Trang chủ PGVN Nhân vật Tiểu sử cố Đại lão Hoà thượng Sa môn Thích Trí Hải...

Tiểu sử cố Đại lão Hoà thượng Sa môn Thích Trí Hải ( 1906 – 1979)

1411

TIỂU SỬ ĐẠI LÃO

HÒA THƯỢNG THÍCH TRÍ HẢI

(1906 – 1979)

I, THÂN THẾ

Hòa Thượng Thích Trí Hải, pháp danh Thanh Thao, thuộc Sơn môn Tế Xuyên[1], thế danh Đoàn Thanh Tảo, sinh vào ngày 19 tháng 5 năm 1906 (giờ Mậu Dần, ngày Ất Mão, tháng Giáp Ngọ, năm Bính Ngọ) tại làng Quần Phương Trung, xã Hải Phương, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Thân phụ là cụ ông Đoàn Văn Đích tự Phúc Thực, thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Tuất hiệu Diệu Mậu, gia đình chỉ chuyên nông nhàn và dệt vải nhưng kính tín Tam Bảo. Dưới Ngài cón có hai người em gái.

Năm 12 tuổi, Hòa Thượng học chữ Nho ở ngay chùa trong làng[2]. Vì nhân duyên trên mà Ngài được thân cận chư Tăng, cùng học chữ Hán, theo các khóa lễ cúng, tụng niệm, rồi thấy vui theo đời sống Đạo. Dần dần Hòa Thượng thuộc lòng các bài kinh thường tụng rồi am hiểu cả nghĩa lý của các khóa tụng và khoa cúng. Từ đó Ngài mến cảnh chùa muốn xuất gia tu đạo.

II. XUẤT GIA

Ngày 1 tháng 11 năm 1922 (17 tuổi), Hòa Thượng xuất gia tại chùa Mai Xá[3], huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, thờ Sư cụ trị trì Thích Thông Dũng làm bổn sư[4]. Đúng một tháng sau, Ngài được Sư cụ bổn sư cho thọ giới Sa Di tại chốn Tổ Tế Xuyên.

Năm 1925 (20 tuổi), Hòa Thượng thọ giới Tỳ Khiêu, tại giới đàn chùa Mai Xá do Sư cụ Phổ Tụ làm Hòa Thượng đàn đầu. Giới đàn có hơn 30 vị, Ngài đứng đầu.

III. HÀNH ĐẠO

Năm 1924 (19 tuổi), khi còn là Sa Di nhưng thấy tình hình Phật giáo lúc bấy giờ bị biến tướng quá nhiều nên Ngài ôm ấp hoài bão chấn chỉnh Phật giáo, làm cho Phật giáo trở thành Phật giáo đúng như Đức Phật dạy trong kinh điển.

Sau 5 năm trời liên tục vận động, năm 1929 Hòa Thượng mới thành lập được tổ chức mang tên Lục hòa Tịnh lữ giữa chư Tăng trong tỉnh Hà Nam rồi sau đó dần dần mở rộng sang các tỉnh khác như Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định… Lúc này Ngài không dám lấy tên “Hội” vì sợ thực dân Pháp cho là hoạt động bất hợp pháp.

Năm 1930 (25 tuổi), Hòa Thượng nhận làm trụ trì chùa Phú Đa, xã Yên Lập, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam.

Năm 1931 (26 tuổi), Sư Cụ bổn sư viên tịch nên Hòa Thượng lại trở về trông coi chùa Mai Xá. Biết tin Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học được thành lập trong Nam (năm 1931) và Hội An Nam Phật học được thành lập ở Huế (năm 1932), Ngài tin tưởng hoài bão Chấn hứng Phật giáo của mình sẽ thành hiện thực. Do đó, Hòa Thượng tích cực hơn nữa trong việc vận động thành lập Hội Phật giáo. Ngài bắt đầu lên Hà Nội, cùng các sư Thái Hòa, Hải Châu đến các chốn Tổ như Bà Đá, Hòe Nhai, Liên Phái… bàn việc Chấn hưng Phật giáo với chư Tăng nhưng đều bị từ chối nên Hòa Thượng phải quay ra tìm sự hợp tác của hàng cư sĩ như các ông: Lê Toại, Trần Văn Giác, Nguyễn Hữu Kha, Vũ Đình Chung… Ngài cùng với các cư sĩ trên định thành lập Hội nhưng bị Sư cụ chùa Võ Thạch phản đối quá nên đành phải tìm phương cách khác.

Năm 1932 (27 tuổi), Ngài cùng Thượng Tọa Thái Hòa, Sư Ông Hải Châu, các cư sĩ Lê Toại, Trần Văn Giác và Nguyễn Hữu Kha thành lập Phật học Tùng thư. Mục đích của Phật học Tùng thư là truyền bá lời dạy của Đức Phật thông qua việc in kinh sách phát không cho Phật tử. Qua Tùng thư này, Hòa Thượng làm quen được với các trí thức, học giả đương thời như các ông Lê Dư, Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ, Dương Bá Trạc, Nguyễn Văn Vĩnh v.v.. Những vị này trở thành hội viên sáng lập Hội Bắc Kỳ Phật giáo sau này.

Tháng 3 năm 1934 (29 tuổi), Hòa Thượng nhận chùa Quán Sứ và làm trụ trì chùa. Ngày 21/5 (8/4 âm lịch, ngày Đản sinh Đức Thích Ca) Phật học Tùng thư được chuyển từ chùa Mai Xá, tỉnh Hà Nam lên đây. Cũng trong năm này, Ngài tiếp tục tiến hành việc thành lập Hội Phật giáo.

Tháng 11 năm 1934, Hội Bắc Kỳ Phật giáo được thành lập[5]. Hằng tuần, tại chùa Quán Sứ – Hội quán Trung ương, sau khóa lễ đều có thuyết pháp. Ngoài ra mỗi Chủ nhật, Trung ương Hội thường cử đại biểu đi dự lễ thành lập các chi hội tại địa phương.

Tháng 12 năm 1935, ra mắt tuần báo Đuốc Tuệ do Tổ Bằng Sở làm Chủ bút. Tháng 7 năm 1936, thành lập Nhà in Đuốc Tuệ.

Tháng 1 năm 1936, Ngài cùng các vị trong Ban Quản trị Hội Phật giáo Bắc Kỳ tổ chức trọng thể lễ suy tôn Tổ Vĩnh Nghiêm lên ngôi vị Thiền Gia Pháp Chủ. Cũng trong năm này, Ngài là thành viên đoàn Hội Phật giáo Bắc Kỳ do Chánh Hội trưởng dẫn đầu vào Huế dự Lễ Nam Giao Đại tự, kết hợp khảo sát việc thuyền học và đi thăm các trường Phật học của Hội An Nam Phật học ở chùa Trúc Lâm, chùa Tây Thiên; Trở về Bắc Ngài lập trường Tăng học tại chùa Bồ Đề, Gia Lâm, Hà Nội.

Năm 1937, Ngài được Hội cử sang Trung Quốc du học cùng với Thượng Tọa Thích Mật Thể (ở Trung Kỳ) nhưng vì bên đó xẩy ra chiến tranh giữa Trung Quốc và Nhật Bản nên không thể tiếp tục tu học được, sau 11 tháng, Hòa Thượng phải trở về Việt Nam.

Đầu năm 1938 Ngài về tới Hà Nội, thấy việc xây dựng chùa Quán Sứ không tiến triển Ngài đề nghị Hội củng cố lại Ban Hưng công. Hội nhất trí bổ sung cư sĩ Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha phụ trách phần tài chính và Thượng Tọa Trí Hải phụ trách về thiết kế kiểu mẫu chùa, chăm lo phần thợ thuyền và vật liệu xây dựng. Nhờ tài tổ chức và nỗ lực cố gắng của hai người cùng sự ủng hộ của thiện tín thập phương tới tháng 5 năm 1942 chùa Hội quán Trung ương đã được hoàn thành về cơ bản.

Tháng 2 năm 1938, Ngài tích cực vận động mua được 37 mẫu ruộng ở huyện Phụ Dực, tỉnh Thái Bình để làm cơ sở kinh tế tự túc cho Tăng Ny sinh trường Phật học sau này.

Tháng 8 năm 1938, Ngài cùng Hòa Thượng Thích Đại Hải ở chùa Dâu, Bắc Ninh sang tổ chức lễ Vu lan và quy y cho các Kiều bào ở Viên Chăn, Lào.

Năm 1940, Ngài dự trù mở mang khu chùa Yên Tử, mua thêm đất để làm nơi tu dưỡng và làm trường Cao đẳng Phật giáo sau này.

Năm 1941, thành lập trường Phật học của Ni chúng tại chùa Bồ Đề.

Năm 1943, Ngài phác thảo dự án kiến thiết tùng lâm: Trên diện tích 50 mẫu Bắc Bộ, xây dựng Chánh điện, Tổ đường, Tăng xá, thư viện, trường học, bệnh viện, nhà nghỉ cho viên chức, khu an dưỡng, nhà in, nghĩa trang, tháp cốt… Dự định xây dựng trong 10 năm.

Tháng 5 năm 1944, Ngài trình bày Dự án này tại Hội đồng hàng tháng Hội Phật giáo Bắc Kỳ và được Hội đồng nhất trí. Tháng 10 năm 1944 mua được 21 mẫu ruộng thuộc hai làng Vân Trai và Bình Vọng giáp ga Thường Tín, Hà Đông.

Cuối năm 1944, Hội Phật giáo Bắc Kỳ cùng các hội: Quảng Thiện, Tế Sinh, Hợp Thiện và các báo Trung Bắc Tân Văn, Ngọ Báo… thành lập Ban Cứu tế chùa Đông, chủ yếu giúp đỡ đồng bào thiếu quần áo, Ngài là đại diện của Hội Phật giáo Bắc Kỳ trong Ban này.

Đầu năm 1945, đồng bào miền Bắc gặp Nạn đói Ất Dậu, Ngài cùng Thượng Tọa Tố Liên, cư sĩ Thiều Chửu đứng ra thành lập Tổng hội Cứu tế, suy cử ông Nguyễn Văn Tố làm Hội trưởng. Do phải tập trung cứu giúp đồng bào gặp Nạn đói nên việc kiến thiết tùng lâm phải tạm ngưng. Trong năm này, khi lên Lạng Sơn mua gạo đem về Hà Nội cứu tế, bị cảnh binh Nhật bắt, giam tại chùa Thành bảy ngày để điều tra xuất xứ số gạo này có phải là số gạo hiến binh Nhật bị đánh cắp không. Do những hoạt động cứu tế tích cực của Hòa Thượng nên sau năm 1945, Chính phủ thành lập Bộ Cứu tế Xã hội, Ngài được mời làm Cố vấn cho Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố.

Tháng 6 năm 1945, Ngài và cư sĩ Thiều Chửu chủ trương nhật báo Tinh Tiến nhưng vì giấy khan hiếm nên chỉ ra mỗi tuần 3 kỳ vào các ngày thứ ba, năm và bảy. Số đầu tiên ra ngày 28/6/1945, số cuối cùng ra ngày 15/9/1945.

Năm 1946, Hòa Thượng soạn và bán được một số sách như Nghi thức tụng niệm hằng ngày, Khôn sống (sau này đổi tên thành Gia đình giáo dục), Truyện Phật Thích Ca, Phật học phổ thông, Phật học ngụ ngôn…

Đại lão Hoà thượng Thích Trí Hải 

Tháng 12 năm 1946, để chia sẻ khó khăn với cư sĩ Thiều Chửu, Ngài xuống Đan Thầm, huyện Thanh Oai, Hà Đông đưa 30 em mồ côi (trên 10 tuổi) tản cư kháng chiến về chùa Đông Kiệt, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, đồng thời tái thiết lại chùa này. Sau đó Ngài đưa các em về chùa An Ninh, huyện Phụ Dực, tỉnh Thái Bình, rồi lại di chuyển về chùa Mai Xá, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Hòa Thượng lấy tiền bán sách của mình và mượn thêm một số tiền nữa, cử các sư Tâm Giác, Quảng Thạc mua sắm nguyên vật liệu về nhờ người dạy các em dệt chiếu, làm nón… và tổ chức tăng gia sản xuất để tự túc.

Cuối năm 1949, được tỉnh thành lập Hội Tăng Ny Chỉnh lý Bắc Việt và tái thành lập Hội Việt Nam Phật giáo Ngài cử Sư ông Quảng Thạc đưa các em nói trên về trường Bảo trợ Thiếu niên nhi đồng ở chùa Quán Sứ, Hà Nội. Ít lâu sau Ngài cũng lên Hà Nội cùng Thượng Tọa Tố Liên mở trường Tiểu học Khuông Việt trong khuôn viên chùa Quán Sứ và làm các Phật sự khác.

Tháng 5 năm 1951, Hòa Thượng tham gia thành lập Tổng hội Phật giáo Việt Nam tại chùa Từ Đàm, Huế, và được bầu làm Phó Hội chủ khóa đầu tiên (Hội chủ là Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết).

Tháng 9 năm 1952, tham gia thành lập Giáo hội Tăng già Việt Nam tại chùa Quán Sứ, Hòa Thượng được bầu làm Trị sự trưởng (Tổ Cồn được suy tôn lên ngôi vị Thượng Thủ). Cũng tháng 11 năm này, Ngài được cử làm Phó trụ trì chùa Quán Sứ.

Tháng 10 năm 1953, Ngài và ông Tô Văn Đức dự lễ Rước Xá Lợi Phật ở Cao Miên. Ngày 25/11, làm Trưởng Ban Hưng công xây dựng trường Vạn Hạnh (giành cho Ni chúng) và kiến thiết chùa Hàm Long, Hà Nội (bị chiến tranh phá hủy).

Tháng 8 năm 1954, khi đất nước bị chia làm hai, dân chúng vẫn còn hoang mang giữa cảnh kẻ ở người đi, Hòa Thượng tự tay vẽ bản thiết kế và đứng ra xây dựng chùa Phật Giáo, Chi hội Phật giáo Hải Phòng. Ba tháng sau chùa hoàn thành và Hòa Thượng hành Đạo tại đây cho tới ngày viên tịch.

Tháng 4 năm 1958, ở miền Bắc, Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam được thành lập. Không biết vì lý do gì không có tên của Ngài trong Ban Trị sự Hội Phật giáo Thống nhất Trung ương

Năm 1964, theo yêu cầu của ông Trần Xuân Bách, Trưởng ban Tôn giáo Phủ Thủ tướng, cũng là người đồng hương, Hòa Thượng bắt đầu viết cuốn Hồi ký thành lập Hội Phật giáo Việt Nam.

Năm 1970, biên soạn cuốn Nhân gian Phật giáo đại cương.

Năm 1971, tham gia trùng tu chốn Tổ Bồ Đề, Gia Lâm, Hà Nội.

Năm 1971 – 1972, theo yêu cầu của hai ông Nguyễn Tài Thư và Chương Thâu thuộc Viện Triết học, Hòa Thượng dịch ba tác phẩm sau đây từ Hán văn sang Việt văn: Khóa hư lục, Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh và Phật giáo triết học. Trong ba dịch phẩm này, Trúc Lâm Tông chỉ nguyên thanh đã được Nhà xuất bản Khoa học xã hội xuất bản năm 1978 với lời ghi: “Cán bộ Ban Hán Nôm phụ trách biên dịch”.

Năm 1976, Hòa Thượng viết cuốn Phật giáo Việt Nam gửi Mặt trận Tổ quốc, Ban Tôn giáo Phủ Thủ tướng, Ban Tổng Trị sự Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam, góp ý cho việc thống nhất Phật giáo.

Năm 1979, Hòa Thượng vào thăm miền Nam bằng đường biển. Ngài được Pháp tử là Hòa Thượng Thích Quảng Thạc cùng Tăng Ny miền Nam cung kính như Phật sống và thay nhau thỉnh Ngài về chùa của mình để được cúng Giàng Ngài. Mỗi ngày Hòa Thượng phải giáng phúc từ hai đến ba chùa khác nhau. Từ miền Nam trở về, Hòa Thượng đem tất cả số tiền (do chư Tăng Ny Phật tử miền Nam cúng Giàng cho Ngài) đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc nhờ gửi ủng hộ cho đồng bào biên giới phía Bắc[6] (vì bấy giờ đang có chiến tranh ở các tỉnh biên giới phía Bắc).

Sau đó, trở về chùa Quán Sứ, dùng cơm xong Ngài nói với hai thị giả: “Về đợt này cụ sẽ đi thăm chùa Huỳnh Cung, Chân Tiên, Bồ Đề, Vạn Hạnh… rồi về Hải Phòng thăm lại một số ngôi chùa nữa là cụ về Cực Lạc. Nhưng cụ sẽ không ở đó lâu đâu, chỉ vài ngày thôi rồi trở lại cõi này ngay”.

Sau khi trở về chùa Phật Giáo, Hải Phòng, biết mình sẽ ra đi, Hòa Thượng có lời di chúc: “Thân tứ đại này tôi xin hoàn lại cho tứ đại. Hiện nay tôi còn một cái xe đạp và một cái đài. Đài thì tôi cho Sư ông Tính còn xe đạp thì nhờ Sư ông bán đi lấy tiền tống táng… Nguyện đời đời sẽ cùng các thiện tri thức tu theo Phật Pháp, cùng làm việc lợi ích chung, mong sao chuyển từ thế giới khổ đau đều thành thế giới Phật, hết thảy chúng sinh đều cùng chứng thành đạo quả”.

Ngày 30 tháng 6 năm 1979 (7/6 năm Kỷ Mùi), Hòa Thượng an nhiên thị tịch tại chùa Phật Giáo, Hải Phòng, hưởng thọ 74 tuổi, 54 Hạ lạp. Sự ra đi của Ngài để lại niềm tiếc thương vô hạn trong tâm khảm của những người con Phật.

Khi mới bước chân vào cửa Thiền, Hòa Thượng đã ôm ấp hoài bão Chấn hưng Phật giáo, phụng sự sư và rồi Ngài kiên trì theo đuổi, thực hiện hoàn mãn chí nguyện đó. Đến khi nhân duyên không cho phép, chịu nhiều điều o ép, Hòa Thượng vẫn đóng góp ý kiến của mình cho đại nghiệp thống nhất Phật giáo. Ngay khi sắp mãn báo thân, Ngài vẫn đau cái đau của đồng bào ruột thịt đang bị đau khổ trong cảnh khói lửa, chiến tranh. Nhưng, cho dù bất cứ ở đâu, lúc nào Ngài cũng sống trong bản tâm thanh tịnh, không nhân ngã, bỉ thử, hận thù. Điều đó thể hiện trong Lời Di chúc của Ngài: “Tôi xin những vị nào không ưa thích tôi, xin hãy xóa bỏ hận thù, để lòng từ bi hỉ xả, cắt mối oan khiên để tránh nghiệp quả sau này”. Tấm gương Đạo hạnh của Ngài vẫn sống mãi trong lòng Đạo pháp và Dân tộc.

Nam mô Thanh Minh bảo tháp, Ma ha Sa môn Tỳ Kheo Bồ Tát giới pháp húy Thích Thanh Thao, hiệu Trí Hải Tôn Sư Thiền tọa hạ tác đại chứng minh.

Vĩnh Nghiêm, ngày 27 tháng 7 năm 2007

 


[1] Sơn môn Tế Xuyên: Tổ đình Tế Xuyên tại xã Nhân Mỹ, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.

[2] Làng Quần Phương Trung chùa này bấy giờ rất thịnh vượng, có tới gần 30 mẫu ruộng, đình đám cúng lễ rất dầm uất, có đông các sư nên Sư cụ trụ trì mời thầy đồ về dạy chữ Nho cho chư Tăng và con em trong làng.

[3] Thuộc chốn Tổ Tế Xuyên.

[4] Bổn sư của sư cụ Thông Dũng là Tổ Phổ Trinh. Theo đó, Hòa Thượng Trí Hải theo kệ phái truyền thừa Lâm Tế Đại Việt: “Trí Tuệ Thanh Tịnh, Đạo Đức Viên Minh, Chân Như Tính Tính Hải, Tích Chiếu Phổ Thông, Tâm Nguyên Quảng Nhuận, Bản Giác Xương Long, Năng Nhân Thánh Quả, Thường Diễn Khoan Hoằng, Duy Truyền Pháp Ân, Chứng Ngộ Hội Dung, Kiên Trì Giới Định, Vĩnh Thiệu Tổ Tông”. Tham khảo: Lê Mạnh Thát, Toàn tập Minh Châu Hương Hải, NXB TP. Hồ Chí Minh, 2000, tr.21; Phạm Tuấn, “Hệ phái truyền thừa Lâm Tế Đại Việt” đăng trong Tạp chí Nghiên cứu Phật học, số 3-2007 (89), 15/5/2007, tr.6.

[5] Xin xem danh sách Ban Quản trị và Hội viên sáng lập trong Hồi ký thành lập Hội Phật giáo Việt Nam của Sa môn Trí Hải, NXB Tôn giáo, 2004, tr.28-32.

[6] Theo Thượng Tọa Thích Quảng Tùng, Ngài ủng hộ tất cả số tiền 29.000 đồng (giá vàng lúc bấy giờ là 350 đồng/1 chỉ. Ban Biên soạn).