Trang chủ Tu học Phổ thông Tâm bình thế giới bình, phần 1

Tâm bình thế giới bình, phần 1

75

Phần 1: Cái gương thần

Khi mỗi chúng ta ngồi thiền giống như mình đang đối diện với một cái gương thần, có thể nhìn thấu tất cả mọi mầm mống ý nghĩ của người khác.

Gương thần giúp ta xoá hết các vết tích ta đã vô tình hoặc vô tình tạo nên trên gương mặt, nếu không soi vào đó ta không biết những vết tích đó làm khuôn mặt của ta xấu chỗ nào, đẹp chỗ nào. Cho nên gọi đó là gương thần.

Nếu trong khi ngồi thiền mà tâm động như vượn nhẩy nhót, chúng ta không biết một điều gì gọi là đúng là sai. Tâm ta càng động thì càng bị rối bù, càng bị sanh tử  ngoài đời kéo lôi, không biết chừng nào mới thoát ra được. Mỗi chúng ta càng sống trong “động” thì càng mê, mà càng “mê" thì nghiệp lực càng chấp.  Càng chấp thì nghiệp lực càng sâu dày, nghiệp lực mà sâu dày. Từ những chỗ đó sẽ dẫn ta sa vào vòng sanh tử luân hồi qua sáu nẻo trời – người – A tu la – địa ngục – ngạ quỷ – súc sanh.

Trong những đường đó thì ba đường ác: Địa ngục – ngạ quỷ – súc sanh là dễ sa vào nhất. Như vậy, tư tưởng chúng ta sẽ càng bị điên đảo, so đo, càng mê, càng chấp.

Càng mê, càng chấp sai lầm

Càng gây nghiệp chướng, càng đần độn lung

Biết khắc mộng phải bừng tỉnh dậy,

Thấy lạc đường thì chạy mau ra

Nếu tâm còn chút dần dà

Mộng sầu thêm nặng lầm sai càng nhiều.

Tu phải tỉnh là điều trước hết,

Học phải hành là bước đầu tiên.

Ham chơi nên mới thành ghiền

Tự lòng trói buộc tự nguyền gỡ ra,

Lẽ siêu độ Phật Đà chỉ dạy,

Nghiệp dữ lành mình phải tự lo.

Tự mình ăn mới được no,

Muốn người khác thế, ăn cho thì lầm.

Lý lẽ này ta sẽ thấy trong cuốn “Đường Giải Thoát” của ngài Thanh sĩ, những câu văn thơ tuy ngắn nhưng ý nghĩa rất sâu sắc. Khi chúng ta mê thì bản thân đâu tự biết, mình nóng giận mà có ai nói mình nóng giận như vậy không tốt thì mình có vui không ? Có hoan hỷ chấp nhận không ? Khi mình dở, người ta nói mình dở mình có dám nhận hay không ? Khi mình làm sai việc gì mà người ta góp ý, chỉ cho mình chỗ sai thì mình cũng đâu dám nhận. Chúng ta không tự nhận mà sẽ có những lý lẽ: Nhưng mà, tại vì, bị, vì thế này, thế khác v v…

Như vậy mới nói:

Càng mê càng chấp sai lầm

Càng gây nghiệp chướng càng đần độn lung”.

Cái dở đó, cái xấu đó, chính là gây thêm nghiệp chướng. Nghiệp là thói quen, nó luôn ngăn chận không làm cho chúng ta tiến hoá lên được, cho nên gọi đó là chướng.

Trên thế gian này có được mấy ai biết đến Tam Bảo, mặc dầu nhà vẫn gần chùa, vẫn có thời gian. Thế nhưng, họ để thời gian đó đi chơi, đi chỗ này, chỗ kia, mà không bao giờ để ý đến chuyện đến chùa để nghe pháp, học hỏi kinh điển v v…

Con đường trở về với đời sống tâm linh thì chỉ đến với những ai có duyên với Phật pháp, có chủng tử của Như Lai. Chính vì thế mà đối với những Phật tử ở xa họ cũng có thể đến đây, để mà học hỏi, để mà trau dồi đời sống tâm linh của mình. Mặc dù chúng ta vẫn còn mê, chưa thật sự ngộ được bản tâm thanh tịnh. Dù cho hành động tạo tác của chúng ta vẫn chưa có đúng pháp. Thế nhưng, không có nghĩa là mình không phân biệt được cái nào đúng, cái nào hay, cái nào hay, cái nào dở, cái nào phước, cái nào tội.

Tất cả đều do chúng ta có được cái bổn giác từ thời quá khứ, mà chúng ta đã gieo trồng ở ngôi Tam bảo. Cho nên, hiện tại dù sống xa chùa, hoặc trong công việc bận rộn thế nào thì tâm chúng ta vẫn hướng đến Tam Bảo hoặc khi nghe đến Tam Bảo là tự dưng chúng ta thấy phấn khởi, một sự phát tâm dõng mãnh. Đó chính là hạt giống nó đã có từ quá khứ, huống nữa là Tam Quy, huống nữa là năm giới. Huống nữa trong đây có người thọ Bồ Tát giới, Như vậy mình biết đây là bổn giác thời quá khứ của mình có nhiều đời, nhiều kiếp. Hột giống đó không ai có thể phá, không ai có thể làm cho nó mất đi. Trừ khi chúng ta tự sanh tâm tà kiến, không còn hoài vọng đến nó nữa, thì tâm bồ đề sẽ bị diệt mất. Diệt ở đây. Có nghĩa là quên trong lúc sống, chứ không hoàn toàn mất đi. Bởi vì nó đã vào trong A lại da thức của chúng ta rồi, nó tự bị vùi trong những kiến giải sai lầm mà chúng ta vô tình để quên nó:

Mạnh còn trước, yếu còn sau

Nghiệp luân chuyển chừng nào kể hết.

Khi chúng sanh còn kết giây oan

Ở trong ba cõi sáu đàng,

Cũng như ở giữa chiến trường khác chi

Người biết tâm thiện thì ít thấy

Kẻ đem lòng hại bạn cũng vô biên.

Tranh nhau ở kiếp hiện tiền,

Quên rằng nghiệp vẫn còn truyền khẩu ra

Xưa ma đó, nay thì Phật đó

Muốn có thì dò lại trong tâm.

Khi cái nghiệp nó đã ở trong cái thân, cái khẩu, cái ý của mình rồi, từ đó chúng ta trôi lăn trong sanh tử luân hồi, không bao giờ luống mất. Chính vì vậy, mà chúng ta thấy tại sao chùa lại ít có người tới để mà tu tập, để tìm hiểu sâu trong Phật pháp. Bởi vì căn lành của Tam Bảo của chúng sanh rất hiếm hoi. Cũng bởi người thân cận, hạt giống của Như Lai quá ít cho nên, Phật pháp rộng sâu, có những người tuy ở gần với Tam Bảo nhưng họ vẫn không mấy quan tâm đến. Như vậy đủ biết chủng tử Phật pháp của họ không có, hạt giống của Như Lai cũng không thể gieo trồng được.

Phật pháp rộng sâu khó tìm cầu, để được nghe những đạo lý cao siêu, đầy đủ ý nghĩa rõ ràng như thế này, thì không bao giờ họ chịu nghe. Bởi vì đối với họ là chuyện ăn, chuyện uống, chuyện tiền, chuyện bạc, chuyện ngủ, chuyện đi chổ này, chuyện làm việc khác.

Con người thường ngày hay buông lung, không chịu nhận lấy những sai lầm, lúc nào cũng cho mình đúng. Họ lại không bao giờ chịu sửa đổi những thói hư tật xấu, hơn nữa cũng do sự huân tập thói quen từ nhiều đời nhiều kiếp. Bây giờ nếu mình bảo họ bỏ đi những thói hư tật xấu, thì họ lại trở nên tự ái, cho rằng mình đụng chạm tới lòng tự trọng của họ.

Khi đối diện với những lý lẽ cuộc sống thì có khi họ sợ bị lương tâm cắn rứt. Họ sợ cái chơn tâm của họ nguyền rủa họ, họ sợ ngay cái chơn lý mà họ đối diện đó. Khi thực tế được hiển bày thì họ lại sợ đi tấm gương phản chiếu sẽ thấy được gương mặt tối tăm của họ. Thành ra, mấy khi họ dám tới, nhìn vào cái lương tâm của chính mình.

Khác với những người thiếu thiện căn trong Phật pháp chúng ta là những Phật tử, là người con Phật, mình phải tự biết nhìn lại bản thân, nhìn cái thực tướng của vạn pháp.

Chúng ta dám tự nhìn lại cái hay, cái dở của chính mình. Hằng ngày chúng ta đều phải biết tự kiểm soát thân tâm, tăng trưởng những cái hay, những cái duyên thánh thiện mà gieo trồng từ trong những kiếp quá khứ, cũng như hiện tại của chúng ta.

Chính vì vậy, mà mỗi bước chân đi, là mỗi bước gần tới con đường giải thoát. Mỗi bước đi của chúng ta đều là tấm gương phản chiếu để soi rõ con đường sống trong thánh thiện. Tất cả những sự cảm nhận của chúng ta khi tiếp xúc với nhau đều là nhân và duyên khi hội tụ đủ thì  tự dưng mình thấy quen hay thấy lạ, thấy thân hay là thấy ghét v v…

Cũng từ thân tứ đại hợp thành nhưng có người khi ta mới gặp lại cảm thấy thân, thấy mến, muốn kết giao thâm tình để trao đổi học hỏi. Cũng có người khi mình gặp rồi không muốn nói chuyện, hay không để lại một chút thiện cảm nào trong tâm thức của mình. Mỗi người chúng ta đều có cái nhìn khác biệt, nhưng không phải chúng ta chấp trước hay phân biệt gì.

Tất cả những cái nhìn nhận đó, đều được gọi là nhân duyên, đó cũng do năng lực của người đối diện, làm cho giác quan của mình cảm thấy người đó thân với mình từ khi nào mà mình không thể định hình ra được. Đối với những người mà chúng ta thấy như đã quen, thật ra là mình đã kết duyên từ những kiếp trong quá khứ. Nay duyên đầy đủ gặp lại thì chỉ thay hình đổi dạng, nhưng nhân duyên và nghiệp lực vẫn không thay đổi. Bất kể dù nghiệp thiện hay nghiệp ác, khi chúng ta tái sanh qua một kiếp sống mới, cái nghiệp thức đó vẫn cứ theo chúng ta như bóng theo hình.

Khi ý thức được nghiệp dẫn chúng ta đi trong sanh tử luân hồi như thế. Chúng ta phải ý thức sự sống, nhờ tấm gương thần phản chiếu soi rọi hành động tạo tác của chúng ta. Khi gương phản chiếu thấy mình xấu ác như thế nào đó, thì ngay lúc ấy chúng ta tỉnh giác, giật mình, biết rằng việc làm như thế là sai trái, là không đúng với đạo lý, nên mình cần phải tu sửa.

Chiếc gương thần, chỉ cho sự tỉnh thức phản chiếu, soi rọi lại nội tâm của mỗi người chúng ta. Nhờ chiếc gương thần diệu đó mà chúng ta cố gắng nổ lực tinh tấn, kiểm soát mọi hành vi, dù nó vi tế đến đâu cũng phải lau chùi cho tâm tánh trong sáng trở lại. Nhờ như vậy, mà chúng ta được đầy đủ trọn vẹn sự hiểu biết trong tánh thiện của mình. Còn tánh tánh giác, dĩ nhiên do công phu tu tập, do sự xả bỏ những tham đắm, do sự xa lìa những vọng tưởng điên đảo, nặng nề bên trong đó.

Bởi vì chính tâm vọng tưởng điên đảo, lúc nào cũng hiện hữu. Nên khi chúng ta chặt đứt tâm vọng này, vui cũng không, buồn cũng không. Phải cũng không, quấy cũng không. Phật cũng không, ma cũng chẳng có. Khi chúng ta dứt được những cái tâm vọng tưởng sai lầm đó thì tâm chúng ta được thăng tiến lên. Từ đó mà dù chúng ta có trôi lăn trong sanh tử luân hồi, thì thể tánh sáng suốt đó vẫn cứ soi đường, đưa chúng ta đến bến bờ giác ngộ.

Ở đây, tuy nói rằng tánh giác không thể lấy hình tướng mà soi, nhưng chúng ta mượn hình tướng, để có thể nhiếp phục các căn. Chúng ta dùng phương tiện, để cho căn tánh được thể nhập vào đạo lý uyên thâm, dùng phương tiện như ngồi thiền, tụng kinh, trì chú, để tâm chúng ta không loạn động.

Ví như ta đang thiền định là ta đang soi vào chiếc gương thần trước mặt, phản chiếu lại tự tâm, soi rõ tánh giác sáng suốt của chính mình. Nếu như chúng ta soi rọi kỹ trong tâm thức, nhìn kỹ xem thì sẽ thấy mình đang sống trong cảnh giới nào, đang loạn động, hay đang chánh niệm ?

Mỗi buổi sáng thiền định như vậy, nghĩa là mỗi ngày mà chúng ta tự kiểm soát được thân – khẩu – ý thì con đường giải thoát đi đến niết bàn sẽ là chỗ cho tất cả những ai chịu nhìn vào chiếc gương thần diệu ấy.

Pháp thoại ngắn này là sự Hồi hướng cho toàn thể quý vị luôn được tinh tấn, Bồ Đề tâm kiên cố, kiết tường như ý.

Những ai hành trì pháp,
Theo chánh pháp khéo dạy,
Sẽ đến bờ bên kia,
Vượt ma lực khó thoát.

Pháp cú số: 86

(Giảng tại chùa Đại Bi Tâm – Thụy Điển)