Trang chủ Nghiên cứu Thiền học Thiền chỉ, thiền quán

Thiền chỉ, thiền quán

1770

Thiền là gì?


Thiền, tiếng Phạn là Dhyàna (Pàli: Jhàna), phiên âm là Thiền na, dịch ý là tĩnh lự. Tĩnh là sự yên lặng; Lự là suy tư. Tĩnh lự là đình chỉ mọi tư tưởng hay cột tâm ý chuyên chú vào một đối tượng Chánh pháp duy nhất. Thiền còn gọi là “tư duy tu”, “khí ác”, tức xả ly tất cả các tâm niệm ác, ngũ triền cái (dục, sân, hôn trầm, trạo cử, nghi). Thiền còn được gọi là “công đức tùng lâm”, ý muốn nói Thiền là cái nhân có khả năng phát sinh công đức, trí tuệ, thần thông và bốn tâm vô lượng…


Nói một cách dễ hiểu, Thiền là lựa chọn một đối tượng thiện pháp rồi đặt tâm ý trên đối tượng ấy, khiến cho đốt cháy, thiêu hủy các ác pháp, cụ thể là các triền cái và các kiết sử phiền não. Đối tượng của Thiền là tất cả những gì đang xảy ra xung quanh chúng ta trong cuộc sống hàng ngày, như hơi thở, tách trà… Trong Phật giáo Nguyên thủy, đối tượng chính của Thiền gồm có bốn lĩnh vực: thân, thọ, tâm và pháp, gọi là Thiền Tứ niệm xứ.


Có khi Thiền được dùng chung với ý nghĩa Thiền định (dhyàna-samàdhi). Đó cũng là trạng thái không còn tán loạn của tâm khi chuyên chú vào một đối tượng. Thiền định là tập trung tâm ý vào một đối tượng duy nhất không cho tâm tán loạn, để cho tâm được vắng lặng nhằm quán chiếu và suy nghiệm chân lý. Lục tổ Huệ Năng nói: “Bên ngoài lìa tướng gọi là Thiền, bên trong không loạn gọi là Định”. Như vậy, Thiền định là dứt bặt các duyên, giữ tâm ý thanh tịnh, ngoài không theo các tướng, trong tâm chẳng loạn, trong sạch mọi vọng tưởng. Đây là một phương pháp tu tập vô cùng quan trọng để đưa hành giả đến giác ngộ giải thoát. Thiền định là trái tim của Phật giáo. Cho nên, Pháp Cú, kệ số 110, nói:


Dầu sống một trăm năm,


Ác giới, không Thiền định,


Tốt hơn sống một ngày,


Trì giới, tu Thiền định”.


Tu tập Thiền định là đưa tâm trở về với thực tại, để tiếp xúc sự sống mầu nhiệm trong và ngoài ta, chấm dứt mọi vọng tưởng điên đảo, gạn lọc tham, sân, si trong nội tâm. Đời sống Thiền là một đời sống thanh tịnh, làm chủ tư tưởng, làm chủ bản thân trong các hành động hướng về chân, thiện, mỹ, đem lại an lạc cho mình, cho người và cho xã hội. Đó là một đời sống có ý chí đạo đức, không bị lệ thuộc vào các dục vọng, không bị hoàn cảnh chi phối, luôn sống trong tỉnh thức, chánh niệm. Thiền là sự sống, nhưng là sự sống có chất liệu của sự hiểu biết và thương yêu, của chánh niệm, tỉnh giác bây giờ và ở đây. Do vậy, Thiền là vấn đề trực nghiệm, trực giác, chứ không là vấn đề luận giải bằng tri thức. Cho nên, chư Tổ Thiền tông khuyến cáo: “Giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn tự”. Trúc Lâm Điều Ngự Trần Nhân Tông nói: “Đối cảnh vô tâm chớ hỏi Thiền”.


Nội dung cơ bản của Thiền định Phật giáo gồm có Thiền chỉ và Thiền quán.


Thiền chỉ


Thiền chỉ, tiếng Phạn là Samatha (Pàli: Samatha). Chỉ là dừng lại. Tịnh chỉ là dừng lại sự tán loạn, sự quên lãng, vọng niệm, chấm dứt sự đuổi bắt một đối tượng nào đó. Thiền chỉ là trạng thái tâm chuyên chú vào một cảnh, một đối tượng, khiến cho mọi vọng tưởng đều ngưng bặt, là cách tập trung tâm ý vào một pháp và không để bị chi phối bởi bất cứ một yếu tố nào khác, cả chủ quan lẫn khách quan. Chẳng hạn, mình dừng suy nghĩ để tập trung theo dõi hơi thở vào ra, hay trú tâm trên một đối tượng (như danh hiệu Phật A Di Đà), hay thuần phục tâm bằng cách nhận ra sự khởi động, phát sinh của một ý nghĩ và lập tức dừng lại… đó là thực tập Thiền chỉ.


Trong cuộc sống hàng ngày, nhiều khi ta sống mà tâm để một nơi, thân để một ngả. Con người của ta bị chia năm xẻ bảy, tâm ý trôi giạt ngàn nơi, có khi phiêu bạt về quá khứ xa xăm, có khi bồng bềnh ở tương lai mờ mịt…cho nên chúng ta mới chuốc lấy khổ đau, phiền não. Bây giờ mình không muốn khổ nữa, không muốn để cho tâm mình đi hoang nữa, không muốn để cho tâm rong ruổi và trôi lăn theo vọng niệm nữa, mình muốn dừng lại. Dừng cái tâm náo động của mình, để nó định tĩnh về một nơi, bằng cách nhiếp tâm vào câu niệm Phật, hay theo dõi hơi thở… Đó là đang tu tập Thiền chỉ. Khi tâm dừng lại được thì mình có khả năng nhận diện và tiếp xúc, tức là mình biết được những gì đang xảy ra trong giờ phút hiện tại. Nhận diện ở đây chỉ là sự rõ biết đơn thuần mà không có phê phán, chỉ trích và lên án gì hết. Như là nhận diện sự có mặt của hơi thở. Khi thở vào biết mình thở vào, thở ra biết mình thở ra, mình tiếp xúc với hơi thở, sống với hơi thở, trở về làm một với hơi thở. Khi đó mình cảm thấy được nuôi dưỡng, được trị liệu, làm chủ thân tâm và bắt đầu cảm thấy thoải mái, thanh tịnh, an lạc, không còn bị lo âu và tham muốn lung lạc, thống trị.


Tu tập Thiền chỉ có ba cách:


1) Hệ duyên thủ cánh chỉ: Là buộc tâm tại chóp mũi hoặc giữa rốn khiến tâm không tán loạn. Kinh chép: “Buộc tâm không buông lung, cũng như xích con vượn”. (Chúng ta cũng có thể buộc tâm vào hơi thở, bước chân, danh hiệu Phật…).


2) Chế tâm chỉ: Là tùy tâm vừa khởi liền kiềm hãm lại, không cho nó dong ruổi tán loạn. Kinh chép: “Năm căn, tâm là chủ, thế nên các ông phải khéo làm chủ tâm mình”. (Gọi là biết vọng không theo).


3) Thể chơn chỉ: Là tùy tâm khởi niệm tất cả pháp đều biết do nhân duyên sanh, nó không có tự tánh thì tâm không chấp. Nếu tâm không chấp thì vọng niệm dứt, cho nên gọi là chỉ. (Luận Chỉ quán ghi: Chỉ là quán sát các pháp có mà không thực thể, thực chất là duy tâm).


Tác dụng của Thiền chỉ là gom tâm lại một chỗ và làm muội lược năm triền cái, là định tâm trong một đối tượng nhất định, làm phát sinh hỷ lạc. Tâm hỷ lạc đưa đến chứng đắc các tầng Thiền Sắc giới và Vô sắc giới. Bát định (gồm Tứ thiền Sắc giới và Tứ thiền Vô sắc giới) là kết quả tu tập của Thiền chỉ. Tuyệt đỉnh của Thiền chỉ là Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Nhưng dù đạt đến tầng vắng lặng cao siêu cùng tột này, hành giả vẫn chưa phát huy trọn vẹn ánh sáng trí tuệ để đánh tan đêm tối vô minh ngủ ngầm trong luồng nghiệp. Vô minh và ái dục giống như hai con thú dữ. Ngày nào chưa thuần hóa được chúng thì hành giả chưa tuyệt đối chu toàn, chưa thoát ra khỏi vòng sanh tử trong tam giới (Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới), chưa hoàn toàn giải thoát. 


Trước khi thành đạo, Đức Thế Tôn cũng đã trải qua các thiền chứng của Bát định, nhưng Ngài không thỏa mãn với những thành quả ấy. Ðã kiểm soát và khắc phục tâm, tạm thời làm chủ mình, nhưng Ngài nhận định rằng bấy nhiêu đó chưa đủ. Thú dữ vô minh, ái dục vẫn còn đó. Phải tận diệt mọi nhiễm ô và mọi lậu hoặc mới chấm dứt hậu hoạn. Mục tiêu cứu cánh của Ngài là chứng ngộ chân lý cùng tột, thể nhập thực tại, thấy sự vật đúng như nó, tức là chứng ngộ ba đặc tính của các pháp hữu vi là vô thường, khổ, vô ngã. Chính nhờ trí tuệ trực giác này mà Bồ tát đập tung vô minh đã bao phủ từ vô lượng kiếp để vượt đến thực tại, chứng ngộ tường tận và trọn vẹn bốn chân lý cao thượng “trước kia chưa từng được nghe”, qua con đường Thiền quán.


 


Thiền quán


Thiền quán hay thiền Minh sát, tiếng Phạn là Vipasyana (Pàli: Vipassana). Vipasyana có nghĩa là thấy mọi sự vật đúng như bản chất của chúng. Quán là xem xét thực tướng của mọi sự vật bằng ánh sáng tuệ giác phát sinh từ tâm. Thiền quán là tĩnh tâm tư duy, quán chiếu chân lý, là ý thức một cách rõ ràng những gì đang xảy ra trong bốn lãnh vực thân, thọ, tâm và pháp (Tứ niệm xứ).


Thiền quán là nhìn sâu, nhìn kỹ để chứng nghiệm thực tại, tức thấy được đặc tướng của các pháp là vô thường, vô ngã, tương tức và Niết bàn. Khác với thiền chỉ, thiền quán không cần phải chọn những đề mục đặc biệt để tập trung chú tâm, mà chỉ cần nhìn, quán sát với chánh niệm để hiểu rõ sự vật như nó đang là.


Có nhiều cách thực hành thiền quán, như quán Tứ niệm xứ, quán Từ bi, quán Ngũ uẩn, quán Duyên khởi… Quán Tự Tại là danh hiệu vị Bồ tát thực tập thiền quán thành công khi nhìn sâu vào bản chất của năm uẩn và thấy được đặc tướng duyên sanh vô ngã của nó, cho nên đã vượt qua được khổ đau, ách nạn. Cái thấy đó là tuệ giác Bát nhã, có khả năng chuyển hóa, đốt cháy mọi khổ đau, phiền não.


Chúng ta có thói quen nhìn sự vật hiện tượng một cách hời hợt, nên không thấy được chân tướng của mọi sự vật như là chúng thực sự hiện hữu, và vì vậy thường bị cái vẻ bề ngoài của chúng đánh lừa (phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng). Đó là nguồn gốc của mọi khổ đau, phiền não. Khi thực tập thiền quán, chúng ta nhìn sâu vào lòng sự vật nhằm quán chiếu, thẩm sát để chứng nghiệm, thấy rõ, hiểu sâu và hiểu đúng thực chất của sự vật là duyên sinh, vô thường, vô ngã. Đây là cái thấy rất sâu sắc và đầy tuệ giác. Thấy rõ mọi sự vật hiện tượng đều nương vào nhau mà sinh tồn và hoại diệt; bản chất của mọi sự hiện hữu đều tương quan nhân quả, mọi đổ vỡ mất mát thương đau đều có nguyên do của nó… Nhờ cái thấy và hiểu này mà chúng ta cởi bỏ được những mê lầm chấp trước và đạt tới trạng thái an lạc, tự do, giải thoát.


Kinh Kim Cương đề nghị chúng ta thực tập thiền quán bằng cách: “Nhìn một cách sâu sắc để thấy hết thảy các pháp đều do duyên sinh, tất cả đều như mộng, như huyễn, như bọt nước, như sương mai, như ánh chớp”. Khi thực tập cái nhìn như vậy, mọi tham ưu ở đời đều bị thiêu rụi, hành giả đạt được trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, và dần hướng đến giác ngộ giải thoát: “Nhờ hiểu biết như vậy, tâm của Ta thoát khỏi dục lậu, thoát khỏi hữu lậu, thoát khỏi vô minh lậu. Đối với tự thân đã giải thoát như vậy, khởi lên sự hiểu biết: ‘Ta đã giải thoát’. Ta đã biết: ‘Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành. Việc cần làm đã làm. Không còn trở lui trạng thái này nữa’. Này Aggivessana, đó là Minh thứ ba, Ta đã chứng được trong canh cuối, vô minh diệt minh sanh, mê tối diệt ánh sáng sanh, do ta sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần” (Kinh Trung Bộ).


Có hai loại Thiền quán:


a. Đối trị quán: Như quán bất tịnh đối trị tham dục, quán từ bi đối trị giận hờn, quán giới phân biệt đối trị chấp ngã, quán sổ tức đối trị loạn động v.v…


b. Chánh quán: Quán các pháp không tướng đều do nhân duyên sanh, vì nhân duyên sanh nên thể tánh các pháp là Không, tức là thật tướng. Nhờ thấy rõ các đối tượng quán đều không nên chủ thể quán tự nhiên thanh tịnh.


Thiền quán không hạn chế đối tượng quán mà hướng tâm vào những trạng thái luôn luôn biến đổi của tâm và thân, ghi nhận tất cả mọi hiện tượng đang xảy ra. Công phu thực hành thiền quán là thẩm sát trong chánh niệm bất luận những gì được tri giác nhưng đồng thời buông bỏ tất cả, không bám níu gì hết. Bí quyết của thiền quán là chủ thể quán chiếu với đối tượng quán chiếu trở thành nhất như. Nghĩa là ranh giới giữa chủ thể và đối tượng không còn, bất nhị.


Sự tương quan giữa Thiền chỉ và Thiền quán


Trong thiền chỉ, hành giả chọn và vận dụng một trong số các môn (giác quan), như nhãn môn hay ý môn để tập trung, còn các môn khác thì không dùng. Nhưng trong thiền quán, hành giả không nhất thiết chọn một đề mục nào mà vận dụng cả sáu môn cùng với sáu đối tượng của nó. 


Trong thiền chỉ, khi hành giả chọn đề mục, dùng tâm quán niệm đề mục ấy cho đến lúc tâm có đủ năng lực nhiếp phục, hóa giải năm triền cái, năm Thiền chi dần dần hiện rõ, tâm an trụ vững trong đề mục và cuối cùng chứng đắc các tầng thiền (Bát định). Năm triền cái đối nghịch với Thiền chỉ vì là chướng ngại, cản trở tâm an trụ nhưng không đối nghịch nhiều với Thiền minh sát. Niệm về năm triền cái, tức lấy sự hay biết năm chướng ngại tinh thần này làm đề mục Thiền quán, là một phần của niệm pháp, một trong bốn lãnh vực quán niệm. 


Ðối tượng của Thiền minh sát là thực thể pháp trong hiện tại, những gì thật sự đang xảy diễn trong khoảnh khắc hiện tại. Ðối tượng của Thiền minh sát là Tứ niệm xứ. Các đối tượng chế định, do hành giả tự tạo như cảm giác hay hình ảnh v.v… không thể dùng làm đối tượng Thiền minh sát, chỉ dùng làm đối tượng của Thiền chỉ. 


Dầu Thiền chỉ và Thiền minh sát có sự khác biệt nhau song Thiền chỉ có thể làm nền tảng cho Thiền minh sát như trường hợp Ðức Phật. Ngài tiến cao đến mức cùng tột của Thiền chỉ là Phi tưởng phi phi tưởng rồi xả thiền, quán chiếu thân và tâm Ngài, dùng chi thiền hỷ, lạc v.v… làm đối tượng và thấy rõ vô thường, khổ, vô ngã. Ðó là Thiền minh sát dùng Thiền chỉ làm nền tảng:


Như chim có hai cánh


Thiền tập có chỉ quán


Hai cánh chim nương nhau


Chỉ và quán song hành. 


Kết luận


Thiền là phương thức thực tập cốt tủy của đạo Phật: “Này các thầy Tỷ kheo, con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt qua mọi sầu não, khổ, ưu, thành tựu chánh lý, hiện chứng Niết bàn là con đường này: Đó là bốn niệm xứ” (Kinh Tứ Niệm Xư).


Thiền chỉ là dừng lại. Thiền quán là nhìn sâu. Đây là hai phương pháp giúp hành giả đạt tới một cái thấy sâu sắc về thực tại, cái thấy này có khả năng giải phóng cho mình ra khỏi sợ hãi, lo âu, phiền muộn, chế tác chất liệu trí tuệ và từ bi, nâng cao phẩm chất của sự sống, đem lại cho mình và cho kẻ khác nhiều thảnh thơi và an lạc. Bản chất của thiền định là niệm, định và tuệ, ba nguồn năng lượng được chế tác trong khi thực tập. Ta thực tập thiền không phải chỉ trong tư thế ngồi mà còn trong các tư thế khác như tư thế đi, tư thế đứng, tư thế nằm, trong những lúc làm việc như giặt áo, bổ củi, gánh nước, tưới rau hoặc lái xe. Bất cứ trong tư thế nào, bất cứ đang làm gì và ở đâu mà trong thân tâm mình có được ba loại năng lượng niệm, định, tuệ là mình đang thực tập thiền. Sự thực tập này, nếu được chỉ dẫn đúng mức, có thể đem lại sự thoải mái và an lạc ngay trong lúc thực tập. Thực tập thiền có tác dụng nuôi dưỡng và trị liệu cho cả thân và tâm, đem lại nguồn vui sống cho người thực tập và cho những người xung quanh. Không phải chỉ đi vào chùa hoặc thiền viện mới thực tập được thiền. Sống trong xã hội, bất cứ làm gì, ở đâu ta cũng có thể tập thiền được.