Trang chủ Nghiên cứu Thực trạng nghi lễ PG hiện nay: Lễ rước vong lên chùa...

Thực trạng nghi lễ PG hiện nay: Lễ rước vong lên chùa – Phần 1

446

Trong lịch sử nước ta từ đầu Công nguyên cho đến ngày nay, Phật giáo có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống văn hóa – xã hội. Người Việt Nam từ trẻ đến già đã quá quen với câu niệm Nam mô A Di Đà Phật. Trong văn học cũng như trong cuộc sống thường nhật, người ta hay nhắc tới hình ảnh Phật Bà Quan Âm cứu khổ cứu nạn. Chùa Việt Nam mang màu sắc Tịnh độ đậm nét. Đó là kết quả của một quá trình chọn lọc, trải qua nhiều thế hệ nhà tu hành cũng như quần chúng nhân dân. Phật giáo đi vào cuộc sống, vào tâm thức của người Việt như là một thành phần không thể tách rời.

Tinh thần giải thoát trong Phật giáo cũng giúp con người thanh lọc thân tâm, điều chỉnh hành vi đạo đức để sống hòa nhập với cộng đồng. Lời cảnh bảo về nghiệp báo luân hồi có tác dụng như một chiếc phanh hãm những hành động thái quá, cực đoan. Bất kỳ người Việt Nam nào cũng biết tới những câu thành ngữ “ác giả ác báo”, “ở hiền gặp lành”… cùng triết lý về nghiệp báo luân hồi của đạo Phật. Điều này ít nhiều có tác dụng cảnh tỉnh, giúp cho nhiều người dừng lại bên bờ cái thiện giữa ranh giới mong manh của thiện ác, chính tà.

Ở nước ta, từ cách đây hơn hai nghìn năm đã chứng kiến sự du nhập của Phật giáo. Để nhanh chóng hòa nhập vào đời sống dân cư, Phật giáo đã có nhiều thay đổi cho phù hợp với tâm lý, ý thức của người Việt. Trải qua gần mười thế kỷ phát triển, sang đến đầu thế kỷ X, trong xã hội xuất hiện hiện tượng Tam giáo đồng nguyên: Phật giáo, Đạo giáo và Nho giáo cùng tồn tại. Trên nền tảng tư tưởng của Phật giáo, chịu ảnh hưởng của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên bản địa, nhiều nghi lễ là sự kết hợp giữa Phật giáo nguyên thủy và truyền thống dân tộc đã ra đời, góp phần tạo nên sự phong phú cho kho tàng văn hóa Việt Nam.

Tác giả Đặng Nghiêm Vạn cho rằng:

Tôn giáo dân gian là cách hiểu tôn giáo theo lối bình dân, nghĩa là theo tập quán, theo dư luận hoặc bị cuốn hút vào các nghi lễ, chứ không theo lối chính thống chủ yếu xuất phát từ việc nghiên cứu giáo lý, suy tư rồi giác ngộ mà theo. Hoặc cũng có thể hiểu là các hình thức tôn giáo dân tộc được lưu truyền lại từ xa xưa, gần gũi trong cộng đồng như các lễ hội, các cuộc hành hương, các ngày lễ với những rước sách, nhảy múa, thậm chí các hình thức bói toán, tướng số…(Đặng Nghiêm Vạn, 2001: 71.)

Còn theo tác giả Nguyễn Duy Hinh, trong bài viết “Về hai đặc điểm của Phật giáo Việt Nam”:Tính dân gian tập trung trong tư tưởng Từ Bi của Phật giáo diễn đạt dân gian là Cứu Khổ Cứu Nạn. (Nguyễn Duy Hinh, 2007: 261)

Ở đây, nói đến tính dân gian của Phật giáo tức là nói đến những biểu hiện mang tính bình dân, chú trọng đến những hoạt động nghi lễ không theo lối chính thống nhằm giải quyết nhu cầu cuộc sống thực tại của tín đồ. Người ta tiếp cận tôn giáo, cụ thể là Phật giáo không xuất phát từ việc nghiên cứu giáo lý, thực hành theo giáo lý để đạt tới giác ngộ. Thay vào đó, các tín đồ bao gồm cả hai phía là người đại diện cho Phật giáo – các tăng ni sư xuất gia cũng như người tiếp nhận – phật tử tại gia hầu như chỉ quan tâm tới hoạt động nghi lễ nhằm thỏa mãn nhu cầu của cuộc sống thực tại. Thỏa mãn nhu cầu ấy, thực chất là sự bù đắp những thiếu hụt về tinh thần mà đời sống thường ngày mang lại cho chúng ta. Phật giáo, bằng hành động của mình (chủ yếu là các hình thức mang tính nghi thức, nghi lễ) cầu xin Đức Phật và những sứ giả của ngài ra tay cứu độ chúng sinh.

Hoạt động nghi lễ được đề cập trong bài viết là lễ “rước vong lên chùa”. Trước đây, nghi thức rước vong lên chùa chỉ dành cho những người không có con cháu. Những người này lo sợ rằng một khi mình chết đi, không người thờ phụng sẽ trở thành ma đói lang thang. Vì vậy, họ cúng tài sản của mình cho nhà chùa với nguyện vọng rằng sau khi chết đi, vong linh được nương nhờ chốn cửa Phật, hàng năm vào dịp cúng giỗ sẽ do nhà chùa đứng ra tổ chức để họ được an lòng nơi chín suối. Vong linh của họ sẽ được no ấm, không phải chịu cảnh đói khát, lang thang.

Trải qua nhiều thế hệ, quan niệm này tiếp tục được duy trì. Ngoại trừ cộng đồng người Công giáo hoặc những tộc người thiểu số, thông thường, những người không có con cháu trước khi mất vẫn bày tỏ tâm nguyện sau này được gửi lên chùa. Các gia đình người Việt sinh sống ở vùng trung du, đồng bằng, nếu trong nhà có người thân ở hoàn cảnh như vậy cũng tiến hành đưa vong linh ấy gửi vào chốn chùa chiền, như một cách bày tỏ sự báo hiếu, báo ân với người đã mất.

Tuy nhiên, trong khoảng vài chục năm trở lại đây, phong tục này đã có sự biến đổi khá rõ. Ngày trước, hiện tượng gia đình có người mất đưa vong lên chùa thường chỉ xuất hiện ở vùng nông thôn thì nay, nó trở nên phổ biến ở các thành phố. Quan niệm về những trường hợp vong linh nào nên rước lên chùa cũng thay đổi. Người ta tin rằng nếu trong gia đình của mình có người mất, dù đó là cha mẹ, anh chị hay con cháu của mình, có đầy đủ người cúng giỗ thì vẫn nên gửi lên chùa. Vong linh này được nương nhờ cửa Phật sẽ mang lại sự tốt lành cho người mất và cả người đang sống. Đối với người mất là về nơi cửa Phật tu học để được siêu thoát về cõi Tây phương cực lạc hoặc nếu có đầu thai kiếp khác thì cũng làm người, có đời sống tốt lành hơn. Đối với gia đình người đã mất thì đó là sự yên tâm rằng người chết sẽ không còn vương vấn điều gì ở cõi trần để trở về quấy nhiễu con cháu, ngược lại, sẽ về phù hộ cho gia đình gặp nhiều niềm vui, hạnh phúc, an khang.

Khi gia đình có người mất, trong vòng 35 đến 49 ngày, gia đình thực hiện lễ cầu siêu, đưa vong lên chùa. Sau lễ cầu siêu, gia đình được phép đặt ở ngôi chùa mà mình đến gửi vong linh một bát hương và bài vị của người đã mất. Hàng tháng vào ngày rằm, mùng một, con cháu, họ hàng sẽ lên chùa đi lễ, thắp hương cho vong linh người thân của mình.

Nhìn chung, ở vùng nông thôn, nếp sinh hoạt tín ngưỡng này diễn ra khá chi tiết, đầy đủ theo tiến trình của một khóa lễ cầu siêu. Tùy theo điều kiện kinh tế của gia đình mà thực hiện khóa lễ cơ bản hay khóa lễ hoàn chỉnh cầu kì, phức tạp. Tuy nhiên tại các thành phố lớn, do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó bao gồm cả quan niệm của cư dân đô thị, người ta thực hiện việc rước vong lên chùa khá ngắn gọn, đôi khi giản lược hoặc thay đổi thứ tự một số nội dung của khóa lễ. Xét trên khía cạnh nào đó, khóa lễ này được nhìn nhận như là một hoạt động mang tính dịch vụ của Phật giáo dân gian nhằm đáp ứng nhu cầu của gia đình, dòng họ.  

Chúng tôi đã tiến hành lựa chọn vùng nội thành của Thủ đô Hà Nội làm địa bàn để khảo sát tư liệu. Việc lựa chọn vùng khảo sát như vậy đảm bảo yêu cầu mà đề tài đặt ra, có sự tham khảo về những thông tin liên quan tại các địa phương lân cận.

Trong vùng nội thành của Thủ đô Hà Nội hiện nay có khoảng hơn 100 ngôi chùa lớn nhỏ. Một điều ai cũng nhận thấy, đó là các nghi lễ Phật giáo cũng như hoạt động tâm linh diễn ra ở tất cả các ngôi chùa, nhưng mức độ thường xuyên chỉ tập trung tại một số chùa tiêu biểu như: chùa Quán Sứ (phố Quán Sứ), chùa Phúc Khánh (phố Tây Sơn), chùa Hà (phố Chùa Hà, quận Cầu Giấy), chùa Cót (Yên Hòa, Cầu Giấy)… Đi sâu tìm hiểu vấn đề này chúng tôi nhận thấy, theo quan niệm của người dân, mỗi ngôi chùa nổi tiếng về một loại hình dịch vụ tâm linh điển hình, ví dụ như chùa Hà gắn liền với cầu duyên, chùa Cót gắn liền với lễ giải oan cắt kết, cắt tiền duyên,…

Trong khoảng hơn mười năm gần đây, chùa Phúc Khánh ở số 382 phố Tây Sơn, quận Đống Đa, Hà Nội đã trở thành một tâm điểm của tín đồ, phật tử từ khắp nơi, chủ yếu là người dân Hà Nội và các tỉnh miền Bắc đến tham dự các nghi lễ Phật giáo. Đối tượng người hành lễ tại ngôi chùa này tập trung chủ yếu vào giới trí thức cũng như các quan chức từ trung ương tới địa phương. Loại hình sinh hoạt tâm linh tiêu biểu của chùa Phúc Khánh là lễ cầu an đầu năm (tổ chức vào ngày rằm tháng giêng), lễ cầu siêu và lễ dâng sao giải hạn.

Dựa trên nội dung tìm hiểu chính của đề tài là những vấn đề liên quan đến khóa lễ cầu siêu – rước vong lên chùa, chúng tôi chọn chùa Phúc Khánh làm địa điểm cụ thể để tiến hành khảo sát, nghiên cứu.

Thông qua việc trình bày tất cả nội dung liên quan từ sự chuẩn bị cho đến tiến trình và kết quả (chủ yếu là theo quan niệm của nhân dân) của một khóa lễ cầu siêu – rước vong được tổ chức tại chùa Phúc Khánh, chúng tôi hi vọng có thể bước đầu đưa ra những nhận xét, đánh giá mang tính cá nhân về những chuyển biến trong đời sống tâm linh của cư dân tại các vùng đô thị hiện nay.

  Bởi vì cầu siêu là một khóa lễ cơ bản của Phật giáo dân gian Việt Nam. Nó là cách thức để người sống bày tỏ tấm lòng báo hiếu, báo ân đối với người đã khuất; đồng thời là giải pháp mà Phật giáo đưa ra nhằm giáo dục, khuyên răn và thu hút tín đồ từ trong quần chúng nhân dân.

Việc tìm hiểu về khóa lễ cầu siêu từ trước tới nay thường chỉ diễn ra trong giới tu hành. Đó là những cuốn sách do các nhà sư viết nên, chủ yếu mang tính chất giảng giải sơ lược và hướng dẫn việc thực hiện khóa lễ để thế hệ sau theo đó học tập và thực hiện.

Đối với giới nghiên cứu là người tại gia, trong vài năm gần đây, người ta bắt đầu quan tâm, tìm hiểu về vấn đề này nhưng nói chung, tùy theo mục đích của cá nhân các tác giả, họ khảo sát khóa lễ cầu siêu trên mỗi phương diện khác nhau: nhìn nhận khóa lễ như là một hoạt động mang tính dịch vụ của Phật giáo (Nguyễn Thị Minh Ngọc, 2008) hoặc tìm hiểu về âm nhạc được sử dụng trong khóa lễ…

 Như đã trình bày, chúng tôi tìm hiểu về khóa lễ cầu siêu dưới góc độ nghi lễ. Nói một cách cụ thể hơn, chúng tôi coi đây là một hoạt động vừa mang tính chất nghi lễ, chứa đựng trong nó những yếu tố Phật giáo, vừa là biểu hiện của quan niệm dân gian đang tồn tại và tiếp tục được duy trì khá rõ nét trong đời sống tâm linh ở nhiều nơi, trong đó có Thủ đô Hà Nội.

Nhịp sống của xã hội hiện đại, đặc biệt là ở đô thị đã có những tác động mạnh mẽ đối với đời sống tâm linh của người dân. Nếu như trước đây người ta rất chú trọng đến việc phải thành tâm kính lễ đối với những sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng thì hiện nay, sự quan tâm đó chỉ dừng lại với một mức độ nào đó. Họ vẫn tổ chức, tham gia, thậm chí còn với số lượng ngày một đông đảo hơn; nhưng trên thực tế, trong nhiều trường hợp, có thể thấy tính chất qua loa, đại khái biểu hiện khá rõ ràng. Một nghi lễ Phật giáo thông thường bao gồm hai đối tượng cơ bản: người hướng dẫn và thực hiện (phía nhà chùa) và người tiến hành, tham gia (phía gia đình) thì cả hai bên đều không còn coi trọng ý nghĩa của những hoạt động mà họ đang làm. Đó là những hiện tượng đang diễn ra thường xuyên ở nhiều nơi, trong đó Thủ đô Hà Nội nói chung, chùa Phúc Khánh nói riêng cần phải được thừa nhận.

Quan niệm của các nhà sư – người thực hành nghi lễ và các gia đình – người tham gia nghi lễ về các sinh hoạt mang tính chất tôn giáo dân gian này như thế nào? Những hoạt động nghi lễ mà họ đã và đang thực hiện có thật sự mang lại hiệu quả như họ mong muốn hay không? Những việc làm cụ thể của họ liệu có ảnh hưởng gì tới các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc? Qua đây, chúng tôi bước đầu đưa ra cái nhìn có tính khái quát về những chuyển biến trong đời sống tâm linh của người dân tại các vùng đô thị hiện nay, cụ thể là trường hợp Thủ đô Hà Nội.

    Với  phương pháp quan sát – tham dự kết hợp với phương pháp phỏng vấn sâu của chúng tôi tại địa điểm khảo sát là chùa Phúc Khánh trong thời gian từ ngày 01 đến ngày 31 tháng 03 năm 2009.

Đặc điểm của khóa lễ cầu siêu – rước vong lên chùa tại chùa Phúc Khánh là không nhất thiết phải tiến hành vào đúng ngày thứ 49 kể từ khi gia đình có người mất. Khóa lễ này được tổ chức theo hình thức tập trung nhiều gia đình (theo danh sách đăng kí từ trước) vào ngày chủ nhật hàng tuần. Trong khoảng thời gian từ ngày 01 đến ngày 31 tháng 03 năm 2009, tại chùa Phúc Khánh đã diễn ra 5 khóa lễ cầu siêu. Ở đây xin tập trung phân tích cụ thể về nghi thức và đối tượng của 2 trong 5 khóa lễ đó (khóa lễ tổ chức vào ngày 01 tháng 03 năm 2009 và khóa lễ tổ chức vào ngày 29 tháng 03 năm 2009).

Dựa trên những thông tin thu nhận được, chúng tôi đã tiến hành phương pháp so sánh – đối chiếuphương pháp phân tích – tổng hợp để có cái nhìn chi tiết hơn về khóa lễ cầu siêu – rước vong lên chùa. (Còn tiếp)