không phải dịch là “Sông tạnh” mà là địa danh “Tình Xuyên Gác” nằm bên kia sông Trường Giang, đối diện với Lầu Hoàng Hạc bên này sông), Tĩnh Dạ Tư của Lý Bạch (chữ “Sàng tiền” trong bài thơ, không có nghĩa là trước giường, mà có nghĩa là trước Giếng, nên không thể dịch là “trước giường”, mà nên dịch là “trước giếng”) Phong Kiều Dạ Bạc của Trương Kế (“Giang Phong” trong bài thơ không có nghĩa là “cây Phong bên bờ sông”mà có nghĩa là Giang thôn kiều và Phong kiều) ..vv…

Buổi giao lưu có những câu hỏi mang tính thời sự và ứng dụng của Tăng Ni Học viên đưa ra, tạo nên không khí học tập song phương giữa thuyết trình viên và thính chúng. 

Hòa Thượng Giám Đốc Thích Minh Cảnh đại diện Trung Tâm đào tạo và phiên dịch Hán Nôm chân thành tri ân sự cộng tác của Sư cô với trung tâm và hy vọng sẽ đón những những chuyên đề nghiên cứu của sư cô trong thời gian tới.

Được biết, Chương trình chuyên đề được tổ chức vào mỗi thứ 07 hàng tuần, vào lúc 07 giờ tại giảng đường 0.3 của Trung Tâm đào tạo và phiên dịch Hán Nôm. Ngày 23 tháng 10 năm 2015, TT.Thích Giác Dũng sẽ chia sẻ đề tài: NHẬT BẢN ĐỐI VỚI VĂN MINH TRUNG HOA. Tăng Ni Phật tử có thể đến tham dự và liên lạc với văn phòng Đào Tạo TT Phiên dịch Hán Nôm để biết thêm chi tiết theo số đt liên lạc : 0996010176.