Trang chủ Tu học Phổ thông Thắng và tự thắng, phần hai

Thắng và tự thắng, phần hai

101

Chuyện thứ nhất là một mẩu chuyện đạo, kể về người con gái Trường Sinh, tiền thân của Phật, nuôi chí báo thù cho cha là Trường Thọ.


Trường Thọ có một nỗi oan là bị vua đem thiêu sống. Trước khi chết, ông than: Ta thật vô phúc vì đã không thể sinh được một đứa con trai để báo cho ta mối thù này. Chứng kiến được nỗi đau đớn của cha, Trường Sinh lập chí trả thù.


Cô giả trang thành nam nhi làm người đầu bếp hằng ngày nấu nướng ở chợ. Nhờ tài nấu ăn ngon, nên một ngày nọ, cô được người phụ bếp trong hoàng thất cho vào cung để nấu cho vua. Dần dà, cô chiếm được cảm tình của vua, từ đó khoảng cách giữa vua và cô không còn xa nữa. Cho đến một hôm, nhận thấy cơ hội thuận tiện, cô mời vua vào rừng đi săn mà không có tùy tùng.


Vì đi suốt cả một đoạn đường dài nên sáng hôm ấy vua rất mệt. Vua ngã lưng nằm nghỉ một lát trên phiến đá rồi dần thiêm thiếp đi. Cuối cùng cơ hội báo thù mà Trường Sinh chờ đợi bấy lâu cũng đã đến. Trường Sinh rút gươm ra định chém. Nhưng lạ thay, cô không giết vua được. Bởi khi rút dao ra khỏi vỏ, thì hình ảnh cùng câu nói hiền từ của mẹ cô lại hiện lên: Con ơi, mẹ là Phật tử. Mẹ không muốn con lấy thù hận để báo thù hận. Mẹ chỉ muốn con dùng từ bi mà xóa bỏ hận thù.


Cô rút gươm lại, đôi tay run run trước hình ảnh của cha cô: Ta thật vô phúc, đã không thể sinh được con trai để báo cho ta mối thù này. Ba lần rút gươm ra, ba lần cô thu lại. Cuối cùng, hình ảnh của mẹ cô đã thắng: Cô vứt gươm và quỳ xuống khóc bên vua. Vua tỉnh dậy, hay chuyện, đã vô cùng cảm động và muốn nhường ngôi lại cho cô. Nhưng cô từ chối và xin xuất gia.


Chính câu chuyện này đã gây cho tôi không ít xúc động, nhất là khi tôi được nghe các anh chị trưởng kể hồi còn sinh hoạt ở tổ chức Gia đình Phật tử. Cảm động nhất có lẽ chẳng phải hình ảnh cô gái Trường Sinh quỳ gối bên vua, mà là hình ảnh của mẹ cô với câu: “Con ơi, mẹ là Phật tử. Mẹ không muốn con dùng thù hận để báo thù hận. Mẹ chỉ muốn con dùng từ bi mà xóa bỏ hận thù”. Đó là hình ảnh của một người mẹ Phật giáo.


Tôi chưa một lần may mắn được tận mắt chứng kiến người mẹ như thế ở trên đời. Nhưng trong giáo lí của tôi, của chúng ta, luôn có hình ảnh của người mẹ ấy hiện hữu, đó là mẹ hiền Quán Thế Âm. Mẹ là hiện thân của đức tính từ bi, là suối nguồn an lạc, là chuối ba hương, xôi nếp một, đường mía lau, là cam lồ mát dịu… Mẹ thường hiện ra bên chúng ta mỗi khi ta vấp ngã.


Chuyện thứ hai là chuyện kể về nhân vật Sở Thiên Minh trong phim Bao Công Kì án.


Sở Thiên Minh là một tay giết người khét tiếng. Nơi ngọn núi mà anh thường chặn đường giết người cướp của, người ta đã đặt tên là núi Đoạn Hồn, vì ai đi qua núi này đều phải mất hồn. Tiếng đồn tới tai vua, vua sai Hộ vệ Triển Chiêu đem quân đi bắt. Minh rất giỏi võ, nhưng trước Triển Chiêu và đông đảo quân lính thì anh không làm sao địch nổi. Và anh đã bị trúng đòn của Triển Chiêu. Không đánh lại, anh bỏ chạy, mang theo trên mình đầy thương tích.


Có lẽ Sở Thiên Minh vốn có duyên lành với Phật pháp, nên khi trốn thoát được, vô tình anh đã chạy đến bên túp lều của Thiền sư Trí Hưu. Nếu không có Thiền sư mở rộng lòng từ ra tay cứu giúp thì có lẽ anh đã chết. Được cứu sống, khi tỉnh dậy, thấy mình đang ngồi bên một vị sư thì anh giật mình hoảng hốt.


Anh không ngờ một kẻ đầy tay vấy máu như anh mà cũng còn có người ra tay cứu. Tự nhiên hai mắt anh từ từ nhỏ lệ. Có lẽ đây là lần đầu tiên trong đời sau hơn ba mươi năm anh đổ lệ. Anh thưa với Thiền sư: Sao Ngài lại cứu con? Ngài cứu làm gì một người đầy tội lỗi như con? Sao Ngài không để cho con chết?


Thiền sư nói: Con ơi! Thân người rất quý, khó khăn lắm mới có được nó. Tuy đã tạo nhiều tội lỗi nhưng nếu con biết quay đầu thì không có tội lỗi nào mà biển cả Phật pháp không rửa sạch, chỉ cần con chịu ăn năn sám hối. Bằng ngược lại thì chỉ như voi sa hố, càng dẫy dụa càng lún sâu vào lầy mà thôi. Nói đến đó, Thiền sư ngất đi do hao tổn quá nhiều công lực.


Phần cuối của đoạn phim rất có hậu: Trước khi viên tịch, Thiền sư nhắc lại: Biển khổ vô biên, quay đầu là bờ con ạ. Chỉ chờ câu nói đó của Thiền sư mà Sở Thiên Minh đã sụp lạy. Và đó cũng là người đầu tiên mà anh lạy. Từ trước tới nay anh chưa từng sụp đầu hay quỳ gối trước ai bao giờ, trừ cha mẹ anh.


Anh nói: Con nguyện suốt quãng đời còn lại sẽ làm theo lời Thầy dạy, cho dù phải ra vào địa ngục nóng sôi hoặc phải phanh thây mình để làm thức ăn cho cọp. Trước khi Thầy đi, Thầy còn tâm nguyện gì chưa làm được, con xin làm thay Thầy tất cả. Thiền sư gật đầu nói: Con biết trở về là tốt rồi. Cuộc đời Thầy như thế đã là mãn nguyện, duy chỉ còn mỗi việc mà Thầy chưa làm được là cõng tượng Bồ-tát Quan Âm này lên dựng trên núi Đoạn Hồn và đổi tên núi thành núi Bồ-tát. Nếu con thay Thầy làm được điều đó, chẳng những Thầy được mãn nguyện mà mọi người cũng nhân nơi con mà được nhờ cậy.


Lời của vị Thiền sư đã làm cho Sở Thiên Minh bừng tỉnh: Núi Đoạn Hồn do anh tạo ra đầy tội lỗi bao nhiêu thì bây giờ chính tự tay anh phải có trách nhiệm gánh lấy. Gánh bằng cách nào? Thì bằng cách nào nữa: Anh phải có trách nhiệm làm cho ngọn núi đó thanh bình trở lại. Cõng tượng Bồ-tát Quan Âm lên núi rồi đổi tên núi Đoạn Hồn thành núi Bồ-tát là với ý nghĩa như thế.


Sau khi Thầy mất, Sở Thiên Minh ngày đêm âm thầm ngăn chặn bọn đàn em của mình. Nhưng hậu quả mà anh đã gây ra thì không còn có cách nào khác hơn là anh phải tự mình đối mặt: Anh càng hồi tâm hành thiện bao nhiêu thì tiếng đồn giết người của anh càng nhiều bấy nhiêu. Vì sao vậy? Vì tội ác mà anh đã tạo ra, nhân xấu vẫn còn đó, không đi đâu hết.


Nghĩa là, bọn đồ đệ của anh vẫn còn đó. Chúng nó giết người, rồi đổ cho anh. Và người ta cũng chỉ biết kẻ giết người khét tiếng không ai khác chính là anh, là Sở Thiên Minh. Sự kiện đó đã ám ảnh và theo anh suốt mấy năm liền. Nhiều khi anh tưởng chừng như mình đã ngã quỵ, nhưng vì nhớ lời Thầy nên anh hăng hái trở lại và anh đã không than phiền.


Thế rồi anh cũng vượt qua được: Anh đã dẹp được bọn đồ đệ của mình và trả lại sự yên bình cho dân chúng. Sau một hôm đọ sức với người em của mình thì Sở Thiên minh sức mòn lực kiệt. Tại núi Đoạn Hồn, khi anh đang cõng tượng Phật lên núi thì người ta mới vỡ lẽ: Sở Thiên Minh mà họ căm phẫn và đang truy nã bấy lâu nay không ai khác hơn chính là vị sư đạo hạnh đang cõng tượng Phật lên núi. Khi ấy, Bao Thanh Thiên nói: Sở Thiên Minh của hơn mười năm trước đã chết, bây giờ trước mắt ta chỉ còn lại một nhà sư đạo hạnh.


Một đoạn phim quá cảm động mà khi xem chính tôi đã không ngờ kết thúc của nó hay như thế. Hay nhất là triết lí “Quay đầu là bờ” (Hồi đầu thị ngạn) được đạo diễn dàn dựng đến mức tài tình.


Từ ý nghĩa quay đầu là bờ này, tôi cũng muốn nói thêm: Trước đây có một số người đã chỉ trích Phật giáo là tôn giáo tiêu cực, vì những ngôi chùa là nơi dung túng cho những thành phần bất hảo của xã hội. Kết luận như vậy thật chẳng chút nào khách quan. Nhưng điều đó chẳng làm tôi quan tâm mấy.


Điều mà tôi quan tâm là Phật giáo có tác dụng như thế nào khi bao dung cho những hạng người đó. Bao dung chứ không phải dung túng, vì bao dung và dung túng hoàn toàn sai khác. Bao dung là tích cực, dung túng là tiêu cực. Bao dung để làm gì? Để cho người xấu có cơ hội thay đổi, để họ đi lên, hoặc ít ra là để cho họ dừng lại tâm niệm xấu. Như thế thì có gì đâu là sai trái!


Cứ cho là tôi biện hộ cho Phật giáo đi. Nhưng cho dù tôi có biện hộ mấy thì cũng chẳng giúp ích gì thêm cho Phật giáo và Phật giáo cũng chẳng bao giờ cần tôi biện hộ. Bởi vậy, thái độ của chúng ta là: khi bàn đến vấn đề gì thì ta nên xét trên nhiều phương diện của nó. Nghĩa là, ở đây, ta hãy đặt vào trường hợp của ta xem: Nếu ta lỡ phạm những tội tày trời không thể tha thứ, khi đó ta sẽ làm gì? Tìm tới cái chết hay càng tìm đến với tội lỗi để cố quên mình?


Cả hai đều không được. Không được vì tội lỗi là điều mà không ai muốn, kể cả bản thân của người gây tội, chính họ cũng không muốn. Nếu đã không muốn thì vì sao họ lại đi gây tội? Thật ra đó chỉ là những giây phút mà con người chưa làm chủ được mình mà thôi. Khi chưa làm chủ được mình, ta gây tội, đó là lẽ thường tình. Vì sao? Vì “nhân vô thập toàn”.


Nhưng khi gây tội rồi thì đa phần chúng ta đều có tâm lí ăn năn. Cho dù trong suốt cuộc đời không ăn năn thì cuối cùng cũng ăn năn. Như chim sắp chết thì tiếng kêu của nó luôn bi ai; cũng vậy, con người khi cận kề với cái chết đa phần đều tìm về với thiện.


Người tạo tội mà biết ăn năn phục thiện thì có an, bằng ngược lại, không ăn năn, không phục thiện thì cả đời sống trong bất an. Vậy làm thế nào để thoát khỏi bất an? Làm thế nào để lương tâm khỏi bị cắn rứt nếu không nhờ môi trường tốt, mà chùa là một trong những môi trường tốt đó! Vậy đối với người lầm lỡ, nếu ta không chấp nhận họ thì họ sẽ đi về đâu?


Cho nên, ta phải nên hiểu người và thương người. Có hiểu người, thương người thì ta mới dễ tạo cho người lầm lỗi có cơ hội để họ tự mình sửa đổi, để họ làm lại chính họ và để họ làm lại cuộc đời. Và có tình thương thì chúng ta mới cảm thông được nỗi dằn vặt, dày vò của họ.


Có tình thương thì ta mới cảm thông được nỗi dằn vặt, dày vò của Vô Não, của Sở Thiên Minh khi đã lỡ gây ra trọng tội. Có tình thương thì ta mới cảm thông được nỗi đau xót trong hành động lỡ giết cha mình của vua A-xà-thế.


Nhưng nói thế không có nghĩa là người tạo tội không có trách nhiệm ăn năn, sửa đổi, mà ngược lại yếu tố chính vẫn nằm ở chỗ ăn năn hối lỗi của người đó. Nếu người đó biết ăn năn tức đồng nghĩa với việc người đó tự biết trách nhiệm lấy mình.


Nghĩa là người đó biết đương đầu với chính mình, đương đầu với những kết quả phát xuất từ nhân xấu mà mình đã tạo. Người đó không chạy trốn chính mình, không chạy trốn sự thật. Nếu được như thế thì người đó hoàn toàn xứng đáng với lời khen thưởng của Phật: “Có hai hạng người cao thượng đáng kính trọng: một là hạng người không bao giờ tạo lầm lỗi, hai là người tạo lầm lỗi mà biết ăn năn sám hối”.


Tóm lại, trong vấn đề tha tội, chúng ta đừng nên ích kỉ quá, nhất là khi chúng ta có sẵn môi trường tốt mà chúng ta không tạo cho người lầm lỗi để họ có được cơ hội tiến bộ: Tại sao một người từ bóng tối muốn vươn mình đến ánh sáng mà chúng ta không đón nhận? Tại sao một người ở dưới vũng bùn muốn bước lên bờ khô ráo mà chúng ta thờ ơ? Tại sao ta không tạo cho người đó một cơ hội để họ làm lại đời mình? Vân vân và vân vân. Điều mà tôi muốn nói chính là ở chỗ đó.


Vì sao chúng ta phải làm vậy? Bởi vì tôi tin vào sức mạnh của sự thật: sự thật sẽ chiến thắng sự không thật. Nghĩa là, bạn cứ tha thứ cho anh ta đi, anh ta sẽ phục thiện. Nếu không phục thiện thì tôi đố anh ta chạy trời cho khỏi nắng: nhân xấu anh tạo ra, rành rành còn đó, làm sao anh có thể chạy thoát được.


Cho dù anh có bay vào hư không, núp trong hang, lặn sâu dưới nước hay chui xuống đất thì nhân xấu anh đã tạo ra, khi quả khổ chín muồi thì anh đừng hòng trốn thoát. Khi đó dù có ăn năn thì đã muộn: không ai có thể thay thế cho anh được cả. Và cho dù anh chưa gặp quả báo xấu đi nữa thì ít ra toà án lương tâm của anh sẽ trừng trị anh và mọi người sẽ chê cười anh! Không lẽ anh cũng có thể chạy trốn được chính bản thân mình?


Không chạy trốn được chính mình. Vô Não đã không thể chạy trốn được chính mình, và Sở Thiên Minh cũng vậy. Bởi thế nên tôi nghĩ, cả hai người này nếu không có Phật giáo thì họ sẽ đi về đâu? Nghĩa là nhờ Phật, nhờ Thiền sư Trí Hưu mà họ biết quay về. Và khi họ đã quay về rồi thì tự họ biết họ sẽ làm gì.


Cho họ quay về không có nghĩa là để cho họ vào chùa trốn, là Phật giáo dung túng họ. Mà có nghĩa là chúng ta đã bao dung họ, giúp họ sám hối. Sám hối để làm gì? Để tiến bộ, để họ làm lại cuộc đời: từ con người thấp hèn trở thành con người cao quý. Điều đó thì chúng ta đã rõ. Chiến thắng của từ bi là vậy.


Từ bi là chiến thắng, thật ra đó chỉ là một cách nói. Mà nói đúng hơn, đó là một chất liệu sống tự nhiên mà mỗi người cần phải có. Cũng như để duy trì sự sống thì ta phải ăn. Người sống bằng chất liệu từ bi cũng tương tự như vậy. Người sống bằng từ bi thì khi thương người, giúp người, người đó không bao giờ toan tính. Cho nên từ bi là tình thương không có điều kiện, như Thiền sư Trí Hưu cứu Sở Thiên Minh chẳng hạn.


Tôi không tìm thấy nơi đâu ngoài Phật giáo lại có một triết lý sống vi diệu đến vậy: Ngài sống với lòng từ bi một cách tự nhiên như hít thở không khí. Tự nhiên đến nỗi khi cứu Sở Thiên Minh, Ngài không còn thấy mình là người cứu, Sở Thiên Minh là người được cứu. Tất cả chỉ nằm trong một niệm đó là niệm từ bi. Từ bi thì không còn thấy mình, không còn thấy người, không thấy cả hai; không còn thấy người tạo tội, không còn thấy người cứu; không còn thấy người được cứu. Bặt hết ý niệm chấp mình, chấp người, đó là chiến thắng cao thượng nhất.


Như vậy là tôi đã có thể trở lại với câu hỏi này được rồi: Trong hai cách chiến thắng trên, chiến thắng nào có giá trị đích thực? Thắng người hay thắng mình?


Thắng người được không? Có lẽ chiến thắng này chẳng còn có ý nghĩa nên ta khỏi phải bàn ở đây. Vì như những gì đã trình bày ở trước, thắng người dù dưới dạng thức nào đi nữa cũng gây đau khổ cho mình và khổ đau cho người, hoặc là trực tiếp, hoặc là gián tiếp. Như vậy chỉ còn lại thắng mình. Nhưng thắng mình cũng có nhiều dạng, vậy thắng mình như thế nào mới có giá trị đích thực?


Ở đây, bất cứ một sự tự chiến thắng nào cũng có giá trị của nó. Nhưng ở đâu có chiến thắng vắng mặt sự chấp thủ thì chính chiến thắng đó là giá trị, cao thượng và đáng tôn vinh hơn hết. Hay nói cách khác, chỗ nào có sự chiến thắng hoàn toàn vắng mặt chấp mình, chấp người thì ở đó có người gặt hái được nhiều chiến công oanh liệt nhất. Vì sao? Vì bỏ tất cả là được tất cả. Và như thế cũng đồng nghĩa với việc người đó nhận được nhiều danh hiệu cao quý nhất.


Chẳng hạn như đức Phật, Ngài được được tôn xưng đầy đủ 10 danh hiệu: Như Lai (bậc đến đi đúng như sự thật của chân lí), Ứng cúng (bậc đáng được hiến cúng), Chánh biến tri (bậc hiểu biết đúng và khắp), Minh hạnh túc (bậc đầy đủ trí tuệ và đức hạnh), Thiện thệ (bậc chướng ngại khéo vượt qua), Thế gian giải (bậc hiểu rõ thế gian), Vô thượng sĩ (bậc không ai sánh kịp), Điều ngự trượng phu (bậc khéo điều phục tất cả), Thiên nhân sư (bậc thầy của trời và người), Phật Thế Tôn (bậc giác ngộ cao quý nhất trên đời).


Đó là 10 danh hiệu cao quý mà mọi người Phật tử dùng để tôn xưng đức Phật. Tất nhiên đây chỉ là cách xưng hô mang tính “mẹ hát con khen” hay “mèo khen mèo”. Nhưng tôi không quan tâm tới điều đó. Bởi dù sao, với nhân cách như đức Phật, trừ những người có đầu óc thiên kiến, còn lại thì hầu hết ai cũng phải kính phục, nếu chưa muốn nói Ngài đã thật sự xứng đáng đứng riêng trong hàng ngũ vĩ nhân. Nếu chúng ta đồng ý với quan điểm như thế, thì tôi nghĩ rằng, việc tôi dùng những  danh hiệu cao quý để tán thán đức Phật cũng chẳng có gì là lạ và hoàn toàn không vì tình cảm.


Nhưng tôi không muốn xưng tán đức Phật bằng mười danh hiệu ấy. Tôi chỉ muốn ca tụng đức Phật bằng hai câu kệ này, bởi đơn giản đó được rút ra từ một bài kệ hay mà hằng ngày chư Tăng thường trì tụng:


“Đấng Pháp vương vô thượng,
Ba cõi chẳng ai bằng”.


Thú thật, ngày nào tôi cũng được nghe và đọc nhiều lần, nhưng chưa lần nào tôi quan tâm đến ý nghĩa trong đó, bởi vì nó quen thuộc quá. Chỉ kịp gần đây nhân đọc “Phật ở trong lòng” của HT. Thích Thiện Siêu, được Ngài giải rõ hai chữ “Pháp vương” thì tôi mới cảm nhận được ý nghĩa thâm thúy của bài kệ. Có lẽ chỉ cần mỗi ý nghĩa của hai chữ ấy cũng đủ cho tôi nói lên được tính cách chiến thắng vĩ đại của đức Phật.
Sao gọi là Pháp vương? Chữ Vương thì ai cũng hiểu là vua. Nhưng Pháp là thế nào?


Chữ Pháp, tiếng Phạn là Dharma, Duy Thức học định nghĩa là “Nhậm trì tự tánh quỹ sanh vật giải”. Đại để: Cái gì làm cho ta phát sinh ra sự hiểu biết thì đều gọi là pháp. Từ vật hữu hình đến vô hình, ngay cả những khái niệm như lông rùa, sừng thỏ, cái đầu thứ hai, cánh tay thứ ba (của con người)… là những thứ không có thật trên cuộc đời mà con người vẫn suy nghĩ tới, cũng đều gọi là Pháp. Nói chung, Pháp là từ dùng để chỉ chung cho sự vật cụ thể lẫn tâm lí trừu tượng. Như vậy, đức Phật là vua của các pháp (the king of all things).


Tại sao đức Phật được tôn xưng là vua của các pháp còn chúng ta thì không? Sở dĩ đức Phật được tôn xưng như vậy là vì Ngài đối với các pháp đã tự tại, không còn bị nô lệ. Ngài tự tại thế nào? Nghĩa là khi nhìn sắc đẹp, Ngài không bị sắc đẹp trói buộc. Khi gặp vàng, Ngài không bị vàng trói buộc. Khi nghe tiếng khen, Ngài không bị tiếng khen trói buộc. Khi nghe tiếng chê, Ngài không bị tiếng chê trói buộc…


Chẳng những Ngài đã không bị các pháp ác trói buộc mà ngay cả đối với các pháp thiện, Ngài cũng không bị chúng trói buộc. Bằng chứng là Ngài đã nói: “Pháp chơn chánh còn phải buông bỏ huống nữa là phi pháp!”. Còn chúng ta thì thế nào? Chúng ta nô lệ đủ thứ: nô lệ tiền tài, nô lệ sắc đẹp, nô lệ danh vọng, nô lệ tư tưởng…


Nô lệ và tự tại, tôi cũng xin nói thêm một ý nhỏ này nữa, cũng là để thay lời kết thúc bài viết.


Có thể nói thời đại của tôi, của chúng ta là một thời đại thanh bình, không còn bị nô lệ bởi chiến tranh. Nhưng có một thứ rất nguy hiểm và mạnh mẽ luôn chi phối chúng ta, bắt ta phải nô lệ là ba độc tham (tham lam), sân (sân hận), si (si mê). Làm thế nào để thắng chúng? Khó quá!


Vậy khó là chúng ta không làm được sao? Được. Bởi trong cuộc sống hiện tại, chúng ta vẫn có thể tìm thấy không ít những bài học và những tấm gương tự mình chiến thắng. Ở đây, tôi không muốn nhắc đến những tấm gương mà đối với chúng ta, chúng còn xa quá. Tôi chỉ muốn nói ở đây những chuyện bình thường.


Chẳng hạn chuyện anh Năm, bạn tôi. Một hôm tôi cùng anh đi về quê. Khi chúng tôi đang đi trên đường thì có một người thanh nhiên điều khiển chiếc xe Dream II từ ngã ba góc hẹp rẽ ra lao về phía anh. Cũng may là anh Năm “phanh” kịp nên tuy bị đụng ngã mà trên mình chỉ bị xây xát nhẹ. Nhưng cái mà tôi học được ở anh không chỉ có vậy. Khi anh Năm vừa đứng dậy, thì người thanh niên kia chưa kịp phân biệt phải trái đã đưa tay đánh vào anh liên tục. Anh không đánh lại mà chỉ đưa tay đỡ, vui vẻ xin lỗi rồi tiếp tục đi.


Trên đường đi, anh Năm nói với tôi: Cũng may mà mình “thắng” kịp đấy cậu ạ! Tôi lại học được chữ “Thắng” của anh trong trường hợp này. Sao anh tài tình thế: vừa thắng được xe mà cũng vừa thắng được mình.
Vậy thì, chúng ta hãy học cách tự thắng mình như thế. Thắng như thế tôi cho đã là cao quý.


Hết phần hai, xem phần một