Trang chủ Văn học Thiên long bát bộ và chữ hiếu của lãng tử Kiều Phong

Thiên long bát bộ và chữ hiếu của lãng tử Kiều Phong

480

Độc giả rất ngưỡng mộ Kiều Phong ở chỗ quý trọng tình bạn hơn mạng sống của mình, đây là mẫu người lý tưởng cho những ai đang khao khát đi tìm một tri kỷ. Kiều Phong đã chói ngời trong văn học Trung Quốc, tỏa sáng trong thuật xử thế của nhân gian. Thế nhưng, sự quyết tâm trả thù cũng như quan niệm về báo hiếu của Kiều Phong lại tương phản với tấm lòng từ bi của Phật giáo…


Lúc nhỏ, trong một cuộc tao ngộ tình cờ, Kiều Phong được Hòa thượng Huyền Khổ chùa Thiếu Lâm thâu nhận làm đồ đệ. Thế là, sẵn có trong mình thiên tư về võ học, Kiều Phong đã luyện được môn tuyệt kỹ Hàng long thập bát chưởng, trở thành vô địch thiên hạ. Trong lúc làm bang chủ của Cái bang, Kiều Phong đã tỏ ra xứng đáng làm chỗ dựa cho toàn bang hội. Một điều vô cùng nghiệt ngã, Kiều Phong lại mang trong mình dòng máu của bộ tộc Khiết Đan. Sự thật được phơi bày trước mọi người do lòng ghen tỵ của Mã phu nhân, người trong bang hội không thể chấp nhận một Kiều bang chủ không phải là người Hán. Hết sức ngỡ ngàng đón nhận một sự thật, Kiều Phong bắt đầu bước vào lối rẽ của cuộc đời, dấn thân trên con đường đầy dẫy bão táp và phong ba. Thế rồi, khi biết mình là người Khiết Đan, Kiều Phong muốn tìm về nguồn cội thì sự việc diễn ra thật đau lòng, cha mẹ nuôi bị sát hại, kế đến sư phụ Huyền Khổ bị một người lạ mặt giống như Kiều Phong đánh chết. Kiều Phong vừa chồng chất vết thương lòng, mà còn phải mang tai tiếng giết sư phụ. Nỗi oan tình khó lòng bày tỏ, Kiều Phong đành âm thầm truy tìm hung thủ. Kế đến khi gặp lại A Châu, Kiều Phong quyết tâm đi tìm thủ lĩnh đại ca, đòi lại món nợ máu năm xưa ở ải Nhạn Môn Quan. Hình ảnh một người mẹ chết thảm vì đem thân che chở cho con mình, một người cha khốn khổ ôm mối hận thù nhảy xuống vực sâu tự tử, còn đọng lại trên gương mặt ngây thơ của một đứa trẻ sơ sinh những vết máu của cuộc thảm sát vừa kết thúc. Tất cả hình ảnh đó như đang sống dậy từ trong ký ức của đứa trẻ, mà giờ đây nó đã biến thành Kiều Phong hùng dũng, cưu mang lòng báo hiếu, thôi thúc việc trả thù, đó cũng là lẽ tất nhiên của thế nhân.


Vì quá nôn nóng truy tìm tông tích của thủ lĩnh đại ca, Kiều Phong đã mắc phải sai lầm, sa vào cạm bẫy của Mã phu nhân, giết nhầm A Châu, người thân yêu duy nhất trong đời. Sự việc là, sau khi thương lượng với nhau, A Châu liền hóa trang thành Bạch Tử Kính đến bái kiến Mã phu nhân, hy vọng có thể khai thác ra manh mối của kẻ thù. Nhưng cả hai đều không ngờ, Bạch Tử Kính lại là người tình của Mã phu nhân, thế là chỉ cần một vài câu nói khách sáo của A Châu, Mã phu nhân đã nhận ra một Bạch Tử Kính do người khác giả dạng. Nhân đó bà ta lại bịa ra một thủ lĩnh đại ca khác, mà người thay vào đó là Đoàn Chính Thuần, thân vương nước Đại Lý. Ý đồ mượn đao giết người của Mã phu nhân đã thành công. Sau đó, Kiều Phong tìm đến Đoàn Chính Thuần để giải quyết chuyện ân oán ngày xưa. Không ngờ khi gặp Đoàn Chính Thuần, A Châu liền nhận ra ông ta là cha của mình. Một ý nghĩ vụt thoáng trong đầu, A Châu quyết định giả dạng Đoàn Chính Thuần để đi gặp Kiều Phong. Kết quả hết sức bi thảm, A Châu đã chết thay cho cha mình.


Kim Dung đã dàn dựng một bi kịch đầy bi hùng, ấn tượng; từ đó chúng ta có thể cảm nhận một Kiều Phong tinh thông võ học, nhưng không thể lãnh hội Phật học. Chính vì không thâm hiểu Phật học, Kiều Phong không thể hóa giải những thù hận đau thương; chính vì không lãnh hội Phật học, Kiều Phong đã sát hại nhầm người thân yêu của mình. Sự mong muốn báo hiếu bằng việc báo thù của Kiều Phong đã đi ngược lại tông chỉ từ bi của chùa Thiếu Lâm, chiếc nôi khai sinh ra võ học thượng thừa Hàng long thập bát chưởng. Từ bi như nước mưa cam lộ có thể dập tắt những ngọn lửa oán thù. Từ bi như luồng sinh khí thổi vào cuộc đời sẽ tăng thêm tình thân ái. Thiếu vắng từ bi, con người sẽ mất đi phương hướng hoàn thiện, đồng thời luôn hằn sâu sự thù hận trên vết thương lòng. Thế rồi Kim Dung lại dựng lên tình huống vô cùng khó xử, một con người mà Kiều Phong luôn hướng về tìm cách báo hiếu, đó là Tiêu Viễn Sơn cha ruột của mình, thì giờ đây chính ông ta đã giết hại cha mẹ nuôi và sư phụ Huyền Khổ. Bàn tay của Tiêu Viễn Sơn vấy thêm máu, đã khiến cho Kiều Phong điêu đứng và hoang mang không biết phải xử trí như thế nào; bởi vì một bên là cha nuôi và sư phụ, còn một bên là cha ruột của mình. Kiều Phong không biết có nên nung nấu thêm ngọn lửa căm thù hay khỏa lấp sự thù hận, bởi vì cách suy nghĩ nào cũng tạo nên sự mâu thuẫn ở nội tâm.


Điều này Kim Dung đành phải để cho Kiều Phong âm thầm quên hết những quá khứ đau buồn, cùng với Tiêu Viễn Sơn đối phó với Mộ Dung Bác, bởi vì Mộ Dung Bác là tác nhân gây ra vụ thảm sát ở ải Nhạn Môn Quan. Chính vì thế mà giữa Mộ Dung Bác và Tiêu Viễn Sơn có một mối thâm thù không thể tả. Sự việc đang lúc căng thẳng nhất thì vị sư già quét Tàng kinh các xuất hiện. Nhằm hóa giải oán thù của đôi bên, nhà sư đã sử dụng nội công thượng thừa, khiến cho Mộ Dung Bác và Tiêu Viễn Sơn chết ngay tại chỗ. Sau đó nhà sư cứu hai người sống lại, đồng thời hàn gắn vết thương lòng hóa thù thành bạn, cả hai người đều trở thành đệ tử xuất gia của chùa Thiếu Lâm.


“Chết đi sống lại” là thuật ngữ của Thiền tông, Kim Dung đã sử dụng hàm ý này vào trong tiểu thuyết của mình, khiến cho “Thiên Long Bát Bộ” tăng thêm phần triết lý và sinh động. Ý thiền đã được tác giả khéo léo dàn dựng tiềm ẩn trong việc “chết rồi sống lại” của Mộ Dung Bác và Tiêu Viễn Sơn. Nhưng khi hai người xuất gia rồi thì tác giả lại không nhắc đến mọi tội ác mà trước đây hai người đã cố tình gây ra, điều này rất dễ khiến cho độc giả hiểu sai về nhân quả. Họ cho rằng khi ngộ đạo xuất gia thì không còn nghiệp báo nữa, hiểu như thế là trái ngược lại tinh thần nhân quả của Phật giáo. Một người cho dù đã triệt ngộ đi chăng nữa, cũng không thể nào mê mờ về nhân quả.


Sau này, ở bộ “Đồ Long Đao”, Kim Dung đã bổ khuyết vấn đề này tương đối hoàn chỉnh hơn. Tạ Tốn cũng sát hại rất nhiều người, ông bị nhốt ở chùa Thiếu Lâm, ngộ được Tâm kinh, nhận ra tâm mình. Thế là ông tự phế võ công, để cho những người nào còn ôm mối thâm thù với ông sẽ có cơ hội đòi lại nợ máu. Trong khi đó, ông còn bảo Trương Vô Kỵ không được lấy oán mà báo oán nữa. Ông đã bình thản đón nhận những lời chửi bới đánh đập mà không một chút oán giận, lúc này nghiệp báo không còn chi phối nội tâm của ông, mà là tùy duyên tiêu nghiệp. “Chứng Đạo Ca” nói:


Liễu tức nghiệp chướng


bổn lai không


Vị liễu ưng tu hoàn túc trái


Tạm dịch:


Ngộ thì nghiệp chướng vốn không


“Chưa” thì oan trái đừng hòng


 thoát ly


Trong chữ Hán, ý nghĩa của chữ “vô” và chữ “không” hoàn toàn khác nhau. Chữ “vô” mang nghĩa phủ định, hoàn toàn không có. Còn chữ “không” mang nghĩa không thật có, không có yếu tố chủ thể, không tự tính. Khi ngộ sẽ thấu triệt nghiệp báo vốn không có thật, cho dù có đối diện với nghiệp báo, họ vẫn bình thản an nhiên. Con người bình thường luôn đau khổ vì nghiệp quả đó là chuyện tất nhiên rồi.


Thông qua những sự việc vừa nêu trên, chúng ta có thể khẳng định Kiều Phong là một con người hào phóng, trọng nghĩa tình. Tác giả đã sắp xếp cho Kiều Phong vào chùa Thiếu Lâm học võ công thượng thừa, đồng thời cũng muốn cho Kiều Phong mang tuyệt kỹ của võ học quảng bá trong võ lâm. Nhưng võ học không phải là cốt tủy của Phật giáo, cho nên báo hiếu theo tinh thần thượng võ mà không lãnh hội Phật pháp, thì cũng dễ dàng mắc phải sự sai lầm.