Trang chủ Thư viện Sách Tái bản bộ sách của Giáo sư Nguyễn Tường Bách

Tái bản bộ sách của Giáo sư Nguyễn Tường Bách

439

Đang sống và làm việc tại Đức, nhưng nhiều năm qua, tên tuổi của GS Nguyễn Tường Bách đã trở nên quen thuộc với độc giả trong nước. Là Giáo sư Vật lý nổi tiếng, đồng thời còn là một nhà nghiên cứu Phật học, ông dùng văn chương như một cầu nối giữa sự tinh thông Phật học và tri thức khoa học hiện đại. 

Mới đây, Công ty Phanbook vừa tái bản 3 tác phẩm tiêu biểu nhất của ông: Mùi hương trầm, Lưới trời ai dệt? và Đêm qua sân trước một cành mai với diện mạo mới đầy tao nhã và trau chuốt. Trước đó, vào năm 2018, Phanbook cũng đã ấn hành tập tùy bút Mộng đời bất tuyệt của GS Nguyễn Tường Bách.

Được in lần đầu năm 2004, Lưới trời ai dệt? là tập tiểu luận về những điểm giao thoa, nhất quán đầy bất ngờ giữa tri thức khoa học vật lý cơ bản, triết học hòa điệu trong thế giới quan Phật giáo. Bằng một lối viết tiểu luận văn chương sâu sắc và bay bổng, GS Nguyễn Tường Bách mang đến cho độc giả những hiểu biết về một vũ trụ nhất nguyên, vận động hài hòa. Những khái niệm vật lý cơ bản không còn khô khan, những bản kinh cổ Phật giáo không còn xa xăm diệu vợi, mà được kéo gần với những trải nghiệm, sự thông đạt vi diệu. Nhờ đó, con người không đơn độc khi nhận ra mình là một phần của bản hòa âm diễm tuyệt của tự nhiên.

Đêm qua sân trước một cành mai bao gồm 8 mẩu chuyện nhỏ, có không khí của những công án thiền, tỏa nguồn năng lượng tinh tấn và bình an. Trong những mẩu chuyện, các danh nhân như Nguyễn Công Trứ, Issac Newton, Albert Einstein… cho đến con người bình dị, những loài vật bình thường được đặt trong một thế giới tràn đầy tinh thần Pháp lạc.

Không chỉ đúc kết các chiêm nghiệm riêng, có khi GS Nguyễn Tường Bách còn là một hành giả, một khách lữ hành ghi chép thực địa, mở ra những cuộc đối thoại với tôn giáo, triết học trong một tinh thần khiêm cung và minh triết. Tác phẩm Mùi hương trầm là một minh chứng rõ nhất cho điều này. Trong vai một hành giả, ông đã khám phá chi tiết, chân thực văn hóa, lịch sử, cộng đồng Ấn Độ, Nepal, Tây Tạng, Trung Hoa và trở về quê hương Việt Nam. Cuốn sách là một áng văn du ký – hành hương với sự kết hợp giữa không gian ngôn ngữ hiện đại và cổ kính, giữa sự tái hiện khung cảnh và những chiêm
nghiệm nội tâm.


Quỳnh Yên (SGGP)